Ô nhiễm dầu nhớt trong nguồn nước là loại ô nhiễm tồi tệ nhất
Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, ô nhiễm dầu nhớt trong nước là loại ô nhiễm rất nguy hiểm, phức tạp, có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe con người.
Dầu vết chất thải dầu nhớt được phát hiện ở đầu nguồn nước dẫn vào nhà máy nước sạch Sông Đà (ảnh: N.H)
Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, ô nhiễm dầu nhớt là một loại ô nhiễm phức tạp. Do dầu nhớt không phải là một chất mà là một hỗn hợp bao gồm hàng trăm chất khác nhau bao gồm các chất vòng thơm, các chất mạch thẳng ngắn hoặc dài, v.v… Các chất nhẹ hơn nước thì nổi phía trên tạo thành lớp màn trên bề mặt, các chất nặng hơn nước thì chìm xuống dưới tích tụ trong trầm tích dưới đáy, có thể ảnh hưởng đến cá và sinh vật ăn đáy. Vì thế, việc tẩy rửa ô nhiễm dầu là một việc làm không dễ dàng, tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Ngoài ra, dầu đã qua sử dụng trong máy móc, xe cộ còn có thể chứa các kim loại nặng như kẽm, chì và cadmium.
Theo TS. Vũ, các chất trong dầu nhớt có thể nhiễm vào cơ thể nhanh qua 2 đường chính là thở và ăn uống rồi vào máu rất nhanh. Theo máu một số hợp chất trong dầu nhớt được phân bố khắp cơ thể và nhanh chóng phân hủy thành các hóa chất khác có độ độc cao hơn hoặc thấp hơn. Bên cạnh đó, có một số chất khó phân hủy hơn có thể tích lũy trong các mô trong cơ thể.
Ngoài ra, các chất trên còn có thể nhiễm qua đường da khi tiếp xúc trực tiếp, tuy nhiên chậm hơn so với hai đường thở & ăn uống phía trên. Việc đào thải các chất độc chủ yếu qua đường tiểu và thở.
Ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm các chất trong dầu nhớt phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại hợp chất hóa học có trong thành phần ô nhiễm; thời gian tiếp xúc và lượng hóa chất tiếp xúc. Mỗi hợp chất khác nhau trong dầu nhớt ảnh hưởng đến cơ thể theo những cách khác nhau. Điển hình các hợp chất nhỏ như benzen, toluene và xylene, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của con người. Nếu tiếp xúc trong một thời gian dài, tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống thần kinh trung ương có thể xảy ra. Nếu phơi nhiễm đủ cao có thể dẫn đến chết người.
Video đang HOT
Hợp chất n-hexane có trong dầu nhớt ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương theo một cách khác, gây ra một rối loạn thần kinh gọi là “ bệnh thần kinh ngoại biên” (peripheral neuropathy) đặc trưng bởi tê ở bàn chân và chân, trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tê liệt.
Nuốt một số sản phẩm dầu mỏ như xăng và dầu hỏa gây kích ứng da, mắt, cổ họng và dạ dày, suy nhược hệ thống thần kinh trung ương, khó thở và viêm phổi. Một số các hợp chất cũng có thể ảnh hưởng đến máu, hệ thống miễn dịch, gan, lá lách, thận, thai nhi đang phát triển.
TS. Vũ cũng cho hay, do trong dầu nhớt có quá nhiều chất nên hiện nay không có xét nghiệm y tế nào cho thấy liệu bạn đã nhiễm tổng lượng dầu nhớt hay chưa. Tuy nhiên, có các phương pháp để xác định xem bạn có tiếp xúc với một số hợp chất, hoặc sản phẩm có trong dầu nhớt hay không. Ví dụ, n-hexane có thể được đo trong nước tiểu. Benzen có thể được đo trong không khí thở ra và một chất chuyển hóa của benzen, phenol, có thể được đo trong nước tiểu.
“Tóm lại, ô nhiễm dầu nhớt trong nước là một loại ô nhiễm rất nguy hiểm và phức tạp. Nếu việc ô nhiễm này đã xảy ra ở nguồn nước dùng để cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng thì cần phải nhìn nhận vấn đề thật nghiêm túc, và xử lý thật cẩn thận nếu không thì hậu quả xấu đến sức khỏe của người dân sẽ là khôn lường. Bà con trong vùng nên cẩn thận cho đến khi có những kết quả kiểm tra rõ ràng và nguồn nước sạch trở lại, tạm thời bà con không nên sử dụng nước này để uống; không sử dụng nước này để rữa rau, vo gạo và hoặc những việc khác tiếp xúc trực tiếp đến đồ ăn”, TS. Vũ khuyến cáo.
Liên quan đến vụ việc nước sinh hoạt có mùi “lạ”, trả lời báo chí tại họp báo thường kỳ sáng 14/10, ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục phó Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường dẫn báo cáo từ Sở Tài nguyên Môi trường Hòa Bình “người dân phản ánh phát hiện xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến tối 8/10. Sau đó địa bàn có mưa to dẫn đến dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm xã Phú Minh và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà”.
