Nước mắm – món quà của biển quê nhà
Làng tôi cách biển không xa nên bữa ăn hàng ngày có thể thiếu cá, thiếu thịt nhưng không thể thiếu nước mắm.
Ngày ngày, bất kể nắng hay mưa, những người phụ nữ của các làng làm nghề biển, chân trần vượt qua những con đường cát trắng dài lóa mắt đi bán nước mắm ở các làng quê làm ruộng lân cận. Tôi vẫn nhớ tên và cả gương mặt thân thiết của mụ Lựu, mụ Ninh, mụ Gái, mụ Móm…thường vô bán nước mắm cho trong xóm nhỏ của tôi. Nhớ cái giọng tự tin của mụ Ninh: ” Nước mắm của nhà tui ngon đứng đụa!” (nghĩa là nước mắm của mụ nguyên chất, đặc quánh lại, bỏ dọc chiếc đũa vô là đứng được).
Một người bạn của tôi ở làng biển Mỹ Hòa, gia đình có truyền thống làm nghề nước mắm từ đời ông cố đã cho tôi biết về phương thức làm nước mắm cổ truyền. Theo bạn, nước mắm có thể chưng cất từ nhiều loại cá khác nhau như cá thu, cá nục hay cả con mực cũng có thể làm nước mắm được. Nhưng nước mắm cá cơm than là ngon nhất. Cá được chọn làm nước mắm là cá được đánh bắt trong đêm về, cá tươi, rời từng con. Tỷ lệ muối phù hợp khi muối với cá.
Trộn cá đều và cho vào chiếc lu sành đã rửa sạch. Muối từng lớp cá xong phải rải lớp muối nhỏ lên bề mặt cá để chống ruồi. Tầm sau 3 ngày rút nước bổi ra, bắt đầu dùng lưới chủ và vỉ tre gài nén cùng với đá cuội lớn. Để đá sao cho đều cân bằng. Phơi nước bổi khoảng 1 đến 2 ngày rồi đổ vào chum lại.Và cứ tiếp tục một tuần tiếp theo rút thêm 2 lần nữa phơi nắng, đậy kín một tháng sau để tạo men muối.
Sau một tháng đó sẽ rút nước bổi tuần một lần ra phơi nắng, đến khi cho ra nước mắm chín. Mắm nhĩ ra ở vòi nơi đáy chum sành. Để chọn là nước mắm ngon thì cá phải được ủ từ 18 tháng trở lên…
Quê tôi, mâm cúng kỵ có đủ món rồi mà chưa có chén nước mắm ớt đặt vô giữa mâm là chưa hào soạn… Nước mắm không ngon thì coi như mâm cỗ chưa ngon. Mà nước mắm có ngon hay không cũng phải theo tay người chế biến; không phải cứ cá nhiều là có nước mắm ngon. Bởi thế nước mắm ở quê hồi đó “ thương hiệu” gắn liền với tên người làm ra nó. Cả làng tôi ai cũng công nhận là nước mắm mụ Lựu là ngon nhất xứ…
Những người làng sống ở xa mỗi lần về thăm quê vẫn tìm cho được vài lít nước mắm ngon của quê hương sản xuất theo phương thức cổ truyền để “lận lưng” mang theo chút hương vị quê nhà. Thầy giáo dạy Toán cấp 3 của tôi vẫn hay kể chuyện cũ: ” Hồi những năm thập kỷ 1980, phòng mình có 3 người, nấu 5 lon gạo chan nước mắm mà ăn cũng sạch trơn nồi…”. Câu chuyện của thầy không chỉ nói lên nỗi vất vả của những thầy cô về vùng quê dạy học trong những năm đất nước còn khó khăn mà qua đó còn cho thấy, vị và chất của nước mắm biển đã là một món ngon giúp cho thầy cô ấm cái bụng mà lên bục giảng…
Cảnh mấy mụ le te đến từng nhà bán nước mắm ở quê chừ không còn nữa. Mà mấy mụ bán nước mắm ngày trước chắc cũng đã về với biển cả hết rồi. Bây chừ muốn có một chai nước mắm ngon phải ra tận các làng ven biển tìm mấy nhà của người quen để mua.
