Nước sạch nhà máy màu đen như nước cống!
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân tại xã Định Tường, huyện Yên Định (Thanh Hóa) bức xúc khi nước sạch từ nhà máy đóng trên địa bàn xã có màu đen, mùi hôi và kèm theo đó là nhiều tạp chất, cặn bẩn.
Theo phản ánh của người dân xã Định Tường, bắt đầu từ ngày 17/4, người sử dụng phát hiện nước có màu đen kì lạ, kèm theo đó là mùi hôi khó chịu. Đây không phải là lần đầu tiên nguồn nước sinh hoạt có tình trạng này.
Nhà máy nước sạch Định Tường
Qua tìm hiểu được biết, nhà máy nước sạch Định Tường, huyện Yên Định (Thanh Hóa) được xây dựng với tổng số vốn khoảng 30 tỷ đồng bằng nguồn tài trợ từ dự án nước sạch Zaika của Nhật Bản, công trình được khởi công từ tháng 4/2005 và đưa vào sử dụng từ tháng 3/2006.
Nhà máy này sau khi đưa vào hoạt động cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt cho hơn 1.900 hộ dân trên địa bàn xã Định Tường. Nhà máy có công suất hơn 600 m3/ngày đêm.
Nhà máy cung cấp nguồn nước sạch cho hơn 1.900 hộ dân
Theo phản ánh của người dân địa phương, trước đây, nhà máy chỉ có một giếng khoan nên không đủ cung cấp nước cho các hộ dân. Sau đó, phía nhà máy đã khoan thêm một giếng để đảm bảo nguồn nước sạch.
Tuy nhiên, cũng từ đó người dân thường phát hiện trong dòng nước sạch có lẫn tạp chất và mùi hôi khó chịu. Việc nguồn nước sạch xuất hiện màu lạ, có mùi hôi khiến nhiều hộ dân bức xúc.
Trước thực trạng trên, người dân địa phương đã đề nghị các cấp chính quyền, các ban ngành có liên quan nhanh chóng vào cuộc làm rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục triệt để vấn đề này để người dân yên tâm sử dụng.
Video đang HOT
Nước xả ra từ đường ống nước sạch có màu đen
Ông Đinh Quang Ban, thôn Thiết Đinh, xã Định Tường, cho biết: “Sau khi nghe người dân nói nước ô nhiễm, tôi mở vòi ra thì phát hiện nguồn nước từ bể chứa của gia đình tôi cũng có màu đen, nhiều cặn bẩn. Đến ngày hôm qua (20/4), tôi xả từ bể ra vẫn còn hiện tượng màu đen. Vì lâu nay chỉ sử dụng nguồn nước này nên bắt buộc vẫn phải sử dụng, nhưng rất lo lắng trước hiện tượng trên”.
Không chỉ nguồn nước xả trực tiếp từ đường ống nước sinh hoạt của nhà máy nước sạch có hiện tượng nêu trên. Một số gia đình có sử dụng bể ngầm để chứa nước dự phòng khi mất nước, nhưng mỗi lần thau bể thì phát hiện cặn bẩn bám thành một lớp phía dưới đáy.
Nước còn có nhiều cặn bẩn
Ông Trần Ngọc Côn, Chủ tịch UBND xã Định Tường, cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã có kiến nghị đến nhà máy nước sạch để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng khắc phục.
Ngoài ra, UBND xã cũng đã cử cán bộ lấy các mẫu nước trên địa bàn xã để kiểm tra và gửi mẫu nước đến Trung tâm kiểm nghiệm để xét nghiệm và đánh giá chất lượng nước.
Nước sạch có nhiều cặn bẩn khiến người dân bức xúc
Ông Mai Văn Bích, Trưởng chi nhánh nhà máy nước sạch Định Tường, cho biết: Hiện tượng nước bẩn, có lắng cặn như bà con phản ánh là đúng. Nguyên nhân là do quá trình vận hành lâu năm, các hoạt chất bám xung quanh đường ống, sau 2 ngày mất điện, nhà máy có thau bể, xả đáy, sục đường ống định kỳ và bơm nước trở lại thì các tạp chất này theo nước trôi ra.
Cũng theo ông Bích, những lần xả đáy trước cũng có trường hợp nước bẩn và cặn tương tự. Phía nhà máy đang đi kiểm tra, tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục.
Duy Tuyên
Theo Dantri
Dự án tiền tỷ bỏ không, dân thành phố "khát" nước sạch
Suốt 2 năm qua, gần 1.000 hộ dân sinh sống tại phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) vẫn thấp thỏm, lo âu chờ đợi nguồn nước sạch. Giếng khoan bị ô nhiễm, để có nước sinh hoạt, người dân nơi đây phải xây dựng các bể lắng, bể chứa nước mưa.
