Ô nhiễm không khí đâu chỉ có bệnh hô hấp, đột quỵ
Mặc dù số ca nhập viện do bệnh hô hấp, đột quỵ tăng đột biến trong những đợt ô nhiễm không khí, nhưng theo chuyên gia, đây vẫn chưa phải là những tác động nặng nề nhất mà con người sẽ phải gánh chịu nếu không có những biện pháp bảo vệ môi trường sống.
Chuyên gia chỉ ra ô nhiễm không khí có thể làm kéo dài thời gian điều trị bệnh hô hấp ở trẻ (ảnh minh họa)
Bệnh nhân gia tăng trong ngày ô nhiễm không khí
Ghi nhận tại Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy, số lượng bệnh nhân tới khám liên quan tới hô hấp gia tăng đột biến trong những đợt ô nhiễm không khí. Theo tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Thanh Vân, phòng khám Nhi Bệnh viện Phổi Trung ương, chưa thể khẳng định bệnh nhân mắc bệnh do ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vào thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh kết hợp ô nhiễm không khí nặng thì lượng bệnh nhân tăng lên so với thông thường. Cụ thể, trong đợt ô nhiễm không khí cuối năm 2020, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 40-50 trẻ tới khám. Trong đó, có nhiều bệnh nhân tái hen, khò khè cũng như viêm phổi…
Tiến sĩ – bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính Bệnh viện Phổi Trung ương, thông tin, trên thế giới, mỗi năm có 7 triệu người tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí (trong đó liên quan đến 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi), 4 triệu trường hợp tử vong do nhiễm trùng hô hấp dưới. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong 12 nước có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới. Đây là một trong những yếu tố tác động, kết hợp làm khởi phát cấp tính các bệnh lý hô hấp như hen phế quản, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các nhiễm trùng hô hấp cấp tính…
Lý do, phổi là cơ quan tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với không khí. Khi không khí bị ô nhiễm, quá trình trao đổi chất sẽ bị ảnh hưởng, gây viêm mạn tính, giải phóng các gốc tự do làm các tế bào suy giảm. Cũng theo các chuyên gia, trong điều kiện chất lượng không khí suy giảm, những người có cơ địa dị ứng có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức, những người mắc các bệnh mạn tính cũng có nguy cơ tái phát, diễn tiến nặng hơn bình thường…
“Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người hiện tại sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.
Ô nhiễm không khí và những con số “biết nói”
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, chuyên gia môi trường có nhiều năm theo đuổi vấn đề ô nhiễm không khí, cho biết đang tiến hành một nghiên cứu, đánh giá về tác động của tình trạng này tới sức khỏe của người dân TP.Hà Nội và dự kiến có kết quả trong nửa đầu năm 2021. Nghiên cứu sẽ chỉ ra tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe của người dân Hà Nội ở những khu vực khác nhau, dựa trên số liệu thống kê tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, các trạm quan trắc không khí tại Hà Nội.
Vị chuyên gia này khẳng định, ô nhiễm không khí, trong đó bụi mịn (PM 2.5), bụi siêu mịn (PM 1) và khí NO2 là những yếu tố tác động mạnh nhất tới sức khỏe của người dân. Trong đề tài Tác động ô nhiễm không khí lên số ca nhập viện ở trẻ em Hà Nội được tiến sĩ Nhung quan sát, thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong thời gian từ năm 2009-2014 cho thấy, số trẻ nhập viện do đường hô hấp trên gia tăng trong những đợt ô nhiễm không khí và tỷ lệ này giảm đi khi chất lượng không khí được cải thiện. Các căn bệnh chủ yếu có liên quan bao gồm bệnh phổi, phế quản và hen phế quản.
