Nước mắt lính cứu hộ trong vụ án nghệ sĩ Thanh Nga
Sau gần 60 giờ ngụp lặn tìm khẩu súng giết chết nghệ sĩ cải lương Thanh Nga, lực lượng cứu hộ TP HCM đã mãi mãi mất đi 2 đồng đội khi “khúc sông đột ngột sôi sục như có quái vật”.
Đã 33 năm sau ngày anh Võ Quang Hà và Nguyễn Văn Bảy hy sinh khi làm nhiệm vụ ở sông Sài Gòn vì mò trúng lựu đạn, những người lính cứu hộ Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP HCM vẫn chưa thể nguôi ngoai niềm tiếc thương. “Một bài học mà chúng tôi đã phải đánh đổi quá lớn”, ông Nguyễn Ngọc Tốt, người được coi là anh cả của đội cứu hộ nói.
Lặn mò tìm tang vật vụ án là một trong những phần việc của Đội cứu hộ cứu nạn Phòng Cảnh sát PCCC TP HCM. Ảnh: An Nhơn.
Giữa năm 1977, Sài Gòn xảy ra vụ bắt cóc con trai của vợ chồng nghệ sĩ Kim Cương ngay tại khu vực nhà trẻ Vườn Hồng thành phố. Sau nhiều lần uy hiếp, nhóm tội phạm đã chấp nhận trả cháu bé 5 tuổi với khoản cược 20 lượng vàng. Gần một năm sau, thành phố lại rúng động khi xảy ra vụ trọng án khác liên quan đến giới văn nghệ sĩ. Vợ chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga bị bắn chết trên chiếc Volkswagen sơn màu xám nhạt khi vừa dừng xe trước cổng nhà. Viên đạn trúng ngực trái đã cướp đi sinh mệnh của nghệ sĩ tài hoa tuổi 36 được xác định là từ khẩu súng P38. Trong lúc cảnh sát đang cấp tập điều tra, nhóm tội phạm này tiếp tục ra tay bắt cóc con trai của bác sĩ Lã Hỷ. Từ đây, chân tướng của một băng tội phạm nguy hiểm được phác họa.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, sau nhiều tháng ròng rã tầm nã gắt gao, cuối cùng Nguyễn Thanh Tân, thủ phạm chính của hàng loạt vụ án trên cùng đồng phạm liên quan bị bắt. Trong các bản cung, với bản chất lì lợm và gian ác, trước sau Tân đều khai đã vứt khẩu súng P38 xuống sông Sài Gòn khi chở đồng bọn Nguyễn Văn Hóa chạy trốn trên cầu Bình Lợi. Cảnh sát xác định đây là khẩu súng mà hung thủ đã dùng khi sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Tuy nhiên, muốn đấu tranh “đánh gục” được Tân, buộc tội hắn đã sát hại vợ chồng nghệ sĩ phải tìm khẩu P38.
Hơn 10 chiến sĩ cứu hộ cứu nạn của Phòng Cảnh sát PCCC được tuyển chọn kỹ càng nhận lệnh đến cầu Bình Lợi với nhiệm vụ “tìm bằng được tang vật vụ án”.
Trời tháng 5, nước sông Sài Gòn chảy xiết. Các anh Nguyễn Ngọc Tốt, Ngô Văn Út, Nguyễn Văn Bảy, Võ Văn Hà… thay phiên nhau ngụp lặn dưới dòng sông sâu, có đoạn tới 30m. “Cái đói, rét nhức nhối đến bầm da, buốt óc nhưng chúng tôi đã không nản chí… Chỉ có nỗi ám ảnh về bom mìn địch gài chống đặc công ta phá cầu trước giải phóng đã khiến không ít người lo lắng từng giây”, ông Tốt kể.
Tổ cứu hộ lặn cả ngày lẫn đêm suốt 2 ngày 10-12/5/1979 vẫn không có kết quả. Sang ngày thứ ba, tổ xác định, nếu không tìm được khẩu P38 sẽ báo cáo cơ quan điều tra không tìm thấy tang vật như lời khai hung thủ. 13h, ở ca lặn cuối cùng, hai chiến sĩ Nguyễn Văn Bảy và Võ Văn Hà ôm dây bảo hiểm trầm mình xuống sông ngay phía chân cầu Bình Lợi.
