Nước mắt ở “làng chết”
Trong vài năm trở lại đây, thôn Bút Sơn, Hà Nam, bị gán thêm một tên gọi mới: “ làng chết”. Ở đây, có hàng chục người chết, nhiều người vật vã đau đớn với căn bệnh quái ác.
Một năm ba cái tang
Ở thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam này nhà nào cũng vậy, không phải ruột thịt thì là người thân họ hàng đều có người “dính” ung thư. Thảm thương nhất là gia đình bà Vũ Thị Dền (69 tuổi). Tai họa bắt đầu ập đến gia đình bà vào một ngày giữa tháng 5/2008, ông Nguyễn Văn Chu – chồng bà kêu đau họng, ăn vào rồi nôn ra, gia đình đã đưa ông đến bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, thì được giới thiệu lên Bệnh viện K.
Đến tháng 9 thì ông mất vì căn bệnh ung thư vòm họng. Gia đình bà chưa hết bàng hoàng thì đến mùa đông năm đấy người con thứ tư của bà là Nguyễn Văn Đoàn cũng bị ung thư gan mà theo bố. Bà Dền xót xa khóc nấc: “Chúng nó vừa xây được căn nhà cấp bốn còn chưa kịp quét vôi thì nó chết”.
Vũ Thị Dền: “mọi việc nặng giờ đều phải đến tay đàn bà”
Hai cái tang liên tiếp, ai cũng ngập ngùi đau đớn thay cho gia đình bà. Nấm mồ còn chưa kịp xanh cỏ thì đứa con trai thứ ba Nguyễn Văn Tập cũng theo em và bố về nơi tiên tổ vì ung thư đại tràng.
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Lê ôm hai đứa con trai vào trong lòng ngậm ngùi kể: “Chúng em lấy nhau được 11 năm. Nhà nghèo quá, anh Tập theo người ta đi đào vàng tận Thái Nguyên. Vàng đâu chẳng thấy chỉ thấy anh mang nghiện về nhà. Thương vợ con anh quyết tâm cai thuốc làm lại từ đầu. Đầu tháng 4/2009 thấy anh cứ kêu đau oi ói ở bụng, ăn không tiêu, đi bệnh viện khám thì họ bảo anh bị ung thư đại tràng di căn không mổ được”.
Gia cảnh vốn nghèo nay lại càng thêm túng quẫn, tiền bạc cùng tài sản ở trong nhà cũng lần lượt “đội nón ra đi” theo tiền thuốc thang. Bệnh viện trả về được gần 2 tháng thì Tập mất để lại cho chị Lê một đống nợ và hai đứa con thơ, bản thân chị cũng đang vật lộn với bệnh men gan cao.
Nghĩa trang thôn Bút Sơn quanh năm ngập nước, nơi chứng kiến nhiều cái chết xấu số
Video đang HOT
Tựa lưng vào căn nhà rộng trống hoác lúc nào cũng nghi ngút mùi khói nhang, bà Dền nói trong nước mắt: “Cái nhà này mất nóc rồi! Chưa đầy một năm mà 3 người chết. Vợ thằng Đoàn mới gửi con nó sang ở với tôi để đi lao động bên xứ người. Khổ thân con bé Thùy Chi 6 tuổi mất cha giờ lại xa mẹ”.
Theo thống kê sơ bộ của ông Nguyễn Xuân Đốc – Phó thôn Bút Sơn, mấy năm trở lại đây, thôn có 25 người chết, gần chục người đang đau đớn vật vã với căn bệnh ung thư quái ác. Người dân nơi đây đang hoang mang lo lắng vì quá nhiều người chết vì cùng một căn bệnh. Một không khí tang tóc bao trùm lên 350 hộ dân với 1150 nhân khẩu. Bệnh K trở thành nỗi ám ảnh khắp xóm làng.
Ngõ “ba góa” chồng
Nằm ở giữa thôn, ngõ có ba hộ gia đình Nguyễn Thị Chín, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Thị Hường sinh sống được mang tên ngõ “ba góa” từ khi chồng của các cô là Nguyễn Văn Hổ, Nguyễn Văn Diễn, Nguyễn Văn Lục lần lượt ra đi vì ung thư não, ung thư dạ dày.
