Nứt nhiều nhà dân ở cạnh đập hạ lưu sông Dinh
Hiện hàng chục hộ dân thôn An Thạnh 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh ninh Thuận đang phải sống trong những ngôi nhà bị nứt do ảnh hưởng của việc thi công dự án đập hạ lưu sông Dinh.
Căn nhà của chị Nguyễn Thị Dung (thôn An Thạnh 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước) bị nứt do ảnh hưởng của việc thi công công trình đập hạ lưu sông Dinh.
Sau khi người dân phản ánh, chủ đầu tư, đơn vị thi công cùng chính quyền địa phương đã kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay người dân vẫn chưa nhận được kinh phí bồi thường, hỗ trợ để sửa chữa lại nhà ở.
Chị Nguyễn Thị Dung cho biết, bắt đầu từ năm 2018 trong quá trình thi công đóng chân cầu ngăn nước mặn và lăn đường dẫn lên cầu đã gây rung chấn rất mạnh làm rung chuyển nhà cửa và đồ đạc trong gia đình, khiến tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài từ gian nhà chính, gác xép xuống phòng bếp, phòng vệ sinh, có những chỗ vết nứt tường rộng tới 9cm, nền móng bị sụt lún. Do đây là công trình trọng điểm của tỉnh nên gia đình vẫn tạo điều kiện cho đơn vị thi công triển khai công việc.
Chị cho biết thêm, sau nhiều lần phản ánh, ngày 22/8/2019, đại diện các bên gồm có cán bộ UBND xã An Hải, chủ đầu tư là Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cùng liên danh nhà thầu thi công đã đến nhà kiểm tra, đo đạc và lập biên bản hiện trạng vị trí các vết nứt. Tuy nhiên, đến nay việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nứt nhà cho gia đình vẫn bặt vô âm tín. Nhà càng ngày càng xuống cấp, vết nứt càng rộng ra trong khi mùa mưa bão đã đến mà gia đình rất khó khăn chưa có điều kiện sửa lại căn nhà.
Căn nhà của hộ gia đình bà Hà Thị Đỏ (thôn An Thạnh 1, xã An Hải, Ninh Phước) bị rạn nứt do máy móc của đơn vị thi công đập hạ lưu sông Dinh, sau thời gian dài không được bồi thường sửa chữa đến nay tình trạng xuống cấp càng nặng hơn.
Video đang HOT
Căn nhà của bà Hà Thị Đỏ bị hư hỏng nghiêm trọng hơn. Phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn, nhà vệ sinh đều bị nứt làm đảo lộn cuộc sống và sinh hoạt của 6 thành viên trong gia đình.
Bà Đỏ cho hay, đon vị thi công chạy máy móc liên tục cả ngày khiến cửa, tường nhà rung lắc, cả bàn thờ cũng rung rinh luôn, gia đình phản ánh thì các chú bên thi công, chính quyền có xuống đo đạc, chụp ảnh, lập biên bản nói sẽ đền bù nhưng mấy năm nay vẫn không thấy hỗ trợ kinh phí. Gia đình rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm, xem xét giúp đỡ cho gia đình chứ sống trong căn nhà nứt như thế này không biết đổ sập khi nào.
Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, Chi cục cùng đơn vị thi công, chính quyền địa phương đã tiến hành các đợt khảo sát hiện trạng, lập biên bản các hộ dân có nhà cửa bị nứt do ảnh hưởng tác động trong quá trình thi công công trình đập, tuyến kè bờ nam bảo vệ đập hạ lưu sông Dinh.
Qua thống kê, hiện có 24 hộ có nhà và công trình kiến trúc bị ảnh hưởng với tổng số tiền hỗ trợ, bồi thường là 1,2 tỷ đồng. Vừa qua, Chi cục Thủy lợi đã họp với đơn vị thi công để xem xét phương án, tính toán đơn giá và mức độ từng nhà bị thiệt hại, theo kế hoạch sẽ chi trả kinh phí hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân có nhà bị nứt ngay trong quý IV năm nay.
Công trình đập hạ lưu sông Dinh được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt với tổng mức đầu tư 691,5 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương và nguồn vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và các nguồn khác. Đây là đập vừa ngăn mặn vừa giữ nước ngọt, kết hợp làm cầu đường nối khu vực phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm và xã An Hải, huyện Ninh Phước.
Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 3/2017 và khánh thành vào tháng 10/2020, do Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư, phối hợp Liên danh Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam; Trung tâm Tư vấn khoa học công nghệ phát triển tài nguyên nước, Hội Đập lớn Việt Nam làm đơn vị tư vấn thiết kế. Liên danh Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản miền Nam 389, Công ty cổ phần Hassyu Việt Nam và Công ty cổ phần Cầu 14 thi công xây lắp.
