Nước thánh trong ‘Tây du ký’ là… bia hơi
Trong tập 15, đoàn phim của Dương Khiết đã sử dụng đạo cụ là bia hơi để dùng làm nước thánh cho diễn viên uống.
Cảnh máu me nhất và khẩu thịt lợn
Trong tập 15 Đấu phép hạ tam quái còn có chi tiết, Tôn Ngộ Không và Hổ Lực Đại Tiên ( Lưu Cần đóng) thi triển chém đầu. Chi tiết này được coi như cảnh máu me nhất trong phim Tây du ký.
Cảnh Tôn Ngộ Không bị chém đầu từng xuất hiện trong tập 3 Đại Thánh náo thiên cung. Khi đó, cảnh quay chủ yếu dựa trên kỹ xảo dùng tấm phông xanh, tiến hành quay và ghép phần đầu diễn viên và phần cơ thể riêng rẽ sau đó ghép lại. Còn trong tập Đấu phép hạ tam quái lần này, đoàn phim vẫn sử dụng cách làm trên nhưng phần hậu kỳ đã thuần thục hơn.
Cảnh đầu Ngộ Không bị chém rơi xuống đất, không những lăn long lóc mà còn có thể bay trên không trung và nhảy lên tay của Ngộ Không để nói chuyện, càng làm tăng thêm hiệu quả cho phim cũng như yếu tố ly kỳ.
Ngộ Không và Hổ Lực Đại Tiên cùng thi triển phép thuật.
Điểm hạn chế là ở chỗ, điều kiện kỹ thuật, kỹ xảo thời kỳ này vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn phải sử dụng nhiều đến phương pháp tấm phông xanh.
Cảnh Hổ Lực Đại Tiên bị chém đầu, đạo diễn Dương Khiết muốn khắc họa cho thêm tính chân thực và sống động nên khâu chuẩn bị được giao cho bộ phận đạo cụ, hóa trang và sương khói của đoàn phối hợp cùng thực hiện.
Buổi tối ngày hôm trước, mọi người trong đoàn sau khi ăn cơm xong, chuyên gia đạo cụ là Chân Chí Tài đã mang một chiếc bao bố vội vàng từ đâu bước đến, ai nấy đều hết sức ngạc nhiên và không hiểu anh định làm gì với chiếc bao trên tay và mới từ đâu về.
Trong lúc mọi người vẫn còn thắc mắc, Chân Chí Tài đã đặt chiếc bao trên mặt bàn, móc ra một khẩu thịt lợn còn nguyên cả phần bì. Hóa ra anh đang chuẩn bị đạo cụ cho cảnh quay ngày hôm sau. Với khẩu thịt lợn trên tay, anh chỉ loáng một cái đã cuộn tròn lại thành hình trụ, bên ngoài còn được phủ một lớp màng mỏng màu thịt sống.
Ngày thứ hai tiến hành cảnh quay chém đầu của Hổ Lực Đại Tiên, tất cả khâu từ đạo cụ, hóa trang và sương khói đều đã được chuẩn bị chu đáo, đâu ra đấy để phục vụ cho việc ghi hình.
Đội hóa trang đã giấu ống nhựa chứa máu giả vào bên trong khẩu thịt lợn cuộn tròn chuẩn bị từ ngày hôm trước, ngoài ra còn khéo léo gắn một quả bóng cao su với ống thịt lợn trông như phần đầu và phần cổ thật. Chỉ cần đợi đến cảnh quay như kịch bản, khi ống dẫn được bơm sẽ lập tức phụt máu ra. Bộ phận sương khói cũng đã bố trí ống dẫn khói ở phía trước ống thịt lợn, sau khi đầu bị chém sẽ lập tức xịt ra lớp khói trắng vừa hư ảo vừa tạo cảm giác rợn rợn.
Khi tất cả khâu đã thuần thục, đạo diễn hô “Diễn”, những bộ phận được giao cứ thế tuần tự làm theo kế hoạch ban đầu. Khi đao phủ (chuyên gia sương khói Lưu Lễ đóng) dập dao chém, một tiếng nổ xuất hiện, lớp khói bốc ra, đầu rơi xuống, máu phun trào xối xả. Hiệu quả hình ảnh được coi là khá đạt, đồng thời kết thúc cảnh quay máu me nhất từ trước đến giờ trong phim Tây du ký.
Một cảnh quay thi triển phép thuật khác giữa Hổ lực đại tiên và Tôn Ngộ Không.
