Nước Mỹ 2019: Hơn 400 vụ xả súng cướp đi sinh mạng gần 15.000 người
Năm 2019 được coi là năm đáng buồn cho nỗ lực kiểm soát súng đạn tại Mỹ khi mà số vụ bạo lực liên quan đến súng đạn nhiều hơn cả số ngày trong năm.
Trong ảnh: Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ xả súng ở New Orleans (Mỹ) ngày 1/12/2019. (Ảnh: NOLA.COM/TTXVN)
Theo thống kê của Dữ liệu bạo lực súng đạn (GVA), một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi các vụ xả súng tại Mỹ, tính đến ngày 22/12, đã xảy ra 404 vụ xả súng gây thương vong lớn tại nước này và đây là con số cao nhất mà GVA ghi nhận được kể từ năm 2013.
GVA chỉ rõ các vụ xả súng đã cướp đi sinh mạng của hơn 14.800 người và làm bị thương 28.600 người, không tính các vụ tự sát bằng súng.
Điều này cho thấy tại Mỹ thật khó để trải qua một ngày yên bình mà không xảy ra vụ bạo lực nào liên quan đến súng đạn, dù trên thực tế, các vụ xả súng xảy ra cách nhau chỉ vài ngày.
Các vụ xả súng xảy ra nhiều đến nỗi người dân Mỹ đã thờ ơ với các kiểu tin gây sốc, thậm chí một số ý kiến cho rằng họ trở nên “chai sạn” trước các vụ việc như thế này.
Một khảo sát do đảng Dân chủ thực hiện mới đây cho thấy các vụ bạo lực liên quan đến súng đã khiến Mỹ thiệt hại gần 230 tỷ USD mỗi năm, chiếm tới 1,4% GDP của nền kinh tế nước này.
Sự gia tăng các vụ bạo lực súng đạn trước hết bắt nguồn từ cái gọi là “văn hóa súng đạn” lâu đời tại Mỹ, đặc biệt là tại các bang miền Tây.
Tại bang Texas, được biết đến là bang sùng súng đạn, người dân luôn ngờ vực về các quy định kiểm soát vũ khí hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở quyền sở hữu súng đạn theo Hiến pháp Mỹ.
Hiện trường vụ xả súng tại căn cứ Hải quân Mỹ ở Pensacola, bang Florida, ngày 6/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bên cạnh nguyên nhân về văn hóa, lịch sử, tình trạng gia tăng các vụ xả súng tại Mỹ còn xuất phát từ tư tưởng thù hận, bài người di cư, hay phân biệt chủng tộc của những kẻ xả súng.
Điển hình cho xu hướng này là vụ xả súng xảy ra tại một cửa hàng Walmart ở thành phố El Paso, giáp ranh giữa Mỹ và Mexico hồi đầu tháng 8, khiến 22 người thiệt mạng và 24 người bị thương.
Video đang HOT
Đây được coi là vụ xả súng đẫm máu nhất tại Mỹ trong năm 2019. Nhà chức trách Mỹ đã xác định thù hận là nguồn cơn của hành động bạo lực này.
Trước khi gây án, kẻ thủ ác đã đăng tải tuyên bố trên mạng xã hội với nội dung chống người di cư và khẳng định hành vi tội ác này được lấy “cảm hứng” từ vụ xả súng tại một đền thờ tại Christchurch, New Zealand hồi tháng 3 khiến 51 người thiệt mạng.
Giới chuyên gia nhận định những hành vi tội ác xuất phát từ thù hận không còn mới tại Mỹ, song có sự gia tăng đáng kể các vụ xả súng gây thương vong lớn với nguyên nhân trên trong những năm gần đây.
Giáo sư Jon R. Taylor thuộc Đại học Texas tại San Antonio, nhận định các hành vi tội ác thù hận không chỉ đơn thuần xuất phát từ yếu tố chính trị và xã hội, mà giờ đây còn bắt nguồn từ chủ nghĩa cực đoan phân biệt chủng tộc, tư tưởng cực hữu cho đến chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, hay thành kiến sắc tộc và bài người đồng giới.
Theo Giáo sư Peter J. Li, thuộc Đại học Houston-Downtown, số vụ án do thù hận đã tăng đáng kể kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Taylor chỉ ra rằng chỉ có một bộ phận nhỏ trong xã hội Mỹ dường như dễ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan và hành động dựa trên xu hướng này. Tuy khó có thể ngăn chặn hoàn toàn, song giáo dục và sự quan tâm của cộng đồng có thể giảm thiểu những hành vi này.