Ông Nguyễn Văn Bài là giáo viên về hưu mong sẽ sống nốt cuộc đời thanh thản, ai ngờ tháng tới là ông vừa tròn hai cái giỗ vì căn bệnh ung thư vùng trung thất.
Con dâu ông chị Nguyễn Thị Mây nhớ lại: “Ông bị tràn dịch màng phổi và ung thư vùng trung thất không nằm được, ở bệnh viện về ông ngồi liền trong 15 ngày và cũng mất trong tư thế đó”.
Hàng xóm của ông giáo Bài là gia đình chị Đinh Thị Vân cũng có chồng Nguyễn Văn Hinh phải chết vì bệnh ung thư gan.
Người dân Bút Sơn chỉ về nơi xuất phát ô nhiễm
Từ đầu năm đến nay Bút Sơn có 15 người mất, trong đó gần chục người chết nguyên nhân là do ung thư. Ban quản lý thôn Bút Sơn phải viết đơn lên xã Thanh Sơn xin cho quy hoạch một khu nghĩa trang mới. “Những người bị ung thư đa phần là ở độ tuổi 30-55 họ đều thuộc những hộ nghèo và cận nghèo, không có điều kiện khám sức khỏe định kỳ nên khi phát hiện ra bệnh đều ở gia đoạn cuối”, phó thôn, ông Nguyễn Xuân Đốc nói.
Làng Bút Sơn mang nét cổ kính nằm ở cái thế “bán sơn địa” được các dãy núi đá hình vòng cung và các ao hồ ôm gọn. Ngày trước những người dân ở đây phải dùng nước giếng nhiễm vôi để sinh hoạt, mỗi lần đun nước uống cấn vôi đọng lại thành một lớp dày dươí đáy siêu. Giờ đây Bút Sơn đã có nước sạch để dùng nhưng cả thôn luôn được bao phủ bởi những lớp bụi trắng, và khói từ các cơ sở khai thác đá trên núi.
Ông Nguyễn Đức Văn – Bí thư chi bộ thôn Bút Sơn: “chúng tôi mới xin xã cho quy hoạch một khu nghĩa trang mới”
Bí thư Chi bộ thôn Bút Sơn, ông Nguyễn Đức Văn bức xúc: “Ngày nào cũng vậy, liên tục từ 6 giờ sáng cho tới 10 giờ đêm khói bụi mù mịt. Nhất là vào những hôm họ đánh mìn để khai thác đá thì bụi, bột đá dày đặc bay xuống trắng xoá hết cả làng. Không chỉ thế, mỗi giờ có hàng trăm xe ô tô vào trở đá và xi măng của nhà máy xi măng Bút Sơn trên núi. Bụi lắm! Nhà nào ở đây cũng bị nứt tường, 24 giờ phải đóng cửa. Vụ lúa vừa rồi thôn tôi bị mất mùa một phần nguyên nhân cũng là vì khói bụi”.
Việc ô nhiễm cũng được ông Nguyễn Hồng Hiền – Chủ tịch xã Thanh Sơn thừa nhận: “Làng Bút Sơn bị ô nhiễm khói bụi là đương nhiên…”. Tuy nhiên, chính quyền cũng chưa tìm ra giải pháp giúp dân.
Người dân Bút Sơn đã cạn nước mắt vì tiếc thương những người đã mất. Nhưng hằn sâu trong tâm trí những người ở lại vẫn nơm nớp lo sợ biết đâu một ngày nào đó bóng ma ung thư sẽ ập đến với mình. Mỗi lần trong gia đình có người thân bị ốm thì đầu tiên họ nghĩ đến là bệnh K. Cũng không biết Bút Sơn giờ có bao nhiêu người đang ủ bệnh?!.
VGT (Theo Bưu điện Việt Nam)
Bé 13 tháng tuổi không hậu môn bị bệnh tim bẩm sinh
Áp nhẹ tay lên lồng ngực của bé, ai cũng có thể cảm nhận rõ từng tiếng đập thình thịch, dồn dập. Hơi thở gấp gáp, mồ hôi túa ra ướt đẫm tóc. Từng ngày, Hoàng Anh gồng thân hình nhỏ bé chống đỡ với bệnh tim và không hậu môn bẩm sinh.
Chị Lê Thị Trinh (27 tuổi, quê Vĩnh Long) và bé Lê Hoàng Anh gần như "định cư" tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM). Bé bị bệnh tim bẩm sinh và dị tật không có hậu môn. Hai căn bệnh quái ác đang ngày đêm bóp ngẹt hơi thở yếu ớt của em.
