Nước sạch bi nhiễm dầu bẩn : Nên xem xét trách nhiệm hình sự của Công ty Viwasupco
Nhiều ngày qua, hàng vạn hộ dân tại khu vực Tây Nam Hà Nội phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nước sạch.
Nguồn nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà cung cấp tới các hộ dân bị ô nhiễm. Nhiều ý kiến cho rằng, các hộ dân có thể khởi kiện đơn vị cung cấp nước sạch, thậm chí, đơn vị cung cấp nước sạch còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Mặc dù biết rõ nguồn nước không đảm bảo chất lượng, Viwasupco vẫn cung cấp cho người dân.
Người dân có quyền khởi kiện đơn vị cung cấp nước
Đến thời điểm này, thiệt hại của vụ việc chưa có thống kê cụ thể nhưng đời sống của hàng ngàn người dân bị xáo trộn, bất an, thiệt hại về kinh tế là có thật. Việc cung cấp nước sạch và sử dụng nước của các hộ dân ở Hà Nội với Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà ( Công ty Viwasupco) được thực hiện theo hợp đồng mua bán nước.
Đây là một quan hệ dân sự, do vậy, hai bên phải có nghĩa vụ thực hiện các cam kết đã thoả thuận. Đối tượng hàng hoá giao dịch trong hợp đồng này là nước sạch. Và theo đó, nước sạch để sinh hoạt, sử dụng phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định và đảm bảo cho sức khỏe người dân. Cùng với đó, trách nhiệm của bên cung cấp cũng phải đảm bảo tính ổn định cho việc cung cấp nước người dân.
Tuy nhiên, từ ngày 9/10 nhiều người dân ở Hà Nội bắt đầu phản ánh về tình trạng nước có mùi lạ và kéo dài nhiều ngày sau vẫn chưa được cải thiện.
Sau khi nhận được thông tin về nguồn nước có dấu hiệu bất thường, các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, tiến hành xét nghiệm chất lượng nước. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của TP Hà Nội cho thấy, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN từ 1,3-3,65 lần.
Trả lời các vấn đề có liên quan đến việc giải quyết, khắc phục tình hình hiện nay, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà, ông Bùi Đăng Khoa cho biết: Dù nhà máy đã súc rửa toàn bộ hệ thống đường ống, song chưa thể khẳng định thời điểm người dân Hà Nội có thể yên tâm sử dụng nước phục vụ ăn uống. Công ty vẫn khuyến cáo người dân nên dùng nước được cấp trở lại để tắm rửa không nên dùng cho ăn uống.
Khi được báo chí chất vấn Nhà máy có xin lỗi khi để người dân dùng nước bẩn hay không, đại điện Nhà máy nước Sông Đà cho rằng: công ty là nạn nhân thiệt hại lớn nhất, do đó việc xin lỗi chỉ được thực hiện khi Công an tỉnh Hòa Bình tìm ra hung thủ đổ trộm dầu thải và có kết luận về toàn bộ nội dung vụ việc.
Video đang HOT
Trước đó vào ngày 8/10, một số cán bộ của Công ty Viwasupco phát hiện những vết dầu loang trên hồ gần Nhà máy nước sông Đà (Hòa Bình). Thế nhưng, Công ty Viwasupco đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, cũng như Hà Nội. Về vấn đề này, nhiều người cho rằng, Công ty Viwasupco đã bưng bít thông tin khi phát hiện sự cố nhưng không thông báo mà vẫn tiếp tục cấp nước cho người dân.
ADVERTISEMENT
Thậm chí, công ty này cũng không ngăn chặn ô nhiễm theo quy định, dẫn đến váng dầu đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Pháp luật có quy định rõ về trường hợp này. Cụ thể, Điều 608, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”.
