Nuôi thủy sản trên sông Vịnh, thu lãi 150 triệu đồng/1 ha mặt nước
Với lợi thế có hơn 12 km sông Vịnh chạy qua địa bàn, xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã và đang tận dụng ưu thế này để phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con.
Sông Vịnh chảy qua hầu hết các thôn trên địa bàn xã Kỳ Ninh, tuy nhiên chỉ 3 thôn ở cuối sông là Tân Thắng, Tam Hải 1, Tam Hải 2 có điều kiện tự nhiên, mặt nước rất thích hợp để phát triển nuôi thủy sản lồng bè.
Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Vịnh xã Kỳ Ninh
Ông Nguyễn Văn Lý (thôn Tam Hải 2) – một trong những hộ dân tiên phong nuôi cá lồng bè trên cửa sông Vịnh cho biết: “Năm 2014 tôi bắt đầu nuôi cá hồng Mỹ, cá mú trên lồng bè. Hiện tại, gia đình có 2 lồng nuôi, diện tích mặt nước khoảng 300m2. Trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ nuôi cá lồng bè”.
Vợ ông Nguyễn Văn Lý vớt cá bán cho khách
Riêng vụ nuôi năm 2018, đến thời điểm này, gia đình ông Lý đã thu hoạch hơn 1,5 tấn cá hồng Mỹ. “Hiện nay, dưới lồng bè vẫn còn hơn 1 tấn cá hồng Mỹ, cá mú đến độ thu hoạch, nhưng chúng tôi vẫn muốn chờ tết mới xuất bán. Nếu thu hoạch hết, vụ này gia đình thu khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng” – ông Nguyễn Văn Lý cho hay.
Mô hình nuôi cá lồng bè cho gia đình ông Nguyễn Văn Lý thu nhập trên 150 triệu đồng/năm
Video đang HOT
Theo thống kê của xã Kỳ Ninh, trên địa bàn hiện có 7 mô hình nuôi cá lồng bè trên sông. Nhận thấy tiềm năng cửa sông Vịnh có thể phát triển nuôi trồng các loại thủy sản khác, đầu năm 2018, chính quyền địa phương đã tổ chức cho một số hộ dân tham quan, học tập ở Quảng Ninh để áp dụng, xây dựng mô hình nuôi hàu treo dây trên sông. Sau khi được tiếp cận với mô hình mới, 5 hộ dân đã đứng ra triển khai nuôi thử nghiệm.
Hàu được nuôi bằng phương thức treo dây ở xã Kỳ Ninh
Anh Phan Công Thoàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Ninh cho biết: “Mô hình nuôi hàu treo dây là một hình thức nuôi mới mẻ đối với bà con. Mô hình này rất thích hợp với điều kiện tự nhiên ở cửa sông, cửa biển. Với mô hình này, bà con chỉ phải tốn chi phí tiền giống ban đầu và tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên.”
Đây là năm đầu tiên địa phương triển khai thử nghiệm mô hình nuôi hàu treo dây. Bởi vậy, hiệu quả bước đầu mang lại vẫn chưa cao. Tuy vậy, theo tính toán của các hộ dân, trừ chi phí, mô hình này vẫn mang lại lợi nhuận khá. Vì vậy, chính quyền địa phương đang nghiên cứu kỹ thuật nuôi để khắc phục những hạn chế, từ đó triển khai rộng rãi hơn mô hình nuôi hàu treo dây.
Đây là năm đầu tiên Kỳ Ninh triển khai mô hình nuôi hàu treo dây
Ngoài các mô hình nuôi cá lồng và nuôi hàu treo dây, trên địa bàn xã Kỳ Ninh hiện có 74 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 104 ha, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, cá, cua… Trong đó, hộ ít thì nuôi khoảng 0,5 ha, hộ nhiều thì nuôi từ 2ha – 3 ha. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Kỳ Ninh đều thắng lợi. Tính đến ngày 31/12/2018, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của toàn xã đạt 96,2 tấn; trong đó: tôm đạt 55 tấn, cua đạt 7,2 tấn, cá các loại đạt 34 tấn.
Các mô hình nuôi trồng thủy sản ở cửa sông Vịnh tận dụng được nguồn thức ăn từ các tàu đánh bắt về cập bến
“Trung bình 1 ha nuôi trồng thủy sản, người dân Kỳ Ninh thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Đây là một năm thành công của bà con nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Nhận thấy nhiều tiềm năm của một xã cửa biển, có sông Vịnh bao quanh, chính quyền địa phương đang nghiên cứu để xây dựng và phát triển ngành nghề này trong tương lai nhằm tăng giá trị kinh tế cho địa phương” – Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Ninh Phan Công Thoàn nhấn mạnh.
Theo Baohatinh.vn
Độc đáo: Con tôm "ôm" cá đối trong 1 hồ, tiền nhiều gấp đôi
Nhiều người gọi mô hình nuôi xen ghép tôm với cá đối của gia đình ông Nguyễn Văn Nhựt là con tôm "ôm" cá đối. Chỉ tay ra đồng tôm, nơi tôm, cá đối thi nhau nhảy vọt lên khỏi mặt nước, ông Nhựt, thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) nói: "Tôm khỏe mạnh hơn nhờ nuôi chung với cá đối. Nhiều người treo hồ, thấy mình nuôi thành công họ đến tham quan đông lắm!".
