Nuốt cay đắng đỡ đẻ cho vợ hờ của chồng
Đèn mổ bật lên. Bản năng nghề nghiệp mách bảo tôi phải trấn tĩnh lại. Dù có bao nhiêu cay đắng nhưng tôi vẫn phải nén lại để cấp cứu cho cô vợ hờ của chồng.
Tôi năm nay 34 tuổi, chồng tôi 37, chúng tôi cưới nhau đã 8 năm và có 2 con. Tôi là bác sĩ ngoại khoa, thông thường tôi làm trong giờ hành chính, tuần 2 buổi trực đêm. Còn chồng tôi là kỹ sư cầu đường, công việc của anh đi hôm về sớm, không lúc nào có giờ giấc cụ thể. Thỉnh thoảng anh cũng đi công tác cả tuần trời. Nhưng chúng tôi yêu nhau khi tôi còn là một cô sinh viên năm thứ hai và kéo dài 7 năm khiến tôi vô cùng tin tưởng anh.
8 năm chung sống, chồng tôi luôn là người đàn ông mẫu mực, người cha tốt. Chỉ cần được ở nhà, anh liền dành hết thời gian chơi với các con và trò chuyện với tôi. Cuộc sống tưởng chừng luôn êm đẹp đó, đã bị phá vỡ trong một ngày cuối tháng 7 vừa qua.
Tháng 7, do khoa phụ sản thiếu người nên tôi xuống trực giúp một bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu. Chồng tôi đi công tác suốt từ hồi đầu tháng 7 và cũng do tính chất nghề nghiệp không khác gì nhau nên tôi không nói chuyện này với anh. Mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ, chồng tôi cách ngày lại gọi điện về hỏi thăm tình hình gia đình. Những khi tôi phải trực, anh cũng chịu khó thức để trò chuyện chia sẻ cùng tôi.
Đây là thời gian chồng tôi đi công tác lâu nhất, thông thường anh chỉ đi vài ngày, hoặc nhiều nhất là hai tuần. Nên tôi cũng rất quan tâm lo lắng tới vấn đề ăn uống, môi trường công việc của chồng. Mỗi khi tôi hỏi, anh lại trả lời chung chung rằng tiến độ thi công bình thường, chờ vài ngày nữa anh sẽ tranh thủ về thăm nhà.
Dù có bao nhiêu uất ức khó chịu, tôi vẫn phải nén lại để cấp cứu cho cô vợ hờ của chồng. (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Một chiều cuối tháng 7, trong ca trực của tôi xuất hiện một thai phụ gần đến ngày sinh bị tai nạn giao thông. Cô gái này còn trẻ, được người dân đưa vào viện trong tình trạng đã hôn mê. Ngay khi khám qua tình hình, tôi quyết định mổ lấy con. Trong khi tôi gấp rút mặc quần áo mổ thì cô y tá vẫn đang kêu gọi oang oang tìm người nhà bệnh nhân mà không có người đáp.
Đúng lúc này ê kíp mổ đã thực hiện xong các bước chuẩn bị thì bất chợt, một người đàn ông lao đến chỗ cô y tá. Khuôn mặt và đầu tóc anh ta ướt sũng mồ hôi. Anh ta nói với cô y tá “Tôi, tôi là người nhà bệnh nhân đang cấp cứu. Bác sĩ ơi, vợ tôi bị làm sao? Mẹ con cô ấy vẫn bình an chứ?”.
Đây là cảnh rất quen thuộc trong bệnh viện, tôi cũng đã nhìn thấy rất nhiều lần. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như người đàn ông đang hốt hoảng kia không phải là chồng tôi, người lẽ ra giờ đang công tác trên Điện Biên.
Tôi rụng rời đến mức y tá đeo găng tay cho tôi phải gọi hai lần mới hồi thần lại. Người đàn ông, cũng chính là chồng tôi, đưa tay ký ngoáy vào tờ giấy đồng ý mổ. Sau rồi anh ta lại hỏi đi hỏi lại câu “Con tôi có bị làm sao không? Vợ tôi thế nào rồi bác sĩ?”. Cô y tá an ủi anh vài câu rồi bước vào phòng phẫu thuật, đóng cánh cửa lại. Giây phút đó cũng đủ cho tôi nhận ra sự lo lắng đến độ cuống quít của chồng mình.
