Ô nhiễm không khí – kẻ thù chung của cả Đông Nam Á
Ra đường đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân tại các nước Đông Nam Á khi không khí nơi họ sinh sống bị ô nhiễm nặng nề.
Các thành phố Kuala Lumpur (Malaysia), Hà Nội, Jakarta (Indonesia), Cebu (Philippines) và Singapore (Singapore) thời gian qua luôn nằm trong top đầu danh sách các thành phố có chỉ số ô nhiễm cao nhất thế giới theo ứng dụng AirVisual.
AirVisual là thang đo chất lượng không khí của Mỹ được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Hệ thống này có chỉ số trải dài từ 0 đến 500, chỉ số càng cao càng cho thấy không khí càng bị ô nhiễm và gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, ứng dụng còn chỉ ra mức độ tập trung các hạt bụi mịn PM2.5 (hạt bụi kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 micromet – nhỏ hơn rất nhiều lần đường kính một sợ tóc), đơn vị đo là microgram/m3 với phổ kéo dài từ 0 đến 250 trở lên. Chỉ số PM2.5 càng cao cũng tương ứng với mức độ gia tăng khả năng gây hại cho sức khỏe con người.
Một con đường ở Indonesia ngập trong khói bụi. (Ảnh: Reuters)
Tờ Jakarta Post trong một bài viết đăng tải hồi đầu tháng 7 gọi ô nhiễm không khí là kẻ thù của Jakarta. Lượng bụi siêu mịn PM2.5 ở thủ đô của Indonesia trong nhiều tháng qua luôn được ghi nhận ở mức cao gấp 4 lần so với tiêu chuẩn tối đa do Tổ chức Y tế thế giới đặt ra.
Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí ở Jakarta cũng như nhiều thành phố khác ở Indonesia phần lớn là kết quả của tốc độ đô thị hóa, khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than, các hoạt động nông nghiệp theo mùa như đốt rừng lấy đất canh tác, sản xuất giấy và dầu cọ.
Chính quyền Indonesia phải áp dụng hàng loạt các biện pháp để giải quyết tình trạng nan giải hiện nay như áp dụng quy định lưu thông theo biển số chẵn/lẻ đối với xe ôtô trên nhiều tuyến đường nội đô, huy động hàng nghìn người tới dập tắt các đám cháy rừng, áp dụng những biện pháp và hình phạt nghiêm khắc với các cá nhân và tổ chức liên quan để xảy ra cháy rừng hoặc tạo mưa nhân tạo. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Điều đặc biệt đáng lưu tâm là nạn cháy rừng ở Indonesia không chỉ ảnh hưởng tới quốc gia này mà còn khiến các quốc gia láng giềng Singapore, Malaysia, Thái Lan bao trùm trong khói bụi.
Malaysia đã phải đóng cửa hàng nghìn trường học, phân phát miễn phí hàng triệu chiếc khẩu trang cho người dân và và đưa ra cảnh báo về sức khỏe với cộng đồng khi 11 trong 16 bang của Malaysia có chỉ số không khí xuống mức không an toàn.
Tòa tháp đôi Petronas tại thủ đô Kuala Lumpur bị bao phủ trong lớp sương dày đặc. (Ảnh: Reuters)
Theo quy định của Malaysia, chỉ số ô nhiễm không khí (API) từ 0-50 là “tốt”, từ 51-100 là “trung bình”, từ 101-200 là “có hại cho sức khỏe”, từ 201-300 là “rất độc hại” và từ 301 trở lên là “nguy hiểm”. Trường học sẽ phải đóng cửa ngay lập tức nếu chỉ số API được ghi nhận trong một tỉnh vượt ngưỡng 200. Tuy nhiên, nhiều nơi ở quốc gia này ghi nhận API chạm mốc 102-195, tệ nhất là tỉnh Rompin thuộc bang Pahang, trong khi thủ đô Kuala Lumpur ghi nhận API ở mức 158 điểm.
Video đang HOT
Singapore nhiều tuần qua cũng phải ban hành khuyến cáo y tế, cảnh báo người dân tránh ra đường vì mức độ ô nhiễm không khí tăng cao do cháy rừng ở Indonesia.