Ông Nguyễn Văn Nhựt cho biết, sau nhiều năm nuôi tôm thất bại, ông đã lang thang tìm hiểu mô hình nuôi tôm hạn chế dịch bệnh nhờ các giải pháp sinh học từ các loài cá như cá dìa, cá đối. Ông đã từng thả nuôi thử nghiệm số lượng ít cá dìa, cá đối và chọn cá đối vì nguồn giống dễ tìm hơn các loại cá khác.
Năm 2017, ông Nhựt đã tự bỏ tiền ra mua 1.500 con cá đối mục về thả nuôi ghép với tôm trong hồ. Ông vui mừng khi thả nuôi xen cá đối mục, con tôm phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh như trước, môi trường nước trong và sạch hơn nhờ cá đối ăn tảo trong hồ.
Cá đối được thả nuôi ghép trong hồ nuôi tôm của ông Nhựt.
Thấy có giá trị kinh tế cao và triển vọng mở ra hướng nuôi tôm bền vững, ông Nhựt không ngần ngại thực hiện thí điểm mô hình này. Ông Nhựt là nông dân đầu tiên được Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn chọn thực hiện thử nghiệm mô hình.
Tháng 4.2018, Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn thả 1.000 con cá đối mục theo tỷ lệ 1 con/m2 trên diện tích 5.000m2 hồ nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Nhựt. Đến tháng 6.2018, tôm thẻ chân trắng với số lượng 200.000 con được thả nuôi kết hợp với cá đối mục.
Sau gần 2,5 tháng nuôi với tôm và 5 tháng nuôi với cá đối mục, cả cá và tôm đều phát triển rất tốt, cá đối đạt trọng lượng từ 0,4 - 0,6 kg/con, tỷ lệ sống đạt hơn 90%. Với giá bán tôm 95.000 đồng/kg, cá đối mục 100.000 đồng/kg, ông Nhựt thu về hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 80 triệu đồng.
Mở ra hướng nuôi tôm bền vững
Những năm qua thời tiết diễn biến thất thường, từ khoảng tháng tư trở đi thường xuyên có mưa dông, nắng gắt, mưa đột ngột làm cho nồng độ axit trong ao nuôi luôn biến động, tảo phát triển mạnh, tôm nuôi khó phát triển, dịch bệnh.
Cá đối giúp môi trường nuôi sạch hơn vừa có giá trị kinh tế cao, nguồn giống dễ tìm.
Nuôi thâm canh tôm với các loài cá như cá đối, cá dìa, cá chẽm, cá măng... là giải pháp giúp hạn chế dịch bệnh cho tôm, đồng thời tăng thu nhập cho người nuôi.
Tôm sống ở tầng mặt, cá sống ở tầng đáy. Thức ăn của cá là rong tảo, mùn bã hữu cơ trong ao, thức ăn thừa của tôm, không cạnh tranh thức ăn với tôm, giúp môi trường nuôi sạch hơn.
Với cá rô phi, dù được ví là máy lọc nước sinh học, nhưng chúng cạnh tranh thức ăn với tôm, ăn cả tôm nên không thể nuôi ghép trên cùng một diện tích ao nuôi như cá đối, cá dìa, cá chẽm...
Nước bơm vào hồ nuôi cá rô phi, suốt thời gian khoảng nửa tháng, không cho cá ăn mà để chúng ăn thức ăn có sẵn trong nước. Sau đó tiến hành bơm nước từ hồ nuôi cá rô phi sang hồ thả nuôi tôm thả nuôi tôm. Mô hình này vừa tốn diện tích, cá rô phi sinh sản rất nhanh, nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ông Nguyễn Quang Trung cho biết, thử nghiệm thành công mô hình nuôi xen ghép tôm với cá đối mục đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nghề nuôi tôm khi môi trường nuôi tôm đang bị ô nhiễm như hiện nay.
Những vụ tới, huyện Bình Sơn sẽ hỗ trợ để nhiều người nuôi tôm được tiếp cận cách nuôi mới, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, góp phần thay đổi cách nuôi, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, cải thiện môi trường trong ao nuôi tôm vừa tăng giá trị kinh tế cho người nuôi.
Theo A.Kiều (Báo Quảng Ngãi)
"Tỷ phú" khét tiếng nuôi tôm xứ Nẫu, thu nhập 15 tỷ đồng mỗi năm Sau 30 năm rời quân ngũ, cựu binh Trường Sa Phạm Rùm là tỷ phú "khét tiếng" ở vùng quê cát xứ Nẫu - Phú Yên. Với nghề nuôi tôm, mua bán thủy sản và kinh doanh vận tải, gia đình cựu binh Phạm Rùm (52 tuổi, ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) hiện có mức thu nhập 15...