Nước mắt đến trường của Linh Chi
Đến tuổi đi học mẫu giáo, không một trường công lập nào nhận Linh Chi vào lớp vì em không có tay chân. 7 tuổi, Chi vào lớp 1 nhưng bạn nào cũng sợ. Chi phải nhịn uống nước và ăn rất ít vì em không thể tự đi vệ sinh…
Sáng 4/10, hai chị em bé không tay không chân Nguyễn Thị Linh Chi đã có mặt tại trụ sở Tập đoàn VNPT để nhận 2 suất bổng “VNPT – chắp cánh tài năng Việt”. Ngoài đại diện lãnh đạo Tập đoàn và đại diện các cơ quan, ban ngành của VNPT còn có các tổ chức, cá nhân đến chia sẻ với hoàn cảnh đặc biệt của Linh Chi. Cuộc gặp mặt diễn ra rất xúc động, với nhiều nước mắt và cả những nụ cười ấm áp.
Đầu giờ sáng, phóng viên báo VnMedia đã đến Trung tâm chỉnh hình để đón gia đình Linh Chi. Cô bé rất háo hức vì sẽ được gặp nhiều người quen cũ: Bác Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn; chú Nam , Bí thư đoàn Thanh niên Tập đoàn; các cô chú phóng viên, quay phim… Mặc bộ váy áo đồng phục đi học, Chi rất hãnh diện bởi từ hôm xuống Hà Nội làm chân tay giả, Chi không được đến trường. Em nhớ lớp, nhớ các bạn lắm. Anh bạn học cùng lớp, vừa là “vệ sĩ kiêm cửu vạn” Nguyễn Đình Dũng, cũng là cậu em trai của Linh Chi nhanh nhẹn khoác ba lô, bên trong đựng bộ tay giả và bút, vở… của chị.
Vừa bước vào hội trường, chị em Linh Chi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi người. Những người từng đọc báo, đài, từng nghe nói về trường hợp của Linh Chi hay nhìn thấy em trong chương trình giao lưu với Nick Vujicic đều vui mừng gặp Linh Chi như gặp người thân. Những người bà, người mẹ ôm Linh Chi vào lòng như ôm đứa con gái thiệt thòi của mình. Những giọt nước mắt lăn dài; những đôi mắt đỏ hoe; những tiếng sụt sịt của các bạn sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông… khi nghe chị Thủy, người mẹ can trường kể về quãng đời đầy đau khổ từ khi sinh ra đứa con tật nguyền.
Linh Chi và gia đình được chào đón như những người thân
Những vòng tay ấm áp dành chi Linh Chi
Nhưng có lẽ, nỗi xúc động thực sự trào dâng khi chị Thủy kể về cái ngày chị bế con đi xin vào lớp mẫu giáo. Không ở đâu người ta nhận con gái chị bởi họ bảo, họ không biết làm thế nào đối với đứa bé không có tay chân. Cứ bế con đi lại bế con về. Thương con mà chẳng biết làm thế nào. Rồi may mắn, một nhà trẻ tư nhân cuối cùng cũng nhận chăm sóc cho Linh Chi.
Những giọt nước mắt xúc động và những tấm lòng sẻ chia với hoàn cảnh đặc biệt của Linh Chi
Video đang HOT
6 tuổi, thấy các bạn rời mẫu giáo để đi học ở nơi khác, còn mình ở lại, Chi buồn lắm. Cô bé không hiểu sao mình vẫn phải học với các em bé. Một năm như thế trôi qua. Rồi Chi cứ nài nỉ xin mẹ cho đến trường như các bạn. Thương con, lại một lần nữa, chị Thủy bế con đi xin học. “Thực ra lúc đầu tôi cũng không định cho con đi học đâu. Cứ nghĩ rằng tật nguyền thế, học để làm gì? Thế nhưng thấy con nhất quyết đòi đi học, tôi đành chiều cháu dù trong lòng chẳng mấy tin tưởng là con sẽ học được” – chị Thủy nhớ lại.
