Nước mắt “Cô bé mặc váy xanh”
“Cô bé mặc váy xanh” là nhân vật chính trong bức ảnh vừa đoạt giải thưởng Pulitzer 2012 của tác giả Massoud Hossaini, một phóng viên ảnh của AFP thường trú tại Afghanistan.
Khoảng khắc định mệnh
Trong bức ảnh, máu chảy xuống khuôn mặt của Tarana Akbari trong khi cô bé 11 tuổi đang gào thét trong kinh hãi sau vụ đánh bom tự sát khiến ít nhất 54 người chết ở một nhà thờ Hồi giáo tại Thủ đô Kabul, Afghanistan. Cảnh tượng này gây sốc cho chính người chụp ảnh.
Hossaini chụp được khoảnh khắc này vào ngày 6/12/2011. Đó là ngày lễ Ashura của người Hồi giáo dòng Shia ở Afghanistan. Trong ngày này, các tín đồ của dòng Shia sẽ bày tỏ lòng thương tiếc đối với Imam Hossain, một lãnh tụ Hồi giáo bị giết chết cùng cả gia đình trong cuộc chiến tranh trước đây. Trong ngày lễ Ashura, trẻ em thường mặc váy màu xanh lá cây để thể hiện sự cảm thông với đứa con của vị lãnh tụ Hồi giáo bị giết cùng với cha mình.
“Tarana Akbari đã cầu xin bố mẹ cho mình một chiếc váy màu xanh lá cây để mặc trong ngày lễ Ashura”, tác giả bức ảnh đoạt giải Pulitzer chia sẻ với BBC.
Và mặc dù gia đình không giàu có gì nhưng bố mẹ cô bé cũng chiều theo ý con gái.
Chiếc váy màu xanh lá cây rất bắt mắt đối với phóng viên ảnh Hossaini ngay từ lúc lễ hội bắt đầu với màn diễu hành qua các đường phố ở Kabul. Nhưng ngay sau đó, một kẻ đánh bom tự sát ngồi sẵn giữa một đám đông và kích nổ quả bom.
Vụ đánh bom tự sát đã giết chết ít nhất 54 người và là một phần của một loạt những cuộc tấn công khủng bố trong ngày lễ Ashura. Các vụ tấn công khiến ít nhất 70 người thiệt mạng và đây cũng là lần đánh bom liều chết đẫm máu nhất ở Thủ đô Kabul trong năm 2011.
Bức ảnh nổi tiếng của phóng viên hãng tin AFP chụp Tarana đoạt giải Pulitzer.
Video đang HOT
Chiếc váy xanh nhuốm máu
Trong vụ đánh bom tự sát ở Kabul hôm đó, Tarana đã sống sót. Nhưng em trai cô, người con trai duy nhất trong gia đình đã không may mắn như vậy. Các cô và chú của Tarana cũng qua đời trong vụ đánh bom này.
Phóng viên ảnh Hossaini khi đó cũng có mặt tại hiện trường và bị thương ở cánh tay do mảnh đạn bay vào. Mặc dù bị thương nhưng anh vẫn cố ghi lại hình ảnh hiện trường. Và chính lúc đó, Hossaini gặp lại Tarana. “Cô bé đang hét lên trong sự kích động”, ông nhớ lại.
Mới đây khi các phóng viên AFP trở lại Kabul để gặp lại “cô bé mặc váy xanh” nổi tiếng, họ chỉ gặp một cô bé Tarana Akbari buồn bã và không bao giờ còn mặc chiếc váy mà em yêu thích nữa. Bởi giờ đây, nó đã nhuốm máu của chính em và những người thân bị giết hại trong cái ngày kinh hoàng đó.
Bức ảnh Tarana trong chiếc váy màu xanh được đăng tải trên trang nhất của rất nhiều tờ báo nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, theo Tarana, điều này không có nhiều ý nghĩa với em. Khi nhìn vào bức ảnh của mình lần đầu tiên, cô bé băn khoăn: “ Sao cháu lại sống sót được nhỉ? Cháu có thể nhìn thấy tất cả những người chết ở xung quanh mình nhưng chỉ có cháu còn sống”.
Một loạt vụ đánh bom liều chết của Taliban tại Kabul lại khiến Tarana nhớ lại cơn ác mộng của em. “Nó lại làm cháu sợ. Cháu không hạnh phúc bởi quả bom hôm đó đã hủy hoại gia đình cháu”, cô bé tâm sự. “Họ đã làm một điều xấu xa. Họ không nên làm như thế”, cô bé trả lời khi phóng viên hỏi cô về những người đánh bom.
Kể từ sau vụ đánh bom cuối năm ngoái, Tarana vẫn chưa thể tới trường vì vết thương ở chân. “Cháu hi vọng mình sẽ sớm khỏe lại và tới trường đi học”, Tarana chia sẻ. Cô bé mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo và môn học yêu thích nhất của em là tiếng địa phương Dari.
Theo Bee.net.vn
Ảnh em bé Afghanistan thắng giải báo chí Pulitzer
Bức ảnh của AFP, chụp một bé gái người Afghanistan đứng giữa những xác người la liệt và khóc thét sau một vụ đánh bom, vừa được vinh danh ở giải thưởng báo chí Pulitzer năm nay.
Bức ảnh đoạt giải ảnh tin tức nóng của phóng viên Massoud Hossaini. Ảnh: AFP
Tác giả của bức ảnh đoạt giải thưởng ảnh tin tức nóng trên là Massoud Hossaini, một phóng viên ảnh của hãng thông tấn Pháp AFP.
