Nuôi chim trĩ kiếm hàng trăm triệu mỗi năm
Từ 3 con chim trĩ giống ban đầu, đến nay đàn chim trĩ của ông Trần Văn Chức đã lên đến 500 con các loại, không chỉ cải thiện thu nhập cho gia đình mà còn góp phần tạo nên giống chim trĩ cho kinh tế cao.
Ông Trần Văn Chức ở thôn Phú Đa 1 (xã Duy Thu, Duy Xuyên, Quảng Nam) sinh ra trong một gia đình nghèo nên học đến lớp 9 thì phải nghỉ học ở nhà cày, cuốc kiếm sống cùng cha mẹ. Đến tuổi thanh niên, ông tham gia nghĩa vụ quân sự, cho tới năm 1983 thì hoàn thành.
Trĩ xanh
Trở về quê nhà, ông được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã, rồi Chủ tịch Hội Nông dân xã, mãi đến năm 2002 thì nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Duy Thu.
Trong khoảng thời gian đó, nhận thấy bản thân là cán bộ xã mà kiến thức còn hạn hẹp nên ông tranh thủ học bổ túc văn hóa và thi đỗ vào ngành Kinh tế nông nghiệp của Trường ĐH Kinh tế Huế (hệ vừa học vừa làm).
Ông Trần Văn Chức bên trại nuôi chim trĩ của mình
Ông chia sẻ: “Trong thời gian học đại học, tôi được giao làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài nghiên cứu quy trình nuôi chim trĩ đỏ trong điều kiện nuôi nhốt ở Quảng Nam. Vì ở Quảng Nam mô hình này chỉ ở dạng nuôi kiểng tự phát chứ chưa thực sự phát triển mạnh, nên tôi phải ra Hà Nội tìm hiểu quy trình kỹ thuật từ các hộ nuôi loại chim này”.
Trĩ đỏ
Khi nghe tin ông đã học được nhiều kỹ thuật nuôi chim trĩ nên một người bạn đã mang đến 200 trứng và nhờ tạo lò ấp hộ. Ông bèn tìm cách tự sáng tạo lò ấp trứng và cho nở được 139 con. Với thành quả này, ông được người bạn tặng 2 con chim mái và 1 chim trống nuôi để làm cảnh.
Video đang HOT
Vì đam mê nông nghiệp và từng có kinh nghiệm nuôi gà thịt nên ông quyết định thử sức với chim trĩ. Từ đó, ông mày mò cách nhân giống. Không lâu sau đó, từ 3 con chim trĩ của người bạn, sau này phát triển lên thành 20 con, rồi một năm kế đó tăng lên 100 con.
Trĩ trắng được nuôi thử nghiệm gần đây
Thành công ngoài sự mong đợi nên sau khi hoàn thành bài khóa luận và tốt nghiệp ĐH loại giỏi, ông Chức ấp ủ dự định phát triển kinh tế gia đình bằng nghề nuôi chim trĩ. Lúc này, nhận thấy nhiều cán bộ trẻ của xã có trình độ văn hóa, năng lực quản lý nổi trội, trong khi bản thân ông tuổi đã lớn nên tháng 4/2015, ông làm đơn xin nghỉ hưu sớm.
Hiện tại, trại nuôi trĩ của ông Chức có tổng đàn 500 con, trong đó chim trĩ thịt 200 con, chim trĩ giống 200 con, chim đẻ 100 con. Trung bình mỗi ngày, 50 con chim mái đẻ được từ 30-35 trứng với giá 20 ngàn/trứng. Mỗi con chim nuôi khoảng 6 tháng là có thể xuất thịt với giá 200 ngàn/kg và đối với chim giống là 500 ngàn/con mái, 200 ngàn/con trống. Khấu trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông chức thu nhập gần 200 triệu đồng.
Đàn trĩ con
Ông Trần Văn Chức cho biết: “Nuôi chim trĩ khả năng phòng chống bệnh cao hơn gà, thức ăn cũng chỉ cần 33% so với nuôi gà, phân ít mùi và thịt thơm ngon hơn. Tỉ lệ đẻ trứng của chim trĩ cũng khá cao, nếu nuôi theo kiểu tự nhiên, phát huy được tính hoang dã của nó, tức là cho ăn cám kết hợp rau, gạo, các thức ăn tự nhiên; tạo chỗ ẩn nấp cho trĩ… áp dụng đúng phương pháp kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh thì sẽ cho trĩ đạt chất lượng. Nếu nuôi bán chim trĩ giống sẽ lời gấp 5 lần và bán chim thương phẩm lời gấp 3 lần so với nuôi gà”.
Trĩ lấy thịt
Ông cũng cho hay, hiện tại, nhu cầu thị trường cũng khá lớn và thường xuyên. Trong thời gian tới, ông sẽ cho mở rộng quy mô trại và tìm thêm nhiều nguồn cung ứng ở các nơi khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Gần đây, qua một người quen biết tại Quảng Ngãi ông đã mượn giống chim trĩ trắng khá quý hiếm về nhân giống nuôi thử nghiệm. Hiện nay, trại của ông Chức có 3 loại trĩ gồm trắng, xanh và đỏ.
Đáng quý hơn, để tạo điều kiện cho bà con trong xã cùng phát triển mô hình kinh tế này, xóa đói giảm nghèo; ông Chức vừa bán, vừa tặng chim trĩ giống và nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim cho mọi người cùng biết.