Thời gian trôi qua 5 phút, rồi 10 phút, hàng chục người trên bờ dõi theo trong trạng thái hồi hộp… nhưng vẫn không thấy anh Bảy và anh Hà ngoi lên mặt nước. “Chỗ các đồng đội tôi lặn xuống đột ngột sôi sục như có quái vật dưới sông”, nhân chứng Nguyễn Ngọc Tốt, nay đã gần 60 tuổi, chùng giọng.
Nghi chuyện chẳng lành, ở trên bờ, người lính cứu hộ Tốt nhấc thử đoạn dây bảo hiểm nhưng nó nhẹ tênh. “Anh Hà, anh Bảy ơi… sao lại thế này?”, tiếng Tốt hét lên.
Dưới độ sâu tới 30 m ấy, chất nổ dưới chân cầu đã phát nổ. Choáng váng vì sức ép, cả hai chiến sĩ đã buông bình hơi… Thi thể anh Hà nổi lên mặt nước, còn anh Bảy mất tích.
Video đang HOT
“Đến khuya, chúng tôi mới tìm thấy anh ấy. Bảy bị kẹt ở chân cầu Bình Lợi, rất thảm thương”, ông Tốt nói về niềm đau.
Vụ án “3 trong 1″ sau đó đã khép lại khi những lời khai ban đầu của Tân vứt súng xuống cầu Bình Lợi là giả dối. Hung thủ đánh lừa cơ quan điều tra hòng thoát tội sát hại nghệ sĩ Thanh Nga. Nhưng chính lời khai ấy đã cướp đi thêm hai sinh mạng nữa. Ban Chuyên án sau đó đã thu được khẩu P38 ngay dưới hầm cầu nhà em của Nguyễn Thanh Tân.
Chui vào ống cống khi cứu hộ cứu nạn cũng rất dễ gặp rủi ro. Ảnh: An Nhơn.
Biết là luôn đối mặt với hiểm nguy nhưng các “cảm tử quân” ở đội cứu hộ “đặc chủng” vẫn luôn tư thế sẵn sàng tác chiến. Năm 2004, trong một lần mò khẩu súng của hung thủ vứt ở cầu Bến Phân (giáp quận Gò Vấp và quận 12) suýt chút nữa cả nhóm 11 người đã chết không toàn thây.
19h, trời mưa lớn. Dưới mặt nước đen ngòm, sau vài giờ lặn tìm, thượng sĩ Huỳnh Nguyên Thuận mò được 3 “chai bia”. “Thuận đùa giỡn nói là có bia uống rồi”, thượng úy Huỳnh Văn Tuấn kể. Sau đó, Thuận định ném đi nhưng đồng đội kịp hét lên khi phát hiện những “chai bia” kia là lựu đạn chày.
“Khi cào hết lớp sình dính bên ngoài, chúng tôi mới phát hiện đó là chất nổ. Lực lượng công binh tháo gỡ cho biết, chỉ cần “cái chai” rơi xuống đất không chỉ mạng người khó giữ mà cầu Bến Phân cũng gãy đôi”, anh Tuấn nhớ lại.
Không chỉ đối mặt với các bom mìn gây chấn thương về bên ngoài, các anh còn thường xuyên tiếp xúc với những hóa chất độc hại ngấm ngầm bên trong.
Năm 2003, nhận tin báo bệnh viện Từ Dũ bị rò rỉ khí clo. Huỳnh Văn Tuấn cùng các đồng đội lại lên đường. Tại hiện trường, mùi khí nồng nặc xộc vào mũi, không ai dám tiếp cận, bệnh nhân cũng được cách ly.
Mới vào nghề hai năm, Tuấn xung phong đeo mặt nạ, bình dưỡng khí tiếp cận. Khi vào càng gần nơi khí bị rò rỉ, mùi cay càng khó thở. Tuấn chỉ kịp chạy ngược ra khi máu mũi chảy ròng ròng và ngất xỉu. Anh được đồng đội đưa vào bệnh viện cấp cứu vì bị loét đường hô hấp.
“Bác sĩ nói nếu hít khí nặng chút xíu nữa là tôi tử vong”, anh Tuấn cho hay.
Những hiểm nguy, những nỗi đau mất mát vẫn còn mãi nhưng đó cũng là niềm tự hào của gia đình và những người lính cảnh sát PCCC TP HCM.
“Nhiều anh em của chúng tôi đã hy sinh khi không còn chiến tranh nhưng họ đã chiến đấu và nguyện cống hiến tuổi xuân cuộc đời mình cho sự bình yên, hạnh phúc của nhiều người”, anh Tuấn nói và cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với công việc vốn nhiều đau xót này.
