Nước lũ chia cắt nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội
Do mưa ở rừng ngang và từ trên núi đổ về nên mực nước sông Bùi đoạn qua huyện Chương Mỹ tiếp tục dâng cao. Thành phố Hà Nội đã sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền, bè ẢNH TRẦN MẠNH CƯỜNG
Ghi nhận sáng nay, 31.7, mực nước sông Bùi đoạn qua huyện Chương Mỹ tiếp tục dâng cao. TP Hà Nội đã sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, ngay cả việc di dời khoảng 14.000 hộ dân ra khỏi vùng lũ. Trên địa bàn huyện Chương Mỹ, nước đã tràn vào 2349 hộ của 10 xã, thị trấn.
Nước lũ chia cắt nhiều vùng ở Chương Mỹ, Hà Nội – Thực hiện: Nguyễn Thành
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN và PTNT), cho biết nước lên không phải do xả lũ hồ hòa bình, vì hồ hòa bình đã đóng toàn bộ các cửa xả. Đây là tình huống do mưa ở rừng ngang và từ trên núi đổ về, là tình huống đặc biệt nhưng không phải tình huống bất thường, bởi năm ngoái đã xảy ra, năm nay lại tiếp tục xảy ra.
Nước lũ ngập trắng đồng. Tại những khu dân cư thấp, mực nước phổ biến 0,4 – 2 m. Hàng trăm hộ dân của các xã Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ thuộc Chương Mỹ sống trong cảnh thiếu nước sạch, thực phẩm, điện… Tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, nước lũ đã rút khoảng 0,4 m so với đêm hôm qua, nhưng hầu hết các tuyến đường nhánh xuống xóm vẫn ngập sâu trong nước. Tuy nhiên, trục đường chính liên xã đã có thể đi lại.
Tình trạng ngập lụt kéo dài khiến nhiều hộ dân ở đây sinh hoạt trong tình trạng thiếu thốn. Mỗi đợt có đồ viện trợ từ xã, dân ở các xóm lại tấp nập thuyền bè vận chuyển chia cho các hộ.
Ông Phùng Xuân Lực (52 tuổi, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) cho biết, tình trạng ngập kéo dài cách đây khoảng 10 ngày. Trong số các xã bị ngập, xã Nam Phương tiến bị ảnh hưởng ngập sâu nhất, với 4 thôn giao thông tê liệt hoàn toàn. Cứ mỗi đợt có thực phẩm việc trợ từ xã, ông Lực lại tổ chức phân phát cho người dân trong thôn, khoảng 3 lần một tuần, các hộ được phát mì tôm, nến, nước sạch, muối, lương khô…
Dưới đây là hình ảnh chúng tôi ghi nhận tại xã Nam Phương Tiến sáng 31.7:
Nước sông Bùi qua địa phận xã Nam Phương Tiến tiếp tục dâng cao ẢNH TRẦN MẠNH CƯỜNG
Xã Nam Phương Tiến chịu ảnh hưởng lớn trong đợt mưa lũ này. Phần lớn nhà các hộ dân bị ngập trong nước ẢNH TRẦN MẠNH CƯỜNG
Giao thông tê liệt ẢNH TRẦN MẠNH CƯỜNG
Tuyến đường liên xã Tân Tiến – Nam Phương Tiến một số chỗ vẫn ngập nước, khiến hàng viện trợ khó tiếp cận bà con ẢNH TRẦN MẠNH CƯỜNG
Phần lớn nhà các hộ dân trong Thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến ngập sâu trong nước
ẢNH TRẦN MẠNH CƯỜNG
Người dân đến nhận thực phẩm từ xã ẢNH TRẦN MẠNH CƯỜNG
Hàng viện trợ chủ yếu là mì tôm, nước sạch và nến ẢNH TRẦN MẠNH CƯỜNG
Người dân tấp nập thuyền bè tới nhận thực phẩm tại điểm phát đầu xóm ẢNH TRẦN MẠNH CƯỜNG
Nhiều hộ có người già, phụ nữ, trẻ nhỏ được đưa thực phẩm vào tận nơi ẢNH TRẦN MẠNH CƯỜNG
Theo TNO
Đê tả Bùi bị đe dọa nghiêm trọng, Hà Nội chủ động phương án di dời dân
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho rằng: trong trường hợp xấu nhất, không giữ được đê tả Bùi, Hà Nội đã chuẩn bị thông báo cho khu vực liên quan qua hệ thống phóng thanh, truyền hình để người dân biết chuẩn bị di dời đến nơi cao hơn.
Dự báo, mực nước sông Bùi (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) dâng cao, đe dọa sự an toàn của đê tả Bùi. Thành phố Hà Nội đang khẩn trương thực hiện các biện pháp hộ đê và chuẩn bị tình huống di dân.