N.Linh-C.Bính
Theo Dantri
Bố mẹ phụ hồ, con trai bị ung thư tiền đâu chữa bệnh?
Nhìn khuôn mặt kháu khỉnh, dễ thương của bé trai đang điều trị tại khoa nhi bệnh viện K3 Hà Nội, không ai nghĩ bé đang phải hứng chịu bạo bệnh mà có thể lấy đi tính mạng bé bất cứ lúc nào.
Đó là hoàn cảnh vô cùng thương tâm của bé Tạ An Phước (2 tuổi, xóm 12, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), cậu con độc nhất của vợ chồng anh Tạ Ngọc Tiến và chị Nguyễn Thị Thanh đang hằng ngày phải chống chọi căn bênh u nguyên bào thần kinh.
Hai bố con nằm viện như ở nhà
Cũng bởi, anh Tiến là con trai duy nhất trong gia đình có bốn anh em nên tất cả mọi người trong nhà ngày đêm mong ngóng đứa cháu đích tôn ra đời. Niềm vui vỡ òa khi chị Thanh, vợ anh Tiến sinh ra một bé trai hồng hào, khỏe mạnh. Bé Phước trở thành nguồn động viên to lớn giúp hai vợ chồng phấn đấu làm ăn.
Nhưng nghiệt ngã thay, khi bé Phước được hơn 8 tháng tuổi, bỗng nhiên xuất hiện những dấu hiệu khác thường, bé thường xuyên khóc về đêm, lười ăn, da dẻ ngày càng xanh xao, ốm yếu.
Lo sợ điều chẳng lành, vợ chồng anh chị cuống cuồng chạy vạy khắp nơi lấy tiền đưa con lên bệnh tỉnh Nghệ An rồi đến Bệnh viện Nhi Trung ương với hy vọng bệnh tình con mình sẽ không có gì trầm trọng. Nhưng rồi, tại đây vợ chồng anh chị chết đứng khi nghe bác sĩ kết luận, cháu Phước bị khối u nguyên bào thần kinh phải cần chuyển gấp sang Bệnh viện K phẫu thuật nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Ở bệnh viện K bác sĩ cho biết, vì khối u đã quá lớn nên bây giờ chỉ có cách hóa trị dài ngày đến khi khối u nhỏ lại mới có thể phẫu thuật. Phương pháp điều trị này phải theo lộ trình mất nhiều thời gian và khá tốn kém, có khi phải nằm viện đến nhiều năm trời.
Cũng từ đó tới nay, anh Tiến và bé Phước gần như phải sống chung với bệnh viện, công việc kiếm tiền, chi phí thuốc men, hai bố con trên viện đều do một tay người vợ dưới quê gánh vác. Cuộc sống gia đình anh vốn đã khó khăn, giờ lại càng khó khăn hơn.
Giấy chứng nhận hộ nghèo
Gia đình anh chị thuộc vào diện hộ nghèo trong xã, hai vợ chồng đều làm nông, thu nhập chính phụ thuộc vào 3 sào lúa nhưng chẳng lúc nào gia đình thoát được cảnh thiếu ăn.
Trước kia, con trai chưa mắc bệnh, hai vợ chồng anh Tiến chị Thanh chăm chỉ đi phụ hồ, công việc tuy thu nhập không cao nhưng cũng đủ mắm muối, mua sữa cho con hằng ngày. Từ ngày con mắc bạo bệnh kinh tế gia đình ngày càng tụt dốc không phanh.
Để có tiền cho con nằm viện, hai vợ chồng phải vay mượn khắp nơi thậm chí vay cả ngân hàng .Tính đến nay, bé Phước nằm viện điều trị được 8 tháng, mặc dù có bảo hiểm y tế hỗ trợ nhưng số thuốc điều trị ngoài danh mục bảo hiểm khá đắt đỏ cộng thêm chi phí ăn uống, đi lại, đến nay số tiền đã vượt con số 100 triệu đồng.
"Bây giờ đến việc chạy tiền để hàng tháng hóa trị cho con đã khó nói gì số tiền vài trăm triệu phẫu thuật cho con. Có tài sản gì quý giá trong nhà, vợ chồng cũng đã bán rồi, giờ chỉ còn căn nhà tạm bợ dưới quê có bán thì cũng chẳng ai mua.." anh Tiến ngậm ngùi chia sẻ.
Các đợt điều trị tiếp theo cũng sẽ tốn kém khá nhiều tiền của, số tiền để tiếp tục điều trị cho bé đã vượt quá khả năng của gai đình. Nhìn con thơ chịu đau đớn, tính mạng bị đe dọa, bậc làm cha làm mẹ nào cũng không khỏi xót xa. Gia đình bé Phước đang rất cần những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để có thể vượt qua cơn khó khăn này
Phạm Văn Bắc
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Anh Tạ Ngọc Tiến (xóm 2, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) SĐT anh Tiến: 0966741225
Theo VietNamNet
Cha nghèo tuyệt vọng vì con trai tai nạn dập não, vợ ung thư Ở khoa hồi sức tích cực bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), nhiều người mủi lòng trước cảnh người cha nghèo khi lủi thủi chăm con, lúc lại tất tả chạy vạy khắp nơi vay tiền viện phí. Bệnh nhân Lê Văn Mạnh (11 tuổi), con anh trong tình trạng hết sức nguy kịch bị đa chấn thương: dập não,...