Nước mắm ngày nay đã được sản xuất đại trà, đăng ký thương hiệu; nhưng sản xuất nhiều như rứa làm răng ngon được? Còn các loại nước chấm tương tự nước mắm lại không được sản xuất từ cá thì có nên gọi là nước mắm không? Vì nước mắm được tạo ra từ con mắm (cá, tôm, cua … muối). Do đó, phải xem nước chấm là loại nước mắm giả, phải cương quyết không cho phép dùng tên nước mắm…
Viết đến đây mới nhớ chuyện đã thành giai thoại là có mấy bạn nhậu cứ làm một chén nước mắm đặc sệt ớt rồi rửa sạch mấy viên đá cuội để chắm làm mồi nhấm rượu. Nghe nói là cũng bắt mồi lắm…
Video đang HOT
Về làng bánh gai chỉ rộn ràng nhất dịp giáp Tết
Ai qua quê lúa nhớ ghé xã Tân Hòa/ Bánh gai dẻo thơm mua lấy làm quà/ Hương gai, hương nếp đậm đà khó quên.
Làng bánh gai xã Tân Hòa có lệ làm riêng là chỉ làm dịp giáp tết
Hương vị khó quên
Xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình từ lâu nổi tiếng là mảnh đất của những chiếc bánh gai dẻo thơm, ngon nức tiếng trong Nam, ngoài Bắc. Trên khắp tỉnh, thành, bánh gai Tân Hòa đang chiếm vị trí đặc biệt của những người sành ăn, tìm về thứ quà đồng quê giản dị, gần gũi.
Tìm đến Tân Hòa những ngày cuối năm, thoảng trong gió đã có mùi thơm nồng của gạo nếp và đỗ xanh. Theo cụ Đỗ Văn Hạ (82 tuổi) người thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa chia sẻ, nghề làm bánh ở đây có khoảng 400 năm, không rõ chính xác có từ bao giờ. Cứ theo truyền thống cha truyền con nối, mà các hộ gia đình vẫn giữ gìn cho đến ngày nay.
Tân Hòa là xã có truyền thống làm bánh gai nhưng để nghề phát triển phải kể đến công lao của bà Nguyễn Thị Thì, thôn Tường An. Bà được người dân nơi đây mệnh danh là "bà tổ của làng nghề" bởi hầu hết chủ cơ sở làm bánh gai nổi tiếng ở xã đều là những người con, người cháu, trực tiếp do bà Thì truyền dạy kinh nghiệm.
Theo chia sẻ của những người dân làm bánh lâu năm, để làm chiếc bánh là cả một quá trình đầy kì công, tỉ mỉ của người làm bánh trong tất cả các khâu. Đầu tiên, giã bánh góp phần quyết định chất lượng của bánh. Thường khi xưa giã bằng cối đại hai người nhún và một người trực ở cối đá để đảo trộn cho thật đều.
Khi giã phải giã liên tục cho thật đều nhịp chày, trộn cho thật kỹ đến khi nào bột nhuyễn, dẻo quánh. Khi luyện đã đến độ thử kiểm tra bằng cách xoa đầu ngón tay xem bột mịn chưa, nếu bột mịn, mềm dẻo có màu đen bóng, cầm hai đầu kéo mà không đứt hoặc nắm bột bỏ lên lòng bàn tay thấy bột cứ từ từ xệ ra thì mới được.
Một thứ vô cùng quan trọng làm nên hồn cốt bánh gai Tân Hòa, chính là pha chế mật, mật "non" hoặc "già" còn tùy thuộc vào thời tiết. Những người thợ giàu kinh nghiệm thường lấy mắt mà nhận biết. Lấy bột này đem nặn từng cục tròn rồi dàn mỏng trên lòng bàn tay, lấy nhân cho vào giữa, vê lại sao cho nhân nằm gọn giữa lòng chiếc bánh.