Cuối tháng 8/2012, chị Thủy đưa con đến trường tiểu học Nguyễn Thái Học. “Lúc đầu thầy hiệu trưởng còn đắn đo, sau rồi cũng nhận. Nhưng thầy bảo, không biết cháu có học được hay không” – chị Thủy kể.
Lúc đầu, nhà trường cho Chi vào lớp chỉ để ngồi học dự thính, có nghĩa là nghe được gì, học được gì thì học. Thế nhưng, chỉ để được ngồi dự thính như thế, Chi cũng đã phải mất rất nhiều nước mắt. Bạn cùng lớp – những đứa trẻ lớp 1 – không thể hiểu vì sao lại có một đứa trẻ khác mình đến thế. Chúng chỉ trỏ, trêu chọc, thậm chí cấu véo. “Mẹ đi làm, giữa giờ lại trốn việc đến lớp cho con đi vệ sinh. Sợ mẹ vất vả, con rất có ý thức. Chi không dám uống nước, ăn cũng rất ít. Bắt đầu từ lúc chuẩn bị đi học, Chi đã tập nhịn đi vệ sinh. Dần dần, Chi nhịn được đến buổi trưa, rồi sau này, nhịn thẳng đến buổi chiều. Tuy nhiên, giờ ăn trưa, con bé không dám tự mình xúc như ở nhà vì các bạn cứ nhìn chằm chặp. Vì thế, mẹ lại phải đến lớp để xúc cho con ăn.”
Việc đi học đối với mẹ con Chi là thế, rất vất vả, rất khó khăn. Cũng có lúc Chi và mẹ phải khóc, nhưng Chi vẫn rất can trường. Cô bé tìm mọi cách để tồn tại giữa đám bạn và trên hết, để được tiếp tục đi học. Khi các bạn trêu chọc Chi là đứa không có tay chân, cô bé cố gắng tự tin, bảo: Không phải như vậy, đó chỉ là vì chân tay Chi chưa mọc thôi!”.
Cứ như thế, Chi đã qua được lớp 1 dự thính. Năm nay, cô bé chính thức được học lớp 1. Khó khăn lại đến bởi lớp bạn cũ đã quen, bớt trêu chọc hơn thì đã lên lớp 2, bạn mới lại nhìn Chi bằng con mắt lạ lẫm. Nhưng năm nay, Chi đã có một cậu vệ sĩ rất đắc lực, đó chính là cậu em trai Nguyễn Đình Dũng cũng vừa đến tuổi vào lớp 1.
“Cửu vạn kiêm vệ sĩ” của Linh Chi: cậu em trai Nguyễn Đình Dũng
“Lúc đi học, Dũng xách ba lô cho chị. Ở lớp, mỗi khi Chi đánh rơi đồ dùng học tập, Dũng là người nhặt. Lúc ăn, nếu mẹ đến muộn thì Dũng xúc cho chị. Nếu có ai bắt nạt, Dũng còn bênh vực chị. Có lần, Dũng đã can đảm túm cổ áo một cậu bạn to cao hơn mình rất nhiều khi cậu này dám “ê” Chi. Tôi vẫn gọi Dũng là “cửu vạn”, là “vệ sĩ” của Chi. Nhưng cũng có lần, Chi đã bảo vệ được em bằng cách mang Nick ra… dọa. Chi bảo: “Cậu mà bắt nạt em tớ, tớ gọi chú Nick đến. Chú Nick rất khỏe, mặt đầy râu. Chú ấy đã hứa bảo vệ Chi…” – Chị Thủy kể về hai đứa con của mình với một giọng đầy tự hào và thêm rằng: “Hai chị em nó thân nhau lắm. Ở lớp đã vậy, về nhà cũng rất tự giác bảo nhau học bài”…
Linh Chi sẽ vững vàng hơn trên con đường đến trường bởi bé luôn có bên cạnh một cậu em trai tuyệt vời. Trong ảnh: Dũng đã tự mình quỳ xuống bên chị để cùng nhận học bổng.khuyến học của VNPT
Sinh ra đứa con tật nguyền, lúc đầu chỉ nghĩ nó sống được đã là một sự diệu kỳ. Rồi con lại được đến trường như bao đứa trẻ khác. Đó là lại là một giấc mơ có thật đối với hai vợ chồng chị Thủy. Dù con đường đến trường của Chi còn là cả một chặng dài gian nan phía trước, nhưng chắc chắn, với sự sẻ chia, khích lệ của những tấm lòng nhân ái, chắc chắn Chi sẽ có một tương lai tươi sáng hơn, như mong ước của cha mẹ cô bé: “Cha mẹ rồi sẽ không thể mãi đi cùng con đến hết cuộc đời. Chúng tôi chỉ mong con được đến trường, sau này có thể tự lập, tự nuôi sống bản thân và trở thành người có ích”.
