Ô nhiễm bụi và sương mù quang hóa là hiện tượng thường gặp lúc giao mùa
Về việc gia tăng mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 và hiện tượng sương mù quang hóa, Tổng cục Môi trường nhận định, đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn gây ô nhiễm.
Ngày 1/10, thông tin từ Tổng cục Môi trường ( Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, liên tục những ngày tháng 9/2019, chất lượng không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức kém, có hại cho sức khỏe; ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hoá gây cản trở tầm nhìn.
Về việc gia tăng mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 và hiện tượng sương mù quang hóa, Tổng cục Môi trường nhận định, đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn gây ô nhiễm.
Ô nhiễm luôn ở mức cao
Tại Hà Nội, từ ngày 12-29/9, chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Hà Nội đang trong những ngày báo động về chất lượng không khí. Ảnh: Lê Phú
Theo số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng trong thời gian từ ngày 12-17/9, sau đó giảm từ ngày 18-22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23-29/9. Từ ngày 15-17/9 và 23-29/9 có đến trên 75% giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT. Đặc biệt trong các ngày từ 25-29/9, toàn bộ các trạm đều có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT.
Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí AQI tại các trạm trong các ngày từ 12-29/9 cho thấy, chỉ có 5/18 ngày có AQI ở mức trung bình, các ngày còn lại chỉ số AQI luôn ở mức kém. AQI có xu hướng gia tăng và duy trì ở mức cao trong các ngày từ 23-29/9, nhiều trạm AQI ngày đã tăng cao gần tới mức xấu, đặc biệt trong ngày 29/9 còn ghi nhận giá trị AQI ngày của trạm Đại sứ quán Mỹ đã vượt mức xấu (AQI>200).
Video đang HOT
Các khoảng thời gian ghi nhận giá trị bụi PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm và chỉ số AQI giờ những khoảng thời gian này cũng ở mức kém (AQI>100), thậm chí có những giờ lên đến mức xấu (AQI>200). Đặc biệt, trong sáng ngày liên tiếp các ngày từ 25-30/9 ghi nhận một số trạm AQI giờ đã vượt ngưỡng 200, ở mức xấu. Tuy nhiên, AQI giờ ở mức xấu chỉ có tại 1 số vị trí và có tính thời điểm ở các trạm Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, Sứ quán Mỹ và 556 Nguyễn Văn Cừ, tập trung vào khung giờ 0h-6h. Trong đó, từ 27-30/9 là những ngày có nhiều trạm và nhiều giờ AQI ở mức xấu nhất trong 2 tuần từ 12-30/9.
Theo Tổng cục Môi trường, qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay cho thấy, nồng độ bụi PM10 và PM2.5 có xu hướng giảm. Đối chiếu với kết quả quan trắc từ trạm quan trắc của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong giai đoạn từ 2016 – 2018 cũng cho thấy xu hướng tương ứng đối với nồng độ PM2.5.
So sánh nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng qua các năm từ 2013- 2019 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng năm 2019 có xu hướng giảm qua các năm. Riêng tháng 9/2019, nồng độ bụi tăng mạnh so với các tháng trước đó và so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.
Biến động ô nhiễm phụ thuộc vào thời tiết
Tổng cục Môi trường nhận định, xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc của Việt Nam, trong đó có Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.
Các công trình đang xây dựng phát sinh bụi, mắt thường cũng ko nhìn thấy nóc của Tòa nhà Lotte trên đường Đào Tấn, Liễu Giai. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Nguyên nhân bụi PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Vào thời gian sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.
Theo dõi về lượng mưa trong tháng 9 các năm từ 2013-2019 cho thấy, năm 2019 có lượng mưa thấp nhất, liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21-30/9/2019), toàn bộ khu vực Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa (cuối mùa mưa, đầu mùa khô), điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán các chất ô nhiễm trong không khí, cũng như làm xuất hiện tượng sương mù quang hóa. Chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn thành phố mang tính chu kỳ vào khoảng 6 -7 ngày trong khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm. Năm nay, hiện tượng này đã xảy ra trong thời gian từ ngày 18-22/9. Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ ngày 1-23/9 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí, tuy nhiên nồng độ bụi PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.
Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, trong khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, với đặc điểm thời tiết giao mùa, ban ngày nắng khá mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là vào buổi đêm và sáng sớm. Do đó, người dân và đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời, nếu có nhu cầu ra ngoài cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt.
Theo Minh Nguyệt (TTXVN)
Cháy công ty Rạng Đông: Hoàn tất việc tẩy độc nhà xưởng vào ngày 2/10
Công ty Urenco 10 đang đẩy nhanh việc thu dọn, tẩy rửa 6.000m2 nhà xưởng bị cháy để bàn giao mặt bằng cho Công ty Rạng Đông vào ngày 2/10 tới.
Chiều 29/9, trả lời VTC News, lãnh đạo Công ty Urenco 10 (Công ty Môi trường đô thị Hà Nội) cho biết, đơn vị đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại khu vực nhà xưởng bị cháy rộng 6000m2 của Công ty Rạng Đông,
Theo đó, vùng bị cháy được chia làm 3 khu vực. Urenco 10 cùng Bộ Tư lệnh Hóa học đã bàn giao xong khu vực 1.
"Ngày mai (30/9 - PV) chúng tôi dự kiến bàn giao khu vực 2, như vậy khoảng 4.000m2 nhà xường được bàn giao cho Công ty Rạng Đông. Chúng tôi đang làm việc vắt chân lên cổ để kịp bàn giao nốt khu vực 3 vào ngày 2/10 tới", lãnh đạo Urenco 10 cho hay.
Lực lượng chức năng bắt đầu thu dọn chất thải ở khu vực nhà xưởng bị cháy vào ngày 12/9. ( Ảnh: Mạnh Đoàn)
Hiện tại, Urenco 10 huy động trung bình mỗi ngày khoảng 70-80 người, những lúc cao điểm có đến 130 người làm việc cả ngày lẫn đêm. Việc vận chuyển chất thải được thực hiện chủ yếu vào ban đêm để tránh ách tắc giao thông.
Theo vị này, chất thải xây dây dựng tại khu vực nhà xưởng bị cháy gồm sắt, tro xỉ sau khi tẩy được vận chuyển về khu liên hiệp xử lý rác thải ở Sóc Sơn.
"Chúng tôi sẽ mời hội đồng khoa học để đưa ra phương pháp xử lý đối với những loại chất thải này", vị lãnh đạo này chia sẻ.
Đến ngày 25/9, lực lượng chuyên môn của Bộ Tư lệnh Hóa học đã phun 15.000 lít hóa chất tẩy độc cho gần 4.000m2 nhà xưởng bị cháy. Cơ quan này cũng phối hợp với Urenco 10 thu gom, vận chuyển ra ngoài hơn 171.120kg sắt thép và phế liệu đưa về Urenco 10 để xử lý.
Bên cạnh đó, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng hút hết bùn ở các cống rãnh xung quanh nhà máy để đảm bảo an toàn cho người dân.
Đám cháy nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (số 87-89 phố Hạ Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bùng phát lúc 18h ngày 28/8, kéo dài suốt 5 tiếng.
Thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng, bao gồm các sản phẩm: Đèn huỳnh quang 480.000 chiếc, đèn tròn 2 triệu chiếc và bóng đèn HQ compact 1,6 triệu chiếc.
Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do vụ cháy là từ 15,1kg đến 27,2kg. Trong đó, 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng, độc tính cao hơn viên amalgam.
Hầu hết lượng thủy ngân trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy. Ước tính phạm vi phát tán tối đa của khói thải khoảng 1,5km, phạm vi ô nhiễm khoảng 200m tính từ tường rào của nhà kho và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500m.
Theo VTC
Các bước tiêu tẩy thủy ngân ở kho Rạng Đông Sau khi được bàn giao mặt bằng nhà kho Rạng Đông, bộ đội hoá học dùng hoá chất phản ứng với thuỷ ngân tạo ra hợp chất không độc hại. Chiều 21/9, thượng tá Đậu Xuân Hoài, Phó viện trưởng Viện Hoá học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hoá học) cho biết, sau 10 ngày thực hiện nhiệm vụ tiêu tẩy nhà...