Khâu hấp bánh cũng vô cùng quan trọng, mà cụ Đỗ Văn Hạ gọi đó là thử sự tinh hoa và sự nhạy bén người trông bánh. Nếu để sôi quá bị "hấy" bánh ăn mất ngon. Khi gắp bánh ra, bánh phải tỏa ra mùi thơm, bùi, nức mũi mới đạt tiêu chuẩn. Bánh được hấp cách thủy trong khoảng từ 1-2h, tùy theo số lượng phải căn chỉnh thời gian phù hợp, nếu quá sớm bánh chưa kịp chín mềm, quá lâu bánh sẽ bị nhão, mất độ dẻo ngọt đặc trưng.
Cách gói bánh cũng là khâu để người ăn đánh giá tay nghề người làm. Lá chuối khô được chọn phải là chuối tiêu, sau khi vuốt phẳng gói lại cho khéo thành từng chiếc bánh vuông vắn, quấn một chiếc lạt giang bên ngoài. Sau khi nặn, bánh sẽ được lăn qua mỡ để thêm độ bóng và bớt dính, sau đó rắc vừng lên trên để thêm vị bùi khi ăn.
Gói bánh cũng đòi hỏi nghệ thuật. Lá khô là cách tốt nhất để bảo vệ bánh được lâu và giữ được hương vị. Người thưởng thức thấy bánh nhiều lá mà hiểu rằng họ độn lá vào cho bánh to để chiêu khách, nói vậy là phụ công người làm bánh nhiều lắm.
Gia đình chị Hồng Nhung cũng "phất lên" từ chính nghề truyền thống quê hương
Nhộn nhịp nhất dịp giáp Tết
Ở Tân Hòa có nghề làm bánh thì ai cũng biết, vì nghe tên quen thuộc với khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc mà đặc biệt dân lái xe. Tuy nhiên, có cái lệ độc đáo khiến Tân Hòa trở nên nổi tiếng đó là làng chỉ nhộn nhịp làm bánh nhất dịp cận Tết.
Khác với những làng bánh khác, bánh gai Tân Hòa có một điểm đặc biệt đó là đa số các hộ gia đình làm bánh đều là người dân trong làng, họ làm bánh như một nghề tay trái. Đặc biệt, tại đây công việc làm bánh chủ yếu diễn ra vào khoảng thời gian hai tháng cận Tết. Đó chính là lúc bận rộn nhất khi liên tục nhận các đơn hàng từ các tỉnh ngoài.
Đến Tân Hòa dịp cận Tết, ai cũng sẽ không khỏi bất ngờ bởi không khí nhộn nhịp khắp làng trên, xóm dưới bởi đó là thời gian họ tập trung vào công việc làm bánh. Anh Vũ Hồng Đam (25 tuổi) chia sẻ: "Tôi là người Tân Hòa, gia đình có truyền thống làm bánh từ nhiều năm nay. Thời gian trong năm công việc chính của bố mẹ tôi là công nhân, còn cứ dịp cuối năm này thì nhà tôi bắt đầu làm bánh gai để bán".
Hầu hết các hộ gia đình tại đây đều có truyền thống như vậy. Người dân tại đây gọi là đón Tết sớm, bởi vì không khí náo nức làm bánh trong từng gia đình vui không khác gì không khí Tết. Nhiều người đi làm ăn xa cũng tranh thủ về sớm để phụ công việc làm bánh của gia đình.
Anh Đam chia sẻ thêm, dù là thanh niên đi làm ăn xa, nhưng thời gian cuối năm anh luôn tranh thủ về sớm để làm bánh cùng gia đình, vừa thêm thu nhập ngày Tết, vừa giữ nghề truyền thống, nét đặc trưng của quê hương. Có dịp cao điểm Tết, nhà anh nhận trung bình 2.000 chiếc bánh đặt hàng từ khách. Đa phần khách cũ, cứ dịp cận Tết họ đến đặt gia đình để làm.
Vì vậy, đa số gia đình tại đây đều tập trung làm bánh cao điểm dịp cuối năm. Dù vất vả vì thời gian giáp Tết Nguyên đán, nhưng người dân nơi đây suốt nhiều năm vẫn giữ gìn nét làm bánh riêng biệt của quê mình.
