Nước thải đen ngòm, hôi thối ‘bức tử’ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long
Mỗi ngày, hàng chục nghìn mét khối nước thải không qua xử lý được đổ thẳng ra môi trường, uy hiếp nghiêm trọng vịnh Hạ Long, Bái Tử Long ( Quảng Ninh).
Nước thải không qua xử lý đổ trực tiếp ra vịnh Bái Tử Long tại khu 6, P.Cẩm Trung, TP.Cẩm Phả . Ảnh: L.N.H
Bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long kéo dài hơn 30 km từ TP.Hạ Long đến TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) nhưng có tới hàng trăm cống nước thải xả trực tiếp ra môi trường, trong đó có cả nước thải nhiễm kim loại nặng từ các khai trường của ngành than trút xuống vịnh Bái Tử Long.
Ghi nhận của PV Thanh Niên tại TP.Cẩm Phả, từ khu vực P.Quang Hanh đến P.Mông Dương có trên 20 cống thoát nước hằng ngày đổ hơn 20.000 m3 nước thải ra vịnh Bái Tử Long. Ở khu 4, P.Cẩm Trung, TP.Cẩm Phả, cống nước thải dài gần 500 m luôn có màu đen kịt, kèm theo mùi hôi thối. Bà Phó Thị Huyền (70 tuổi, khu 6, P.Cẩm Trung, TP.Cẩm Phả) cho biết: “Nước thải sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân đều tập trung về đây rồi cứ thế xả ra biển. Vào ngày mưa, nước thải ồ ạt đổ về kèm theo đủ các loại rác rưởi, xác động vật… Không thể chịu nổi mùi hôi thối”. .
Nước thải không qua xử lý đổ trực tiếp ra vịnh Bái Tử Long tại khu 6, P.Cẩm Trung, TP.Cẩm Phả . Ảnh: L.N.H
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo ghi nhận, môi trường tại khu vực P.Quang Hanh và cụm công nghiệp Cẩm Thịnh (P.Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả), nước thải nhiễm kim loại nặng từ hoạt động sàng rửa than đổ trực tiếp vào hệ thống cống của khu dân cư và cứ thế hòa vào dòng chảy, đổ ra biển. Ông Trần Văn Vũ (ở khu 3, P.Cẩm Trung, TP.Cẩm Phả) ngao ngán nói: “Đó là nguyên do trước đây ven bờ vịnh Bái Tử Long có rất nhiều rừng ngập mặn nhưng đến nay không còn. Vịnh không chỉ bị “bức tử” bởi đủ loại nước thải mà còn bị xâm lấn. Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng đâu lại vào đó”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại vịnh Hạ Long. Nước thải của hàng nghìn hộ dân cũng như hệ thống khách sạn, nhà hàng cứ thế đổ trực tiếp ra biển. Vào những ngày mưa lớn, nước biển chuyển từ màu xanh sang màu nâu, kèm theo mùi hôi thối. Dọc bờ biển Hạ Long với chiều dài hơn 10 km, nay đã vắng bóng rừng ngập mặn. Một số nơi còn sót lại chút rừng thì cây cũng đang bị lụi tàn và chết dần.
Đáng chú ý, cứ vào những ngày mưa lớn, nước thải từ các khai trường than của Công ty than Núi Béo, Công ty than Hà Tu lại đổ trực tiếp ra suối Lộ Phong (P.Hà Phong, TP.Hạ Long), người dân quanh vùng lội suối, ngăn dòng để tận thu hàng trăm tấn than trôi ngay tại miệng cống.
Đại diện UBND TP.Cẩm Phả và TP.Hạ Long thừa nhận, việc xử lý nước thải của hai địa phương này rất hạn chế. Mỗi ngày vẫn còn hàng chục nghìn mét khối nước thải ô nhiễm buộc phải đổ thẳng ra vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Cụ thể, tại TP.Cẩm Phả, mỗi ngày có khoảng 20.000 m3 nước thải đổ ra vịnh Bái Tử Long. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại TP.Hạ Long. Theo Công ty môi trường đô thị Hạ Long, mỗi ngày lượng nước sinh hoạt đổ ra vịnh Hạ Long là khoảng 30.000 m3, nhưng chỉ có khoảng 30% được xử lý trước khi đổ ra vịnh.
