Nuôi lợn, gà trong nội đô bị phạt tiền triệu
Chó thả rông ở nơi công cộng bị phạt 500.000 đồng/lần, chăn nuôi lợn, gà… trong khu vực nội thành, nội thị bị phạt 1-2 triệu đồng.
Đó là một số quy định đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi” do Bộ NNPTNT xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.
Sẽ không đủ người để bắt chó thả rông
Theo quy định tại Dự thảo Nghị định trên, đối với hành vi thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, người sở hữu con chó đấy sẽ bị xử phạt từ 300.000 – 500.000 đồng.
Về quy định này, ông Bùi Trung Sử – Bí thư Chi bộ thôn Thượng, xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, việc cấm chó thả rông ở ngoài đường là đúng. Bởi việc các hộ dân thả rông chó đang gây rất nhiều bức xúc cho người dân, vì vừa làm mất vệ sinh môi trường, vừa gây nguy hiểm cho người đi đường khi chúng cắn người và truyền nhiễm bệnh dại. Tuy nhiên, có điều ông Sử cũng băn khoăn là, nếu xử phạt thì ai sẽ là người bắt chó và chó thả rông chạy ngoài đường liệu có xác định được biết chó của nhà ai để xử phạt”.
“Loại chó đắt tiền thì không nói, nhưng chó bình thường hiện giá dao động khoảng 700.000 -1 triệu đồng, nếu phạt 500.000 đồng, thì người có chó cũng sẵn sàng… bỏ chó”. Vì thế, ông Sử cho rằng, chỉ nên quy định chó đi ra đường phải có chủ dắt và có đóng rọ mõm để giữ vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn cho người đi đường. Còn việc bắt để xử phạt theo tôi sẽ không khả thi.
Dự thảo quy định về xử phạt nuôi, nhốt chó nhận nhiều ý kiến phản hồi của người dân. (Ảnh chụp chiều 20/1, tại Hà Nội).
Là một địa bàn giáp nội đô, bà Chu Nguyên Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) cũng rất hiểu về những bức xúc của người dân liên quan đến chó thả rông. Thế nhưng, bà Thành cũng chia sẻ, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với chó thả rông là rất khó thực hiện.
“Như trước đây, có nhiều đợt chúng tôi tổ chức tiêm phòng thôi cũng đã thấy khó, người dân bảo chó của tôi đấy, các ông, các bà bắt được thì tiêm. Trong khi, tiền thù lao cho cán bộ tiêm phòng chỉ có 3.000 đồng/một con chó, thì ai dám vào mà bắt chó, chẳng may nó cắn cho lại phải đi tiêm phòng thì khổ” – bà Thành nói. Do đó, theo bà Thành, nên đưa vào quy ước làng xã để họ tự quản lý, tuyên truyền, nhắc nhở để người dân được nâng cao ý thức, từ đó mới thực hiện được.
Chó thả rông sẽ bị phạt 500.000 đồng
Video đang HOT
Không chỉ ở thành phố lớn, nhiều địa phương cũng rất khốn khổ về chó thả rông. Ông Vũ Văn Luật – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lai Châu cho biết, những năm trước đây, tình trạng chó mắc bệnh dại trên địa bàn có số lượng rất lớn nên người dân rất sợ khi thấy chó thả rông ngoài đường. Hiện chỉ có các loại chó đắt tiền, người dân mới nhốt vì sợ mất, còn chó thường vẫn thả rông bình thường. “Việc bắt chó thả rông để xử phạt đối với địa bàn miền núi như chúng tôi rất khó thực hiện. Hơn nữa, nếu có thực hiện, cũng không có đủ người đi bắt chó”- ông Luật nói.
Cấm hoàn toàn nuôi lợn trong thành phố
Tại Hà Nội và một số thành phố lớn, hiện vẫn còn nhiều hộ dân tận dụng cơm thừa, canh cạn của các nhà hàng, quán nhậu để… nuôi lợn. Việc này, đã tạo thu nhập cho không ít hộ dân.
Tuy nhiên, theo quy định mới, tới đây, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thành phố, khu vực nội thị, nội đô sẽ bị cấm hoàn toàn, hộ nào vi phạm sẽ bị xử phạt 1-2 triệu đồng. Hầu hết người dân khi được hỏi ý kiến đều tán đồng với quy định này, vì việc nuôi lợn ngay trong khu dân cư của nhiều hộ dân rất mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng, cũng không có ít ý kiến băn khoăn, lo ngại khi cho rằng quy định này thiếu tính khả thi. Bà Bùi Thị Hà, ở xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, dù vẫn được coi là địa bàn nông thôn, nhưng trên thực tế mật độ dân cư ở Tây Tựu hiện cũng rất đông, gần như thành phố và trên địa bàn cũng còn nhiều hộ nuôi lợn, gà, gây bức xúc cho người dân.
