Nước Nga và “con đường Putin”
Chiến thắng áp đảo của Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc bầu cử vừa qua đã chứng minh sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng Nga với cách thức ông lãnh đạo đất nước, đồng thời là chỉ dấu cho thấy Moscow sẽ rất kiên định trong việc đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Phá kỷ lục của chính mình
Ông Putin chiến thắng không phải điều ngạc nhiên, yếu tố gây bất ngờ là chiến thắng đó xô đổ mọi kỷ lục của nước Nga hiện đại do chính ông thiết lập và vượt mọi dự báo của phương Tây: Ông giành gần 87,3% phiếu bầu, trong cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất từ trước đến nay là hơn 77% trong tổng số 112 triệu cử tri. Để so sánh, trước đó 6 năm, ông Putin vượt qua các đối thủ nhờ sự ủng hộ của 63,6% cử tri. Năm 2004 và 2000, ông giành 71,3% và 52,9% số phiếu. Năm 1996, ông Boris Yeltsin trở thành lãnh đạo sau 2 vòng bầu cử, với số phiếu vòng thứ hai là 53,8%. Ông Dmitry Medvedev thắng cử nhiệm kỳ Tổng thống Nga 2008-2012 với số phiếu 70,3%.
Người ủng hộ ông Putin lấp kín Quảng trường Đỏ ngày 18/3, nhân kỉ niệm 10 năm ngày Nga tuyên bố sáp nhập Crimea. Ảnh: Getty Images
Chiến thắng áp đảo đến với Tổng thống Nga đương nhiệm khi ông không tổ chức các sự kiện vận động tranh cử rầm rộ. Thay vì tiếp xúc công chúng như các đối thủ, ông Putin gửi thông điệp qua các lịch trình làm việc hằng ngày của mình, như cuộc gặp với các nhóm thanh niên và xây dựng chương trình phát triển đất nước.
Sự ủng hộ của người dân Nga dành cho ông Putin không khó lý giải. Đối với người Nga trải qua khó khăn sau khi Liên Xô sụp đổ, phần lớn họ tin ông là người khôi phục Nga từ đống đổ nát, đưa quốc gia này thành một trong những cường quốc trên nhiều lĩnh vực, đồng thời sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia trước áp lực của phương Tây. Đối với thế hệ trẻ, nhiều người “nhìn ông Putin như người hùng”, theo National Geographic, bởi ông giúp mang đến cho họ cơ hội phát triển và một đất nước ổn định. “Họ tự hào về đất nước và tầm vóc của đất nước, gắn sức mạnh quân sự của đất nước với sự vĩ đại và tin tưởng vào tương lai đất nước”, National Geographic mô tả.
Kể từ khi trở thành quyền Tổng thống Nga ngay trước đêm giao thừa 31/12/1999, sau đó bước qua 4 nhiệm kỳ tổng thống và 1 nhiệm kỳ thủ tướng (2008-2012) ông Putin đã gắn hình ảnh cá nhân với từng bước phát triển của nước Nga. Bên cạnh những thành tựu về đối ngoại, quân sự, những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người Nga đều được cải thiện rõ rệt: Vào thời điểm Tổng thống Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Nga ghi nhận lạm phát hơn 80% (năm 1999) và chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối với nợ công ở mức 92,1% GDP. Sau 10 năm, GDP Nga tăng 94% và GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi.
Đến nay, Nga có hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối, nợ công Nga còn khoảng 21,8%. Dự trữ vàng của Nga tăng gần 7 lần sau 24 năm, từ 343 tấn năm 2000 lên 2.332 tấn năm 2024, theo Trading Economics. Bất chấp bão trừng phạt của phương Tây, tỷ trọng của Nga trong kinh tế toàn cầu tăng từ 2% lên khoảng 4%. Theo số liệu của World Bank, Nga đã lọt danh sách 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên GDP tính theo sức mua tương đương (PPP), sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Nếu xét theo GDP danh nghĩa, Nga là nền kinh tế lớn thứ 8 toàn cầu.
