Nuôi gà bằng cây thuốc ít lo bệnh dịch mà bán lại nhanh
Đàn gà nuôi bằng thức ăn có trộn các cây thuốc thảo dược gần 500 con của ông Trần Minh Tâm đã được 4 tháng tuổi, trọng lượng từ 1,5-2kg/con. Ông chọn những con gà nặng ký nhất trong đàn để cung ứng cho doanh nghiệp với giá 70 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, ông Tâm lãi khoảng 30 triệu đồng.
Chọn sự khác biệt trong chăn nuôi, ông Trần Minh Tâm (58 tuổi, ngụ khu phố 2, phường An Hòa) tiên phong trong việc nuôi gà thảo dược tại TP. Rạch Giá, Kiên Giang. Không chỉ thành công trong việc nuôi dòng gà đặc sản theo hướng chăn nuôi sạch, ông Tâm còn chủ động tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá tốt, ổn định.
Ông Tâm cho biết: “ Gà thảo dược không có vị tanh mà thịt rất ngọt, thơm. Kỹ thuật nuôi gà thảo dược không khó, trong đó yếu tố quan trọng là phải đảm bảo cho ăn đủ tỷ lệ cây thuốc thảo dược”.
Đàn gà thảo dược của ông Tâm mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: NQ).
Theo ông Tâm, kháng sinh là con dao 2 lưỡi, nếu lạm dụng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà trước hết gây hại cho chính bản thân người nuôi trong quá trình sử dụng. Ông Tâm chọn mô hình nuôi gà bằng cây thuốc thảo dược thiên nhiên được trộn sẵn vào thức ăn để thay thế kháng sinh trong phòng và chữa bệnh, giúp sản phẩm đến với người tiêu dùng sạch hơn.
Nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi, ông Tâm nhận ra rằng, muốn nuôi số lượng lớn, đầu ra được đảm bảo nhất định phải tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu. Tháng 3.2018, ông Tâm nuôi thử nghiệm lứa gà thảo dược đầu tiên với 500 con giống và nuôi theo quy trình gà thảo dược an toàn do Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái (Ecofarm) đưa ra.
“Phải làm được sản phẩm ngon, bổ dưỡng với mức giá mà người nghèo cũng có thể ăn được” là phương châm mà ông Tâm hướng đến trong thực hiện mô hình nuôi gà thảo dược. (Ảnh: NQ).
Theo hợp đồng với Công ty Ecofarm, ông Tâm được công ty cung cấp con giống, thức ăn và thảo dược với giá rẻ hơn so giá thị trường và sẽ thu mua toàn bộ gà khi đã đạt trọng lượng theo yêu cầu.
Video đang HOT
Hiện đàn gà gần 500 con của ông Tâm đã được 4 tháng tuổi, trọng lượng từ 1,5-2kg/con. Ông Tâm đã chọn những con gà nặng ký nhất trong đàn để cung ứng cho Công ty Ecofarm với giá 70 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, ông Tâm lãi khoảng 30 triệu đồng.
Với hệ thống chuồng trại được đầu tư bài bản, hiện đại là điều kiện thuận lợi để ông Tâm thực hiện mô hình lâu dài. (Ảnh: NQ).
Tham quan mô hình nuôi gà của ông Tâm mới thấy sự táo bạo của người nông dân dám nghĩ dám làm. Chuồng gà được xây dựng bằng bê tông cốt thép với chi phí xây dựng hơn 100 triệu đồng trên diện tích hơn 100m2. Đồng thời, ông còn ứng dụng đệm lót sinh học trong chuồng trại, nhằm giữ môi trường nuôi sạch sẽ không ảnh hưởng đến hộ dân lân cận.
Với hướng đi phù hợp với xu hướng ưu tiên sử dụng thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng hiện nay, lại có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định, mô hình nuôi gà thảo dược của ông Tâm mở ra hướng sản xuất với tỷ lệ thành công cao.
Theo Danviet
Vườn trồng toàn loài cây thuốc bổ, U45 kiếm 15 triệu mỗi tháng
Sau 4 năm xây dựng vùng nguyên liệu thảo dược, nay anh Hà Minh Tuân (45 tuổi, ngụ khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá, Kiên Giang) cung ứng hơn 1 tấn thảo dược các loại/tháng cho các doanh nghiệp, thu lợi nhuận hơn 15 triệu đồng.
Xây dựng vùng nguyên liệu
Trong khoảng sân chưa đầy 300m2 trước nhà là gần 10.000 cây đinh lăng nếp được anh Tuân trồng trong túi ni lông, chậu nhựa, với đủ độ tuổi từ mới giâm hom đến 4-5 năm tuổi. Để có được những cây giống đinh lăng nếp xanh tốt như hiện nay, anh Tuân từng trải qua không ít thất bại trong những ngày đầu khởi nghiệp.
Năm 2013, anh Tuân được đi tham quan một số mô hình kinh tế hiệu quả tại miền Bắc. Khi trở về, anh bắt tay vào nhân giống cây đinh lăng nếp, một loại đinh lăng có hàm lượng dược tính cao hơn so các loại đinh lăng khác để trồng thử nghiệm.
Vườn dược liệu trước sân nhà anh Tuân chưa đầy 300m2. (Ảnh: NQ).