Cười ngất cảnh Lộc lực bị đệm cói “tét đít”
Trong cảnh Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng đại náo điện Tam Thanh ở tập Đấu phép hạ tam quái, người xem chắc chắn không thể quên cảnh ba huynh đệ đã tè vào ba chiếc bình để ban “nước thánh” cho 3 yêu đạo Hổ lực, Dương lực và Lộc lực.
Bộ phận đạo diễn đã nghĩ ra không ít những tình huống hài hước cho cảnh quay này. Ví dụ, cảnh đệm cói đập mông, cảnh này Ngộ Không đứng bên ngoài điện nhìn trộm ba yêu đạo đang làm phép, Lộc lực đại tiên ( Tằng Thảo đóng) vừa ngồi vừa bay lên không trung (dùng dây cáp để đưa diễn viên lên cao), Ngộ Không dùng phép thuật khiến cho chiếc đệm cói phía dưới mông của Lộc lực bay lên bay xuống và đập bôm bốp vào mông vị này, khiến cho mọi người xung quanh náo loạn.
Video đang HOT
Cảnh hài hước khi Lộc lực đại tiên bị Ngộ Không chơi xỏ.
Ban đầu, chiếc đệm cói sẽ được quấn vào phần mông của diễn viên, thế nhưng khi quay lại không có dây để buộc cố định vào mông nên chiếc đệm cói dễ dàng bị rơi. Đạo diễn đã linh động khi cho dùng một sợi dây thép nhỏ để giữ chiếc đệm cói, đồng thời tạo lực để đập vào mông của Lộc lực, càng khiến cho cảnh quay thêm hài hước, vui nhộn.
Ngoài ra còn có chi tiết Ngộ Không sau khi “phá đám” 3 yêu đạo trong điện Tam Thanh và trở lại phòng, cố ý trêu đùa Bát Giới (Mã Đức Hoa) cùng tham gia vụ “phá đám” ở điện Tam Thanh. Ngộ Không đã lôi kéo Sa Tăng giả vờ nói nhử Bát Giới rằng có rất nhiều đồ ăn ngon ở trong điện. Lúc này Bát Giới liền nhỏng tai lên nghe như nuốt từng lời.
Cảnh này, phó đạo diễn Tuần Hạo khéo léo dùng một sợi dây cước câu cá để có thể dựng đứng tai của Bát Giới lên. Tình tiết này mặc dù rất nhỏ nhưng được chú ý hết mực cẩn thận, đặc biệt khi điều khiển sợi dây câu.
Đạo diễn Dương Khiết chỉ đạo diễn viên Tây du ký trong tập Đấu phép hạ tam quái.
Bên cạnh đó còn có chi tiết ba bức tượng trên điện Tam Thanh giao cho ba diễn viên phụ của đoàn thể hiện. Có một cảnh Trư Bát Giới nhấc bổng một vị lên vai chuyển ra chỗ khác, đoàn phim đã cố tình lựa một diễn viên nhẹ ký nhất để cho Mã Đức Hoa có thể dễ dàng vác lên vai chuyển đi.
“Nước thánh” thực ra là bia hơi
Tình huống gây cười nhất trong tập phim này là khi 3 yêu đạo cầu xin ba vị Tam Thanh “rởm” ban cho nước thánh để cuối cùng mới phát hiện đó chính là nước tiểu của khỉ và lợn (do Ngộ Không và Bát Giới tè ra). Chi tiết này cũng khiến người xem cười ngặt ngẽo, thế nhưng khi biết tường tận còn mắc cười hơn.
Đội ngũ đạo cụ khi chuẩn bị đã định sử dụng nước có ga, thế nhưng trong quá trình quay, phó đạo diễn Nhiệm Phượng Pha đã đề xuất sử dụng bia hơi làm nước tiểu. Theo phó đạo diễn Nhiệm nước bia vừa có màu sắc vàng và lớp bọt gần giống với nước tiểu.
Đề xuất này ngay lập tức được đạo diễn tán thành, kết quả là cho ra cảnh quay đúng như ý muốn, cả đoàn phim đều ồ lên cười. Tuy vậy, khi mọi người cười xong rồi thì toàn bộ nhân viên trong đoàn không ai còn dám uống loại bia trong bình vốn được coi là nước thánh kia nữa, bởi cả đoàn cứ nghĩ đến thứ bọt của bia vốn là nước đái của khỉ và lợn.