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, trưa 30.7, mực nước ở sông Bùi đoạn Yên Duyệt là 7,52 m nhưng đến 16h mực nước giảm đi khoảng 7cm còn 7,45m. Tối 30.7, trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Thịnh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho hay, thời điểm này các lực lượng chức năng đang khẩn trương tiến hành triển khai các biện pháp khắc phục, tăng sức chịu đựng của đê Tả Bùi.
Đê tả Bùi, xã Thanh Bình (Chương Mỹ) đã vượt mức báo động 3. Ảnh: Nguyễn Chương
Tuy nhiên, theo thông báo từ Trung tâm khí tượng, đêm nay tại khu vực Bắc bộ, mà cụ thể là Hòa Bình sẽ có thể có mưa và rất to, có thể từ 50-100mm. Do đó, lượng nước sẽ đổ dồn về nước sông Bùi và trên báo động 3 khoảng 1m.
Ông Thịnh cũng cho biết, chiều 30.7 đã có văn bản báo cáo với Thành ủy và Ủy ban TP.Hà Nội.
"Chiều 30.7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đã trực tiếp chỉ đạo tại Chương Mỹ. Hiện nay, các lực lượng chức năng, vật tư, thiết bị đang được huy động được đắp chống tràn nếu nước tiếp tục tăng lên khoảng 50cm nữa thì khu vực này sẽ hết sức căng thẳng" - ông Thịnh nói và cho biết, địa phương vừa tiếp nhận 10.000 bao tải, giao cho lực lượng công an, huy động dân quân tự vệ và người dân khẩn trương đắp đê, tiếp tục tôn cao để đảm bảo chống tràn.
Bên cạnh đó, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho rằng: trong trường hợp xấu nhất, không giữ được đê tả Bùi, Hà Nội đã chuẩn bị thông báo cho khu vực liên quan qua hệ thống phóng thanh, truyền hình để người dân biết chuẩn bị di dời đến nơi cao hơn.
Thời điểm này, công tác an ninh trật tự đang được lực lượng công an, quân đội chỉ đạo triển khai. Hiện các lực lượng đang được túc trực 24/24.
Đáng lưu ý, ông Thinh thông tin: "Nếu không giữ được đê tả Bùi thì nước sẽ vào toàn bộ huyện Chương Mỹ và đi ngược lên các khu vực sâu bên trong Hà Nội, kể cả quận Hà Đông và một số quận nội thành. Các tuyến giao thông ra phía Tây sẽ bị chia cắt rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, đó là phương án không giữ được đê tả Bùi".
Hiện nay, ông tác an ninh trật tự đang được lực lượng công an, quân đội chỉ đạo triển khai. Hiện các lực lượng đang được túc trực 24/24. Ảnh: Nguyễn Chương
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện mực nước sông Bùi đang lên nhanh. Lúc 11 giờ hôm nay (30.7), mực nước sông Bùi tại Lâm Sơn (Hòa Bình) lên 21,37m (trên báo động 1 là 0,37m).
Dự báo, từ đêm nay đến sáng mai (31.7), khu vực Hòa Bình sẽ có mưa to trở lại, lượng mưa phổ biến 50-100mm. Trong 12 giờ tới, mực nước trên sông Bùi tại Lâm Sơn sẽ lên 21,5m (trên BĐ1: 0,5m); trong 12-24 giờ tới sẽ lên 23,5m, vượt trên BĐ3 tới 0,5m.
Theo đó, nhiều khả năng, mực nước trên sông Bùi tại Yên Duyệt (Chương Mỹ, Hà Nội) sẽ lên trên mức BĐ3 khoảng 1 mét vào sáng 31.7.
Những khu vực trũng thuộc các huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình), đặc biệt là các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) tình trạng ngập lụt sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới.
Trước tình trạng trên, trên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương nói trên theo dõi sát thông tin mưa lũ, kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, úng, nhà không an toàn để chủ động sơ tán dân.
Các địa phương triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định.
Bố trí lực kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò...để hướng dẫn người, phương tiên qua lại. Kiểm soát việc đảm bảo an toàn theo quy định của các phương tiện khi hoạt động.
Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông về thông tin mưa lũ để chủ động đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, công trình.
Ngoài ra, các địa phương rà soát chuẩn bị phương châm "4 tại chỗ", chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm... sẵn sàng cho các tình huống mưa lũ, ngập lụt kéo dài nhiều ngày.
Theo Danviet
Vỡ đập thủy điện Lào kết hợp triều cường khiến lũ ở ĐBSCL lên nhanh Mực nước ở ĐBSCL đang lên, nhiều cánh đồng lúa, hoa màu của người dân ở ngoài đê bao đã bị thiệt hại. Các cơ quan chức năng luôn theo dõi sát diễn biến để có giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là sau sự cố vỡ đập thuỷ điện ở Lào. Nước lên nhanh, gây thiệt hại ở ngoài đê Theo...