Năm 2017, Sở TN-MT Quảng Ninh đã tiến hành lấy mẫu quan trắc tại một số khu vực ven bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Kết quả cho thấy, môi trường nước ở đây bị nhiễm kim loại nặng gấp 3 lần cho phép.
Tháng 8.2018, một nghiên cứu của đoàn chuyên gia quốc tế của UNESCO, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường tại vịnh Hạ Long. Ông Jake Bruner, Trưởng nhóm thuộc IUCN của các nước Đông Nam Á, lo ngại khi nước trên vịnh Hạ Long không còn xanh trong như trước.
Video đang HOT
Nguyên nhân là kỳ quan này đang hằng ngày phải tiếp nhận hàng nghìn mét khối nước thải từ cống thoát nước đổ ra, chưa tính đến nước thải từ hoạt động của khoảng 500 tàu du lịch. Ông Phạm Văn Kính, Phó chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả, cho biết để xử lý được nguồn nước thải phải có một nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, ngoài việc đổ thẳng ra biển thì địa phương này chưa có phương án nào khác.
Còn theo một vị lãnh đạo Sở TN-MT Quảng Ninh, địa phương này đang làm hồ sơ vay vốn ODA của Nhật Bản cho dự án xử lý nước thải sinh hoạt TP.Hạ Long. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 150 triệu USD, trong đó vốn vay ODA dự kiến là 125 triệu USD, số còn lại là vốn đối ứng. Theo thiết kế, dự án khi đi vào hoạt động sẽ thu gom và xử lý cơ bản nước thải sinh hoạt của thành phố, trước khi đổ ra vịnh Hạ Long. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn giậm chân tại chỗ và điều đó đồng nghĩa với việc vịnh xanh vẫn đang hằng ngày, hằng giờ bị “bức tử”.
Theo Thanhnien
Vùng lõi di sản vịnh Hạ Long những vết thương khó chữa
Trở lại vịnh Hạ Long vào một ngày cuối tháng 6, các công trình xây dựng vi phạm trong vùng lõi Di sản vẫn hiện ra ngổn ngang.
Một số công trình đã hoàn thiện bị lập biên bản nhưng vẫn sừng sững với hàng nghìn khối bê tông nổi trên mặt biển; 2 công trình bị dừng thi công đã chớp nhoáng hoàn thiện thủ tục pháp lý để tiếp tục thực hiện.
Bài 1: "Công cuộc" bê tông hóa vùng lõi di sản
Ngày 26/6, Dân Việt đã đăng bài "Vịnh Hạ Long là của ai?" ở mục Kính đa tròng, trong đó có đề cập tình trạng vùng lõi của vịnh Hạ Long, nơi được công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới - bị xâm phạm bởi những công trình xây dựng. Tìm hiểu sâu của PV cho thấy tình trạng này đã diễn ra từ khá lâu mà không có sự can thiệp kịp thời từ chính quyền.
Các thiết bị, vật tư và công nhân đang thi công bến cập tầu trước cửa động Mê Cung, với hàng nghìn khối bê tông đã đổ xuống biển. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Ngổn ngang công trường
Trước đó, vào trung tuần tháng 5/2019, nhóm PV có chuyến đi khảo sát hầu khắp vùng lõi vịnh Hạ Long. Hàng loạt công trình đã và đang xây dựng trên vùng lõi khiến chúng tôi không khỏi sững sờ, dù đã được báo trước.