Theo Khám phá
Hoàn cảnh đặc biệt của con gái đạo diễn 'Tây du ký'
A A là tên gọi thân mật ở nhà của Dương Vân Phi, cô con gái út của đạo diễn Dương Khiết và là nhân viên hóa trang chuyên nghiệp trong đoàn phim.
Sau khi liệt kê những diễn viên và hầu hết thành viên trong đoàn Tây du ký, đạo diễn Dương Khiết không thể không nhắc đến một thành viên đặc biệt của đoàn chính là cô con gái A A (tên thật Dương Vân Phi) mà bà đưa đi theo. Nhắc đến cô con gái sinh năm 1970, khi đó mới 12 tuổi, nữ đạo diễn không khỏi bồi hồi xúc động lẫn xót xa bởi vì làm đạo diễn một bộ phim lớn quan trọng bà đã không thể làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, người phụ nữ trong gia đình.
Trong thời gian Dương Khiết giữ vai trò là đạo diễn, linh hồn của đoàn phim Tây du ký, lúc này, cô con gái út của bà là A A mới lên 12 tuổi. A A ở vào tuổi đang trưởng thành, trong khi mẹ lại thường xuyên phải đi công tác xa nhà, rất hiếm khi có mặt ở Bắc Kinh. Những lúc về Bắc Kinh bà cũng thường vội vội vàng vàng, đầu tắt mặt tối với công việc hậu kỳ, biên tập nên chẳng mấy khi đặt chân được về đến nhà. Vì vậy, việc chăm sóc cho cuộc sống và học tập của cô con gái A A bà không đảm đương được.
Cô bé A A (khoanh tròn) chụp cùng thành viên đoàn Tây du ký tại lễ đường Nhà hát Quân đội Bắc Kinh.
Thời gian đầu, việc sắp đặt và lo liệu cho cuộc sống của cô bé cũng trở thành việc khiến đạo diễn Dương cảm thấy đau đầu và khổ sở nhất. Mỗi lần đi quay, bà thường đi biền biệt hàng tháng trời, do đó con gái sẽ không có ai chăm.
Lần thứ nhất, nhân đợt được nghỉ đông, Dương Khiết gửi A A cho vợ của Lý Thành Nho - trợ lý trường quay của đoàn (bây giờ đã trở thành vợ cũ của Lý Thành Nho). Nhà của vợ chồng Lý Thành Nho tương đối xa trường học của cô bé. Nhớ lại, đạo diễn Dương vẫn vô cùng cảm kích và biết ơn lòng tốt của bà xã Lý Thành Nho đã cưu mang và chăm sóc hết sức tận tình, chu đáo cho con gái bà.
Lần thứ hai, bà nhờ con gái lớn Mễ Mễ đang theo học ở Mỹ nói với cô bạn thân là Tôn Tử Anh đến nhà trông chừng và chăm sóc cho A A. Tôn Tử Anh vốn không quen việc nhà, vì vậy, cô đã nhờ thêm chị gái đến cùng chăm sóc cho con gái củaDương Khiết. Con gái của mình nhưng cứ phải đem gửi hết người này đến người khác, đạo diễn Dương trong lòng cảm thấy vô cùng áy náy, gượng gạo nhưng cũng không thể làm thế nào khác.
Lần thứ ba, Dương Khiết đem gửi A A đến nhà bố mẹ đẻ, vì không thể trông mong nhờ vả ai. Nhà bố mẹ bà khá xa trường học của con gái, đường đi lại và xe cộ đều bất tiện, vì vậy, cô bé phải tự lo liệu đường đi nước bước trong thời gian này.
A A (trái) cùng thầy trò Đường Tăng (từ trái qua): Uông Việt (Đường Tăng), Lục Tiểu Linh Đồng và Mã Đức Hoa.
Bố mẹ bà khi đó đều già yếu, không chăm sóc đầy đủ được cho cô bé, đến bữa ăn cũng không có, vì vậy, A A thường xuyên bụng đói đến trường. Bạn bè trong lớp biết chuyện đều nhường cơm cho cô bé, có bạn mang thêm ít cơm từ nhà để xẻ cho, có bạn thì ăn ít đi một chút còn nhường cho A A. Có hôm cô bé còn không có cơm để ăn, đạo diễn Dương Khiết khi về Bắc Kinh mới hay có chuyện này sau khi được vợ của Lý Thành Nho kể lại.
Nghe xong chuyện này, nữ đạo diễn thêm xót xa như có ai đâm nhát dao vào ngực. Bà thương con phải chịu khổ, cũng chỉ vì cái ăn không có nên nỗi phải vất vả, đói lòng. Suy đi tính lại, Dương Khiết vẫn không biết phải làm sao, làm sao có thể ngừng quay Tây du ký được lúc này.
