Nước ngầm ô nhiễm
Trong khi chờ đợi giấc mơ trên thành hiện thực, người dân ở ngoại thành TP.HCM phải chịu cảnh sống rất khốn khổ vì thiếu nước, phải dùng nước ô nhiễm hoặc phải đi mua nước với giá… trên trời.
Lâu nay, hàng ngàn hộ dân ở xã Tân Kiên, H.Bình Chánh sử dụng nước giếng khoan do Tổ chức UNICEF tài trợ hoặc tự khoan giếng để phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Thế nhưng mọi chuyện đã đổi khác từ khi đại lộ Đông Tây đi ngang qua địa bàn. Ông Tạ Văn Lến – B3/24A ấp 2, xã Tân Kiên nói: “Từ ngày làm xong đại lộ Đông Tây, nước giếng khoan ở khu vực này cũng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng, không ai có thể sử dụng để nấu nướng, ăn uống được như trước. Nhiều hộ bỏ giếng cũ, khoan giếng mới nhưng tình trạng cũng không thay đổi. Chẳng hiểu sao mạch nước ngầm khu vực này lại bị ô nhiễm nghiêm trọng như vậy?”. Nếm thử nước vừa được lọc xong từ giếng của ông Lến, nước vừa chạm đầu lưỡi chúng tôi đã muốn nôn ọe vì mùi tanh, mặn rất khó chịu. Ông nói thêm: “Lâu nay chúng tôi chỉ dám dùng nước này để dội cầu, lau nhà chứ giặt cũng không dám, nói gì đến sử dụng cho ăn uống”.
Bể nước lắng lọc của một hộ dân ở P.An Phú Đông, Q.12 đầy phèn – Ảnh: Từ Minh
Tình trạng nước giếng ô nhiễm ngày càng nặng cũng diễn ra ở các địa bàn khác. Ông Đặng Văn Điền – hẻm 47 đường số 10, P.9, Q.Gò Vấp bức bách: “Thời gian gần đây, nước giếng khoan ở khu vực chúng tôi chẳng hiểu sao lại bị ô nhiễm nặng, dù đã qua nhiều khâu lọc nhưng vẫn không đạt tiêu chuẩn để uống”. Theo ông Điền, có thể do khu vực này trước đây là trại chăn nuôi bò, heo, trồng rau thời gian dài nên tạp chất ngấm xuống mạch nước ngầm, gây ô nhiễm.
Sống biệt thự, dùng nước phèn
Chỉ vào bức tường vàng khè phía ngoài hồ chứa nước, ông Tư – quản gia của biệt thự số 7/12 Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè nói: “Nước ở hồ lọc văng lên tường thôi đã vàng như thế thì đủ hình dung nước nhiễm phèn nặng thế nào”. Ông Tư cho biết thêm, độ nhiễm phèn, mặn của nước giếng khoan ở đây ngày càng nhiều.
Video đang HOT
Tại căn biệt thự này, dù khu vực lọc nước lên đến hơn 40 m2 với 5 hồ lọc to nhưng nước lọc xong cũng chỉ dùng cho sinh hoạt chứ không dám uống. Do không nhà nào đủ kinh phí để đầu tư khu lọc nước tốn kém như vậy nên hàng chục hộ dân sống xung quanh căn biệt thự này phải xin câu nước từ đây để sử dụng. Ông Lê Văn Nho – 4/15 Lê Văn Lương – nói: “Chú thấy người dân ở đây dù là con gái, phụ nữ có ai da trắng không? Tắm nước nhiễm phèn, nhiễm mặn mãi thì làm sao trắng nổi?”.
Ở khu vực P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 nhà nào cũng có giếng khoan, nhưng dù độ sâu của giếng lên đến 60 m, qua hệ thống lọc (cát, sỏi, than hoạt tính) thời gian gần đây nhưng nước vẫn còn mùi sình, rất hôi. Anh Nguyễn Văn Hân – người dân phường này cho biết: “Gần đây có nhiều khu công nghiệp xả thải vô tội vạ, kênh rạch ô nhiễm ngày càng nặng, thẩm lậu xuống tầng nước ngầm, vì vậy nước giếng khoan ô nhiễm càng trầm trọng. Với tình cảnh này, không biết tương lai chúng tôi lấy nước ở đâu mà xài”?
95.000 đồng/m3 nước
Do nước giếng bị ô nhiễm nặng, nhiều hộ dân đã phải mua nước sạch để dùng. Ông Tạ Văn Lến – B3/24A ấp 2, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, cho biết trước đây ông và bà con trong xóm phải mua nước từ xe bồn do một tư nhân chở nước từ đường Hậu Giang, Q.6 xuống bán với giá 95.000 đồng/m3. Ngày tết là 100.000 đồng. Mới đây, nhờ một số hộ ở ngoài QL1 đã gắn được đồng hồ nước nên ông và nhiều hộ khác xin gắn đường ống với giá 25.000 đồng/m3. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với hộ cận nghèo như ông. Còn các hộ dân ở Nhà Bè, Gò Vấp, Q,12… thì phải mua nước uống đóng chai với giá 12.000 – 15.000 đồng/bình 20 lít để dùng nấu ăn, uống. Hộ gia đình 4 người xài 1 tuần hết 3 – 4 bình.