Kinh tế phát triển đồng nghĩa an sinh xã hội được đảm bảo, số người sống trong mức nghèo khó giảm. Tình hình an ninh tại Nga cũng chuyển biến tốt lên trông thấy sau 2 thập kỉ. Kết quả thăm dò của Gallup thực hiện lần đầu năm 2006 cho thấy chỉ 27% người dân Nga cảm thấy an toàn khi đi một mình trong đêm tại nơi họ sống, ngang ngửa với quốc gia đứng chót bảng là Chad (24%). Năm 2023, tỷ lệ này là 71%, thuộc nhóm dẫn đầu.
Khi cơn bão trừng phạt của phương Tây ập đến với việc hơn 40 quốc gia áp đặt gần 12.000 lệnh cấm vận chống lại Nga rồi phong tỏa 300 tỷ USD tài sản của Nga ở nước ngoài, nền kinh tế Nga tưởng chừng nhanh chóng sụp đổ. Tuy nhiên, 2 năm qua, Nga đã trụ vững, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức tương đối thấp và nền kinh tế Nga dự kiến tăng trưởng 2,6% trong năm nay, gấp đôi dự báo trước đó, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Con số này vượt xa mức tăng trưởng ước tính 0,9% của châu Âu. Dmitri, một nhân viên bất động sản 41 tuổi cho biết, ông Putin là lựa chọn của anh và nhiều người dân Nga khác. “Chúng tôi chắc chắn bỏ phiếu cho ông Putin, ông ấy đã khiến nước Nga trở thành một đất nước tốt đẹp hơn nhiều”, CNN dẫn lời Dmitri.
Nga sẵn sàng cho kịch bản chiến sự Ukraine sẽ kéo dài. Ảnh: RiaNovosti
Video đang HOT
Xung đột Ukraine định hình chính sách Nga
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Putin nói rất ngắn gọn, thông điệp chính là cám ơn sự tin tưởng của người Nga. Mô tả “nguồn quyền lực duy nhất của đất nước là người dân Nga”, ông Putin nêu rõ, kết quả bầu cử đã chứng minh “sự tin tưởng của người dân đất nước và niềm hy vọng của họ rằng chúng ta sẽ làm mọi thứ theo đúng kế hoạch”. Nói cách khác, ông Putin đánh giá chiến thắng của mình là thông điệp mà người Nga gửi nhà lãnh đạo đất nước, rằng họ muốn ông tiếp tục chèo lái đất nước để đạt được các mục tiêu mà nước Nga đang kiên trì theo đuổi.
Moscow rất kiên định với các yêu cầu đặt ra cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và khẳng định họ phải là bên vạch ra những điều khoản đảm bảo an ninh bằng văn bản cũng như coi việc duy trì “hiện trạng trên thực địa” là điều kiện đàm phán tiên quyết. Có thể nói, chiến sự Ukraine đã, đang và sẽ là yếu tố then chốt tác động đến các chính sách kinh tế cũng như đối ngoại của Nga trong nhiệm kỳ tới.
Đầu tháng 3/2024, ông Putin khẳng định Nga không cân nhắc tạm dừng chiến sự, bởi điều đó sẽ tạo điều kiện cho Ukraine tái vũ trang. Sau khi thắng cử, ông Putin đi xa hơn khi cho rằng, Nga sẽ lập “vùng đệm an ninh” ở Ukraine, trong đó có tỉnh Kharkov, để ngăn cản những vụ tấn công quấy nhiễu qua biên giới. Theo ông, vùng đệm an ninh cần đủ lớn để khí tài phương Tây cung cấp cho Kiev không thể vươn đến đất Nga. Moscow mất 2 năm để giành và duy trì kiểm soát 4 khu vực trong chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine và họ sẵn sàng giành thêm nhiều năm nữa để đạt ý định thiết lập vùng đệm.
Chiến sự kéo dài có nghĩa là căng thẳng với phương Tây không thể hạ nhiệt. Nước Nga trong nhiệm kỳ thứ 5 của ông Putin có thể áp dụng chính sách cứng rắn hơn nữa với phương Tây, trong khi củng cố quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và các quốc gia đang phát triển khác.