“Theo quy định mới, địa bàn như Tây Tựu không phải nội đô, thì xử phạt các hộ nuôi lợn thế nào?”- bà Hà hỏi.
Sẵn sàng tiếp thu ý kiến của nhân dân
Trả lời PV, ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết: “Đây là dự thảo lần 4 và chúng tôi lấy ý đóng góp của tất cả người dân. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân để hoàn thiện dự thảo trước khi trình lên Bộ để Bộ trình Chính phủ xem xét, quyết định”.
Còn theo ông Vũ Văn Luật, việc cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội thành, nội thị nếu áp dụng cho các thành phố lớn thì được, chứ đối với các tỉnh miền núi, dù gọi là thành phố, thị xã nhưng người nhiều người dân không có công ăn việc làm vẫn nuôi lợn, nuôi gà. Vì thế, chúng ta cũng cần phải xem xét lại thế nào là khu vực nội đô, nội thị.
Trao đổi với PV, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, đối với quy định xử phạt cấm chó thả rông tôi rất ủng hộ. Dù việc xử phạt trước mắt có thể chưa khả thi ngay, nhưng cần có quy định kết hợp với các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, giúp cho người dân hiểu thì thực hiện mới hiệu quả.
Riêng về quy định cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm ông Vang cho rằng cần phải xem lại khái niệm ở đâu là nội thành, nội thị.
Hiện ở một số khu nội thành, người dân vẫn dùng những máy ấp trứng nhỏ với công suất khoảng 2.000 quả/ngày để giao cho các cửa hàng bán trứng vịt lộn. Việc này có cấm không thì vẫn chưa rõ?
Khó tổ chức bắt chó
“Ở địa bàn cũng có nhiều lần người dân phản ánh tình trạng chó thả rông, gây mất vệ sinh môi trường và đề nghị cán bộ xã tổ chức bắt giữ, xử lý. Tuy nhiên, theo tôi chỉ có biện pháp tuyên truyền và vận động người dân ký cam kết không thả chó ra đường, chứ tổ chức đi bắt chó, thì xã không có đủ người để thực hiện”.
Bà Nguyễn Thị Lan – Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội
Cần xử phạt mạnh hơn
“Chỉ xử phạt 300.000-500.000 đồng đối với chó thả rông là còn quá nhẹ, vì chó thả rông gây rất nhiều nguy hiểm cho người đi đường. Tôi cho rằng, cần xử phạt mạnh hơn nữa để răn đe những người dân để chó nhà mình thả rông”.
Ông Nguyễn Thành Đông, một người dân ở phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội
Sẽ làm nhiều người thất nghiệp
“Ở các thị trấn, thị tứ dù được gọi là nội thị, nhưng vẫn nằm ở các huyện ngoại thành, người dân không có công ăn việc làm vẫn nuôi gà, nuôi lợn, họ tận dụng thức ăn thừa từ các quán cơm, nhà hàng và những khu dân cư để nuôi lợn. Nếu cấm những hộ chăn nuôi này sẽ đẩy một lượng lớn những hộ chăn nuôi bị thất nghiệp”.
(PGS-TS Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam)
Phi Long- Trần Quang (ghi)
Theo 24h
Chó, mèo chết phải báo tử với phường, xã
"Nếu như chó mèo chết thì chủ hộ chỉ cần lên khai báo với cấp phường, xã về nguyên nhân chết của chó mèo, và bên thú y sẽ dựa vào đó để theo dõi, quản lý".
Với thông tin chó, mèo phải đăng ký chính chủ và cơ quan Thú ý sẽ cấp số để quản lý khiến dư luận không khỏi xôn xao và có nhiều ý kiến trái chiều. Để làm rõ thực hư vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phan Quang Minh - Phó trưởng phòng Dịch tễ Cục thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
PV: - Xin ông cho biết, thực chất của việc đăng ký chó mèo chính chủ là như thế nào?
Ông Phan Quang Minh: Ở đây có một sự nhầm lẫn. Thực chất đó là đăng ký cấp sổ chứ không phải là đăng ký cấp số. Đăng ký cấp sổ có nghĩa là mỗi nhà đăng ký xem nuôi bao nhiêu con chó, mèo sau đó được cấp sổ để theo dõi, đến đợt thì mang đi tiêm phòng. Còn nếu là cấp số thì mới là đánh số từng con một, quản lý theo kiểu như cấp chứng minh thư.