Trước khi trở lại đoàn, bà liền viết một bản hợp đồng giao kèo với nhà hàng ở tầng một dưới khu tập thể và thương lượng, hàng ngày nấu ăn cho cô bé A A, mỗi bữa ăn hết bao nhiêu ghi lại ngần ấy tiền, khi về bà sẽ thanh toán. Lời đề nghị trên của đạo diễn Dương không những được người của nhà hàng đồng ý, họ còn cử một nhân viên chăm sóc riêng cho khoản ăn uống của con gái bà.
Dương Khiết vô cùng biết ơn vợ chồng Lý Thành Nho (thứ hai từ trái qua) vì đã có thời gian chăm sóc cho con gái bà.
Như vậy là vấn đề ăn uống của A A đã được giải quyết ổn thỏa. Có một vài lần, cô bé dẫn đến nhà hàng có 2-3 bạn học cùng ăn, Dương Khiết đoán chừng A A muốn mời các bạn đến ăn coi như báo đáp và cảm ơn những lần được các bạn sẻ cơm nhường cái ăn trong thời gian cô bé phải chịu đói. Nhân viên phụ trách ăn uống của A A cũng để ý chuyện này, có lần cô hỏi khéo A A: "A A này, tiền ăn uống của cháu là do mẹ cháu trả, các bạn đến ăn thế này thì ai trả tiền?".
Sau lần đó, không còn thấy A A rủ bạn đến ăn cùng thêm một lần nào. Năm đó, cô bé A A đang học cấp hai, trường học cách nhà một đoàn khá xa, không còn được gần như hồi học tiểu học. Trong trường có một vài cậu bạn ngỗ ngược, cậy lớn xác thường xuyên bắt nạt các bạn gái trên đường đến trường, A A cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Chuyện này cô bé không nói cho Dương Khiết biết, bà chỉ biết sau khi cô con gái lớn Mễ Mễ ở nước ngoài gọi điện về kể lại. Mễ Mễ vì sốt ruột nên nhờ một người bạn quen ở Bắc Kinh ngày ngày lo việc đưa đón em gái A A đến trường. Cậu bạn của Mễ Mễ nhận lời nhưng ngoài ra còn phải đi làm, không thể đưa đón A A mãi như vậy được. Cuối cùng Mễ Mễ đành phải gọi điện nói cho Dương Khiết biết để tìm cách giải quyết.
Trong lần đoàn phim trở lại thực hiện quay ở Bắc Kinh, có một vài nhân viên khi biết chuyện đã tình nguyện phân công nhau đưa đón cô bé A A. Thế nhưng thời gian ở Bắc Kinh của đoàn cũng không được là bao, Dương Khiết chỉ còn biết dặn con cố gắng nên đi cùng bạn bè mỗi khi về nhà, nhất định không được đi riêng rẽ.
Dương Khiết (áo xanh) vì trọng trách quan trọng với đoàn Tây du ký nên thường đi công tác xa hàng tháng trời.
Cô bé A A khi đó còn mắc chứng bệnh đau đầu, mỗi lần cơn đau xuất hiện thường khiến cô bé như muốn nổ tung. Mới đầu triệu chứng thường là mặt mày biến sắc, buồn nôn. Chỉ còn cách cố chìm vào giấc ngủ, sau nửa ngày mới thấy đỡ. Có lần đang ở lớp học, A A chịu cơn đau đầu nặng, bạn cùng lớp phải đưa cô bé về nhà, ở nhà lại không có ai chăm sóc. Cô bé có lẽ đã quen chịu đựng, vì vậy, mỗi khi bị đau thường không bao giờ hé răng nửa lời với ai, không bao giờ biết than vãn, kêu ca, cũng không khóc lóc, cứ chịu đựng như không có chuyện gì xảy ra.
Khi Dương Khiết ở Bắc Kinh, cô bé cũng không nói cho bà biết về bệnh tình, đến khi gặp vợ của Lý Thành Nho kể lại thì bà mới hay chuyện. Nữ đạo diễn lập tức đưa con gái đến bệnh viện nhi đồng khám, bác sĩ chuẩn đoán cô bé mắc chứng động kinh và cho thuốc uống. Thế nhưng, thuốc càng uống bệnh càng không khỏi, thậm chí bệnh còn nặng hơn. Dương Khiết lại đến viện tìm gặp bắc sĩ, yêu cầu chẩn đoán lại xem có sơ xuất gì trước đó không. Bác sĩ ở đây nhất quyết từ chối: "Chẩn đoán gì nữa, động kinh chứ còn bệnh gì, có gì mà thăm với khám. Tiếp tục uống thuốc!", bác sĩ khám cho A A quả quyết.