Theo baogiaothong
TS Việt tại Mỹ chỉ ra 3 mùi vị đặc trưng khi nước bị ô nhiễm
Ô nhiễm nước sinh hoạt qua cảm quan bằng mùi cũng được nhiều tài liệu đưa ra hướng dẫn. Khi phát hiện nước có mùi lạ, mùi váng dầu, háo chất thì tuyệt đối không dùng đun uống, nấu ăn, rửa rau, vo gạo...
Nước có mùi khác lạ là do chất rửa tẩy hay hóa chất có lẫn trong nước.
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA đã có những chia sẻ về cách nhận biết mùi của nước sinh hoạt khi bị ô nhiễm. Qua đó, người dân có thể biết cách nhận biết nước sinh hoạt có ô nhiễm hay không.
Ô nhiễm nước sinh hoạt qua "cảm quan về mùi" được TS Vũ tổng hợp từ một số nguồn tin cậy như đại học Georgia, Sở Y Tế Minessota ở Mỹ, khiến người đọc dễ nhận biết đâu là nước không sạch.
Thứ nhất: Chất rửa tẩy (bleach), hóa chất hoặc dược liệu
Các nhà cung cấp nước công cộng thường khử trùng nước bằng clo để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Mức clo tự do thường có trong nước uống từ hệ thống nước công cộng là 0,2 - 2,0 phần triệu (ppm, part per million), mặc dù ở một số nơi có thể lên tới 5,0 ppm. Mùi do bổ sung clo thường biến mất sau khi nước tiếp xúc với không khí trong vài phút.
Ngoài ra, việc thêm clo vào để làm sạch hệ thống ống nước cũng tạo ra mùi clo mạnh. Tuy nhiên, mùi thuốc tẩy sẽ mất khi clo tan và bốc hơi hoàn toàn. Do vậy, trong trường hợp này nên để vòi nước chảy ra bên ngoài và để nước chảy cho đến khi hết mùi trong hệ thống.
Thứ hai: Mùi trứng ung (lưu huỳnh), mùi hôi hoặc mùi giống như nước thải
Thông thường, sự xuất hiện các mùi này là do nhiễm khuẩn. Hoạt động của các vi khuẩn này thường sinh ra khí hydrogen sulfide (H2S) có mùi như trứng ung.
Để kiểm tra vị trí nhiễm khuẩn người ta thường làm các cách sau:
Xác định khuẩn ở trong nguồn nước hay ở trong hệ thống thải: Đổ đầy một ly nước từ bồn rửa có mùi, sau đó bước ra khỏi bồn và quậy ly nước vài lần. Nếu vấn đề là từ hệ thống xả, nước trong ly sẽ không có mùi và bạn phải làm sạch hệ thống thải. Một trong các cách là "sốc clo" (sử dụng chất rửa tẩy) hệ thống thải để xử lý vi khuẩn. Ngược lại, nếu nước xả có mùi thì bạn phải kiểm tra tiếp...
b. Kiểm tra vòi nước nóng lạnh, nếu mùi hôi chỉ từ vòi nước nóng thì có thể hệ thống làm nóng nước đã bị nhiễm khuẩn. Cần phải kiểm tra hệ thống này, làm sạch hoặc thay thế các bộ phận nếu cần thiết. Thông thường, mùi bắt nguồn từ thanh kim loại magiê làm gia nhiệt trong bể nước nóng.
c. Nếu mùi hôi từ vòi nước lạnh thì khả năng rất cao là sự nhiễm này bắt nguồn từ nguồn nước! Cần phải ngưng sử dụng nước và thông báo ngay đến đơn vị cung cấp nước để xử lý kịp thời.
Thứ 3: Mùi dầu mỏ, xăng, nhựa thông, mùi giống như nhiên liệu hoặc dung môi
Hiện tượng này hiếm xảy ra trong nước sinh hoạt, tuy nhiên nếu xảy ra thì nó chứa đựng nguy cơ nghiêm trọng. Mùi này có thể là do các nguyên nhân sau làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước của bạn: bể chứa nhiên liệu bị rò rỉ gần đó, nguồn xả thải từ các nhà máy hoặc bãi chôn lấp, nước thải từ các hoạt động nông nghiệp.
Trong trường hợp này cần ngưng sử dụng ngay nguồn nước cho việc ăn uống vì nó sẽ có thể gây hại cho sức khỏe như gây bệnh thiếu máu, tăng nguy cơ ung thư hoặc làm suy gan, suy thận, v.v...
Tại Hà Nội khu vực người dân phát hiện nước có mùi lạ, mùi váng dầu, nhựa khét. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn không có cơ quan chức năng nào lên tiếng khuyến cáo người dân ngừng hay tiếp tục sử dụng nước.
Người dân tạm thời không nên sử dụng nước có mùi lạ để uống, nấu ăn. Người dân cũng không sử dụng nước này để rửa rau, vo gạo và hoặc những việc khác tiếp xúc trực tiếp đến đồ ăn.
Theo infonet
Hiến xác cho y học, mong cứu được bệnh nhân duy nhất trên thế giới Thế giới ghi nhận chỉ có 2 trường hợp mắc bệnh về thần kinh hiếm gặp chưa được đặt tên; một người vừa qua đời ở Mỹ và gia đình cậu hiến xác cho y học, hy vọng giúp tìm ra thuốc chữa cho bệnh nhân còn lại - một cô bé người Hàn Quốc. Mitchell Herndon chơi iPad cùng em gái Miranda...