Với phương Tây, Nga đã thể hiện thái độ rõ ràng rằng, họ không mong muốn nổ ra xung đột trực tiếp, nhưng nếu “lằn ranh đỏ” ở Ukraine tiếp tục bị xâm phạm, Moscow sẽ không loại trừ bất cứ khả năng nào để bảo vệ an ninh quốc gia. Trên Sputnik, nhà phân tích quân sự Alexei Leonkov khẳng định, nước Nga dưới thời ông Putin sẽ không sa vào cuộc chạy đua vũ trang với phương Tây, thay vào đó sẽ phát triển công nghệ. “Thắng lợi của Tổng thống Putin là yếu tố quyết định khi dưới thời ông, Nga đã xây dựng một dây chuyền công nghệ. Nó xuất phát từ công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) và kết thúc là sự ra lò các vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại”, ông Leonkov nêu quan điểm.
Giới phân tích suy đoán, sắp tới, ông Putin có thể sẽ cải tổ Chính phủ Nga để thích ứng các nhu cầu thời chiến, đồng thời tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo cho người dân Nga tiếp tục có cuộc sống bình thường. Ông Putin cam kết gia hạn các khoản thế chấp giá rẻ được chính phủ hỗ trợ nhằm giúp đỡ về tài chính cho các gia đình trẻ, đặc biệt là những người có con nhỏ. Ông tuyên bố dành thêm nguồn lực vào y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa; đặt mục tiêu đưa tỷ lệ đói nghèo tại Nga xuống dưới 7% vào năm 2030. Ông nêu ra hàng loạt sáng kiến khác giúp nâng tuổi thọ trung bình của người dân hiện khoảng 73 tuổi lên 78 tuổi vào năm 2030, sau đó vượt mốc 80 tuổi.
Nga cũng sẽ chú trọng thực hiện kế hoạch chi hàng tỷ USD từ nguồn thu dầu mỏ để giải quyết nghèo đói và xây dựng lại cơ sở hạ tầng của đất nước. 2 dự án giao thông hiện rất được quan tâm là tuyến đường sắt chạy từ lãnh thổ Nga qua các khu vực mới sáp nhập đến bán đảo Crimea do ông Putin công bố ngày 19/3 và tuyến đường sắt khác chạy từ Nga, xuyên qua vùng Trung Á, Iran để đến thành phố Mumbai của Ấn Độ – thị trường mà Moscow rất muốn chinh phục, theo New York Times.
Sự trỗi dậy của Nga và việc xích lại gần nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS cũng có thể đẩy mạnh quá trình phi USD hóa và tạo nên đối trọng mới với nhóm G7. Bà Anne Krueger, nguyên lãnh đạo IMF, nhận định việc phương Tây tách Nga khỏi đồng USD sẽ buộc các đối tác của Nga dùng đồng tiền khác và làm giảm vai trò đồng USD về lâu dài.
“Trong 2 năm qua, chính quyền của ông Putin đã tái cấu trúc để thích ứng với một cuộc chiến dài hơi và điều này sẽ tiếp diễn trong nhiệm kỳ mới của ông”, Andrei Kolesnikov, chuyên gia cấp cao tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định.
Ngày Chủ nhật buồn thêm gắn kết nước Nga
Chủ nhật, ngày 24/3, nước Nga tổ chức quốc tang để tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại phòng hòa nhạc trong Tổ hợp Thương mại và Biểu diễn Crocus City Hall ở ngoại ô Thủ đô Moscow (Nga) trước đó một ngày.
Các hoạt động được tổ chức ở nhiều thành phố. Một số khu vực đã áp dụng hình thức để tang riêng từ ngày hôm trước.
Trong ngày quốc tang, cả nước Nga buông cờ rủ, hủy bỏ tất cả các hoạt động giải trí. Các kênh truyền hình đã thay đổi lịch phát sóng, loại bỏ các chương trình quảng cáo và vui nhộn. Các rạp chiếu phim ở Moscow hủy các buổi chiếu, tất cả các nhà hát, phòng hòa nhạc dừng hoạt động trong 2 ngày 23 và 24/3.
Một số sự kiện thể thao cũng sẽ không diễn ra trong những ngày tới. Ban tổ chức Thế vận hội Paralympic mùa đông đã hủy bỏ lễ bế mạc dự kiến diễn ra trong những ngày tới. Các bảo tàng lớn mở cửa đón khách tham quan nhưng không có sự kiện công cộng. Bảo tàng Puskin dành một phút mặc niệm vào giữa trưa (giờ địa phương), còn bảo tàng Chiến thắng thắp nến trên hàng chục màn hình plasma lớn để bày tỏ tiếc thương, tưởng nhớ các nạn nhân. Các nhà thờ Chính thống sẽ tổ chức cầu nguyện cho nạn nhân.