Trong bối cảnh này, người dân Mỹ đều trông chờ vào quyết sách của giới chức Mỹ, song lợi ích chính trị, sự bất đồng giữa phe Dân chủ và Cộng hòa đã chi phối nỗ lực kiểm soát súng đạn trong nhiều năm qua, khiến nhiều dự luật “chết yểu.”
Nhà nghiên cứu Clay Ramsay thuộc Đại học Maryland chỉ rõ kiểm soát súng đạn đã trở thành “sân chơi chính trị” của đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell sẽ không sắp xếp một cuộc bỏ phiếu về các đề xuất kiểm soát súng đạn do đảng Dân chủ đề xuất trừ khi Tổng thống Trump lên tiếng ủng hộ những chính sách này.
Ông Ramsay nhận định chính quyền của Tổng thống Trump sẽ đưa ra một vài cam kết để kiểm soát súng đạn sau mỗi vụ xả súng nghiêm trọng, song những cam kết này sẽ nhanh chóng “chìm xuồng” khi sự việc đó qua đi.
Mới đây, Tổng thống Trump và các nghị sĩ Cộng hòa còn mang vấn đề luận tội ông để “mặc cả” với đảng Dân chủ để đổi lấy việc tiến hành bỏ phiếu về các đề xuất kiểm soát súng đạn tại Thượng viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số.
Với sự chia rẽ đảng phái chính trị kéo dài trong nhiều năm, các chuyên gia nhận định khó có sự đột phá nào trong vấn đề kiểm soát súng đạn trong năm 2020, thời điểm nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống quan trọng.
Ông Ramsay cho biết hy vọng về sự thỏa hiệp giữa hai đảng là rất thấp. Không quan trọng ai sẽ là Tổng thống Mỹ bởi cách nhìn nhận vấn đề của hai đảng đang bị chính trị hóa khiến họ khó có thể giải quyết vấn nạn này./.
Theo Thanh Hương (TTXVN/Vietnamplus.vn )
Mỹ: Bước tiến mới trong nỗ lực kiểm soát súng đạn
Walmart sẽ tạm dừng việc bán đạn dùng cho súng ngắn và một số súng trường kiểu quân đội - Công ty đã tuyên bố hôm 3/9 khi nói rằng hiện trạng về sử dụng súng đạn ở Mỹ là "không thể chấp nhận được".
Những gã khổng lồ bán lẻ hành động để hạn chế sử dụng súng
Sau vụ nổ súng hàng loạt tại cửa hàng ở Texas, Walmart cho biết họ sẽ hạn chế người tiêu dùng mang súng vào các cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng Walmart, một hành vi được coi là hợp pháp ở nhiều bang trên nước Mỹ nhưng đã gây ra nỗi lo lắng về an toàn trong những tuần gần đây.
Những động thái được những người ủng hộ kiểm soát súng ca ngợi và bị những người ủng hộ quyền sử dụng súng chế giễu này được Walmart đưa ra đúng một tháng sau vụ xả súng tại một cửa hàng ở thành phố El Paso, bang Texas, cướp đi 22 mạng sống. Một loạt các vụ tấn công khác liên tiếp xảy ra sau đó, bao gồm một vụ nổ súng khác cuối tuần qua ở West Texas khiến 7 người chết.
Một đài tưởng niệm gần El Paso, Texas Walmart nơi 22 người thiệt mạng vào tháng 8 trong một vụ xả súng hàng loạt
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Walmart Inc. Corporation, ông Doug McMillon, đã kêu gọi Quốc hội và Nhà Trắng ban hành các biện pháp "thông thường" để kiểm soát việc sử dụng súng, bao gồm kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn đối với những người mua súng. "Như chúng ta đã thấy trước đây, những sự kiện khủng khiếp này xảy ra và dần đi vào quên lãng. Chúng ta không nên cho phép điều đó xảy ra", McMillon nói trong một tuyên bố. "Quốc hội và chính quyền nên hành động." Mặc dù vậy, Doug McMillon thông báo rằng "gã khổng lồ bán lẻ" này vẫn có kế hoạch bán súng trường thể thao.
Walmart không đòi hỏi một lệnh cấm hoàn toàn đối với việc bán súng mà một số người ủng hộ kiểm soát súng mong muốn, nhưng việc làm này của Walmart vẫn có ý nghĩa nhờ quy mô và tầm quan trọng của công ty này trong nhiều cộng đồng ở Hoa Kỳ và ảnh hưởng của nó ở các công ty Mỹ khác.