Đèn mổ bật lên. Bản năng nghề nghiệp mách bảo tôi phải trấn tĩnh lại. Tôi bước đến xem số liệu hiển thị trên màn hình, nhìn đồng hồ và cầm dao mổ. Trong đầu tôi có hàng trăm hàng vạn câu hỏi, còn trong lòng thì dâng trào một cảm giác rất khó chịu. Nhưng tôi vẫn phải nén lại để cấp cứu cho cô vợ hờ của chồng. Ca mổ thành công. Đứa bé chào đời khỏe mạnh, là một bé trai có tiếng khóc vang. Tiếng bé khóc đập vào tai làm tôi vừa đau đớn vừa thương cảm. Tôi cố gắng kìm nén lại mọi xao động trong lòng để khâu lại vết mổ cẩn thận cho cô gái đó. Là một bác sĩ, tôi không cho phép mình đặt tình cảm cá nhân khi cầm dao mổ.
Vào đến phòng nghỉ, tôi mới gục xuống khóc. (Ảnh minh họa)
30 phút trôi qua, cuối cùng tôi cũng cắt sợi chỉ cuối cùng. Mọi người xung quanh vỗ tay, nhưng tôi không thể nào mỉm cười nổi. Tôi không biết mình phải đối mặt với người đàn ông đang sốt ruột chờ ngoài kia như thế nào. Khi tôi bước ra khỏi phòng phẫu thuật, thấy anh ta đang ôm đứa bé, mặt mày vui mừng hớn hở. Cô nhân viên y tế bảo anh ta đưa bé để đi tắm, anh ta còn mặc cả xin thêm vài giây nữa.
Tôi không biết, lần đầu tiên bế 2 đứa con ở nhà, tâm trạng chồng tôi có giống như thế không? Nhưng hình ảnh này đều khiến người ta nghĩ tới một người chồng yêu vợ, một người cha tuyệt vời. Tôi lại gần chồng mình, anh ta vẫn đang vui sướng ôm con trai nên không biết. Tôi nhỏ nhẹ nói: “Chúc mừng anh, mẹ tròn con vuông”.
Chồng tôi ngẩng đầu lên, có lẽ lời cảm ơn anh ta chuẩn bị thốt ra đã bị nghẹn lại. Nhìn khuôn mặt chồng tôi lúc đó thật thảm hại, vừa giật mình, vừa ngại ngùng, vừa lo lắng. Tôi bỏ mặc anh ta sững sờ ở đó, sải bước vào phòng nghỉ. Anh ta chạy theo kéo tay tôi lại: “Em bình tĩnh lại đã nào, không như em nghĩ đâu. Cô gái đó là vợ của bạn anh. Anh ta đang đi công tác nên nhờ anh tới trông chừng giùm. Em đừng hiểu lầm…”.
Vì xung quanh còn rất nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế nên tôi cố kìm nén đưa tay tát anh. Anh ta còn nghĩ lừa dối được tôi nữa sao? Tôi quay lại nói với chồng: “Anh cút đi. Về chờ đơn ly hôn của tôi”. Sau khi vào đến phòng nghỉ, tôi mới gục xuống khóc. 8 năm hôn nhân, 7 năm yêu nhau, biết nhau cũng đã được 16 năm trời, nhưng anh vẫn lừa dối và phản bội tôi như vậy đó. Đã mấy ngày chúng tôi không gặp nhau, chồng tôi gọi điện không được thì nhắn tin biện bạch rằng tôi hiểu lầm. Tôi hiểu lầm ư? Khi dáng vẻ hớt hải, điệu bộ thất thần của anh ta với người vợ bạn lại như thế kia? Tôi làm sao có thể tin nổi?
Theo Afamily
Bỗng dưng rất... nhớ vợ
Vợ về quê đột xuất để giải quyết một số công việc bên ngoại. Ở nhà, chồng và các con vui mừng không thể tả.