Cơ quan Quản lý Tâm linh của người Hồi giáo (DUM) của Moscow sẽ tạm ngừng công việc xây dựng "Lều Ramadan" tại Nhà thờ Hồi giáo Tưởng niệm. Giáo sỹ trưởng Nga Berel Lazar tuyên bố hủy bỏ các sự kiện lễ hội nhân ngày lễ Purim của người Do Thái, vốn bắt đầu vào ngày 23/3.
Trước đó, ngay trong đêm xảy ra vụ việc, tất cả những người bị kẹt trong tòa nhà khi thoát ra ngoài đã được đưa bằng taxi miễn phí về nhà. Hãng taxi công nghê Yandex đã đưa ra quyết định kịp thời này để hỗ trợ cho những người gặp nạn. Các hãng hàng không lớn cũng tuyên bố sẽ chuyên chở miễn phí thân nhân nạn nhân đến và rời Moscow về quê hương họ. Trong khi đó, hàng loạt các ngân hàng Nga, như Sberbank, VTB, Alfa, Sovcombank, Gazprombank, Ngân hàng Bưu điện... tuyên bố sẵn sàng xóa toàn bộ các khoản nợ cho những người thiệt mạng và bị thương trong vụ tấn công khủng bố.
Những bó hoa được người dân mang đến địa điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố để bày tỏ tình đoàn kết, lòng tiếc thương đối với những nạn nhân. Ảnh: Sputnik
Tất cả các bảng quảng cáo điện tử trên đường dẫn tới hiện trường vụ tấn công đều hiện thị hình ảnh cây nến cùng dòng chữ "Chúng tôi đau buồn 22/3/2024". Các đài tưởng niệm và lễ tưởng niệm tự phát xuất hiện ở nhiều địa phương như Petersburg, Perm, Orenburg... Ở Naryan Mar, người dân đặt hoa tại trung tâm văn hóa Arktika, bất chấp sương giá và gió rét. Ở Petrozavodsk, nến được thắp sáng trên bờ hồ Onega. Cư dân một số địa phương khác đã xuống đường với hoa và gấu bông.
Tại Beslan, nơi từng tận mắt chứng kiến nỗi kinh hoàng của nạn khủng bố, một sự kiện tưởng niệm đã được tổ chức tại trường số 1 - ngôi trường đã bị bọn khủng bố vây kín cách đây 20 năm. Ở Simferopol, dòng chữ "Moscow, chúng tôi thương tiếc" được thắp nến trên quảng trường trung tâm. Trước đó, từ ngày 22/3 (giờ địa phương), người dân Nga đã mang những đóa hoa, thú bông đến địa điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố để bày tỏ tình đoàn kết, lòng tiếc thương đối với những nạn nhân của vụ khủng bố và trong ngày 24/3, khi trên toàn nước Nga tổ chức quốc tang, dòng người đem hoa, nến và thú bông đến khu vực này còn nhiều hơn nữa để thể hiện tinh thần Nga, một tinh thần bất diệt đã được kiểm chứng trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Và ngay từ sáng sớm 23/3, dòng người xếp hàng hiến máu tại các cơ sở y tế ở Thủ đô Moscow đã kéo dài hàng trăm mét, thậm chí có nơi dài tới 1km. Bất chấp trời mưa rét, hàng người đến để hiến máu cứ dài thêm. Trong số này còn có cả các thanh niên, tình nguyện viên cung cấp nước, đồ uống và bánh kẹp cho những người hiến máu. Đối với họ, điều thực sự ý nghĩa lúc này là làm được một điều gì đó, thực hiện được trách nhiệm nào đó cho những người bị hại để tăng thêm hy vọng sống sót. Nhiều người Việt Nam tại Moscow cũng đến đặt hoa và hiến máu ủng hộ các nạn nhân. Tinh thần dân tộc, đoàn kết của người Nga còn được thể hiện qua việc làm của các nhân viên cứu hỏa, lực lượng tình trạng khẩn cấp, bác sĩ, hay nhân viên Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, liên tục nỗ lực để nhanh chóng khắc phục thảm họa này.