Người dân chung cư Linh Đàm xếp hàng lấy nước từ xe téc chở đến. (Ảnh: Vnexpress)
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, trong trường hợp trên, Công ty Viwasupco đã không thực hiện đúng cam kết và phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ cung cấp nước sạch nhưng phải dùng nước bẩn, có thể gây nguy hại về sức khỏe cho mọi người. Cũng như khiến người dân phải thiệt hại kinh tế khi phải tự bỏ tiền mua nước từ nguồn khác để sử dụng.
Có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự
Liên quan tới vụ việc đổ trộm dầu thải tại khu vực Nhà máy nước sông Đà, UBND tỉnh Hòa Bình cho biết ngày 16/10 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan chức năng cũng nên xem xét trách nhiệm hình sự của Công ty Viwasupco trong sự việc này.
Công ty Viwasupco đã thừa nhận có váng dầu và châm tăng hóa chất trong nước sản xuất. Như vậy, Công ty Viwasupco đã biết chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước. Công ty này cũng không có bất cứ khuyến cáo kịp thời cho người dân.
Đây có thể coi là hành vi coi thường tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Cơ quan chức năng cần làm rõ và xem xét xử lý trách nhiệm của những người có liên quan. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi phát hiện nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại nhưng không có bất cứ hành động nào, từ báo cáo đến ngăn chặn của Công ty Viwasupco, thì đã có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Ngoài vi phạm điều khoản trên, Công ty Viwasupco còn có thể bị xem xét khởi tố theo Điều 237 Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”. Bởi lẽ, công ty này đã thấy nguồn nước bị ô nhiễm mà không khắc phục sự cố làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn tiếp tục đưa ra tiêu thụ.
Theo Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội), xét dưới góc độ xã hội, nước là nhu yếu phẩm thiết yếu của con người. Nhưng Công ty Viwasupco lại không báo cáo với cơ quan chức năng hoặc đưa ra phương án xử lý ngay từ khi biết sự việc. “Việc cung cấp nước sạch đã được ưu ái rất lớn, gần như độc quyền. Do vậy, việc đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho người tiêu dùng cần phải được đặt lên hàng đầu. Thậm chí, phải đặt trên cả yếu tố về mặt kinh doanh. Tuy nhiên, ở vụ việc này tôi cho rằng Viwasupco thiếu đạo đức kinh doanh, họ vô cảm trước tính mạng, sức khỏe của khách hàng”, ông Tuấn Anh nói.
Vị luật sư cho rằng, thông thường với một đơn vị kinh doanh có đạo đức, có trách nhiệm với khách hàng thì ngay sau khi phát hiện nguồn nước có vấn đề phải ra thông báo dừng ngay việc cung cấp nguồn nước đó cho khách hàng để chờ kết quả xét nghiệm hoặc khắc phục sự cố.
Trong thời gian này, đơn vị cung cấp nước sạch cần có nguồn nước dự phòng, bổ sung để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Sinh Nguyễn
Theo baophapluat
Đại gia nào đang đứng sau Công ty nước sạch Sông Đà?
Nhiều khu vực tại Hà Nội đang vật lộn với việc nước nhiễm bẩn từ hệ thống nước cấp của Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco) và mọi người dân đang tập trung chỉ trích tổng giám đốc công ty này đã không làm hết trách nhiệm trong sự cố này. Tuy nhiên không nhiều người biết, những vị đại gia đứng đằng sau Viwasupco.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE, vị đại gia đang nắm cổ phần lớn tại Công ty nước sạch sông Đà
Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco đã phát biểu về sự cố nước nhiễm bẩn là "Tôi chỉ là một giám đốc làm thuê". Điều này hoàn toàn chính xác. Vì Công ty nước sạch Sông Đà đang thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) và Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) lần lượt với tỉ lệ sở hữu là 61% và 36%.
Hai vị đứng đầu Gelex và REE đều là những người nằm trong nhóm những người giàu nhất Việt Nam.