Dân "khát" nước sạch giữa lòng thành phố
Theo phản ánh từ người dân sinh sống tại 5 khu phố: Ái Sơn 1, Ái Sơn 2, Sơn Vạn, Xuân Minh, Xuân Lộc (phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa), hiện nay người dân tại đây đang "khát" nước sạch. Mặc dù dự án nước sạch đã được triển khai từ 2 năm trước, đường ống dẫn nước đã được lắp đặt đến từng nhà dân nhưng đến nay người dân vẫn chưa được sử dụng nước.
Anh Lê Xuân Đức (34 tuổi, phố Sơn Vạn), chia sẻ: "Năm 2015, nhận được thông báo dự án nước sạch về địa phương, chúng tôi cũng đồng thuận đóng góp. Ngày dự án được triển khai, chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng vì sắp có nước sạch để dùng. Nhưng không hiểu sao đã 2 năm mà dự án vẫn chưa đưa vào hoạt động. Hiện nay, nước giếng khoan tại địa phương đã nhiễm phèn không thể sử dụng được, các thiết bị vệ sinh, vòi tắm sử dụng được một thời gian thì có dấu hiệu hoen rỉ..."
Nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm nghiêm trọng, để có nước sinh hoạt, người dân phải xây dựng bể lắng
Cùng chung cảnh ngộ như gia đình anh Đức, chị Lê Thị Khuyên (35 tuổi), bức xúc: "Tiền thì chúng tôi cũng đã đóng góp, nhưng nước sạch thì chưa thấy đâu. Là người dân đang sinh sống tại đất thành phố mà vẫn khát nước sạch khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Gia đình tôi có cả mẹ già, con nhỏ, nhưng do nước giếng khoan hiện giờ không thể dùng được nên mỗi lần sử dụng lại phải sang nhà hàng xóm đi xin nước mưa về để nấu".
Được biết, dự án nước sạch tại phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa được đầu tư, xây dựng với tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, nửa số vốn được nhà nước đầu tư và nửa số vốn còn lại do người dân tự đóng góp. Theo đó, để có nước sạch sinh hoạt mỗi hộ dân sẽ đóng góp 5,5 triệu đồng.
Bình nước mới đưa vào sử dụng 3 tháng đã có dấu hiệu hoen rỉ
Tiền thì người dân đã đóng, đường ống cũng đã được lắp đặt đến từng thôn, xóm nhưng vẫn chưa có nước sạch sử dụng khiến nhiều hộ dân vô cùng bức xúc. Đã nhiều lần người dân kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng hơn 2 năm qua, dự án vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Trung Thành - Chủ tịch UBND phường Đông Hải, cho biết: "Chúng tôi đã nhận được phản ánh của người dân. Hiện tại, nước sạch đã có và về từng đường ống, nhưng nguyên nhân dẫn đến việc này là do nguồn vốn.
Ông Thành cho biết thêm: "Hiện chúng tôi mới chỉ nhận được 30% tiền hỗ trợ từ nhà nước và người dân cũng mới chỉ đóng góp được 40%. Tổng số tiền thu về mới có 3,5 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà thầu thi công đã bỏ gần 10 tỷ đồng để xây dựng hệ thống. Chúng tôi cũng đang đợi nguồn vốn nhà nước rót về và huy động người dân khẩn trương đóng góp để dự án được hoàn thiện".
Nhiều hộ dân đành phải xây bể chứa nước mưa trong thời gian chờ đợi nước sạch
Cũng theo ông Thành, 5 khu phố có gần 1.000 hộ dân sinh sống, nhưng thực tế khi triển khai mới có gần 600 hộ đóng góp. Địa phương cũng rất muốn nước về nhanh để người dân có nước sinh hoạt, mặt khác, có tiền hỗ trợ về kịp thời để chi trả cho nhà thầu.
Chính quyền địa phương đang cố gắng vận động nhà thầu hoàn thiện lắp đặt đồng hồ và đóng nước để người dân sử dụng. Sau đó sẽ tiến hành thu số tiền còn thiếu từ các hộ dân chưa đóng góp.
Thanh Tùng
Theo Dantri
Thủ đô thiếu 100.000 m3 nước sạch mỗi ngày trong mùa hè Theo Sở Xây dựng Hà Nội, do nguồn cấp nước thiếu, nhiều khu vực thuộc 4 quận nội thành sẽ thiếu nước sạch trong mùa hè. Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tình hình cấp nước sạch mùa hè 2017 sẽ rất khó khăn với thực trạng hạ tầng hiện nay. Dự báo vào lúc cao điểm, lượng nước sạch...