Do chưa có kinh nghiệm với giống cây mới, toàn bộ cây giống đều chết sạch. Trầy trật suốt 1 năm, anh Tuân mới ngộ ra rằng đinh lăng là loại dễ trồng, không cần chăm sóc quá kỹ, chỉ cần trồng bằng xơ dừa đã xử lý vi khuẩn rồi trộn tro trấu, mỗi tuần chỉ cần tưới 1 lần, mùa mưa thì khỏi phải tưới, cứ thế tự nhiên cây sẽ sống khỏe.
Nói về chuyện khởi nghiệp của mình, anh Tuân cho rằng: Bắt đầu ở độ tuổi nào không quan trọng, ý chí sẽ quyết định sự thành bại trong khởi nghiệp của mỗi người.
Sau thất bại, anh Tuân vẫn không ngại khó mà tiếp tục với mục tiêu của mình. (Ảnh: NQ).
Sau bài học cay đắng khi còn làm hàng mỹ nghệ (từ năm 2013) là có đơn đặt hàng nhưng lại không ổn định nguồn nguyên liệu, khi khởi nghiệp lần nữa với cây thảo dược, tôi xác định phải có vùng nguyên liệu trước đã rồi mới tính chuyện tìm kiếm nơi tiêu thụ - anh Tuân cho biết.
Hiện anh Tuân liên kết với 7 hộ dân trong và ngoài khu phố để trồng cây dược liệu với vùng nguyên liệu trên 3ha, nhiều hộ từ khó khăn đã có thu nhập ổn định nhờ tận dụng sân bãi, vườn tạp để trồng đinh lăng nếp và một số thảo dược khác như rau má đồng, lá lốt.
Cây dược liệu sạch
Do đinh lăng được đặt hàng phục vụ cho bào chế dược liệu nên anh Tuân không hề sử dụng phân bón hóa học, hóa chất, nước tưới là nguồn nước máy hợp vệ sinh. Toàn bộ vùng nguyên liệu được anh Tuân hướng dẫn trồng theo hướng hữu cơ. Sau khi hướng dẫn người dân trồng thành công, anh Tuân thu mua lại toàn bộ.
Theo đó, thân cây đinh lăng được anh mua với giá 20 ngàn đồng/kg, lá đinh lăng 5 ngàn đồng/kg, lá rau má đồng 25 ngàn đồng/kg, thân rể rau má 13 ngàn đồng/kg, lá lốt tươi 5 ngàn đồng/kg. Đây là những loại cây dễ trồng, không tốn diện tích, lại nhanh thu hồi vốn. Nếu rau má sau 2 tháng trồng đã cho thu hoạch thì đinh lăng cần đến 6 tháng, từ 6 năm tuổi đinh lăng sẽ cho củ từ 4-5kg/gốc, bán với giá 150 ngàn đồng/kg.
Đinh lăng là loại dễ trồng, không cần chăm sóc quá kỹ. (Ảnh: NQ).
Hiện anh Tuân là chủ cơ sở sơ chế dược liệu Nam Du Phú Quốc, mỗi tháng cung ứng hơn 1 tấn đinh lăng, lá lốt, rau má đã sấy khô cho 6 doanh nghiệp liên kết, với giá trung bình 100 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh Tuân thu lãi khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Khi bạn bè thắc mắc tại sao đang ăn nên làm ra với mặt hàng đồ mỹ nghệ xuất khẩu lại đột ngột chuyển hướng sang cây dược liệu? Anh Tuân cười nói: Thực tế cho thấy, nhu cầu bào chế thuốc từ cây dược liệu đang rất cao nhưng trong tự nhiên, cây dược liệu ngày một khan hiếm. Từ đó, tôi nghĩ, bảo tồn và nhân rộng vùng trồng cây dược liệu là hướng đi bền vững lâu dài.
Anh Tuân đầu tư máy sấy hồng ngoại nhỏ gọn phục vụ việc sấy dược liệu. (Ảnh: NQ).
Thành công của anh Tuân không chỉ dừng lại ở việc xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng, mà anh còn được một số cán bộ Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ lắp ráp thành công máy sấy cây dược liệu bằng điện có thể sấy 1-2 tấn/mẻ vào giữa năm 2017, giúp tiết kiệm nhân công và chủ động khâu phơi sấy.
Sau thành công từ máy sấy dược liệu cải tiến, anh Tuân tiếp tục đầu tư thêm máy sấy hồng ngoại nhỏ gọn phục vụ cho những mẻ sấy đinh lăng, rau má hay lá lốt với số lượng từ 60-100kg/mẻ. Nhờ sự hỗ trợ của máy móc nên chất lượng dược liệu phơi sấy của cơ sở anh Tuân được đảm bảo, khách hàng hài lòng và ngày càng tín nhiệm.
Theo Danviet
Mô hình có một không hai ở Quảng Ngãi: Nuôi gà cho nghe nhạc Trang trại nuôi gà theo mô hình khép kín của anh Phan Thanh Cẩn và Võ Tấn Chung ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) được xem là mô hình có một không hai ở Quảng Ngãi hiện nay. Chuồng trại nuôi gà có hệ thống làm lạnh bằng quạt thông gió, hệ thống loa nghe nhạc. Anh Cẩn dồn hết tâm huyết, tiền...