Nuốt một viên thuốc mà không uống nước có hại như thế nào?
Bạn đã từng nuốt một viên thuốc mà không uống nước chưa? Sẽ có lúc chúng ta gặp phải tình huống này do quá lười hoặc bận rộn và thậm chí là khi không tìm thấy nước.
Nhưng dù gì đi nữa, uống thuốc không có nước là việc không nên làm, vì các lý do sau đây.
Uống thuốc không có nước là việc không nên làm vì sẽ gây tổn thương thực quản. Ảnh đồ họa: P.Công
Tổn thương thực quản
Tổn thương, trầy xước thực quản là những dấu hiệu thường gặp khi viên thuốc đi xuống mà không có nước.
Không có nước, thuốc sẽ dễ mắc kẹt từ đó gây kích ứng và viêm thực quản, dẫn đến ợ nóng, đau ngực và đôi khi xuất huyết. Vấn đề này thường gặp ở những viên thuốc có kích thước lớn.
Video đang HOT
Không có thần kinh chi phối cảm giác đau trong thực quản nên chúng ta không biết viên thuốc đã xuống dưới hay chưa. Thực quản có cấu trúc là những mô mong manh và dễ tổn thương nếu viên thuốc bị kẹt lại.
Nếu thường xuyên uống thuốc mà không kèm nước có nguy cơ dẫn đến loét thực quản. Theo một nghiên cứu từ Tạp chí Gastroenterology (Thổ Nhĩ Kỳ) cho thấy hầu như bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây loét thực quản.
Nhưng một vài loại thuốc phổ biến có thể gây ra thiệt hại đáng kể, gồm thuốc trị loãng xương, kháng sinh và thuốc giảm đau thông thường.
Theo The Healthy, các loại thuốc giảm đau như motrin và advil thường được sử dụng mà không có nước và nhóm thuốc này có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng nếu bị mắc vào cổ họng.
Lời khuyên uống thuốc đúng cách
Để tránh các biến chứng không mong muốn, tốt nhất bạn hãy uống nhiều nước khi sử dụng thuốc (khoảng 250 ml nước). Ngoài ra, nên uống thuốc trong tư thế đứng hoặc ngồi, không được uống thuốc ở tư thế nằm.
Hạn chế nằm ngay sau khi uống thuốc, bởi có thể gây hóc, sặc hoặc thuốc dính vào vách thực quản gây viêm loét, nhất là các loại thuốc viên nang.
Ví dụ như alendronate, một loại thuốc điều trị loãng xương, được yêu cầu duy trì tư thế đứng hoặc ngồi thẳng lưng ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc và uống với nhiều nước.
Không nên vận động, lao động nặng sau khi uống thuốc. Bạn có thể thực hiện các vận động nhẹ như đi bộ, đi dạo xung quanh nhà, trong vườn…
Bé trai bị hóa chất ăn mòn thực quản vì nuốt cục pin
Bác sĩ phát hiện trong thực quản bệnh nhi có dị vật bị kẹt ngang nên tiến hành nội soi gắp ra. Dị vật là cục pin có nhiều hóa chất độc hại đã ăn mòn thực quản khiến bé bị tổn thương nặng.
Thông tin từ Bệnh viện Thành phố Thủ Đức ngày 12/1 cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp nuốt dị vật rất nguy hiểm. Bệnh nhi là bé N.H.P.T. (4 tuổi) được gia đình chuyển đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng than mệt, đau ở cổ họng, ăn vào nôn ói và ho sặc sụa.
Hình ảnh kiểm tra cho thấy dị vật nằm trong thực quản của bệnh nhi
Qua kiểm tra lâm sàng, bác sĩ nghi ngờ bé T. đã nuốt phải dị vật nên nhanh chóng cho bé chụp X-quang để xác định nguyên nhân. Hình ảnh chụp cho thấy chỗ 1/3 thực quản trên của bệnh nhi có dị vật kim loại hình tròn. Ngay lập tức, bệnh nhi được đưa vào phòng mổ để gây mê, nội soi gắp dị vật.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Đạt, khoa Ngoại Tổng quát người trực tiếp can thiệp cho biết: "Khi nội soi, chúng tôi phát hiện một vật hình tròn, dẹt như đồng xu chỗ thực quản trên. Chúng tôi tiến hành gắp dị vật ra và phát hiện đó là một cục pin đang bị gỉ sét khiến hóa chất trong pin rò rỉ ra ngoài gây bỏng, viêm loét cuống họng và thực quản của bé. Sau khi gắp dị vật ra, chúng tôi tiến hành hút rửa dung dịch hóa chất, đặt ống thông mũi dạ dày và chuyển bé đến khoa Hồi sức Nhi".
Cục pin rỉ sét đã khiến thực quản bệnh nhi bị bỏng nặng, viêm loét
Khi tình trạng ổn định hơn, bé tiếp tục được chuyển qua khoa Nhi để theo dõi và điều trị viêm loét do bỏng thực quản và viêm phổi do trước đó bé đang điều trị viêm phổi ngoại trú tại khoa. Bác sĩ Lê Công Thanh Quang, khoa Nhi cho biết, sau khi được chăm sóc, điều trị tích cực, hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, thở đều, không còn ho sặc sụa nhưng vẫn ho đờm do viêm phổi.
Trong quá trình theo dõi, điều trị, các bác sĩ không phát hiện dịch nâu ở sonde dạ dày chảy ra thêm, tình trạng nhiễm trùng và vết loét ở dạ dày đã được kiểm soát tốt. Hiện bệnh nhi đang được tiếp tục duy trì truyền dịch, cho nhịn ăn, theo dõi dịch qua sonde dạ dày nhằm đánh giá diễn tiến viêm loét thực quản và điều trị kháng sinh cho bé do có tình trạng viêm phổi đi kèm.
Sau thời gian điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đang dần bình phục
Từ trường hợp trên, bác sĩ cho biết, các loại pin cúc, pin điện thoại, pin đồng hồ... thường chứa nhiều nguyên tố độc hại như cadimi, thủy ngân... Khi bị hoen gỉ hoặc thủng, rò rỉ, các chất này dễ đi ra ngoài, gây ngộ độc cấp tính, bỏng niêm mạc thực quản, dạ dày. Cơ quan bị tổn thương sẽ khó phục hồi về hình thái và chức năng.
Để hạn chế những tai nạn tương tự, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên kiểm tra đồ chơi và thiết bị của trẻ, để các pin dài, pin đồng xu, vật nhỏ, dễ nuốt cách xa trẻ nhỏ. Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, phụ huynh cần đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra, can thiệp càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Vừa ăn vừa nghịch, cậu bé vấp té bị cây đũa đâm xuyên họng đến sau gáy Trong khi vừa ăn vừa đùa nghịch, đứa trẻ 2 tuổi ở Trung Quốc đã bị chiếc đũa dài 20 cm xóc vào cổ họng. Chiếc đũa đâm sâu đến mức bác sĩ có thể nhìn thấy đầu cây đũa nổi cộm dưới da ở phần sau gáy. Cậu bé Lâm Lâm ở Trung Quốc bị cây đũa dài 20 cm đâm từ...