Nước mắt chảy xuôi
Tới bây giờ, tuổi đã 40, chị vẫn còn ở vậy. Chị hay hằn học “tại ba má mà con không lấy được chồng”.
Một gia đình mới dọn đến căn nhà ba tầng cạnh nhà tôi. Nhà có mẹ già, ba người con và con dâu. Sáng nào, tôi cũng thấy bà mẹ xách lỉnh kỉnh bốn cái cặp lồng đi mua đồ ăn sáng. Đây hẳn là bà mẹ chiều con hết mực. Gặp tôi, bà xởi lởi “mua cho tụi nhỏ đó cô. Phần tui, chan nước xúp vô cơm là xong bữa”.
Bà giải thích thêm rằng, “tụi nhỏ không có cha, tội nghiệp lắm cô”. Tôi buồn cười, anh con út, ít ra cũng 25 tuổi, “nhỏ” gì nữa. Bà kể, ông theo vợ bé lúc thằng út mới ba tuổi. Bà xót con nên cố bù đắp, choàng gánh, chăm chút từ chuyện nhỏ xíu. Nhờ tiệm tạp hóa, bà nuôi đàn con ăn học nên người. Mấy năm trước, bà mua được cái ao với giá bèo. Cái ao trúng quy hoạch, bà được đền bù số tiền lớn, mua căn nhà này. Bà tính sẵn rồi, nhà ba tầng, mỗi đứa ở một tầng. Bà thích cảnh con cháu quây quần xúm xít. Từ ngày ông bỏ đi, bà bỗng sợ cảnh chia lìa. Bà còn khỏe là còn ra sức chăm nom, bảo bọc mấy đứa con.
Tiền đổ hết vào căn nhà, nên bà yêu cầu các con góp tiền chợ. Mỗi lần đưa tiền, đứa nào cũng cự nự, than chẳng dành dụm được gì, so bì nhà người ta được cha mẹ bao trọn gói… Thằng ba nói, “hồi đó kêu má chia tiền làm ba phần, má không nghe, ở chung chi cho rắc rối”. Mà rắc rối thiệt. Cơm không vừa miệng, con dâu bóng gió “ăn vầy nuốt sao vô. Chắc má để dành được bộn tiền”. Chị hai có tật tắm rất lâu, xả nước lu bù. Thằng út nói, “bà về sông ở mới đúng, xài kiểu đó, trả tiền nước sặc gạch”. Chị hai cự “tao có hùn tiền mà”… Nhà cửa chẳng mấy khi được yên, khiến bà đau lòng.
Cả ngày, tôi thấy bà chẳng ngơi tay: đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Lau dọn ba tầng lầu, thêm tầng trệt, người khỏe còn sụm sống lưng. Có hôm, tôi thấy bà nê thau quần áo từ sân thượng xuống, ngồi thở dốc. Xót bà, tôi góp ý, “các anh chị lớn hết rồi, bà để họ tự làm”. Bà cười hiền, “lắt nhắt một hồi cũng xong mà cô. Tụi nhỏ đi làm đã mệt rồi”. Dông dài một hồi, vẫn là câu nói “tụi nhỏ không có cha, tội nghiệp lắm cô”. Dường như, chuyện không giữ được cha cho các con là lỗi tại bà, nên bà ra sức chuộc lỗi. Các con bà hồn nhiên đón nhận, lâu dần thành quen, chẳng còn áy náy khi thấy bà cực nhọc.
Video đang HOT
Với con gái lớn, tôi nghĩ chắc là người đồng cảm, chia sẻ với bà nhiều nhất. Nhưng không, cách nói chuyện của chị với bà cộc lốc, lạnh lùng. Bà còn kể, chị giận bà hơn chục năm nay. Ngày trước, chị có người yêu cũng là bác sĩ. Nhà trai sang định cưới, biết ông theo vợ bé, họ từ hôn. Tới bây giờ, tuổi đã 40, chị vẫn còn ở vậy. Chị hay hằn học “tại ba má mà con không lấy được chồng”. Câu oán trách của chị, như cây kim ghim trong ngực bà. Trong ba đứa con, bà thấy mắc nợ chị nhiều nhất.
Một bữa, cả nhà đi làm, bà bị chóng mặt, ráng bò ra cửa gọi tôi. Tôi gọi cho anh thứ ba. Anh tỉnh bơ, “chị gọi chị hai tôi. Chỉ là bác sĩ, tôi biết gì đâu”. Chị hai nói “chắc bà già bị lên huyết áp, kêu bả uống thuốc rồi đi nằm”. Cả ngày hôm ấy, chẳng có ai về nhà. Tôi nấu cháo mang sang, bà ứa nước mắt. Từng tuổi này, ba đứa con và cả con dâu, chưa đứa nào mua cho bà tô cháo, gói xôi, tấm áo. Bà tận tụy cho đi, vắt cạn ruột gan mà chẳng nhận lại gì… Trong mắt bà, tôi không thấy nỗi niềm oán trách, chỉ là xót xa tại con không có cha nên mới ra nông nỗi này…
Bà dự tính bán căn nhà, chia ba phần, bà về ở với con út. “Chắc lúc đó sẽ yên à cô”. Khuôn mặt bà ánh lên niềm hy vọng. Tôi cầu mong bà được như ý nguyện, từ nay sẽ yên ổn tuổi già.
