Nuôi loài ngày treo mình ngủ, tối đi săn, góp phần thu 2-3 tỷ/năm
Nuôi dơi-loài thú biết bay thức về đêm săn muỗi, ông Nguyễn Văn Sáu (60 tuổi) ở ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thu lợi đơn, lợi kép khi vừa tiết kiệm tiền mua phân bón cho vườn cây ăn trái, vừa có thêm thu nhập từ loại phân “vua”.
Loài dơi đã gián tiếp giúp gia đình ông Sáu có nguồn thu mỗi năm từ 2-3 tỷ đồng.
Nhà ông Sáu có 13ha đất vườn trồng cây ăn trái, chủ yếu là bưởi, quýt, chôm chôm… Đã 3 năm nay, nhờ đầu tư làm mô hình nhà nuôi dơi lấy phân mà ông tiết kiệm được tới vài trăm triệu đồng tiền phân bón cho cây trồng.
Nguyễn Văn Sáu ở ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai với mô hình nuôi dơi lấy phân hiệu quả. Ông Sáu cho biết, trong các loại phân hữu cơ, ông chưa thấy loại phân nào cực tốt đối với cây trồng như phân dơi bởi phân dơi có rất nhiều chất dinh dưỡng, vì thế nhiều người gọi phân dơi là “ phân vua”. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Ông Sáu cho biết, ông vốn là người gốc miền Tây, mưu sinh bằng nghề mua bán hoa quả. Không có đất sản xuất nông nghiệp, tuổi trẻ của ông là những năm tháng buôn bán ngược xuôi khắp chốn, nhưng thâm tâm ông vẫn không thôi khao khát có riêng cho mình một mảnh đất trồng cây ăn trái để gắn bó khi có tuổi về già.
Như một mối duyên, ông vô tình gặp và quyết định ở lại với mảnh đất huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 15 năm thấm thoắt trôi qua, không biết bao nhiêu giọt mồ hôi mặn mòi đổ xuống để giờ đây ông có thành quả là vườn cây trái xum xuê, tươi tốt.
Vườn cây ăn trái của gia đình ông Sáu rộng 13ha, trồng các loại chôm chôm, cam, bưởi…Vườn cây ăn trái này tươi tốt, cây khỏe là bởi ông Sáu bón phân dơi Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Dẫn PV Dân Việt đi thăm quan vườn cây ăn trái, ông Sáu hồ hởi kể: “Trước tui ở dưới miền Tây nhiều dơi lắm, nó bậu hàng đàn trên mấy cây dừa nhưng cũng chẳng ai để ý đến. Chỉ biết là phân nó rất tốt, bón tới đâu cây phát triển tốt vù vù tới đó. Thành thử lên đây mình lấy kinh nghiệm bón phân dơi đó mình làm 3 chuồng thử nuôi dơi xem thế nào”.
Suốt mấy tháng liền, ôngSáu hì hụi dựng chòi cao lênh khênh để thu hút dơi về làm tổ ngay trong vườn cây. Chuồng nuôi dơi gồm có 6 trụ, làm theo hình lục giác cách mặt đất khoảng 10m, mặt dưới chuồng treo sẵn lá dừa để ban ngày dơi bám vào ngủ. Đêm xuống, từng đàn dơi vỗ cánh phành phạch trên không trung và bay đi khắp nơi săn bắt mồi là muỗi, các loại bò rầy…
Video đang HOT
Theo lão nông U60, nuôi loài “ngủ ngày cày đêm” này không tốn thức ăn hay công chăm sóc, chỉ cần thường xuyên giặt, rửa và thay lá dừa mới để những con dơi đã ở không thấy dơ mà bay đi, còn thu hút thêm những con dơi mới thì về làm tổ.
Chòi nuôi dơi được ông Sáu thiết kế cao khoảng 10m, hình lục giác, có treo nhiều lá dừa để dơi về làm tổ và ngủ ngày. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Trong vườn cây ăn trái của nhà ông Sáu có khoảng 50.000 con dơi. Mỗi ngày đàn dơi thải ra ít nhất 10 kg phân. Với mức giá phân dơi trung bình hiện nay là 80.000 đồng/kg, tính riêng doanh thu từ phân dơi ông Sáu đã có 800-900 nghìn đồng/ngày. Tuy vậy, ông cũng thực thà chia sẻ, phân dơi thu được vẫn ưu tiên dùng cho vườn cây ăn trái của gia đình là chủ yếu, dư thì mới bán cho khách hàng quen.
“Dơi là kẻ thù số một của muỗi và côn trùng gây hại, nên con người bớt được nguy cơ mắc bệnh dịch còn cây trồng cũng sẽ đỡ đi được rất nhiều thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Vậy nên nuôi loài loài dơi này không chỉ để lấy phân mà còn lợi đủ đường đó chứ”, ông Sáu hồ hởi chia sẻ với PV Dân Việt.