Tiền Giang: Đê bao Tây Ba Rày sạt lở nghiêm trọng
Từ cuối tháng 7/2022 đến nay, thời tiết xấu, mưa lũ kéo dài liên tục kết hợp triều cường đã gây ra sạt lở nghiêm trọng nhiều điểm trên tuyến đê bao Tây Ba Rày qua địa bàn xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Nguy cơ sạt lở tiềm ẩn trong những ngày tới, hết sức nguy hiểm cho người và phương tiện khi qua lại khu vực này.
Theo UBND xã Cẩm Sơn, chỉ trên một đoạn đê bao dài chưa đến 1 km đã xảy ra 5 điểm sạt lở tổng chiều dài hơn 100 m, trong đó có 3 điểm sạt lở mới còn lại 2 điểm sạt lở trong nửa đầu năm 2022 vừa mới khắc phục xong.
Ba điểm sạt lở mới gồm điểm sạt lở dài khoảng 30 m ngang qua khu vực nhà ông Nguyễn Văn Thảo, ấp 1, xã Cẩm Sơn, xảy ra thời điểm cuối tháng 7/2022, khiến một đoạn đê bao bị sụp đổ hoàn toàn xuống sông Ba Rày. Hiện tại, giao thông qua đây bị cắt đứt, ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất và đời sống nhân dân.
Điểm sạt lở mới thứ hai và thứ ba tại ấp II, xã Cẩm Sơn, khu vực trước nhà ông Nguyễn Văn Xiếu và ông Nguyễn Văn Huy (liền kề nhau) vừa mới xảy ra vào các ngày 10/8 và 15/8 vừa qua. Hai điểm sạt lở này có tổng chiều dài khoảng 65 m và cách điểm sạt lở tại khu vực nhà ông Nguyễn Văn Thảo (ấp I, xã Cẩm Sơn) chưa đến 500 m về phía Nam.
Hiện trường tại đây cho thấy, sạt lở khiến toàn bộ nền hạ tuyến đê Tây Ba Rày bị sạt xuống sông, chỉ còn trơ mặt đường bê tông đang có nguy cơ sụp đổ tiếp, rất nguy hiểm cho người và phương tiện khi qua lại khu vực này. Đây là ba điểm sạt lở nghiêm trọng nhất từ đầu năm đến nay trên tuyến đê bao Tây Ba Rày qua địa bàn xã Cẩm Sơn.
Hệ thống đê Tây Ba Rày chạy cặp theo bờ Tây sông Ba Rày kết hợp phát triển giao thông, phòng chống lũ lụt, triều cường bảo vệ vùng trồng cây ăn quả đặc sản rộng hàng ngàn ha, chủ yếu sầu riêng chuyên canh ở phía Nam Quốc lộ 1 của huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.
Đáng nói, sạt lở bờ sông Ba Rày tại khu vực này diễn biến rất phức tạp, chưa có dấu hiệu ổn định trở lại.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, sạt lở đê bao Tây sông Ba Rày trong thời gian qua diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi kinh phí lớn và có giải pháp phù hợp, căn cơ để khắc phục hiệu quả. Do vậy, cần có sự hỗ trợ của tỉnh và huyện về phương án, kinh phí đầu tư, giải pháp thực hiện.
Trước mắt, UBND xã Cẩm Sơn phải đầu tư hàng trăm triệu đồng xử lý những điểm sạt lở nhỏ, làm kè chống sạt lở, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi bồi... Đồng thời, địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc tích cực trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió; nuôi giữ lục bình ven sông hạn chế tác động của sóng gió vừa tạo thêm bãi bồi, cũng như thực hiện các giải pháp hữu hiệu phòng, chống sạt lở, bảo vệ sản xuất và đời sống theo khuyến cáo của ngành chức năng.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Đức Thịnh cho biết, lãnh đạo Sở, Chi cục và các ngành chức năng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương khảo sát thực tế các điểm sạt lở nghiêm trọng mới xảy ra trên tuyến đê bao Tây Ba Rày qua xã Cẩm Sơn. Trên cơ sở đó, khẩn trương lập dự án và triển khai thi công, khắc phục rốt ráo trong những ngày tới, bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại khi mùa mưa lũ tại đây đang vào cao điểm.
Trong khi chờ đợi ngành chức năng triển khai các giải pháp xử lý, khắc phục những điểm sạt lở mới này, tạm thời chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo, hạn chế xe cộ qua lại, phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Hỗ trợ các hộ kinh doanh bị thiệt hại trong vụ cháy ở Móng Cái Vụ hỏa hoạn xảy ra vào rạng sáng 22/7 tại đường Triều Dương, phường Trần Phú, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã gây thiệt hại lớn về tài sản cho một số hộ kinh doanh. Ngay sau vụ cháy, chính quyền và cơ quan, đoàn thể của thành phố đã khẩn trương thực hiện công tác hỗ trợ, kịp thời giúp các...