Tại động Mê Cung, nhiều ụ nổi cùng cần cẩu, các loại thiết bị, vật tư xây dựng và hàng chục công nhân đang mải miết thi công. Tại hòn Soi Cỏ, nơi được coi là "Thiên cảnh sơn" trên vịnh Hạ Long, một bến cập tàu quy mô lớn hiện ra với bờ kè bê tông ôm gần trọn một mặt hòn. Hòn Cây Chanh cũng bị "bao vây" bởi một bờ kè dài 170m bằng đá, đổ bê tông mặt dày 20cm, do Công ty cổ phần Du thuyền Đông Dương xây dựng.
Hoạt động xây dựng bến cập tàu cũng đang diễn ra rầm rộ trước cửa hang Tiên Ông, với dàn tàu, cần cẩu đậu kín khu vực thi công, tiếng gầm rú của động cơ vang động cả một vùng núi đá.
Xây dựng bến cập tầu trước cửa hang Tiên Ông. (Ảnh: Nguyễn Quý)
T - một ngư dân sinh sống nhiều năm trên vịnh Hạ Long - nhìn về phía hang Tiên Ông, nói: "Lâu nay, cứ thỉnh thoảng lại thấy một công trình bê tông mọc lên trên Vịnh. Dân chúng tôi nào biết vùng lõi, vùng đệm gì, công trình kia ai xây, có được phép hay không, nhưng thấy họ đổ bê tông xuống biển như kia cũng thấy xót lắm".
Ngoài việc đã đổ hàng nghìn khối bê tông xuống biển để xây dựng các công trình trên vùng lõi di sản vịnh Hạ Long, thì nhiều địa điểm khác còn bị phun cát thành các bãi tắm nhân tạo, như khu vực mặt sau hang Trinh Nữ, hòn Soi Cỏ...
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long xác nhận, các công trình xây dựng đã và đang diễn ra tại khu vực Cống Đỏ, đảo Bà Men, hòn Soi Cỏ, hòn Cây Chanh là những công trình xây dựng trái phép tại vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Bến cập tầu xây dựng trái phép trên hòn Soi Cỏ. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Theo ông Huỳnh, ngày 24/5/2019, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có văn bản gửi UBND thành phố Hạ Long đề nghị xử lý đối với một số công trình xây dựng trái phép trên vịnh Hạ Long.Theo đó, trong quá trình kiểm tra, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phát hiện một số công trình xây dựng trái phép trong vùng lõi Di sản vịnh Hạ Long tại khu vực hòn Cật Bà - Đền Bà Men, hòn Cỏ và hòn Cây Chanh, khu vực hang Thầy.
Cũng theo ông Huỳnh, công trình bến cập tàu, bãi tắm tại hòn Soi Cỏ và hòn Cây Chanh do Công ty cổ phần du thuyền Đông Dương triển khai xây dựng trái phép từ năm 2016 tới nay.
Tiếp tục kiểm tra tại khu vực hòn Cỏ, Đội kiểm tra xử lý vi phạm trên vịnh Hạ Long phát hiện Công ty Cổ phần du thuyền Đông Dương tổ chức cải tạo, xây dựng bến cập tàu dài khoảng hơn 100 mét nhưng không có đầy đủ thủ tục cấp phép xây dựng công trình trong khu vực Di sản vịnh Hạ Long.
Phá vỡ cảnh quan di sản
Theo tìm hiểu, từ năm 2009, Công ty cổ phần du thuyền Đông Dương được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho phép thí điểm khai thác dịch vụ tại khu vực Cống Đỏ. Đến năm 2016, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phối hợp Công an TP Hạ long lập biên bản đình chỉ công trình này và yêu cầu Công ty Cổ phần du thuyền Đông Dương phải hoàn tất các thủ tục cấp phép xây dựng.