Thật vậy, trước khi chưa có dơi về ở thì vườn cây ăn trái mỗi tháng ông Sáu phải xịt thuốc trừ sâu, rầy ít nhất là 4 lần. Ban đêm gia đình phải mắc mùng mới ngủ yên. Từ khi có chòi nuôi dơi thì bọ trĩ, sâu rầy, ruồi vàng, muỗi.. không còn hoành hành mặc dù hơn cả tháng vườn cây không xịt thuốc. Ban đêm ngủ cũng không cần mắc màn vì muỗi hầu như không còn.
Để thu hoạch phân dơi, ông Sáu dùng lưới căng phía dưới cách mặt đất chừng 1m rất tiện cho việc thu gom. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dơi của mình, ông Sáu cho biết, dơi sợ nhất là bị động ổ. Nếu động ổ chúng sẽ bỏ đi. Vì vậy ban đêm khi đàn dơi bay đi kiếm ăn thì người nuôi phải thay lá treo thật nhanh trước khi đàn dơi trở về. Ngoài ra, dơi cũng không ưa gió nên chuồng trại phải che chắn kỹ, mùa nóng thì nên dỡ bớt lá cho thoáng mát.
Phân của dơi được khoa học chứng minh là tốt nhất trong các loại phân hữu cơ, có dồi dào chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây trồng. Tác dụng của chúng không phải điều xa lạ nhưng do hiếm nên hiện nay nhiều nhà vườn không có để sử dụng.
Riêng gia đình ông Sáu vừa chủ động được nguồn phân bón hữu cơ tốt, tiết kiệm được một khoản kinh phí không nhỏ mà bưởi, quýt, chôm chôm… cũng cho trái ngon, ngọt hơn, năng suất hơn nên năm nào cũng đều đặn có doanh thu 2-3 tỷ đồng từ vườn trái cây.
“Tuy nhiều điểm tốt là vậy nhưng ông Sáu cũng than thở, ngày càng có nhiều “dơi tặc” khiến cho số lượng dơi bị thuyên giảm, không còn nhiều nhiều như trước. Người ta dùng dơi mồi hoặc thu âm tiếng dơi sẵn có rồi dụ dơi bay tới là dùng vợt bắt tức thì.
Dơi bán giá cũng rất rẻ, chỉ chừng vài ba ngàn/con nhưng vẫn khó thoát khỏi bàn tay của những kẻ rình mò chuyên đi vợt trộm về bán cho các quán để làm… mồi nhậu…”, ông Nguyễn Văn Sáu.
Theo Danviet
Làng nuôi loài thú biết bay-"ngồi mát ăn bát vàng" ở An Giang
Một xóm nhỏ ven sông Hậu thuộc xã Bình Long (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) từ lâu nổi tiếng với nghề dụ dơi về lấy phân bán. Những vị cao niên ở đây cũng không nhớ họ làm nghề này bao lâu, nhưng nhờ nó mà gần chục gia đình có cuộc sống đủ đầy. Và cái tên "Xóm dơi" cũng bắt nguồn từ đó.
Mót của trời
Nhiều năm qua, những ai đi qua Quốc lộ 91 (đoạn xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) thường thấy nhiều bảng treo "bán phân dơi" nhưng không biết nguồn phân từ đâu, bởi ven đoạn quốc lộ này không thấy có chuồng nuôi dơi nào. Còn với những cư dân ở "Xóm dơi", có lẽ khí hậu ven sông mát mẻ khiến dơi về nhiều để rồi giúp họ có cái nghề hết sức độc đáo: dụ dơi lấy phân.
Ông Huỳnh Ngọc Bá - 89 tuổi- người có thâm niên nhất trong xóm làm nghề dụ dơi lấy phân, kể: "Hơn 70 năm trước, tại cây cầu đầu kênh trong xóm, dơi về bám dưới gầm cầu rất nhiều. Trong khi đó, hầu hết bà con xung quanh làm nghề nông, rất cần phân dơi bón cho cây trồng nên một người trong xóm nảy ra ý định lên Tịnh Biên (An Giang) mua lá thốt nốt về treo thử phía sau nhà dụ dơi....".
Gia đình ông Bá có cuộc sống đủ đầy nhờ nghề dụ dơi về nuôi lấy phân bán. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Theo ông Bá, việc treo lá thốt nốt không ngờ khiến dơi chuyển từ dưới gầm cầu vào trốn trong các lá thốt nốt đông dần. Cứ thế chúng cho phân để lấy bón cho cây. Thời gian sau, một số hộ khác trong xóm cũng làm theo nên lượng phân lấy được quá nhiều, bà con bán lại cho những người xung quanh, dần dà hình thành nên nghề dụ dơi lấy phân tại cái xóm nhỏ này lúc nào không hay".
Ông Bá cho hay, một chuồng dơi thường cao khoảng 6m, rộng 4m. Người thì tận dụng cây cao phía sau nhà che mái, gác cây treo lá thốt nốt để làm chuồng; một số hộ thì chọn cây gỗ loại tốt hoặc làm cột bê tông để dựng khung làm chuồng.