Theo TNO
Chết mòn vì thuốc trừ sâu
Giếng nước nhà ông Truyền, xã Đồng Thành, H.Yên Thành đào cạnh nơi chôn thuốc trừ sâu - Ảnh: K.Hoan
Những kho thuốc trừ sâu chôn xuống đất đã thẩm thấu vào nguồn nước, gây ra những căn bệnh hiểm nghèo cho người dân Nghệ An.
Con trai chết vì ung thư phổi ở tuổi 16, con gái lớn lên ốm o, quặt quẹo, cháu ngoại mới 6 tuổi chết vì ung thư máu là gia cảnh của bà Nguyễn Thị Phương, ở bên kho thuốc trừ sâu cũ tại xóm 4, xã Nam Lĩnh, H.Nam Đàn.
"Kho thuốc cách giếng nước nhà tui 4-5 mét. Khi phá dỡ kho, người ta cho chôn rất nhiều bao thuốc DDT, 666", bà Phương kể.
Kề bên nhà bà Phương là nhà ông Duật, trên khu đất vốn là kho thuốc trừ sâu được ông này mua làm nhà ở, sau đó cả hai vợ chồng ông đều chết vì ung thư.
Hiện con gái ông Duật là chị Nguyễn Thị Sen cũng đang bị ung thư phổi. "Nước giếng nhà tui nghe mùi thuốc sâu rất nặng, ở đây cứ trở trời là có mùi thuốc sâu, rất khó thở", bà Nguyễn Thị Luyến, vợ kế của ông Duật nói.
Ít năm trước, ông Duật đào ao thả cá đã thấy nhiều bao thuốc sâu còn sót lại. Ao đào xong, cá thả xuống chết hết khiến ông Duật phải lấp ao. "Tui trồng rau khoai bên trên cũng không mọc được", bà Luyến cho biết.
Tại xã Đồng Thành, H.Yên Thành có hai kho chứa vũ khí của quân đội, được rải thuốc trừ sâu 666 chống mối. Sau khi đơn vị này rút đi, cơ sở này được bán lại cho 3 hộ dân. Do không biết tác hại của thuốc sâu nên ba hộ dân này đã giữ nguyên nhà kho này để ở. Khu vực chứa thuốc sâu nằm trên lưng núi nên thuốc theo nước mưa, nước ngầm phát tán xuống phía dưới. Khi thấy trong người luôn mệt mỏi và có nhiều chứng bệnh, một trong ba hộ kể trên là ông Đào Quang Ngọc đã bỏ đi nơi khác, trong khi nhiều người trong xóm đã chết vì ung thư, nhiều người suy thận, suy gan...
Ông Nguyễn Đức Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Yên, H.Diễn Châu cho biết, người dân xã này nhiều năm nay khổ vì hai kho thuốc trừ sâu cũ. Trong đó, kho thuốc ở xóm 6 hiện có một hộ dân đang ở, kho còn lại ở xóm 15 xa khu dân cư nhưng lại nằm trên đồi nên trời mưa là thuốc theo nước mưa chảy xuống cánh đồng phía trước. Xóm 15 đã có nhiều người chết vì ung thư và các bệnh khác.
"Dân lo sợ và kêu với chính quyền từ nhiều năm nay nhưng xã cũng chỉ biết kiến nghị lên huyện rồi thôi", ông Châu nói.
Theo bà Nguyễn Thị Đào, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An, trong cả nước có 1.153 kho thuốc trừ sâu cũ đã được phát hiện thì riêng Nghệ An đã có 913 điểm, trong đó 277 kho có lượng thuốc tồn dư rất lớn. Đặc biệt, có 161 kho chứa các loại thuốc rất độc như DDT, 666. Các kho thuốc này sau khi bị phá bỏ đã được bán lại cho người dân làm nhà ở, đào giếng lấy nước ăn uống.
"Thời đó có nhiều người còn xin thuốc rất độc là 666 về để gội đầu cho khỏi bị chấy nên việc người ta chôn lấp rồi làm nhà lên trên cũng không có gì lạ", bà Đào nói.
Bà Đào cũng cho biết, qua khảo sát đã ghi nhận số người chết vì ung thư ở các khu vực có kho thuốc cao bất thường .
Ông Chu Thế Huyền, Phó giám đốc Sở TN-MT Nghệ An cho rằng để xử lý 913 điểm kho thuốc sâu cũ này phải mất hàng ngàn tỉ đồng.
"Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã nhiều lần mời cả chuyên gia nước ngoài vào đây để khảo sát, đã có 4-5 cuộc hội thảo được tổ chức rồi nhưng vẫn chưa tìm được phương án xử lý nào tốt nhất", ông Huyền nói.
Theo TNO
Xã có hàng trăm người chết vì bệnh ung thư Xã Phong Sơn thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều năm qua có rất nhiều người mắc bệnh ung thư và đã chết. Con số đã lên tới hàng trăm nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh. "Người nối người" chết vì ung thư Có mặt ở xã trong những ngày tháng 10, chúng tôi...