Hossaini đã ghi lại khoảnh khắc Tarana Akbari, bé gái trong bức ảnh, đang khóc thét đau đớn khi chứng kiến khung cảnh đẫm máu sau một vụ đánh bom liều chết ở đền thờ Abul Fazel, thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 6/12/2011. Ít nhất 70 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công diễn ra vào đúng dịp lễ Ashura của người Hồi giáo Shitte. Đây cũng là vụ đánh bom liều chết đẫm máu nhất ở Kabul năm 2011.
Phóng viên Hossaini, 30 tuổi, lớn lên ở Iran trước khi sang Afghanistan đưa tin về chiến tranh. Bức ảnh trên của anh đã được đăng tải trên nhiều tờ báo và trang web trên thế giới sau vụ tấn công. Anh chia sẻ rằng mình rất vinh dự khi được nhận giải thưởng danh giá này và trở thành tiếng nói của dân tộc Afghanistan, nhưng không muốn nhìn lại bức ảnh do chính tay mình chụp nữa.
"Tôi không còn xem bức ảnh này nữa vì nó khiến trái tim tôi đập nhanh hơn và gợi lại những cảm xúc của ngày hôm đó", anh nói. "Tôi biết bất kỳ ai xem bức ảnh này cũng sẽ nhớ về tác giả nhưng tôi hy vọng họ sẽ không quên nỗi đau mà người dân Afghanistan đã phải chịu đựng trong cuộc đời".
Kể lại chuyện tác nghiệp, Hossaini cho biết khi chứng kiến vụ nổ bất ngờ và nhìn thấy dưới chân la liệt xác người, anh đã sốc đến mức không biết phải làm gì.
"Tôi vừa nhìn vào máy ảnh thì bỗng nhiên có một tiếng nổ lớn", anh kể. "Phải mất một lúc tôi không biết phải làm gì, tôi chỉ cảm thấy sức ép của vụ nổ gây đau trong cơ thể. Tôi sụp xuống nền đất.
"Tôi nhìn thấy mọi người chạy từ trong đám khói. Tôi ngồi xuống và nhìn thấy bàn tay mình chảy máu, nhưng tôi không thấy đau
"Công việc của tôi là phải biết cái gì đang xảy ra, vì thế tôi chạy trở lại, ngược chiều với mọi người", Hossaini kể tiếp. "Khi làn khói tan đi, tôi chợt nhận ra mình đang đứng ở chính giữa một vòng tròn người chết.
"Họ nằm chồng chất lên nhau. Tôi đứng ngay đúng chỗ kẻ tấn công tự sát đã đứng". Hossaini nói anh bị sốc và không biết làm gì nữa. "Rồi tôi bắt đầu chụp. Vừa chụp vừa khóc. Thật là kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ phản ứng như thế trước đó.
"Tôi không giúp ai cả, bởi tôi không thể, tôi thực sự sốc.
"Tôi biết tôi phải đưa hình ảnh này ra, phải ghi lại mọi thứ, tất cả nỗi đau, những con người vừa chạy vừa la hét, khóc thét, đấm vào ngực, và hét lên "Al Qeada chết đi, Taliban chết đi".
Với cô bé Akbari, 11 tuổi, đến bây giờ em vẫn còn gặp những cơn ác mộng về ngày hôm đó và không còn dám mặc chiếc váy xanh đã ướt đẫm máu sau vụ đánh bom nữa.
"Khi em đứng lên, em nhìn thấy mọi người đang nằm rạp dưới chân em, người đầy máu. Em thực sự khiếp sợ", AFP dẫn lời Akbari.
Kể về Tarana Akbari, Hossaini nói: "Khi con bé thấy những gì đã xảy ra với anh trai, các anh họ, chú, mẹ, bà của em và những người quanh em, con bé hét lên.
"Tarana đã làm rất nhiều thứ khi đó, nhưng trong bức ảnh, con bé chỉ hét lên. Phản ứng sốc này là điều chủ chốt nhất mà tôi muốn ghi lại".
Giám đốc điều hành AFP, ông Emmanuel Hoog, ca ngợi phóng viên của mình: "Ủy ban Giải thưởng Pulitzer đã vinh danh một trong những nhà báo dũng cảm nhất và xuất sắc của chúng ta, Massoud Hossaini".
"Ngày nay, trong lĩnh vực tin tức, từ ngữ không đi kèm với hình ảnh là nghèo nàn, còn hình ảnh mà thiếu từ ngữ thì chưa đủ", ông nói thêm. "Hai bộ phận này bổ sung cho nhau, và hình ảnh - dù là ảnh động hay tĩnh - chính là điều thiết yếu của báo chí thế kỷ 21".
Pulitzer là giải thưởng uy tín của Mỹ, được khởi xướng năm 1917 nhằm vinh danh những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực báo chí, văn học và nghệ thuật. Năm nay, ngoài giải ảnh tin nóng dành cho phóng viên của hãng AFP, các báo điện tử khác có uy tín trên thế giới như New York Times, The Huffington Post, The Philadelphia Inquirer... cũng lần lượt được vinh danh ở nhiều hạng mục khác như giải tin tức quốc tế, tin tức quốc gia, tranh biếm họa, giải thưởng vì công chúng, tin nóng...
Theo VNExpress