Giờ đây nhớ lại thời gian xa nhà và để con gái bơ vơ, đạo diễn Dương Khiết vẫn còn ngậm ngùi, xót xa.
Thời gian này, Trung Quốc mới vừa kết thúc thời kỳ Cách mạng Văn hóa, mọi việc còn chưa đi vào quỹ đạo, thái độ của các y bác sĩ còn tắc trách, quát nạt bệnh nhân chẳng khác nào những kẻ đi xin. Dương Khiết không còn biết nên nói với các bác sĩ ở đây như thế nào cho phải, thuốc họ cho A A uống là loại thuốc Lumena, gần như không có tác dụng gì, thậm chí còn khiến bệnh thêm trầm trọng hơn. Nhiều lần cô bé lâm bệnh, người trở nên đờ đẫn và phản ứng chậm chạp. Có lúc mẹ gọi đến 2-3 tiếng mới thấy cô bé như sực tỉnh và chỉ biết dạ một tiếng thất thanh.
Tình trạng này diễn ra với A A cũng đã khá lâu, hơn một năm, thêm nữa lại mang bệnh đến bác sĩ không biết khám chữa ra sao. Đạo diễn Dương Khiết càng lo lắng, đau xót vì con, bà tự vấn, không lẽ công việc bận rộn đã khiến con bà nên nông nỗi này. A A giờ đây mang bệnh làm sao có thể học hành được. Trong khi cuộc sống của cô bé lại không có ai chăm sóc, bản thân bà luôn đặt công việc lên hàng đầu, nhưng không vì thế vứt bỏ con cái vất vưởng bơ vơ vô trách nhiệm như thế được. Vấn đề này, đạo diễn Dương gần như lâm vào ngõ cụt.
Thư ký Mã Lệ Châu (ngoài cùng bên phải) biết chuyện đã giới thiệu Dương Khiết đưa A A đến bệnh viện Bắc Kinh để chữa bệnh.
Nỗi lo lắng này của đạo diễn Dương Khiết cũng đến tai thư ký của bà là Mã Lệ Châu, cô chủ động yêu cầu Dương Khiết cho A A đến bệnh viện Bắc Kinh khám, ở đây Mã Lệ Châu có người quen công tác, là bác sĩ chủ nhiệm khoa Nội.
Mã Lệ Châu và hai mẹ con đạo diễn Dương cùng đến bệnh viện Bắc Kinh và tìm gặp vị bác sĩ trên. Sau khi thăm khám bệnh tình được bác sĩ thông báo tin vui, về cơ bản cô bé A A không mắc chứng bệnh động kinh nào hết, chỉ là chứng đau đầu liên quan đến thần kinh. Bệnh này sẽ tự động khỏi sau khi qua tuổi 15. Nếu còn tiếp tục uống loại thuốc Lumena sẽ khiến cho cô bé trở nên đờ đẫn, ngớ ngẩn. Vị bác sĩ trên liền kê một đơn thuốc mới cho A A để giảm các cơn đau mỗi khi có triệu chứng đau xuất hiện.
Dương Khiết vì chuyện này mà cảm thấy vui mừng khôn xiết, bà thầm cảm ơn Mã Lệ Châu vì đã giới thiệu đến gặp đúng thầy đúng thuốc, nếu không cô bé A A không biết sẽ bị những bác sĩ ở viện nhi kia tiếp tục điều trị một cách thiếu hiểu biết, hậu quả sẽ khôn lường.
Mặc dù vậy, lần khám này coi như đã muộn, A A thời gian này đã trở nên lờ đờ, chậm chạp do tác dụng của việc uống quá nhiều loại thuốc trên. Điều cần thiết lúc này là phải đợi thêm một thời gian mới trở lại bình thường như trước. Hiện tại, A A không thể đi học bình thường như bạn bè, hơn nữa lại không có ai chăm sóc.Dương Khiết nghĩ, bà có thể để cô bé hy sinh chuyện học tập, không cần bằng cấp nhưng không thể để cô bé yếu ớt, quan trọng vẫn là sức khỏe. Bà nhận thấy bản thân đã lao tâm khổ tứ và hy sinh quá nhiều cho đoàn Tây du ký, trong khi con cái thì để vất vưởng không ai chăm sóc.