Gelex nổi tiếng trong lĩnh vực thiết bị điện khi nắm torng tay hàng loạt công ty tên tuổi trong lĩnh vực này mà Cadivi là một ví dụ. Người lãnh đạo Gelex là ông Nguyễn Văn Tuấn, còn được giới chứng khoán đặt biệt danh là Tuấn "mượt" với khả năng thực hiện các thương vụ đi thâu tóm nhiều công ty hàng đầu trên thị trường Việt Nam, đủ mọi lĩnh vực từ hạ tầng, logistics, bất động sản cho đến cảng sông.
Chiến lược của ông Tuấn là biến Gelex là một công ty Holding, nắm vai trò điều hành, còn chủ yếu đi thâu tóm các công ty tiềm năng để tạo ra dòng tiền lớn, sinh lời tốt, bên cạnh ngành nghề cốt lõi.
Dù có tỉ lệ sở hữu thấp hơn Gelex tại Viwasupco nhưng cái tên REE vốn rất đình đám trong mảng kinh doanh nước. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, một trong những nữ tỉ phú hàng đầu của Việt Nam được xem là linh hồn của REE.
Nổi lên từ lĩnh vực cơ điện lạnh nhưng dưới sự lãnh đạo của bà Thanh, REE dần vươn xa ra nhiều mảng kinh doanh khác. Bắt đầu từ bàn đạp bất động sản, bà Thanh dần vươn đến lĩnh vực điện nước. Mục tiêu của bà rất đơn giản là đi mua cổ phần tại các nhà máy nước, từng bước chiếm vai trò chi phối, đưa người vào HĐQT để quản lý tốt hơn.
Các nhà máy nước mà REE đang có cổ phần đã đóng góp vào lợi nhuận hàng năm rất lớn trong bảng báo cáo tài chính của REE. Chiến lược cốt lõi của REE vẫn là tiếp tục đi mua cổ phần các nhà máy nước và đầu tư trực tiếp vào các nhà máy sản xuất nước sạch.
Trong ngành hạ tầng nước sạch, REE nắm giữ 42,07% cổ phần tại Công ty B.O.O Nước Thủ Đức; 40% cổ phần tại Công ty Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn; 24,85% cổ phần tại Công ty Nước sạch Khánh Hòa; 32% cổ phần tại Công ty Đầu tư nước Tân Hiệp; 44,17% cổ phần tại Công ty Cấp nước Thủ Đức; 20,02% cổ phần tại Công ty Cấp nước Nhà Bè; 20,05% tại Công ty Cấp nước Gia Định.
Người dân Hà Nội phải xin nước sạch về dùng . Ảnh: T.L
Trong một báo cáo phát hành sáng nay của Công ty chứng khoán Bản Việt, cho biết, hiện Công ty nước sạch Sông Đà đã quyết định tạm thời dừng cung cấp nước để súc xả tuyến ống nước và các bể chứa, dẫn đến việc giảm lượng nước bán.
"Chi phí từ sự việc này và tác động đến sản lượng bán của công ty hiện chưa được công bố. Hiện tại, chúng tôi dự báo Viwasupco sẽ đóng góp 18,6% (143 tỉ đồng) cho lợi nhuận sau thuế 2019 của GEX và REE là 5%. Do đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận 2019 cho cả 2 công ty phần nào sẽ bị ảnh hưởng", Công ty chứng khoán Bản Việt nhận định.
Phương Minh
Theo PLO.vn
Nước sạch Sông Đà báo lãi 'tăng hai chữ số' giữa sự cố nước bẩn Giữa cuộc khủng hoảng nước ô nhiễm, Viwasupco báo lãi quý III với đà tăng trưởng hai con số khi bình quân mỗi ngày thu 1,5 tỷ đồng. Nước sạch Sông Đà báo lãi 'tăng hai chữ số' giữa sự cố nước bẩn. Ngày 18/10, Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco, mã CK: VCW) - doanh nghiệp đang...