Theo xác nhận của Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, số người thiệt mạng hiện tại là ít nhất 133 người, trong đó có 3 trẻ em và khoảng 285 người khác bị thương, bao gồm 8 trẻ em, trở thành vụ tấn công đẫm máu nhất trong vòng 20 năm qua tại xứ sở bạch dương kể từ sau vụ "nỗi đau mang tên Beslan".
Vào ngày định mệnh 1/9/2004, hơn 30 tay súng đã tấn công trường phổ thông số 1 ở thị trấn Beslan, thuộc thủ phủ Vladikavkaz, Cộng hòa Bắc Ossetia-Alania, Liên bang Nga năm 2004, vào đúng thời điểm diễn ra lễ khai giảng năm học mới, bắt giữ hơn 1.200 học sinh, phụ huynh và giáo viên. Đây được xem là một trong những vụ khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử đương đại của nước Nga, với tổng cộng 334 người thiệt mạng, trong đó có 183 trẻ em, và hơn 800 người bị thương. Trước đó, tối 23/10/2002, một nhóm ly khai khủng bố đã bắt khoảng 850 người làm con tin tại nhà hát Dubrovka ở Moscow. Tổng cộng 130 con tin bị sát hại trong thời gian bị giam giữ 2 ngày 3 đêm, trước khi lực lượng an ninh Nga có thể chế ngự các phần tử tấn công.
Trở lại vụ Crocus City Hall, có thể nói đây là một vụ tấn công khủng bố đã được chuẩn bị và lên kế hoạch kỹ lưỡng kể từ địa điểm, thời điểm tấn công cũng như kịch bản thực hiện. Cuộc tấn công diễn ra ngay sau cuộc bầu cử tổng thống lần thứ tám được xem là thành công của nước Nga, vốn đem lại một niềm lạc quan nhất định trong cả nước, cũng khiến cho người dân phần nào chủ quan, lơ là trên góc độ an ninh, an toàn. Địa điểm tấn công - nhà hát Crocus City Hall cũng là nơi ít được quan tâm hơn về an ninh so với khu vực trung tâm Thủ đô Moscow, nhưng cũng là địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động hội chợ, hay biểu diễn có đông người tham gia.
Chưa hết, đây cũng là địa điểm mà trước đây hay được người Việt Nam thuê để tổ chức các buổi biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ người Việt sang Liên bang Nga phục vụ kiều bào ở Moscow. Những kẻ tấn công, ban đầu nổ súng để gây sự chú y và sau đó đã cho phát nổ một loại bom cháy khiến đám cháy bùng phát nhanh chóng và gây đổ sập phần mái nhà hát, hòng gây hoảng loạn và thương vong tối đa cho khoảng 6.000 người trong khán phòng.
Chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là nhằm vào người dân vô tội, đáng phải lên án trên toàn thế giới. Hơn nữa, vụ khủng bố bi thảm này còn được lên kế hoạch để gây thương vong tối đa cho người dân vô tội, đặc biệt, qua lời khai của một trong những kẻ tình nghi là thủ phạm bị bắt, rằng hắn phạm tội "vì tiền". Nghi phạm thú nhận, được hứa nhận 500.000 ruble (5.418 USD) và một nửa số tiền này đã được chuyển vào thẻ ghi nợ của hắn trước vụ tấn công. Nghi phạm còn khai đã "nghe bài giảng của một nhà thuyết giáo" trên Telegram một thời gian trước khi bị những kẻ chủ mưu của vụ tấn công tiếp cận vào khoảng một tháng trước. Khi bị hỏi thêm về hành vi tại nhà hát Crocus City Hall, nghi phạm nói hắn "bắn hạ người" và được giao nhiệm vụ giết người.
Kể từ năm 1993, Nga đã 29 lần phải tuyên bố quốc tang. Lần gần đây nhất Nga đã dành một ngày quốc tang sau vụ cháy tại trung tâm thương mại-giải trí "Anh đào mùa đông" tại Kemerovo năm 2018. Lúc đó hơn 60 người đã thiệt mạng và đa số là trẻ em. Những vụ khủng bố này đã trở thành nỗi đau không thể nguôi ngoai trong lòng người Nga. Nỗi đau vẫn âm ỉ, nhưng người Nga không khuất phục trước khủng bố.
