Nước Mỹ đảo lộn vì lần đóng cửa chính phủ dài thứ 2 trong lịch sử
Trong lần đóng cửa chính phủ dài thứ 2 trong lịch sử Mỹ, không chỉ 800.000 nhân viên nhà nước bị ảnh hưởng trực tiếp vì không có việc làm hoặc không được trả lương, mà hàng chục triệu người khác cũng có nguy cơ bị tác động do chính phủ ngừng hoạt động một phần.
Cuối tháng 12 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần sau khi Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc cấp ngân sách xây bức tường biên giới. Trong khi ông Trump muốn 5,7 tỷ USD để xây dựng công trình ngăn dòng người nhập cư tràn qua biên giới Mỹ-Mexico, thì đảng Dân chủ cho rằng đây là dự án tốn kém và không hiệu quả.
Sau gần 3 tuần đàm phán căng thẳng, lần đóng cửa chính phủ này đã trở thành lần đóng cửa dài thứ 2 trong lịch sử Mỹ. Dường như chưa bên nào có dấu hiệu sẵn sàng nhượng bộ dù cuộc sống của hàng chục triệu người Mỹ đã, đang và sẽ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những người bị ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên là các nhân viên chính phủ và công chức Mỹ. Có khoảng 800.000 người có thể bị tác động bởi sự việc lần này, theo New York Times. Tanisha Keller, 42 tuổi, một người mẹ đơn thân ở Maryland làm việc cho cục điều tra dân số liên bang, là một trong những ví dụ điển hình khi cuộc sống của bà chỉ xoay quanh hóa đơn cũng như tiền học của con cái. Việc không thể nhận lương do chính phủ đóng cửa có nghĩa là hóa đơn chất đống của bà không có ai trả. Và nếu như đến tháng 2 bà vẫn chưa có tiền về tài khoản, điều đó đồng nghĩa với việc bà không thể trả tiền thuê nhà và sẽ phải ra đường.
Video đang HOT
Nhiều nhân viên chính phủ khác đã phải tìm công việc khác để hỗ trợ cho sinh kế của gia đình khi họ vẫn đang không biết chừng nào chính phủ mở cửa trở lại. Nhiều người phải đi làm tài xế Uber, đi làm thuê để có thể trả các hóa đơn.
Ngoài ra, tình trạng nhân viên nghỉ việc cũng tác động tới hoạt động thường ngày. Các công viên quốc gia ngập trong rác thải do không có nhân viên tới dọn dẹp. Bộ phận giám sát an ninh liên bang ở sân bay cũng gặp phải tình trạng tương tự khi số người báo ốm tăng kỷ lục, làm dấy lên mối lo ngại về an ninh hàng không. Những người này phải xin nghỉ để tìm việc khác trong lúc họ chưa có lương.
Ngoài nỗi lo về đồng lương của các nhân viên chính phủ, lần đóng cửa này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới 38 triệu dân Mỹ thuộc Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP). Họ là những người nghèo và có thể bị cắt đi nguồn trợ cấp trong tháng tới nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Theo Dantri
"Sứ giả" đơn độc trên sa mạc
Rời TP New York, ông Joshua Rubin đã lặn lội 3.540 km đến "thành phố lều" Tornillo ở bang Texas để phản đối chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chia cách trẻ em nhập cư với cha mẹ chúng ở biên giới với Mexico.
Nghĩ rằng sẽ có nhiều người phản đối vấn đề này ở Tornillo nhưng kỹ sư phần mềm 67 tuổi đã "vỡ mộng" khi đến nơi này hồi tháng 10-2018.
Có những ngày chỉ biểu tình một mình nhưng ông vẫn luôn túc trực bên ngoài khu trại ở sa mạc phía Tây bang Texas cùng biểu ngữ có dòng chữ "Hãy trả tự do cho bọn trẻ" và "Chúng tôi luôn bên cạnh các cháu". Theo tờ The Washington Post (Mỹ), ông Rubin hành động như thế để cho những đứa trẻ di cư biết rằng chúng không bị lãng quên và những người như ông quan tâm đến bọn trẻ.
Ông Joshua Rubin phản đối việc giam giữ trẻ em di cư trước "thành phố lều" Tornillo ở bang Texas - Mỹ Ảnh: JOSHUA RUBIN
Trong thời gian cắm trại trước thành phố lều, người cha một con này đã ghi lại những gì ông chứng kiến và đăng tải lên mạng xã hội với nỗ lực kêu gọi những người cùng chí hướng đến biểu tình tại Tornillo. Giữa tháng 11 năm ngoái, ông Rubin đã kêu gọi được khoảng 70 người từ khắp nước Mỹ đến đây và trang Facebook "Witness: Tornillo" của ông hiện có hơn 4.000 thành viên.
"Thành phố lều" ở Tornillo là nơi tạm giữ trẻ di cư trong độ tuổi từ 13-17. Phần lớn các em vượt qua biên giới Mỹ - Mexico nhưng không có người lớn theo cùng và đang chờ xem xét để được đoàn tụ với cha mẹ, người thân hoặc người bảo trợ.
Theo đài NPR (Mỹ), "thành phố lều" dự kiến đóng cửa vào cuối tháng này sau khi chính quyền Mỹ thay đổi chính sách giam giữ trẻ em di cư. Trong 2 tuần qua, khoảng 2.200 trẻ em được rời khỏi đây và đoàn tụ với gia đình ở Mỹ. BCFS, tổ chức phi lợi nhuận ở TP San Antonio điều hành khu trại, có kế hoạch dừng hoạt động nơi này vào ngày 31-1 khi kết thúc hợp đồng.
Xuân Mai
Theo NLĐO
Tuyệt vọng cùng cực, biển người di cư náo loạn biên giới Mỹ-Mexico Bộ Nội vụ Mexico tuyên bố sẽ trục xuất khoảng 500 người di cư gây hỗn loạn biên giới với Mỹ khi hàng trăm người - kể cả phụ nữ và trẻ em - chực chờ phá hàng rào ngăn cách Mỹ-Mexico gần thành phố Tijuana khiến lực lượng an ninh phải dùng hơi cay trấn áp. Chực chờ phá hàng rào biên...