Biết tin sắp có con, vợ chồng chị Trinh mừng lắm. Bé gái đầu lòng đã 4 tuổi nhưng bị tật ở chân nên niềm hi vọng sinh được một đứa con khỏe mạnh, lành lặn dồn cả vào thành viên sắp chào đời. Trớ trêu thay, khi sinh ra, bé Hoàng Anh lại mắc bệnh tim bẩm sinh và không có hậu môn.
Hoàng Anh lớn lên từ tình yêu thương của cha mẹ và sự giúp đỡ của những người tốt bụng
2 ngày sau, bé phát sốt, bệnh viện huyện lập tức lấy xe cấp cứu chở hai mẹ con lên BV Nhi Đồng 1. Chị Trinh rầu rĩ: "Cũng may có xe cấp cứu chở đi, nếu không hai vợ chồng em không biết làm sao nữa. Vét sạch túi lúc đó chỉ còn được 70 ngàn đồng".
Bao nhiêu thứ phải lo đổ lên đầu anh Nguyễn Hoàng Ân (27 tuổi, bố bé Anh). 2 tháng trên bệnh viện chăm vợ chăm con, anh Ân nhận giặt đồ thuê cho bệnh viện và những bệnh nhân khác. Mọi người trả bao nhiêu, anh nhận bấy nhiêu. Thương tình, mỗi người góp một chút đưa vợ chồng anh mua sữa cho con.
Sau khi chị hết cữ, anh để chị lại bệnh viện rồi về quê bán vé số. Thế chấp căn nhà của bố mẹ ruột cho ngân hàng, chị Trinh vay được 15 triệu đồng. Rồi tiền vay ngân hàng cũng hết, anh chị đi vay lãi 4 triệu. Thấy gia cảnh nhà chị nghèo nhất nhì xã, không ai dám cho vay nữa. Chiều chiều, nhà chị Trinh vang tiếng chửi mắng của chủ nợ. "Cuối năm người ta xiết nợ ghê lắm, nhà em không có tiền trả không biết có bị gì không?" - chị Trinh thấp thỏm.
Anh Nguyễn Văn Ba (trưởng ấp) ngậm ngùi: "Nhà đó nghèo lắm, không có nhà để ở. Bố mẹ cô Trinh ngoài 70 rồi lại có 2 đứa con tâm thần, ruộng vườn không có, đành phải bóc long nhãn thuê. Làm 10 tiếng một ngày nhưng chỉ được 25.000 đ thôi. Mẹ anh Ân cũng mắt mờ chân chậm rồi".
Mỗi lần thay túi phân đều khiến bé Hoàng Anh đau đớn
Từ ngày lên Sài Gòn nhập viện tới nay, vỏn vẹn 4 lần bé được bác sĩ cho về nhà. Ở được chừng nửa tháng, bé phát bệnh khiến anh chị phải tức tốc quay lại bệnh viện. Bé 13 tháng tuổi thì cũng là 13 tháng vợ chồng chị lao đao. Tiền sữa, tiền ăn, tiền tã lót của bé phải đi xin từng chút.
Hiện tại, bé đã được phẫu thuật đặt hậu môn tạm, rất dễ bị nhiễm rùng nên phải thường xuyên thay túi phân và bông băng. Bệnh tim của con không có tiền chữa trị nên chị Trinh như ngồi trên đống lửa.
Xuân về, nhà nhà sum họp yên vui, còn gia đình chị Trinh thì buồn lo trĩu nặng: "Nhìn con người ta có đồ này đồ kia ngồi chơi, con em đến sữa cũng không có mà uống, nói gì đến tiền chữa bệnh tim. Nghĩ mà tủi thân cho bé quá, tại cha mẹ nghèo không lo nổi cho con".
Theo Dân trí
Tiếng kêu tuyệt vọng từ căn lều rách nát Nhắc đến hoàn cảnh anh Nguyễn Tá Cường, người dân thôn Cẩm Đồng (xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) không ai không rơi nước mắt. Từ một chàng trai khỏe mạnh chí thú làm ăn phút chốc trở nên tàn tạ do căn bệnh teo thận quái ác. Khi chúng tôi đến thăm, anh Cường nằm co quắp trên chiếc võng...