Đức Phương
THeo phunuonline.com.vn
Thà chết chứ không ly hôn
Anh làm đủ chuyện để cho em bất bình, công khai chở cô kia đi chơi, mua quà tặng cô ta... Nhưng em đã quyết rồi, em sẽ không bao giờ để cho anh ta được tự do mà đi với người khác...
Chị Hạnh Dung kính mến,
Em năm nay 29 tuổi, đã lập gia đình và có hai bé trai gái đầy đủ. Em là kiểu phụ nữ toàn tâm toàn ý lo cho chồng con, cho cha mẹ chồng, không bao giờ nghĩ đến bản thân. Từ lúc lấy nhau, khi còn ở nhà thuê, em một mình lo nuôi con vừa mở tiệm tạp hóa buôn bán kiếm chút đỉnh tiền chợ. Vợ chồng sống với nhau hơn 6 năm, con cái ngoan ngoãn, đã mua được nhà, hai bên nội ngoại ai cũng nói nhờ một tay em mà nên. Chồng em là giáo viên, lương ba cọc ba đồng, làm gì có dư mà dành dụm.
Ảnh minh họa
Vậy mà nay chồng em thay lòng đổi dạ, cặp với một cô giáo dạy chung trường. Cô này cũng đã có chồng con rồi ly hôn. Không biết anh ăn phải bùa ngải gì mà về nhà buộc em ly hôn. Em không đồng ý, anh sang nhà ông bà ngoại, nói bọn em sống với nhau không hợp, không hạnh phúc. Cha mẹ em rất bất bình, bảo chuyện của vợ chồng con, con tự giải quyết.
Anh lại nói với ông bà nội, đến nỗi mẹ chồng em bảo em nên buông tha cho con trai bà, để anh được lấy người anh yêu thương. Em nhất định không đồng ý. Con em cần có cha. Em đâu làm gì sai trái mà anh đòi bỏ. Anh làm đủ chuyện để cho em bất bình, công khai chở cô kia đi chơi, mua quà tặng người yêu mà cố tình để cho em thấy... Nói chung là để em phải đồng ý ly hôn. Nhưng em đã quyết rồi, em sẽ không bao giờ để cho anh ta được tự do mà đi với người khác.
Em chỉ muốn những lần vợ chồng cãi vã thì em tránh bớt cho con không phải chứng kiến, để các con được hưởng tuổi thơ bình yên. Em nên làm gì để anh ta không về nhà gây gổ, chửi mắng?
Thúy Miện (TP.HCM)
Em Thúy Miện thân mến,
Em đúng là không nghĩ cho bản thân. Em coi, mình không chịu ly hôn, anh ta không thể danh chính ngôn thuận đến với người khác, nhưng em cũng không có tình cảm của chồng, không có cơ hội tìm người bạn đời khác. Bấy lâu nay em hy sinh cho người chồng ấy, cho các con, giờ sẽ hy sinh nốt quãng đời còn lại? Nếu ly hôn, em được tự do, có thể bắt đầu một quãng đời mới, có thể sẽ gặp một người đàn ông khác - người có thể mang lại hạnh phúc thực sự cho em. Em vẫn còn trẻ. Giằng co, níu giữ, em sẽ chẳng được gì ngoài những trận gây gổ cãi vã, những lần lừa dối, mà kết cục cũng vẫn chẳng được gì; trong khi tuổi xuân cứ thế trôi qua.
Vấn đề quan trọng giờ là chuyện nhà cửa, con cái. Anh ta muốn ly hôn, em có thể ở thế mạnh, buộc anh ta chấp nhận một số điều kiện thuận lợi cho em về tài sản, nuôi dạy con. Em đang là vợ hợp pháp nên có thể đến thẳng nơi chồng công tác, đề nghị cơ quan, công đoàn có ý kiến. Rất khó để tránh những cuộc cãi vã, khó mà giữ cho các con một tuổi thơ bình yên trong một gia đình mà cha mẹ không hòa thuận; nhưng em có thể chủ động thu xếp một cuộc chia tay ít tổn thương nhất cho mình và các con.
Hạnh Dung
Theo phunuonline.com.vn
Có người yêu để làm gì nhỉ? Có người yêu chỉ thêm một người làm bạn mệt hơn, buồn hơn, nhiều chuyện phiền lòng hơn. Có người yêu chỉ có thêm một người khiến bạn lo lắng. Có người yêu thật sự chẳng để làm gì cả! Có lẽ cũng chính vì vậy người cô đơn càng ngày càng nhiều. Họ thường như mắc chứng "ngại yêu".Ngại phải quan tâm...