Video đang HOT
Kết quả cũng nêu ra, tác động này ở trẻ em lớn (1-5 tuổi) cao hơn trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi). Sự gia tăng nồng độ ô nhiễm O3 (ozone) có thể kéo dài thời gian nằm viện do bệnh hô hấp dưới của trẻ em Hà Nội. Đặc biệt, khi lượng khí NO2 – từ nguồn phát thải là xăng xe máy, dầu ô tô tăng lên 60g/m3 thì số ca nhập viện lại tăng thêm một ca. Tiến sĩ Nhung khẳng định: “Kết quả nghiên cứu đã xác nhận mối liên quan chặt chẽ giữa ô nhiễm không khí bên ngoài và sự gia tăng số ca nhập viện của trẻ em TP.Hà Nội”.
Bên cạnh đó, trong đề tài nghiên cứu Ô nhiễm không khí liên quan đến số ca nhập viện do tim mạch, hô hấp được thực hiện tại ba tỉnh, thành là Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh trong thời gian 2009-2016, tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung cũng chỉ ra tỷ lệ thuận giữa việc gia tăng bụi mịn và số ca nhập viện vì đột quỵ. Cụ thể, khi PM 2.5 tăng lên 65g/m3, số ca nhập viện do đột quỵ cũng tăng tới 15%. “Ngoài ra, tại Phú Thọ, chúng tôi còn phát hiện được khí SO2 – dù chưa xác định được nguồn thải. Khí này gây ảnh hưởng tới tuần hoàn máu và tác động tới tim mạch của người dân khi trực tiếp hít phải”, tiến sĩ Nhung cảnh báo.
Cũng theo vị chuyên gia môi trường, số ca nhập viện liên quan tới ô nhiễm môi trường vẫn chưa chỉ ra tác động nặng nề nhất: “Một đứa trẻ nếu lớn lên trong điều kiện ô nhiễm không khí, phổi phải tiếp xúc lâu dài với bụi mịn, bụi siêu mịn thì nguy cơ sẽ dẫn tới các bệnh phổi mạn tính. Số ca nhập viện tăng cũng đồng nghĩa với việc suy giảm sức khỏe lao động và ảnh hưởng tới cuộc sống sau này. Đây là những điều chưa nhìn thấy ngay được nhưng có tác động đặc biệt nghiêm trọng với trẻ em”.
Sử dụng phương tiện công cộng để giảm phát thải
Để phòng tránh tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài khi không có việc cần thiết, đóng cửa sổ để làm giảm tác động của bụi mịn. Lưu ý, không nên để người già và trẻ em tập thể dục hay vui chơi ngoài trời vào thời điểm không khí ô nhiễm nặng. Điều quan trọng nhất, mỗi cá nhân cần có ý thức để hạn chế phát thải bằng cách sử dụng các phương tiện công cộng.
Tiến sĩ Nhung nói: “Chính phủ cần vào cuộc để xử lý vấn đề này. Để nâng cao ý thức cá nhân, đây là vấn đề khó thực hiện trong ngày một, ngày hai mà phải cải thiện dần dần từ gốc. Nói cách khác, phải đưa vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường, không khí vào nhà trường thật sớm để hình thành thái độ ứng xử chuẩn mực ngay từ thế hệ nhỏ tuổi”.
Vị chuyên gia cũng nêu vấn đề khiến bà trăn trở trong thời gian gần đây, đó là việc lạm dụng dịch vụ giao hàng nhanh. “Như chúng ta đã biết, NO2 được phát thải chủ yếu từ phương tiện giao thông. Trong khi đó, các dịch vụ như giao hàng, giao đồ ăn nhanh hiện rất phổ biến với mức phí rẻ, nhiều người sử dụng. Nhưng hầu hết chưa nhận thức được, dịch vụ góp phần làm chất lượng không khí ngày càng xấu hơn”, tiến sĩ Nhung chia sẻ và kiến nghị cần gia tăng mức phí, trong đó có phí môi trường để hạn chế người dân sử dụng dịch vụ này.
Làm gì để bảo vệ trẻ trước ô nhiễm không khí
Các bậc cha, mẹ cần ý thức được mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí và học cách bảo vệ con em mình trước ô nhiễm không khí. Có nhiều biện pháp đơn giản, tốn kém ít chi phí có thể được thực hiện.
Ảnh minh họa: Báo Sức khỏe đời sống.