Cần nghiêm khắc trừng phạt thủ phạm gây ra thảm kịch
Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) Volker Turk ngày 24/3 bày tỏ sự bàng hoàng trước thảm kịch diễn ra tại Nga, nhấn mạnh: "Không có gì có thể biện minh cho một cuộc tấn công như vậy. Thủ phạm phải chịu trách nhiệm theo luật nhân quyền". Ông cũng bày tỏ chia buồn với gia đình các nạn nhân. Trong khi đó, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi lên án mạnh mẽ vụ tấn công đẫm máu, kêu gọi cộng đồng quốc tế nghiêm khắc trừng phạt những thủ phạm gây ra vụ việc; đồng thời đã gửi lời chia buồn tới chính phủ và người dân Nga, bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Nga nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tuyên bố Ai Cập cũng lên án mạnh mẽ và bác bỏ hoàn toàn mọi hình thức bạo lực và khủng bố, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với Nga sau vụ tấn công khủng bố. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, ông đã chuyển lời chia buồn tới chính phủ, người dân Nga và gia đình các nạn nhân trong thảm kịch đau thương này. Ông bày tỏ hy vọng rằng những người bị thương sẽ nhanh chóng bình phục. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Indonesia cũng lên án vụ tấn công khủng bố tàn khốc tại Nga, đồng thời bày tỏ sự đau buồn và cảm thông sâu sắc tới các nạn nhân và gia đình họ. Từ Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và gia đình người dân Nga trong vụ tấn công xả súng bi thảm. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ đoàn kết với người dân Nga, đồng thời hy vọng thủ phạm sẽ sớm bị đưa ra ánh sáng. (Như Thảo)
Phản ứng của Ukraine
Nhấn mạnh thảm kịch hôm 23/3 là "hành vi khủng bố man rợ", Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết trừng phạt mạnh tay tất cả người liên quan: "Toàn bộ 4 nghi phạm vụ tấn công khủng bố đã bị bắt khi đang hướng về Ukraine. Thông tin sơ bộ cho thấy họ có cơ hội vượt biên". Ông đồng thời cho biết, dữ liệu sơ bộ cho thấy "một cánh cửa đã được chuẩn bị sẵn" từ Ukraine để cho nhóm này vượt qua biên giới. Ông không nêu bằng chứng, trong khi Ukraine kiên quyết bác bỏ mọi sự liên quan với vụ khủng bố. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Nga đang tìm cách chuyển hướng đổ lỗi trách nhiệm sau vụ tấn công đẫm máu nêu trên. Ông nhấn mạnh: "Ông Vladimir Putin và quan chức Nga đang cố đổ lỗi cho người khác về vụ tấn công. Điều này từng diễn ra trước đây, khi nhiều toà nhà bị phá huỷ, các vụ xả súng và vụ nổ. Họ luôn tìm người khác để đổ lỗi". Nhà lãnh đạo Ukraine cáo buộc "Nga đưa hàng trăm ngàn kẻ khủng bố đến đây - trên đất Ukraine, để chiến đấu chống lại chúng tôi và không quan tâm đến những gì đang xảy ra trong đất nước của họ". Theo ông, những cáo buộc từ Nga đối với Ukraine sau vụ tấn công khủng bố ở Moscow "là điều hoàn toàn có thể đoán trước được".
Trong khi đó, người phát ngôn Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Andriy Yusov tuyên bố: "Ukraine không liên quan đến cuộc tấn công khủng bố này. Ukraine đang bảo vệ chủ quyền, giải phóng lãnh thổ và chiến đấu với quân đội Nga, không phải dân thường". Về phần mình, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, cũng cho rằng cáo buộc của Nga không có cơ sở thực tế. Theo ông, nhóm nghi phạm này nếu vượt biên vào Ukraine sẽ đối mặt với khu vực đang xảy ra giao tranh và có sự hiện diện dày đặc của lực lượng an ninh Nga. (K.H
Người dân Nga tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố Ngày 24/3, cả nước Nga đã hạ cờ rủ để tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ở ngoại ô Moscow cách đây hai ngày, vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong hai thập kỷ. Người dân đặt hoa và cờ Nga tại nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố. Ảnh AP. Tổng thống Vladimir...