Do đặc tính của dơi thích sống tự do, nhạy cảm với người lạ, loài vật, côn trùng nên nơi làm chuồng phải thoáng mát, yên tĩnh. "Có lẽ vậy nên khi tôi và bà con trong xóm làm chuồng cạnh bờ sông mát mẻ, dơi về trú ngụ rất đông"- ông Bá nói.
Theo bà con tại "Xóm dơi", để loài dơi chịu ở trong "nhà" do con người dựng lên, người làm nghề cần có những bí quyết riêng. Chẳng hạn, lá thốt nốt dùng để buộc trên trần của chuồng làm chỗ trú ngụ cho dơi, khi chặt về phải ngâm qua nước trước khi phơi nhằm diệt sạch ấu trùng kiến - "kẻ thù" của loài dơi.
Theo ông Bá, chi phí đầu tư một chuồng khoảng vài triệu đồng gồm cây, lá và tôn lợp phía trên. Lá thốt nốt thì treo 1 năm phải bỏ, tìm lá mới về thay.
Nói về kinh nghiệm nuôi dơi lấy phân, ông Bá cho biết, chuồng phải cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và luôn sạch sẽ, thường xuyên dọn chuồng, thay lá và giũ phân dơi còn sót lại. Để dơi không bị động ổ, phải sử dụng xen kẽ lá cũ và lá mới để dơi không cảm thấy lạ chỗ.
Đủ đầy nhờ nuôi dơi
Không tốn nhiều công sức, chi phí ban đầu bỏ ra ít nên dụ dơi về lấy phân bán được xem là nghề "ngồi mát ăn bát vàng". Hiện nay, nguồn phân dơi trên thị trường khá khan hiếm, đặc biệt nhiều nhà vườn hay trại cây giống rất ưa dùng phân bón hữu cơ vì tính an toàn cao, lại giàu dinh dưỡng, có thể giúp cây trồng phát triển mạnh, có sức sống tốt thì phân dơi là lựa chọn hàng đầu. Chính những yếu tố đó đã giúp gần chục hộ tại "Xóm dơi" có cuộc sống đủ đầy như hôm nay.
"Hiện, gia đình tôi có 2 chuồng, mỗi ngày lấy 5 - 6kg phân bán với giá 60.000 đồng/kg. Tới đây, đến mùa mưa, muỗi nhiều thì lượng phân lấy được hằng ngày sẽ tiếp tục tăng lên. Trong xóm này, nhiều hộ vẫn canh tác ruộng, vườn nhưng nghề dụ dơi để lấy phân thì không thể bỏ được, bởi nhờ nó mà gia đình tôi và bà con sống khỏe. Như gia đình tôi, nguồn thu từ 2,5ha lúa mỗi vụ xem như để tích lũy" - ông Bá chia sẻ.
Còn ông Đinh Quang Trường, ở cạnh nhà ông Bá, cho biết gia đình ông cũng làm nghề dụ dơi về lấy phân đã lâu. Việc lấy phân và tiêu thụ được bà con tính toán kỹ, nhất là những tháng vào mùa rẫy do nhu cầu phân dơi nhiều trong khi đó lượng phân thu được của các hộ dân vào mùa nắng ít nên hầu hết bà con đều phơi khô, dự trữ chờ thương lái các tỉnh đến thu gom.
"Nhờ thế, giá bán phân dơi thường cao hơn, thu nhập cũng tăng lên. "Mỗi gia đình chỉ cần 1 - 2 chuồng là có thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày. Như vậy, nguồn thu từ phân dơi bảo đảm đủ chi xài hằng ngày trong gia đình, còn nguồn thu khác từ lúa, vườn cây ăn trái thì dành dụm" - ông Trường nói.
Ông Bá cho biết để dơi về trú bền lâu, người nuôi cần có kinh nghiệm trong làm chuồng cũng như quá trình theo dõi đàn dơi. Nhà nào cũng nên mua dư lá thốt nốt phơi khô để sẵn, nếu lá nào hơi mục là thay liền, vì lá cũ bị hôi, dơi sẽ bỏ đi.
"Đặc biệt phải có cách để phòng rắn lục. "Thời gian qua, rắn lục sinh sôi nhiều làm bà con lo lắng, do đó cần phải thường xuyên theo dõi xử lý khi có rắn. Những cây gần chuồng cần được dọn dẹp, không để chúng chạm vào chuồng dơi. Chú ý có rắn là xử lý ngay, không để chúng làm kinh động đàn dơi" - ông Bá nói.
Theo Bình Nguyên (Báo Cần Thơ)
Bí quyết trồng quýt đường không thuốc sâu, năng suất 50 tấn/ha Từ ngày không dùng thuốc sâu hoá học trên vườn quýt đường, ông Phan Văn Minh cảm thấy người khoẻ hẳn ra. Không những thế, việc không dùng thuốc sâu hoá học còn giúp ông Minh giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây quýt đường lên tới 50 tấn/ha. Ông Phan Văn Minh, Pho giam đôc Hơp tac xa nông...