Nước mắt của võ sư sau 12 năm bị biệt giam
Từng là một võ sư Karatedo Nhị đẳng huyền đai, chỉ sau một lần đưa bạn võ đi cấp cứu nhưng bị các bác sỹ từ chối, Nguyễn Anh Tân (Tèo cao) trở nên bất mãn, sống buông thả và dần rơi vào con đường tội lỗi.
Sau hai lần bị truy bắt và phạt tù giam với nhiều tội danh, Tân lại sa vào ma túy và bị tuyên án thêm 13 năm tù.
Sau khi vào trại cải tạo, Tân “Tèo cao” trở thành nỗi khiếp sợ của các phạm nhân khác. Gã vi phạm tất cả các nội quy trong trại giam từ đánh nhau đến soán ngôi đại ca buồng giam. Cũng ngần ấy năm ở tù, gã luôn phải sống trong cảnh “biệt giam” và phải chuyển đến trại giam cách nhà cả nghìn cây số. Hơn một thập niên sống trong trại giam với tư tưởng chống đối, bất phục, lần đầu tiên Tân bật khóc khi được một đồng chí cán bộ trại giam gói bánh tét cho gã ăn tết đúng phong tục của người Tây Nguyên.
Vết trượt dài của một võ sư
Trước khi được cán bộ trại giam đưa vào gặp Nguyễn Anh Tân, họ luôn nhắc chúng tôi phải giữ khoảng cách và tuân theo sự kiểm soát của quản giáo. Bởi lẽ từ trước đến nay, Tân thuộc thành phần lì lợm, máu lạnh ở tất cả các trại giam. Ngày trước khi còn ở trại giam Gia Chung, gã từng dùng dao đâm bạn tù và không ít lần sang gây chiến ở các buồng giam khác.
Video đang HOT
Sau màn chào hỏi, giới thiệu và qua sự động viên của vị quản giáo, Tân hít một hơi sâu, thả lỏng người và bắt đầu câu chuyện.
Sinh năm 1970 tại TP. Buôn Mê Thuật (Đắc Lắc), Nguyễn Anh Tân có dáng vóc cao lớn của con nhà học võ. Năm lên 10 tuổi, mẹ Tân bị bạo bệnh rồi qua đời, lớn lên gã càng ý thức được vai trò của mình và luôn giúp người cha già chăm các em gái ăn học. Trưởng thành, Tân may mắn được võ sư Nguyễn Quang Dũng, một bậc thầy tài ba của môn phái Karatedo thu nhận làm đồ đệ. Theo lời kể của Tân, vì được người thầy tận tình dạy bảo, chẳng lâu sau Tân hàm thụ lên võ sư và mang hàm Nhị đẳng huyền đai karatedo. Sau đó Tân còn được đứng lớp, rèn luyện võ thuật cho các học trò.
Đó là những chuỗi ngày vinh quang của Nguyễn Anh Tân. Sau tiếng thở dài, ánh mắt căng ra, Tân kể tiếp: Khoảng năm 1993, trong một lần cứu bạn võ thoát khỏi vòng đấu và đến bệnh viện cấp cứu thì bị các bác sỹ khước từ sự thỉnh cầu vì cho rằng họ ngông cuồng, gây đánh nhau. Trong cơn điên dại, thấy đồng môn nằm chờ chết, Nguyễn Anh Tân đã lao vào đánh bác sỹ đến gãy quai hàm và xương gò má. Sau lần đó, sự nghiệp của Tân cũng tiêu tan, cuộc đời buông theo vết trượt dài. Rồi Tân sa vào những cuộc chơi, những trận đánh nhau, cướp bóc và ma túy. Tháng 10/2001, sau khi đã lĩnh hai tiền án, Nguyễn Anh Tân thêm một lần nữa đứng trước vành móng ngựa và bị tuyên án thêm 13 năm tù giam với tội danh “mua bán trái phép chất ma túy”.
Các phạm nhân chuẩn bị đi lao động (Ảnh Lê Giáp).
Xưng hùng trong trại giam và nhận 27 án kỷ luật
Ngược dòng thời gian của 13 năm về trước, sau khi bị tuyên án, Nguyễn Anh Tân được chuyển đến cải tạo tại một trại giam đóng trên vùng đất Tây Nguyên. Đó là trại giam với phạm nhân tứ xứ, đa phần có mức án cao. Với bản chất ngang tàng, ngay từ những ngày đầu, Tân đã đưa những ánh mắt thách đấu với những đại ca trong trại giam luôn lớn tiếng bắt nạt “ma mới”.
Nguyễn Anh Tân được chuyển đến một buồng giam cùng với 57 phạm nhân khác. Theo lời kể của Tân, thời đó trong phòng, người được tôn làm “đại ca” chính là Đàn “sát thủ”. Ngày đầu tiên đến buồng giam mới, Tân đã bị các đàn em của Đàn “làm luật”. Không chịu khuất phục bởi những quy luật đó, Tân chống lại. Khi đó Đàn nổi giận và lớn tiếng: “Nghịch anh thì chẳng có gì tốt đẹp”, Tân phản pháo: “Một con diều muốn lên cao thì phải đi nghịch gió”. Ngay sau đó là trận đòn của các đàn em “đại ca” Đàn dành cho Tân. Vốn là người học võ, Tân chẳng ngại ngần gì đánh lại khiến nhiều người trong số đó bị trọng thương. Nhưng cuối cùng, trước vòng vây của quá đông đàn em của Đàn, Tân bị ngã gục, bất tỉnh bên vũng máu.