Ở các thành phố lớn, chúng ta vẫn thường nhận được cảnh báo về tình trạng chất lượng không khí hàng ngày ở mức độ kém, xấu, thậm chí là rất xấu với những cảnh báo như là: Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều bậc phụ huynh thờ ơ về vấn đề bảo vệ trẻ em trước ô nhiễm không khí.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, "chính không khí chúng ta hít thở đang bị ô nhiễm một cách nguy hiểm, cứ 10 người thì có 9 người hít thở không khí ô nhiễm, khiến 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm. Ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí là nghiêm trọng - 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và bệnh tim là do ô nhiễm không khí".
Ô nhiễm không khí có tác hại khủng khiếp đến sức khỏe của trẻ em, vì phổi của trẻ em vẫn đang trong quá trình phát triển và do chúng năng động hơn nên hít thở nhiều hơn và cũng có thời gian ở bên ngoài trời nhiều hơn so với người lớn.
Cũng theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí cả ở trong nhà và ngoài trời đã gây nên bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dẫn đến 543.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vào năm 2016. Theo nhiều nghiên cứu khác, ô nhiễm không khí gây ra những tổn thương không thể phục hồi ở phổi của trẻ em dẫn đến nhiều bệnh mãn tính về hô hấp. Ngoài ra, còn có nhiều tác động tiêu cực khác như ảnh hưởng đến phát triển của não, suy giảm miễn dịch, tự kỷ, chỉ số thông minh thấp hay chứng đột tử và còi xương.
Chính vì vậy, mỗi bậc phụ huynh cần ý thức được mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí và học cách bảo vệ trẻ em trước ô nhiễm không khí. Có nhiều biện pháp đơn giản, tốn kém ít chi phí có thể được thực hiện.
Ảnh minh họa: Báo Khoa học và Phát triển.
Tạo thói quen theo dõi thông tin về chất lượng không khí
Để bảo vệ trẻ em, trước hết chúng ta cần tạo ra thói quen kiểm tra thông tin về chất lượng không khí ở mọi nơi, cũng như việc chúng ta theo dõi thời tiết để mặc áo ấm cho trẻ vậy. Việc theo dõi thường xuyên sẽ giúp ta có kiến thức về ô nhiễm theo mùa, và theo thời gian trong ngày để bố trí lịch sinh hoạt, vui chơi, phù hợp cho trẻ. Cần kiểm soát thời gian vui chơi/đi lại ngoài trời của trẻ dựa theo chất lượng không khí. Vào những ngày chất lượng không khí ở mức độ thấp nên cho trẻ vui chơi trong nhà thay vì ngoài trời.
Theo dõi chất lượng không khí là cần thiết không chỉ ở ngoài trời mà cả trong nhà và trên xe ô tô. Vì rằng không khí ở khắp mọi nơi, việc nắm bắt thông tin về chất lượng không khí ngoài trời là cần thiết, nhưng chưa đủ để chúng ta đảm bảo con trẻ được hít thở không khí trong lành, hay chí ít là không quá tệ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng không khí trong ô tô có thể ô nhiễm hơn 25% so với ngoài trời.
Đeo khẩu trang thường xuyên
Việc đeo khẩu trang thường xuyên trong những ngày chất lượng không khí xấu sẽ giúp bảo vệ hệ hô hấp của trẻ. Các bậc cha, mẹ nên lựa chọn những khẩu trang chất lượng cao với màng lọc bảo vệ phù hợp với trẻ và tập cho trẻ thói quen đeo khẩu trang thường xuyên khi ra ngoài trời trong điều kiện chất lượng không khí kém. Tuy nhiên, cần lưu ý hạn chế vận động mạnh khi đeo khẩu trang. Đã có những báo cáo về trường hợp nguy hiểm đến sức khỏe khi sử dụng khẩu trang trong lúc chơi đùa hoặc tập thể thao.
Kiểm soát chất lượng không khí trong nhà
Việc kiểm soát chất lượng không khí trong nhà là vô cùng cần thiết vì chúng ta hầu như không thể làm gì với chất lượng không khí bên ngoài nhưng có thể cải thiện chất lượng không khí bên trong ngôi nhà của mình.