Thành phố Cebu, Philippines cũng đang phải chống chọi với những lớp khói mù dày đặc mà các vụ cháy rừng ở Indonesia mang tới. Chỉ số PM2.5 ở thành phố này hôm 18/9 là 56 microgram/m3, cao hơn mức an toàn là 50 microgram/m3.
Các cơ quan môi trường của Philippines khuyến cáo người dân tránh ra đường, đóng các cửa nếu ở trong nhà hoặc mang theo các thiết bị bảo vệ cá nhân nếu buộc phải ra đường khi thật cần thiết.
Ở Thái Lan, mức độ ô nhiễm nặng nhất được ghi nhân ở thủ đô Bangkok. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thậm chí còn phải phát đi thông báo khuyến cáo người dân Bangkok đeo khẩu trang ra đường khi thủ đô của Thái Lan chìm trong sương mù do ô nhiễm không khí.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan chìm trong sương mù. (Ảnh: CNA)
Mức an toàn với không khí mà chính phủ Thái Lan đặt ra là nồng độ của bụi mịn không vượt quá 50 microgram/m3. Tuy nhiên vào ngày 30/9, chỉ số ở nhiều khu vực tại Bangkok tăng lên mốc 79 microgram/m3.
“Người bạn của tôi nói rằng khi họ tới văn phòng, nước mũi của họ chảy ròng ròng, mắt thì đau. Họ ho cả ngày. Mọi chuyện không còn bình thường nữa”, Piyavathara Natthadana, một nhân viên văn phòng cho hay.
“Chúng tôi không thể làm gì nhiều. Chúng tôi phải theo dõi tin tức và bảo vệ chính mình”, Chakrapong Sanguanjit, một cư dân Bangkok khác cho biết.
Cùng với cảnh ngộ với hầu hết các thành phố lớn ở Đông Nam Á, Hà Nội những ngày qua cũng ghi nhận chỉ số ô nhiễm ở mức báo động.
Theo AirVisual, sáng 30/9, mức AQI của Hà Nội đo được mức đỉnh điểm là 288, trong đó cao nhất thuộc các khu vực: Bắc Từ Liêm (186), Hàng Đậu (187), Tô Ngọc Vân – Tây Hồ (275).
Đường Tây Hồ có những thời điểm AQI đạt ngưỡng 302 – ngưỡng đặc biệt nguy hiểm, báo động ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, cảnh báo mọi người không được ra ngoài.
Không chỉ riêng Hà Nội, mà sáng nay chỉ số AQI tại các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ ở mức cao, điển hình như các huyện Đông Hưng, Thái Thụy của tỉnh Thái Bình lần lượt là 239, 279; huyện Kiến An của Hải Phòng là 227 và Châu Khê của Bắc Ninh 229.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở mức đỉnh điểm trong nhiều ngày qua.
Hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương cũng chịu chung “số phận” khi AQI đo được cùng ngày tại 2 địa phương này lần lượt là 207 và 202.
Theo các chuyên gia, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, không khí ô nhiễm thường bắt nguồn từ chất thải các phương tiện tham gia giao thông như xe máy, xe bus và ô tô và các loại máy móc chạy bằng dầu ở các khu công nghiệp, công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ – làm việc tại khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, mặc dù các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ít hơn Hà Nội, nhưng do đặc thù thời tiết và nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực trạng ô nhiễm chung.
Vị giáo sư này phân tích, nếu thời tiết thuận lợi thì lượng khí thải cũng dễ được phát tán và bay đi nhanh hơn, trả lại bầu không khí bình thường. Ngược lại, nếu thời tiết xấu, khí thải lơ lửng không thoát đi được dẫn đến chỉ số AQI luôn ở mức cao.
Một nguyên nhân khác, theo giáo sư Cơ, miền Bắc đang vào mùa lá khô, khắp nơi rơm rạ, rác thải đều gom và đốt cùng nhau khiến lượng khí thải ra môi trường lớn hơn bình thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến chỉ số chất lượng không khí AQI đo được ở các khu vực trên cao đột biến.