Walmart cũng tiết lộ sẽ đưa ra các chính sách mới hạn chế súng trong các cửa hàng của mình. Walmart dẫn chứng lý do từ một số sự cố trong đó người mua sắm đã rời khỏi các cửa hàng sau khi vài người mang vũ khí vào cửa hàng của Walmart ở các bang cho phép mang theo súng tới nơi công cộng. Tháng trước, chỉ vài ngày sau vụ nổ súng ở El Paso, một người đàn ông ở Missouri đã bị bắt sau vì mặc áo giáp và mang theo một khẩu súng trường kiểu quân đội khi vào Walmart. McMillon nói. "Chúng tôi hy vọng rằng mọi người sẽ hiểu được các lý do dẫn đến chính sách mới này và sẽ tôn trọng mối quan tâm của những người mua sắm, đồng nghiệp và các cộng sự của chúng tôi."
Trước đó, nhằm hạn chế quyền mang một số vũ khí, Walmart đã đưa ra một vài quyết định bao gồm quyết định năm 1993 về việc ngừng bán súng ngắn ở tất cả các bang trừ Alaska và quyết định năm 2015 về việc chấm dứt bán vũ khí bán tự động được sử dụng trong các vụ xả súng hàng loạt. Hôm 3/9, Walmart cũng tuyên bố họ sẽ chấm dứt việc bán súng ngắn ở Alaska.
McMillon lưu ý rằng, ông cũng là một người có quyền được sở hữu súng, nhưng "chúng tôi hiểu rằng nguồn gốc của chúng tôi là ở Mỹ và với tư cách là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, chúng tôi hiểu trách nhiệm đi kèm với nó."
Tiếp theo hành động của Walmart, Kroger - chuỗi siêu thị lớn nhất của Mỹ - cũng đã kêu gọi tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng và tuyên bố rằng "khách hàng không còn được phép công khai mang súng vào các cửa hàng của chúng tôi, ngoài các nhân viên thực thi pháp luật được ủy quyền."
Phản ứng của người ủng hộ sử dụng súng
Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, Walmart có trụ sở tại Arkansas có hơn 4.700 cửa hàng trên khắp nước Mỹ, trong đó có nhiều khu vực mà sự phản đối đối với việc kiểm soát súng rất mạnh. Hashtag #boycottwalmart (tẩy chay Walmart) đã trở thành phong trào vào chiều thứ ba vừa rồi trên Twitter và động thái này đã thu hút một phản ứng gay gắt từ Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA). "Thật đáng xấu hổ khi thấy Walmart chịu khuất phục trước áp lực của giới tinh hoa chống súng", NRA nói. "Các dòng người xếp hàng tại Walmart sẽ sớm chuyển sang các nhà bán lẻ khác, nơi ủng hộ cho các quyền tự do cơ bản của nước Mỹ".
Trong khi đó, Everytown for Gun Safety - một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, chủ trương kiểm soát súng và chống lại bạo lực súng đạn - đã ca ngợi Walmart vì "một bước tiến đáng kể". Một số ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ cũng ca ngợi Walmart, đồng thời kêu gọi hành động nhiều hơn, tạo sự khác biệt hơn nữa với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã làm giảm những nỗ lực thắt chặt kiểm tra lý lịch người sở hữu súng. Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Beto O'Rourke, người trước đây đại diện cho thành phố El Paso tại Quốc hội, đã nói rằng Walmart đã có một "bước đi đúng hướng". Mặc dù vậy, ông nói thêm rằng, "chúng ta không thể dựa vào các tập đoàn để ngăn chặn bạo lực súng đạn mà cần có luật cờ đỏ và chúng ta cần mua lại mọi vũ khí tấn công."
Walmart hy vọng những thay đổi sẽ giảm thị phần đạn dược từ khoảng 20% xuống còn 6-9%. Công ty cũng sẽ không còn bán đạn cho súng trường nòng ngắn, loại đạn có thể dùng để săn bắn và còn dùng cho những vũ khí kiểu quân đội. Công ty vẫn sẽ bán súng trường và súng ngắn nòng dài và phần lớn đạn mà chúng sử dụng, các cửa hàng của Walmart sẽ "tập trung nhiều hơn vào nhu cầu săn bắn và đam mê bắn súng thể thao", McMillon nói.
