Ổ dịch bạch hầu ở Nghệ An đã được kiểm soát
Ngày 12/7, Tiến sĩ, bác sĩ Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC tỉnh Nghệ An) cho biết, ổ dịch bạch hầu tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn đã được kiểm soát.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong. (Ảnh: CDC Nghệ An cung cấp)
Đến thời điểm này, ổ dịch bạch hầu tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn đã trải qua 10 ngày và không phát sinh ca mắc mới.
Các mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng và mẫu máu đều cho kết quả âm tính.
119 người tiếp xúc với nữ bệnh nhân tử vong do bạch hầu đều được cách ly, uống thuốc kháng sinh dự phòng, sức khỏe đều ổn định, không có dấu hiệu bất thường.
Lãnh đạo CDC tỉnh Nghệ An cho biết, trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, vaccine phòng bệnh bạch hầu là vaccine phối hợp.
Cụ thể: vaccine 5 trong 1 (SII) phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, hib và viêm gan B tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 18 tháng với 3 mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau 1 tháng.
Vaccine DPT phòng 3 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván tiêm 1 mũi cho trẻ từ 18 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi.
Theo thống kê, năm 2023, tỷ lệ trẻ ở Nghệ An tiêm vaccine 5 trong 1 tiêm đạt 90,9% (yêu cầu của Trung ương từ 90%); tỷ lệ trẻ tiêm vaccine DPT đạt tỷ lệ 78,7% (yêu cầu của Trung ương từ 90%).
Video đang HOT
Một trong những triệu chứng của bệnh bạch hầu là xuất hiện giả mạc tại vùng hầu họng. (Ảnh minh họa)
So các huyện đồng bằng, các huyện miền tây Nghệ An thường có tỷ lệ tiêm chủng vaccine đạt thấp hơn. Điển hình như, năm 2023, tại huyện Kỳ Sơn, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine 5 trong 1 tiêm đạt 64,8%; tiêm vaccine DPT tiêm đạt 54,2%. Tại huyện Tương Dương, tỷ lệ trẻ vaccine 5 trong 1 tiêm đạt 74,8%; tiêm vaccine DPT tiêm đạt 58,7%.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng ở các huyện miền núi đạt thấp, lãnh đạo CDC tỉnh Nghệ An cho rằng, do các huyện này còn khó khăn về điều kiện kinh tế- xã hội, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số cao, địa hình đi lại khó khăn.
Một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tác dụng của việc tiêm phòng và mức độ nguy hại của dịch bệnh, không đưa trẻ đi tiêm phòng đủ, mặc dù đã được trạm y tế và y tế thôn bản thông báo lịch tiêm chủng cho trẻ, ngành y tế đã tổ chức tiêm chủng lưu động tại các bản làng…
Bên cạnh đó, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình cung ứng vaccine từ Trung ương cho các địa phương trên toàn quốc bị gián đoạn, thiếu vaccine nên ảnh hưởng tới tỷ lệ tiêm chủng của địa phương.
Ngành y tế huyện Kỳ Sơn họp triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bạch hầu.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Di, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh Nghệ An thông tin, Kỳ Sơn là huyện có dịch bạch hầu lưu hành trong nhiều năm. Năm 2017 có 1 trường hợp mắc bệnh; năm 2021 có 5 trường hợp mắc bệnh; năm 2022 có 2 trường hợp (không có trường hợp bị tử vong).
Trước đó, vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 5/7, CDC tỉnh Nghệ An nhận được thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về kết quả xét nghiệm của bệnh nhân P.T.C (18 tuổi), trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Bệnh nhân này tử vong vào sáng 5/7.
Mở rộng điều tra các trường hợp tiếp xúc, CDC Nghệ An đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Ngay lập tức, CDC tỉnh Nghệ An đã cử Đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán; đồng thời cử đội phản ứng nhanh đến tại địa phương nơi ghi nhận ca mắc tiến hành điều tra, giám sát hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm soát bệnh bạch hầu.
Các đơn vị liên quan ở huyện Kỳ Sơn tổ chức rà soát, truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần bệnh nhân tử vong.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc rà soát các đối tượng tiêm chủng mà chưa được tiêm để có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc tiêm chủng lưu động tại các bản làng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để bao phủ tiêm chủng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc tiêm chủng..
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 83 điểm tiêm lưu động và huyện Kỳ Sơn có 23 điểm tiêm lưu động”, lãnh đạo CDC tỉnh Nghệ An cho biết.
Người dân TPHCM đưa con đi tiêm vaccine ngừa bạch hầu tăng đột biến
Lo ngại về bệnh bạch hầu, nhiều ông bố, bà mẹ ở TPHCM vội vàng đưa con đi tiêm vaccine phòng ngừa dẫn đến lượng người tiêm tăng đột biến.