Ngoài ra, không khí trong nhà dễ bị ô nhiễm hơn là ta tưởng. Nó đến từ việc nấu ăn, sử dụng chất tẩy rửa, sơn, nước xịt phòng, keo dán hay là thuốc lá. Sử dụng máy lọc không khí, quạt hút gió, thiết kế cửa sổ kín hơn là một vài cách thức có thể làm được. Tuy nhiên, trước hết là chúng ta phải biết chất lượng không khí ở trong nhà ở mức độ nào đã. Một số thiết bị đơn giản với chi phí hợp lý để theo dõi chất lượng không khí trong nhà là thiết bị cần thiết trong các gia đình ngày nay.
Ảnh minh họa: VnReview.
Sử dụng máy lọc không khí
Hít thở không khí sạch trong giấc ngủ sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ trong giai đoạn phát triển, hạn chế nhiều những tổn thương ở phổi khi ra ngoài trời ban ngày trong điều kiện chất lượng không khí kém. Nếu có điều kiện, hãy trang bị máy lọc không khí trong phòng ngủ của trẻ để đảm bảo rằng con trẻ được ngủ trong môi trường trong lành hơn. Trên thị trường có nhiều loại máy lọc không khí có giá thành tương đối phải chăng, phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều gia đình.
Ảnh minh họa.
Sử dụng cây cảnh làm máy lọc không khí tự nhiên
Theo nghiên cứu của NASA, một số loại cây tự nhiên có thể hấp thụ ô nhiễm hữu cơ trong nhà, giúp làm sạch không khí. Một số loại rất dễ trồng ở Việt Nam và có thể tìm mua không mấy khó khăn như: dương xỉ, thiết mộc lan, lô hội, phượng vĩ thảo hay cúc đồng tiền.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Có nhiều cách tăng cường sức đề kháng cho trẻ được các bà mẹ áp dụng, từ việc ăn uống khoa học cho đến bổ sung vitamin hay thực phẩm chức năng đắt đỏ. Tuy nhiên, việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ có thể được tiến hành không hề tốn kém, miễn là chúng ta lưu tâm và thực hiện thường xuyên hàng ngày. Đó là súc miệng bằng nước muối loãng và sử dụng nước mật ong. Súc miệng bằng nước muối sẽ giúp đường mũi họng của trẻ được sạch sẽ và uống nước mật ong hàng ngày giúp chúng phát triển khả năng miễn dịch chống lại nhiễm trùng.
Duy trì hoạt động và thường xuyên tập thể dục
Nếu được, nên cho trẻ vận động thường xuyên ở những nơi chất lượng không khí tốt. Ví dụ như tập luyện, chơi đùa trong nhà thay vì ở ngoài trời. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo rằng nếu điều kiện trong nhà không cho phép thì việc tập thể dục ngoài trời dù chất lượng không khí bên ngoài kém vẫn tốt hơn là không tập thể dục.
Và cuối cùng, một việc dễ nhất chúng ta có thể làm ngay trong hôm nay để bảo vệ trẻ em trước ô nhiễm không khí: hãy giữ ngôi nhà của mình sạch sẽ nhất có thể. Thường xuyên lau dọn nhà cửa, giữ không khí được lưu thông tốt, không hút thuốc, tránh ẩm mốc và rác thải. Điều đó sẽ giúp tạo ra môi trường không khí tốt hơn trong ngôi nhà của bạn. Lưu ý rằng, chúng ta không nên lạm dụng chất tẩy rửa để làm sạch ngôi nhà của mình. Lau dọn hàng ngày bằng nước sạch là đủ.
Bụi mịn "sát thủ" ẩn mình trong nhà Trong cùng một nồng độ khí bị ô nhiễm, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ sẽ cao gấp đôi so với người trưởng thành. Nhiều khu vực liên tục có mức độ không khí xấu. Ảnh minh họa. Đáng lưu ý, bụi mịn được sản sinh từ những hoạt động thường ngày đơn giản nhất và ở khắp "ngóc ngách"...