Thế là đôi tai của chồng sẽ tạm được yên bình ít hôm vì không còn nghe cái giọng "lảnh lót" mỗi ngày của vợ bởi những chuyện không đâu. Chồng lại được tự do ăn mặc, không bị vợ áp đặt phải mặc áo này, quần kia, cà vạt nọ cho phù hợp. Chồng cũng sẽ nhẹ cả người khi mấy bà hàng xóm không còn kéo đến nhà tìm vợ "buôn dưa lê" miệt mài. Mà cũng thật lạ, thiếu gì chuyện trên thế gian này sao các bà không nói, cứ lôi những ông chồng ra làm đề tài chính!
Các con tôi hớn hở ra mặt. Chúng thích thú cũng phải, vì từ đây sẽ không ai cằn nhằn mỗi khi chúng ngủ nướng. Chúng được chơi đùa thỏa thích, không sợ bị mẹ mắng là bẩn, là phá phách, là biếng nhác. Việc học cũng nhẹ nhàng hơn, ăn uống cũng thoải mái hơn... Hai chị em còn mừng hơn khi biết mẹ quên mang điện thoại theo. Chúng an tâm với niềm vui của mình khi chắc rằng mẹ sẽ không gọi điện mỗi ngày để càm ràm đủ thứ chuyện.
Nói là vậy, nhưng chỉ sau một tháng, tôi chợt nhận ra mọi chuyện trong nhà đã bị xáo trộn đến mức vô trật tự. Tôi bận đi làm suốt ngày, không ai bảo ban, lũ trẻ đâm ra biếng nhác, học hành sa sút thấy rõ. Căn phòng của cậu con trai và cô con gái giống như ổ chuột, đồ đạc vứt lung tung, không chịu xếp gọn gàng như trước đây. Cậu út vì mê chơi bóng đá, bi-da, la cà cùng lũ bạn nên bài kiểm tra bị điểm kém, quần áo thì bẩn đến phát kinh. "Nàng công chúa" thì mải miết dán mắt vào game trên mạng đến quên ăn, quên học.
Cách đây vài ngày, chúng có những biểu hiện nhớ mẹ, thường ủ dột khi ai đó trong nhà nhắc đến từ "vú" (cách thân mật mà lũ con tôi thường gọi mẹ chúng). Rồi chúng lại hỏi tôi toàn những câu khó trả lời: "Khi nào "vú" về vậy ba? Dưới quê có chuyện gì mà "vú" ở lâu thế?". Chúng còn nhăn mặt, trề môi, trợn mắt mỗi khi đến giờ ăn. "Ba cứ nấu món trứng hoài, khó nuốt quá! Con muốn ăn những món do "vú" nấu. "Vú" nấu ngon hơn ba nhiều!".
Nghe chúng lải nhải, tôi không khỏi bực mình, mắng cho hai chị em một trận. Thằng út tiu nghỉu bỏ về phòng, con chị chạy ra sau bếp ngồi khóc thút thít. Nhìn chúng buồn, tôi cũng buồn lây. Mâm cơm chiều trở nên tẻ nhạt, lạnh lẽo đến nghẹt thở.
Tối đến, nằm một mình trong phòng, bật tivi để đó mà đầu óc cứ nghĩ mông lung. Nhớ đến cảnh hồi chiều, lòng lại ray rứt vì mình mắng con vô cớ. Rồi trong giấc ngủ chập chờn, chợt nghe văng vẳng bên tai lời vợ: "Anh tắt tivi rồi đi ngủ sớm, sáng mai còn phải thức dậy đi làm nữa!". Giật mình thức giấc, nhìn chiếc tivi đang chiếu "tổ ong", bỗng dưng thấy nhớ vợ vô cùng!
Theo Người lao động
Có những ngày cô độc như hôm nay... Thế nhưng, giữa cái thành phố nhỏ không phải nhỏ, lớn không phải lớn này, việc trong lúc cô độc tìm ra một cái tên để ngồi bên cạnh mình là điều quá đỗi khó khăn. Những ngày trời mưa rả rích, mưa từ sáng tới trưa từ trưa tới chiều rồi lại lấn sang đêm nữa. Chiều nay em rất muốn có...