Tuy nhiên, vaccine phòng bệnh bạch hầu không phải là vaccine hiếm, các điểm tiêm chủng của trung tâm y tế quận, huyện luôn có sẵn vaccine.
Những ngày qua, bệnh bạch hầu xuất hiện ở một số địa phương khiến nhiều người dân TPHCM lo lắng, nhất là những ông bố, bà mẹ có con nhỏ.
Sáng 12/7, chị Nguyễn Thị Định (Quận 12) đưa 2 con đến Viện Pasteur tiêm vaccine ngừa bệnh bạch hầu. "Tôi đọc thông tin thấy bệnh bạch hầu có thể gây ra nguy cơ tử vong nên rất lo lắng, quyết định đưa 2 con đi tiêm vaccine. Các con còn nhỏ, lại đang trong giai đoạn nghỉ hè, đi chơi tiếp xúc nhiều người, tiêm được vaccine thì gia đình mới có thể yên tâm", chị Định chia sẻ với phóng viên.
Tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tại Viện Pasteur, TPHCM. Ảnh: Viện Pasteur cung cấp.
Tương tự, anh Trần Anh Tuấn (Quận 8) cũng đưa con trai đến Viện Pasteur để tiêm ngừa vaccine phòng bệnh bạch hầu. Chia sẻ về lo ngại của mình, anh Trần Anh Tuấn cho biết: "Thấy người quen, hàng xóm đưa con đi tiêm ngừa vaccine phòng bạch hầu nên vợ cũng giục tôi dẫn con đi tiêm. Gia đình tôi dự định hè này đưa con về Thừa Thiên Huế, Hải Phòng thăm ông bà nội, ông bà ngoại nhưng giờ vaccine tạm hết khi nào con tiêm được vaccine mới có thể đưa con đi chơi xa".
Do số lượng người đến tiêm ngừa bệnh bạch hầu tăng nhiều lần so với bình thường nên loại vaccine này tại Viện Pasteur tạm hết. Sáng 12/7, Viện Pasteur đã thông báo cho người dân.
Được biết, trong 3 ngày qua, số lượng người dân tìm đến tiêm vaccine bạch hầu dịch vụ tăng cao. Trước đây, Viện Pasteur chỉ tiêm khoảng từ 10-15 mũi/ngày thì trong 3 ngày qua (9,10, 11/7) đã tiêm đến hơn 400 mũi. Hiện Viện Pasteur đang tìm cách bổ sung nguồn vaccine bạch hầu để kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân.
Trước lo lắng của nhiều người khi thấy thông báo tạm thời hết vaccine phòng bệnh bạch hầu, đại diện Viện Pasteur cho biết, vaccine phòng bệnh bạch hầu không phải là vaccine hiếm, người dân có thể đến các trung tâm tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), các điểm tiêm chủng của trung tâm y tế quận, huyện luôn có sẵn vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Trước đó, chiều 11/7, chia sẻ về tình hình bệnh bạch hầu tại TPHCM, ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc HCDC - cho biết, thành phố chưa ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu trong thời gian gần đây, ca mắc bệnh gần nhất tại thành phố là từ năm 2020.
Ông Nguyễn Hồng Tâm cho rằng người dân tích cực phòng ngừa bệnh bạch hầu nhưng không nên hoang mang. Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, lây lan nhanh và có nguy cơ gây tử vong. Tuy nhiên, bệnh có vaccine phòng chống và thuốc điều trị, người nhiễm bệnh điều trị kịp thời sẽ sớm hồi phục.
HCDC đưa ra khuyến cáo, nguy cơ xuất hiện bệnh bạch hầu tại TPHCM có thể xảy ra do thành phố có mật độ dân cư đông đúc, nhiều người từ các nơi khác đến làm việc, du lịch. Tuy nhiên, khả năng mắc và lây lan bệnh còn phụ thuộc vào mức độ miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu. Người dân có thể chủ động phòng chống bệnh bằng cách tiêm chủng, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng càng cao, khả năng mắc và lây lan bệnh càng thấp.
Được biết, bạch hầu lây lan chủ yếu qua giọt bắn từ đường hô hấp, niêm mạc miệng, niêm mạc họng. Để phòng tránh bệnh bạch hầu, người dân cần giữ vệ sinh tay, chân, miệng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh thân thể và làm sạch môi trường sống xung quanh.
Hà Nội ghi nhận 98 trường hợp mắc bệnh ho gà tại 25 quận huyện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đánh giá, các ca mắc ho gà ghi nhận từ đầu năm đến nay đều là ca bệnh tản phát, không phát sinh ổ dịch, thời gian tới sẽ tiếp tục ca bệnh rải rác. Bác sĩ khám cho bệnh nhi gần 2 tháng tuổi mắc ho gà điều trị tại Bệnh viện...