Sau khi chữa trị vết thương, Tân bị “biệt giam”, rồi được chuyển đến buồng giam khác. Với tài nghệ võ thuật và tiếng tăm vốn có, Tân quy tụ được rất nhiều “anh em” trong trại giam. Khi ấy, các cán bộ trại giam luôn ngán ngẩm với phạm nhân này bởi ngày nào Tân cũng đánh lộn rồi vi phạm các nội quy trong trại. Không ít lần Tân kêu gọi phạm nhân trốn trại, gây bạo loạn khiến gã tiếp tục bị nhốt “biệt giam” cải tạo riêng. Sau khi được trả về phân đội cải tạo, Tân lại tiếp tục xung đột, cầm đầu những cuộc hỗn chiến.
Các cán bộ quản giáo trại giam số 3 – bộ Công an (đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An) kể với chúng tôi: Phạm nhân Nguyễn Anh Tân chuyển từ trại giam Gia Trung sang trại số 3 từ năm 2013. Đây là đối tượng mà trại giam Gia Trung đánh giá là đặc biệt nguy hiểm. Nguyễn Anh Tân đã có đến 27 án kỷ luật vi phạm nội quy trại giam. Chính vì thế, Tân bị chuyển đến trại giam cách nhà hơn 1.000km để tiếp tục cải tạo.
Bị khuất phục bởi tình người chốn ngục tù
Nguyễn Anh Tân tâm sự: “Ngày trước ở trại Gia Trung chỉ có bố hay đến thăm tui nhất. Lâu lâu bạn bè và các sư huynh đệ cũng có ghé thăm. Ba tui năm nay 93 tuổi, lần nghe tin con chuyển sang trại giam số 3, ông lặn lội một mình từ Đắc Lắc ra Nghệ An thăm tui. Rồi đi được nửa đường, ba tui không thể đi tiếp mà phải xuống xe chờ người nhà đến đón về. Năm nay tui đã ngoài 40 nhưng trong mắt cha, tui vẫn là một đứa trẻ ham chơi, chưa biết nhận thức đúng sai…”.
Tháng 3/2013, Tân được chuyển về phân trại 1 của trại giam số 3. Sau khi đọc tiểu sử cải tạo cùng với hàng loạt lý lịch “đen” đã gây ra trước đó, Tân tiếp tục “được” cho vào phòng “biệt giam” 10 ngày.
Sau đó, Nguyễn Anh Tân được chuyển đến phân trại 2 (trại giam số 3). Điều khiến Tân cảm động đầu tiên là khi một cán bộ trại giam đã nói chuyện với gã rất nhiều. Biết Tân vốn mê đàn hát và đặc biệt thích chơi đàn ghi ta, ngày hôm sau, cán bộ này tự bỏ tiền ra mua tặng Tân một cây đàn khiến hắn bật khóc. “Sau 11 năm trời sống cảnh “biệt giam”, lần đầu tiên tôi được ôm cây đàn, được chơi đàn. Cái cảm giác đó vừa lâng lâng hạnh phúc, vừa nghẹn ngào khó tả”, Tân tỏ ra xúc động, khóe mắt rưng rưng.
Tân kể tiếp: “Rồi những khi rảnh rỗi, cán bộ Hoàng Công Thành, người mua đàn tặng tôi vẫn đến thăm hỏi xem tôi ăn ở thế nào, cải tạo ra sao. Tết Nguyên đán 2014 vừa rồi, chính tay anh gói hai chiếc bánh tét dành riêng cho tôi đón Tết. Bởi anh hiểu người Tây Nguyên chúng tôi không ăn bánh chưng ngày Tết mà chỉ chuộng bánh tét. Cái đêm hôm ấy, thực sự tôi mới thấu hiểu cái tình người với nhau. Khi ấy, tôi biết sống chậm lại, biết lắng nghe, biết quan tâm người khác và mất dần đi bản chất giang hồ, mất đi ý muốn xưng hùng làm đại ca trong suốt mấy chục năm qua”.
Muốn làm lại cuộc đời từ “những mảnh ghép loang vỡ” Nguyễn Anh Tân tâm sự: “Hạnh phúc nhất của tui là mỗi tháng khi điện về nhà được nghe giọng nói của cha. Khi thì cha khóc, khi thì cha dặn đủ thứ. Qua gần hết cuộc đời một thằng con bất hiếu như tui mới cảm nhận hết tình cảm sâu sắc của một người cha. Giờ tui chỉ muốn nhắn với cha rằng mong cha khỏe mạnh, hai năm nữa tui sẽ được chăm cha và để cha được mỉm cười khi thấy người con của mình đã biết hối lỗi và biết làm lại cuộc đời từ những mảnh ghép loang vỡ…”. Các cán bộ trại giam cho biết, thời gian gần đây Nguyễn Anh Tân đã có thái độ tích cực trong việc lao động và cải tạo.
Theo Chí Công, Cao Tuân (Đời Sống & Pháp Luật)