Nhưng ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa cấp số và cấp sổ. Theo như tôi hiểu thì có lẽ trong bản kế hoạch mới đây, một số đơn vị báo đài đọc không kỹ, bên trên là cấp sổ, bên dưới là cấp số dẫn đến việc hiểu lầm không đáng có này.
Trang 5, bản Kế hoạch Khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012 kèm theo Quyết định số 2891/QĐ-BNN-TY ngày 14/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ghi rõ là cấp số.
- Vậy việc cấp sổ đăng ký chó mèo là như thế nào, thưa ông?
Cấp sổ đăng ký chó mèo là thông tư được ban hành từ năm 2009. Thông tư 48/2009 về hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật và đơn vị chúng tôi (Phòng dịch tễ) chính là đơn vị soạn thảo ra thông tư này. Còn cái mới đây thì chỉ là kế hoạch trong chiến dịch phòng chống bệnh dại chứ không hề có thông tư, quyết định nào gọi là phải đăng ký chó mèo chính chủ. Đó chính là sự nhầm lẫn ở đây.
Theo như thông tư 48/2009 thì tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình Ủy ban nhân dân xã, phường cấp sổ quản lý chó.
Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin, số lô... Các xã, phường phải có sổ ghi chép số lượng chó nuôi, loài giống. Hàng năm, vào tháng 3 thú y xã, phường phải thống kê số chó, mèo nuôi trên địa bàn xã, phường và báo cáo Trạm Thú y các quận, huyện thị, để xây dựng kế hoạch tiêm phòng định kỳ và bổ sung.
- Nếu như sau đăng ký xong chó mèo chết hoặc bị bắt trộm thì các hộ gia đình phải làm sao?
Nếu như chó mèo chết thì chủ hộ chỉ cần lên khai báo với cấp phường, xã về nguyên nhân chết của chó mèo, và bên thú y sẽ dựa vào đó để theo dõi, quản lý. Còn chó mèo bị bắt trộm thì cũng tương tự như vậy thôi. Chỉ cần khai báo là mất trộm.
Các hộ gia đình sẽ được cấp sổ để theo dõi tiêm phòng cho chó mèo
- Vậy đối với những hộ gia đình không tiến hành khai báo số lượng chó, mèo đang nuôi, hoặc không đưa đi tiêm phòng, không khai báo chó mèo chết, thì có bị xử phạt hành chính không?
Vấn đề xử phạt hành chính thì không thuộc bên Dịch tễ nên tôi không nắm rõ lắm. Chỉ biết hiện tại là Bộ Nông nghiệp đang lên kế hoạch phối hợp với bên Cục Thú y, Cục chăn nuôi thủy sản để chuẩn bị đưa ra một nghị định mới về việc xử phạt hành chính đối với những hộ gia đình không chấp hành việc tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản...
Dự kiến là Nghị định này sẽ được ban hành trong năm nay.
- Vậy trong thời gian sắp tới, phòng Dịch tễ có ý định đưa ra dự thảo về việc đăng ký chó mèo chính chủ không?
Sau này thì chưa biết, nhưng ở thời điểm hiện tại thì chưa có bất cứ kế hoạch nào về việc chó mèo phải đăng ký chính chủ hay quản lý theo kiểu cấp số chứng minh. Hiện tại chúng tôi vẫn quản lý chó mèo dựa trên sự tự giác của người dân, khai báo với đơn vị thú y cấp phường, xã và đưa chó mèo đi tiêm chủng đúng quy định.
Còn quy định mới này thì cũng có thể một thời gian nữa sẽ có, nhưng chắc chỉ dừng lại ở việc đăng ký nguồn gốc xuất xứ và độ tuổi thôi, chứ không phải là cấp số cho từng con một để quản lý.
Xin cảm ơn ông!
Theo 24h
Giết mổ chó, mèo: Không luật khó phạt Cây tơ, tiêu hô được giêt mổ, mua bán tràn lan nhưng tới nay chưa có văn bản nào quy định vê quy trình kiêm dịch, giêt mổ, vê sinh an toàn thực phâm. Mới đây, Bô NN&PTNT ra quyêt định xử phạt vi phạm, cán bô thú y bó tay. Gân đây, nhiêu cán bô thú y băn khoăn với nôi dung...