Đồng thời UBND TP Hạ Long cũng có văn bản số 5239/UBND ngày 6/9/2016 về việc dừng thi công tại hang Cỏ - vịnh Hạ Long. Tuy nhiên đến nay, Công ty Cổ phần du thuyền Đông Dương vẫn chưa hoàn tất thủ tục; các hạng mục bến cập tàu và bãi tắm nhân tạo cũng đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Công trình kè xây dựng trái phép của Công ty cổ phần du thuyền Đông Dương trên hòn Cây Chanh. (Ảnh: Nguyễn Quý).
Đối với công trình bến cập tàu tại khu vực hòn Cây Chanh, Công ty Cổ phần du thuyền Đông Dương đã thực hiện xây dựng bến với chiều dài khoảng 200 mét ở mạn Tây Nam, chưa có đầy đủ thủ tục cấp phép xây dựng công trình trong khu vực Di sản. Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết đã lập biên bản và có văn bản dừng thi công và yêu cầu Công ty Cổ phần du thuyền Đông Dương hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định.
Ngày 27/6, khi PV Dân Việt liên lạc với ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du thuyền Đông Dương, để tìm hiểu công tác tiến hành hoàn thiện các thủ tục pháp lý này, ông Dũng cho hay: "Chúng tôi chỉ là 1 doanh nghiệp nằm trong các hoạt động của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, vì vậy các giấy tờ thủ tục phải thông qua Ban để làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện hồ sơ vẫn đang trình Bộ xét duyệt".
Khi được hỏi ý kiến về các công trình xây dựng bị cho là trái phép trên hòn Soi Cỏ và hòn Cây Chanh, ông Dũng cho biết: "Cái này đã có kết luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi hoàn toàn tuân thủ theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước".
Đối với công trình cải tạo, nâng cấp bến cập tàu hang Tiên Ông và động Mê Cung, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là 2 công trình nằm trong quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1139, ngày 27/5/2015.
Hai công trình trên được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng tại các Quyết định 5331 và 5332 ngày 21/12/2018, đồng thời được Cục di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận chủ trương, địa điểm, quy mô xây dựng và thẩm định báo cáo kinh tế, kỹ thuật theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa và Nghị định 109/2017/NĐ-CP, quy định về quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.
Tuy nhiên, 2 công trình trên được chủ đầu tư là Ban quản lý vịnh Hạ Long triển khai xây dựng khi chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đối với việc xây dựng đền Bà Men, ngày 10/5/2019, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, đã lập biên bản vi phạm, đình chỉ thi công, đồng thời yêu cầu di dời toàn bộ vật tư, vật liệu và con người ra khỏi khu vực vịnh Hạ Long. Hiện Ban quản lý đang khẩn trương xây dựng báo cáo và đề xuất các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Đối với các công trình trái phép khác như công trình kè đập phía sau đảo Đầu Gỗ; công trình kè đập tại hòn Vụng Ba Cửa; công trình kè trên bãi cát hòn Vụng Hà..., Ban quản lý đang thực hiện các bước thủ tục và bố trí tài chính để thực hiện phá dỡ theo chỉ đạo của tỉnh.
(Còn nữa)
Trao đổi với Dân Việt ngày 27/6, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho hay: Hiện 2 dự án cải tạo, nâng cấp bến cập tàu động Mê Cung và hang Tiên Ông đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư sẽ sớm triển khai thi công đảm bảo đưa công trình vào khai thác, phục vụ nhân dân và khách du lịch.
Đối với các công trình trên hòn Soi Cỏ và hòn Cây Chanh, ông Huỳnh cho biết đã chuyển hồ sơ sang UBND TP.Hạ Long để xử lý theo thẩm quyền.
Theo Danviet
Du khách Trung Quốc phát tờ rơi truyền đạo tại Hạ Long Nhóm đối tượng mặc áo phông màu trắng có in hình cây thánh giá, trong túi có nhiều tờ rơi song ngữ (chữ Trung Quốc và Việt Nam) với nội dung dẫn dụ người khác theo đạo đã bị lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh xử lý. Theo thông tin từ Ban quản lý vịnh Hạ Long, khoảng 10h sáng 24/5,...