Theo VNExpress
Trầm mình dưới kênh đen giải mã trọng án
Nhiều giờ lặn ngụp tìm những phần thi thể của người phụ nữ bị phân thây, chiến sĩ Tân mừng rơn khi "tóm" được cái bao đen nằm lẫn trong đống rác với mùi tử khí xộc thẳng lên óc. Nhưng khi mở ra, đó chỉ là xác một con vật.
Để có thể vớt được phần thi thể nạn nhân chứa trong bao xốp đen, các lính cứu hộ phải trầm mình dưới kênh nước đen đầy rác rưởi, hôi thối... Ảnh: An Nhơn
Trung tá Nguyễn Văn Công, Đội cứu hộ cứu nạn Phòng cảnh sát PCCC (Công an TP HCM) kể, đầu năm 2009, người dân sống gần kênh Tân Hóa trên đường Phan Anh (quận 6, TP HCM) kinh hãi phát hiện bao nylon đen chứa một phần thi thể người đang phân huỷ. Đội cứu hộ cứu nạn nhận nhiệm vụ vớt chiếc bao và tìm kiếm những mảnh xác còn lại có thể ở khu vực lân cận tại dòng kênh đen ngòm đầy rác thải hôi thối.
Cùng lúc này, vợ chồng một cựu công an tìm đến gào khóc bên bờ kênh khi cho rằng đó chính là thi thể của con mình. Kết quả giám định ADN sau đó xác định nạn nhân là chị Lan (29 tuổi), con gái đầu của họ. Một tội ác man rợ được phanh phui. Hung thủ Nguyễn Hữu Trực (42 tuổi, ở Bình Phước), người tình của nạn nhân bị bắt.
Trực khai, dù có vợ con ở quê nhưng đã sống như vợ chồng với chị Lan từ nhiều năm. Do chị này muốn Trực phải bỏ vợ nên họ thường xảy ra cãi vã. Tối 10/1/2009, chị Lan đi ăn tất niên về, say rượu và tiếp tục trách móc người tình. Bực tức, gã đàn ông bóp cổ chị này đến chết. Sợ bị phát hiện, hắn kéo thi thể người phụ nữ vào nhà tắm rồi lấy dao, cưa sắt... chặt xác thành 16 phần trong suốt 4 tiếng đồng hồ. Sau đó tên sát nhân mua bao nylon bỏ những phần thi thể của nạn nhân vào đem vứt rải rác khắp nơi.
Từ lời khai của Trực, "đội vớt xác" chia nhau lặn ngụp dưới các dòng kênh đặc quánh mùi xú uế ở các quận lân cận tìm kiếm những phần thi thể còn lại của chị Lan. Nhiều giờ, nhiều ngày qua nhưng phần thi thể cuối cùng của nạn nhân vẫn không tìm thấy. Một lần, chiến sĩ Lê Văn Tân mừng rơn khi "tóm" được cái bao đen tương tự nằm lẫn trong đống rác với mùi tử khí xộc thẳng lên óc. Nào ngờ khi được kéo lên, lúc mở bao, cả đội thất vọng vì đó là xác một con chó.
Trong buổi sáng 21/5/2010, lần lượt hết người này đến người khác trầm mình dưới dòng rạch đen nhưng kết quả mà đội thu được chỉ là 4 xác chó, một xác mèo, 2 xác gà cùng vô số chuột chết...
Quần thảo suốt đoạn kênh dài 200 m, các chiến sĩ đã tìm được những khúc xương của anh Thiết. Ảnh: An Nhơn.
Một vụ án khác cũng được phát hiện từ công việc đặc thù của Đội cứu hộ cứu nạn Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP HCM. Cuối tháng 3, Võ Văn Hùng (22 tuổi) và Đào Vinh (24 tuổi, quê Quảng Ngãi) chạy xe ngã xuống kênh Nước Đen. Trong lúc ngụp lặn mò chiếc xe, cả hai vớt được một xe gắn máy khác đã rỉ sét.
Khi cảnh sát khám nghiệm chiếc xe này đã tìm thấy trong cốp một chiếc quần Jeans, một bóp da có CMND mang tên Lê Văn Thiết (25 tuổi). Thiết và hai thanh niên kia là bạn cùng quê Quãng Ngãi nhưng nạn nhân bị mất tích một năm trước.