Doug McMillon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Walmart Inc. Corporation, tuyên bố gã khổng lồ bán lẻ này sẽ chấm dứt việc bán một số loại đạn sau vụ xả súng chết người vào tháng trước tại một cửa hàng ở Texas
Lịch sử sử dụng súng lâu dài khó thay đổi
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đang chứa đựng những tay súng giết người. Nhưng khi nhắc tới những hành vi bạo lực liên quan tới súng đạn trong dân chúng, thì người ta lập tức nghĩ tới Mỹ. Đất nước này có một lịch sử và nền văn hóa gắn liền với những khẩu súng. Ước tính với khoảng 270 triệu khẩu súng đang được sở hữu trong dân, Mỹ đã trở thành quốc gia có tỷ lệ vũ khí trên đầu người cao nhất thế giới. Đứng thứ hai là Yemen, một đất nước của các bộ lạc và những vụ tranh chấp nội bộ.
Từ thủ đô Washington tới những cửa hàng tạp hóa mang biển hiệu Walmart trên khắp nước Mỹ, súng đạn, cũng giống như bánh mỳ, sữa tươi hay quần áo, là mặt hàng tiêu dùng phổ biến cho giới thợ săn, các nhà sưu tập và những người muốn đảm bảo cho sự an toàn của chính họ. Và tất nhiên, nó cũng có mặt trong những ngăn kéo tủ hay dưới gậm giường của hàng nghìn kẻ sát nhân. Theo thống kê của nhóm những nhà hoạt động chống phổ biến vũ khí có trụ sở tại Washington, những khẩu súng này đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng hoặc bị thương mỗi năm. Năm 2010, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 30.000 ca tử vong do trúng đạn.
Hơn hai thế kỷ trôi qua, luật kiểm soát súng dường như vẫn bị bỏ ngỏ và chìm dần vào quên lãng, cho tới khi Tòa án Tối cao đưa ra quyết định cần phải siết chặt hiến pháp để làm giảm quyền lực của chính quyền các bang và địa phương nhằm hạn chế quyền sở hữu súng vào các năm 2008 và 2010.
Hiện tại, khoảng một nửa trong số 50 bang của Mỹ đã thông qua luật cho phép những người sử dụng súng đem theo vũ khí tới hầu hết các địa điểm công cộng một cách công khai. Thậm chí, nhiều bang còn đồng ý để công dân của họ giết người nếu bị đẩy đến tình thế nguy hiểm tới tính mạng. Nhưng trên thực tế, nhiều vụ nổ súng vẫn xảy ra trong khi nạn nhân của nó hoàn toàn có thể được giải thoát một cách an toàn.
Luật pháp được lập ra để phục vụ chính sách, và chính sách thì được đề xuất bởi những tổ chức như Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA). Từng là một tổ chức không mấy nổi bật của các thợ săn và những người đam mê súng trường, NRA hiện đã trở thành một trong những tổ chức chính trị quyền lực nhất của nước Mỹ. Theo tiết lộ của tờ Washington Post, NRA từng thành công trong việc giúp các ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội hồi năm 2010. Bên cạnh sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở nghị viện, NRA còn đủ sức ngăn chặn việc ban hành luật kiểm soát súng ở các tòa án. NRA và những tổ chức ủng hộ việc vũ trang khác đã liên minh với Đảng Cộng hòa, cũng như một bộ phận người dân Mỹ luôn nghi ngờ sức mạnh của Chính phủ đương nhiệm, để bày tỏ sự chống đối công khai đối với Washington.
Tuy vậy, kết quả thăm dò cho thấy phần đông người Mỹ đang mắc kẹt giữa việc chấp nhận luật kiểm soát súng lỏng lẻo hiện tại và thắt chặt chúng nhiều hơn nữa. Những người ủng hộ việc sử dụng vũ khí tự do chỉ chiếm một lượng rất nhỏ.
Trâm Anh (theo AFP/CNN)
Theo congly
Câu chuyện kiểm soát súng đạn ở Mỹ Mặc dù tổng số người thiệt mạng vì các vụ xả súng ở Mỹ đã giảm trong thời gian qua, song các vụ xả súng quy mô lớn (ít nhất có 4 nạn nhân) lại trở nên kinh hoàng hơn và diễn ra thường xuyên hơn. Đặc biệt, một số vụ còn để lại hậu quả nặng nề về mặt tâm lý và...