Mặc dù Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc đang triển khai nhiều biện pháp để cải thiện tình hình, nhưng thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng vẫn đang đe dọa sức khỏe người dân từng ngày. Đây cũng là nỗi lòng chung các thành phố Đông Nam Á khác.
Đặc biệt, nếu Indonesia không giải quyết tình trạng cháy rừng, vốn là vấn nạn “đến hẹn lại nên”, môi trường của nhiều quốc gia Đông Nam Á chắc chắn sẽ khó thoát cảnh ô nhiễm nhiều năm tới.
(Tổng hợp)
SONG HY
Theo VTC
Ô nhiễm tăng, Thái Lan phát máy lọc không khí cho trường học ở Bangkok
Bộ Giáo dục Thái Lan sẽ giao lô máy lọc không khí đầu tiên cho 37 trường công lập ở Bangkok và vùng lân cận trong vòng hai tuần tới trong nỗ lực chống tình trạng ô nhiễm tăng cao.
"May mắn thay, hầu hết trường học đang nghỉ, vì vậy tác động khói mù khá hạn chế. Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ quay trở lại khi mùa đông đến, vì vậy chúng tôi cần chuẩn bị các biện pháp trước", Kraiserm Tohtubtiang, thư ký của Bộ trưởng Giáo dục, nói với các phóng viên tại họp báo hôm 1/10 công bố máy lọc không khí.
Bộ đã yêu cầu Văn phòng Ủy ban Giáo dục nghề nghiệp (Ovec) sản xuất 10.000 máy lọc không khí giá rẻ và phân phối chúng đến các trường học ở những khu vực dễ bị bụi bẩn.
Các máy lọc không khí, có giá lên tới 2.000 baht mỗi chiếc, có ba loại - một loại sử dụng nước, một loại có bộ lọc PM2.5 bên trong và máy lọc không khí cho ôtô.
Máy lọc không khí được trưng bày tại Bộ Giáo dục sẽ được phân phối cho 37 trường học công lập quanh Bangkok trong hai tuần tới. Ảnh: Bangkok Post.
"Một khi các máy lọc không khí đã được giao và thử nghiệm, chúng tôi sẽ kêu gọi các cơ quan chính phủ khác đặt hàng với Ovec," ông nói.
Theo Bangkok Post, cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA) đã công bố kế hoạch lắp đặt một tháp thanh lọc không khí ở trung tâm Bangkok.
Hôm 1/10, Chatree Watanakhajorn, Giám đốc Sở Môi trường của BMA, cho biết tòa tháp đầu tiên sẽ được đặt gần trạm Siam BTS trong tháng này.
Nếu máy lọc không khí khổng lồ chứng tỏ hiệu quả, nhiều máy khác sẽ được lắp đặt trên khắp Bangkok, ông nói.
Một công ty tư nhân và Đại học Kasetsart đã cùng nhau đề xuất xây dựng tòa tháp với giá 5,3 triệu baht.
Nếu tòa tháp cao khoảng 4 mét, rộng 1,5 mét và nặng khoảng 200 kg chứng tỏ khả năng giảm ô nhiễm khói mù, BMA sẽ yêu cầu các công ty, cửa hàng bách hóa và các đoàn thể đặt tháp trong khuôn viên của họ. Cấu trúc có thể làm sạch không khí trên diện tích 1.000 mét vuông.
Ông Chatree nói thêm rằng BMA cũng đang tìm mua 6 xe tải phun nước để giảm khói mù. Tòa thị chính đang chờ tài trợ để được hội đồng thành phố chấp thuận.
Theo Zing.vn
Người nước ngoài ở HN: 'Ô nhiễm không khí sẽ buộc tôi phải chuyển đi' Trưa ngày 1/10, Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo AirVisual. Nhiều người nước ngoài đang làm việc ở thủ đô cho biết ô nhiễm có thể buộc họ phải chuyển đi nơi khác. Jake Mallalieu, 28 tuổi, đến từ Anh và tới Hà Nội hàng năm từ tháng 9 đến tháng 5 để dạy tiếng Anh, nói đây...