Bánh gai chính là món quà quê dân dã từ chính bàn tay tài hoa của người dân quê lúa
Phất lên nhờ làm bánh
Không chỉ là nghề truyền thống của quê hương, sản xuất chủ yếu vào dịp Tết. Hiện nay, một số hộ gia đình tại Tân Hòa đã chuyển mình sang sản xuất bánh gai chuyên nghiệp với quy mô nhà xưởng, thời gian liên tục trong năm. Không ít gia đình đã "đổi đời" nhờ bánh gai.
Ngôi nhà khang trang, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi nằm tại trung tâm xã là cơ sở sản xuất bánh gai Hoàng Nhung do chị Ngô Hồng Nhung làm chủ chính là thành quả từ việc phát triển nghề truyền thống.
Hơn 25 năm trước, vợ chồng chị Nhung chỉ là những người làm thuê cho các hộ dân làm bánh trong xã. Chồng chị đi giao hàng cho các nơi ở thành phố, còn chị trực tiếp làm và gói bánh. Đến năm 1992, vợ chồng chị Nhung quyết định "suy nghĩ lớn", mở cơ sở sản xuất bánh gai Hoàng Nhung tại chính mảnh đất tư gia.
Chị Nhung chia sẻ: "Làm bánh gai không quá vất vả nhưng đòi hỏi người làm có sự cần mẫn và tỉ mỉ. Phải thường xuyên thức khuya, dậy sớm nên nếu không yêu nghề, say nghề thì rất khó giữ được nghề. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi sản xuất được khoảng 3.000 bánh vào mùa đông và 1.000 bánh vào mùa hè".
Trước đây, gia đình chủ yếu sản xuất dịp Tết giống bà con trong xã với một số đơn hàng nhỏ. Sau thời gian nghiên cứu, với mong mỏi phát triển nghề truyền thống của quê hương, cũng như khát vọng làm giàu từ chính tài sản của cha ông để lại. Chị Nhung mở thêm xưởng bánh, cũng là người tiên phong cho việc chuyên nghiệp hóa làm bánh gai của làng thay vì sản xuất nhỏ lẻ như trước.
Không chỉ làm giàu cho gia đình khi xây được cơ ngơi tư gia tiền tỷ từ chính sự mày mò, học hỏi, dám nghĩ lớn. Cơ sở sản xuất bánh gai Hoàng Nhung còn tạo việc làm cho 7 lao động trong xã với thu nhập bình quân 2 - 3 triệu đồng/người/tháng, hầu hết đều là người cao tuổi, hoàn cảnh khó khăn.
Bà Vũ Thị Vườn, 63 tuổi, thôn Đại Đồng cho biết: "Tôi gắn bó với nghề làm bánh gai đến nay đã hơn 20 năm. Làm ở đây vừa giúp tôi có thêm thu nhập khi tuổi đã cao, vừa giữ gìn được nghề cổ truyền".
Giờ thì bánh gai đã theo chân người du lịch đi xa tận địa đầu Mũi Cà Mau, tít tắp Móng Cái, nhiều khi còn vượt biên sang nước bạn. Về tham quan Tân Hòa - quê lúa những ngày cuối năm, hòa vào không khí tất bật khẩn trương, người làm bánh như được đón Tết sớm.
Không chỉ là nghề kiếm thêm thu nhập mà còn chính là sự giữ gìn, nâng niu hạt gạo, tinh túy quê hương của người dân Tân Hòa. Giờ đây, mỗi dịp Tết đến, xuân về, trong không khí khẩn trương ấy, người ta lại tất bật làm những món quà quê giản dị, gửi cái Tết đến mọi miền đất nước.
Theo Phapluat
Ngon lạ bánh củ chuối Bánh củ chuối là một món ăn, một món quà quê hết sức bình dị, dân dã của đồng bào dân tộc Tày. Để làm được loại bánh độc đáo này, công đoạn chuẩn bị nguyên liệu khá công phu, trong đó việc chọn củ chuối quyết định đến chất lượng bánh. Đồng bào dân tộc Tày vào rừng thu lượm những củ...