Từ manh mối này, ngày 26/3, các lính cứu hộ được điều động xuống hiện trường tìm người. Sau vài ngày ngâm mình dưới dòng kênh hôi thối, mò bốc từng vốc sình trong suốt một đoạn kênh dài hơn 200 m, họ đã tìm được 37 đốt xương của nạn nhân Thiết.
Ngoài việc mò xác, các chiến sĩ cứu hộ còn đảm trách nhiệm vụ tìm kiếm tang chứng, vật chứng của các vụ án. Điển hình như vụ Phạm Đức Bình (tức Bình Kiểm, người duy nhất dám xách súng đối đầu với trùm xã hội đen Năm Cam) bắt cóc giám đốc một công ty và là con một đại gia ngành ngân hàng ở TP HCM, đòi tiền chuộc 10 triệu USD.
Cuối năm 2005, Bình Kiểm bị bắt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thu giữ cả kho vũ khí. Tuy nhiên, vẫn còn một khẩu súng săn và 30 viên đạn mà đại ca này nhờ Hoàng Thị Ngọc Hương (tức Hồng) giữ hộ. Sau khi Bình bị bắt, cô này đã kêu em ruột mang súng đạn lên Đà Lạt vứt xuống suối ở cầu Đại Nga.
Ngày 16/12/2005, Đội cứu hộ cứu nạn nhận lệnh đến khu vực này tìm bằng được khẩu "hàng nóng". Dưới dòng suối lạnh ngắt và chảy xiết, tiểu đội của thượng úy Huỳnh Văn Tuấn luân phiên ngụp lặn. 4 giờ trôi qua, cả đội đã kiệt sức, nhiều chiến sĩ bị mẩn đỏ khắp người vì dị ứng nước suối mà tăm hơi khẩu súng vẫn chưa thấy.
Trong lúc cả đội tưởng chừng phải qua đêm trên cao nguyên, Tuấn bị dòng nước xoáy cuốn trôi ra xa. Theo phản xạ, anh quờ quạng xung quanh và bám được vào một "khúc gỗ". "Được đồng đội quăng dây kéo vào bờ, tôi giơ khúc cây cứu mình khi nãy lên thì mọi người bỏ chạy tán loạn. Nhìn lại, tôi mới biết nó là khẩu súng Shotgun hai nòng. Tất cả nhẫy cẩng lên y như tìm được báu vật", Tuấn nhớ lại.
Mãi đến 1h sáng ngày 9/3, lính cứu hộ mới tìm thấy khẩu súng cách xa nơi hung thủ giết người xả đạn khoảng 50 m. Ảnh: An Nhơn
Hay như trong vụ truy đuổi, xả súng kinh hoàng trên đại lộ Đồng Tây (quận 1, TP HCM) giữa hai băng nhóm hồi tháng 3/2010. Trong lúc tháo chạy về hướng quận 5, Nghiêm Viết Hòa (23 tuổi, ngụ Hải Phòng) nhảy xuống bờ kênh Bến Chương Dương định thoát qua bờ bên quận 4. Lao xuống được khoảng 5-6 m, do nước dâng cao lại không biết bơi nên tên này chới với, buông khẩu súng ngắn xuống kênh. May mắn người dân truy đuổi đã lôi được thanh niên này vào bờ.
Ngay trong đêm, cảnh sát cứu hộ TP HCM được điều xuống hiện trường tìm tang vật. Dưới con kênh đầy rác rưởi và đặc quánh sình lầy, ông Nguyễn Văn Tốt chỉ huy cả đội hì hục tìm. Vì Hoà không nhớ chính xác vị trí rơi súng nên việc tìm "hàng nóng" như mò kim dưới đáy biển. 23 giờ đêm, hàng trăm người dân vẫn đứng nghẹt kênh hôi hám để theo dõi cảnh sát làm việc. Mãi đến 1h sáng ngày 9/3, họ mới tìm thấy nơi Hoà xả đạn khoảng 50 m.
Theo VNExpress
Những cảnh sát chuyên mò tử thi Vài phút sau khi lẩm nhẩm cầu xin sớm tìm được xác những người xấu số, thiếu tá Trí rùng mình khi chạm vào mớ tóc ngắn bồng bềnh. Nhưng anh vội trấn tĩnh, dang tay ôm chặt nạn nhân đưa lên khỏi làn nước lạnh buốt. Đội cứu hộ tham gia vớt 16 thi thể nạn nhân trong vụ chìm thuyền Dìn...