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
Cuộc sống nghị lực của cháu bé không tay chân
Sau cuộc gặp Nick Vujicic ngày 23/5 tại Hà Nội, cuộc sống cháu bé không tay không chân Nguyễn Linh Chi (phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái) đã thay đổi hoàn toàn.
Bệnh viện đa khoa Phúc Lâm (Văn Giang- Hưng Yên) đã tiến hành mổ miễn phí cho bé. GS BSBùi Chu Hoành - Giám đốc chuyên môn của bệnh viện, là người trực tiếp phẫu thuật cho bé Linh Chi.
Cháu bé được đưa đến khám trong tình trạng 2 đầu tay bị viêm, có mủ, bởi đầu xương nhọn và bé tì nhiều khi cử động. Các bác sĩ quyết định cắt phần đầu xương đó, cắt phần chứa ổ viêm và cũng để thuận tiện cho việc làm chân tay giả cho Linh Chi sau này.
Đến đầu tháng 9 trung tâm đào tạo kỹ thuật chỉnh hình Việt Nam (Hà Nội) đề nghị được làm chân tay giả miễn phí cho bé Chi. Các chuyên gia ở Vietcot cho biết, do bé đang lớn lên tay giả sẽ phải làm lại liên tục sau 6-7 tháng.
Hãy cùng phóng viên Infonet nghé thăm cháu bé nghị lực phi thường.
Bé Linh Chi tập làm quen với tay giả
Chị Trịnh Ngọc Thủy và bác sĩ đang hướng dẫn bé tập viết
Chỉ sau 1 thời gian ngắn làm quen, bé đã tự tập viết
Thời gian tập viết làm quen với tay giả từ 45' đến 1 tiếng sau đó bé nghỉ giải lao
Tuy nhiên do tì tay vào cằm viết với cự ly gần, khả năng cao mắt bé sẽ bị cận
Theo lời bác sĩ : Việc tiến hành làm chân tay giả cho bé thời điểm này là phù hợp nhất, để cháu Linh Chi có thời gian tập luyện và quen với "tay chân mới". Nếu làm muộn, việc luyện tập sẽ rất khó khăn
Linh Chi đang ngạc nhiên khi nhìn thấy 1 bạn khác khám tại trung tâm
Đến lượt bé được các bác sĩ khám rất cẩn thận
Các bác sĩ đang tiến hành tạo khuôn để lắp chân giả
Chị Thủy luôn ở bên cạnh con động viên khuyến khích trong khi các bác sĩ đổ khuôn
Linh Chi vui vẻ, lạc quan khi có mẹ bên cạnh trong suốt buổi khám
2 bác sĩ đang tạo khuôn thạch cao cho bé
Chỉ 1 thời gian nữa mọi sinh hoạt của bé Linh Chi sẽ không phải cực như bây giờ.
Theo Infonet
Khi bà nội quá giữ cháu Vài tháng đầu tiên về làm dâu, tôi cảm thấy thật sung sướng và hạnh phúc, nghĩ mình may mắn được anh yêu thương và được làm dâu nhà ba mẹ. Sau vài tháng ấy, tôi càng tin điều đó khi biết mình cấn thai. Mẹ chồng sáng sáng không để cho tôi dậy nấu ăn, không leo cầu thang khi nhà mất...