A A năm 2000 là chuyên gia hóa trang chính của Tây du ký phần 2.
Sau nhiều lần suy nghĩ đắn đo, Dương Khiết quyết định viết báo cáo gửi lãnh đạo đài, nói rõ hoàn cảnh gia đình, đồng thời bà đề nghị cho phép con gái A A cùng bà đi theo đoàn phim. Điều này đồng nghĩa với việc bà để A A phải nghỉ học, theo đoàn Tây du ký học hóa trang. Đây là trường hợp đặc biệt, vì vậy, bà mong lãnh đạo đài CCTV ưu tiên và tạo điều kiện cho bà để có thể chuyên tâm đến công việc làm phim hiện tại.
Phía lãnh đạo đài đã xem xét và nhận thấy hoàn cảnh gia đình của Dương Khiếtthực sự khó khăn, vì vậy đã đồng ý với yêu cầu trên của nữ đạo diễn. Như vậy, cô bé A A bắt đầu cuộc sống ở đoàn Tây du ký cùng mẹ năm 13 tuổi.
A A lớn lên cùng Tây du ký, đồng thời điều trị dứt điểm được căn bệnh đau đầu, học được các kỹ năng hóa trang từ các nghệ sĩ trong đoàn. Đến nay A A đã trở thành một chuyên gia hóa trang lão luyện và trưởng thành. Mỗi khi nhớ lại tuổi thơ của con gái, đạo diễn Dương Khiết lại cảm thấy xót xa và thương con bấy nhiêu. Vì công việc, bà bắt buộc phải cho con thôi học, vì bố mẹ bận rộn nên khiến cô bé phải đối mặt với cuộc sống thui thủi không ai chăm sóc. May mà giờ đây mọi chuyện đã trở thành quá khứ, A A đã thành một cô gái nghị lực, sống độc lập và không ngại gian khổ, điều này A A được tôi luyện nhờ những năm tháng đầy vất vả khó khăn trước đây.
Dương Vân Phi (A A) hóa trang cho Lục Tiểu Linh Đồng trong Tây du ký phần 2.
A A là tên gọi thân mật ở nhà của Dương Vân Phi, cô con gái út của đạo diễnDương Khiết, với Vương Sùng Thu (phó đạo diễn Tây du ký), mặc dù không hiểu lý do gì bà lấy họ của mình làm họ cho cô con gái, thay vì họ Vương của chồng. Sau khi học được kỹ thuật hóa trang từ các nghệ sĩ đoàn Tây du ký trong suốt thời gian rong ruổi cùng mẹ và đoàn phim, cô bé A A ngày nào đã trở thành nữ nghệ sĩ hóa trang nổi tiếng.
Cô được mời đảm nhiệm vị trí chuyên gia hóa trang trong các bộ phim nổi tiếng như Tây du kýphần 2 và Tây Thi do mẹ cô Dương Khiết đảm nhiệm vai trò đạo diễn, Lửa thiêu cung A Phòng, Bích huyết kiếm, Lộc đỉnh ký, Ỷ thiên đồ long ký, Binh thành, Tân Tây Du Ký của Trương Kỷ Trung...
Hiện tại, A A/Dương Vân Phi vẫn là nghệ sĩ hóa trang tự do, không thuộc đoàn phim nào. Ở đâu có đoàn mời thì cô đến, thu nhập từ công việc đều đặn cũng khiến nữ nghệ sĩ hóa trang 43 tuổi cảm thấy hài lòng. Cô không trách hay oán giận bố mẹ, ngược lại càng thêm nỗ lực và quyết tâm phấn đấu vươn lên. A A không vì có bố mẹ nổi tiếng mà dựa dẫm, đạo diễn Dương Khiết cũng muốn cô tự lập, vì vậy, đến bây giờ A A vẫn không làm cố định ở một cơ quan nào.
Theo Khám phá
Ngộ Không, Đường Tăng cũng làm "cửu vạn" Vì thiếu nhân viên và để tiết kiệm kinh phí, tất cả mọi thành viên từ Ngộ Không, Đường Tăng, Bát Giới, yêu tinh quỷ quái... đều phải tham gia bốc dỡ đồ đạc của đoàn thay cho nhân viên cửu vạn. Trong đoàn phim Tây Du Ký, lực lượng diễn viên, nhân viên đa phần đều là những người trẻ, ai cũng...