Nước giàu thừa thầy thiếu thợ
Nhiều quốc gia phát triển giàu có trên thế giới đang phải đối mặt với thực tế thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động có tay nghề cao và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.
Nhiều cơ sở sản xuất ở Canada đang thiếu hụt người lao động tay nghề cao
Công ty tuyển dụng toàn cầu Hays PLC có trụ sở tại Canada vừa công bố một kết quả nghiên cứu mới cho thấy các nước phát triển trong đó có Canada, Nhật Bản, Mỹ, Đức và Thụy Điển… đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đội ngũ lao động lành nghề nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu này được rút ra từ cuộc khảo sát về vấn đề thiếu lao động có tay nghề tại 30 quốc gia phát triển.
Kết quả nghiên cứu trên khiến không ít người chú ý bởi hầu hết các quốc gia phát triển đều có tỷ lệ thất nghiệp cao do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nợ công. Tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ dưới 25 tuổi lên tới gần 25%, cá biệt tỷ lệ này ở một số nước như Hy Lạp lên tới hơn 59%, Tây Ban Nha trên 55%, Italia hơn 34%…
Tuy nhiên, thất nghiệp cao không có nghĩa là không thiếu lao động. Báo cáo của Hays PLC nhấn mạnh, việc thiếu lao động lành nghề thường liên quan chặt chẽ với chính sách của chính phủ bên cạnh tính hiệu quả của các cơ sở giáo dục trong việc cung cấp những kỹ năng cần thiết cho sinh viên và mức độ hiệu quả đào tạo của chủ lao động đối với giới lao động.
Video đang HOT
Dù chỉ xếp thứ 9 trong danh sách các nước phát triển về mức độ thiếu lao động lành nghề, song Canada bắt đầu có những dấu hiệu đáng lo ngại khi tồn tại khoảng cách giữa người lao động tay nghề cao và các ngành đang “khát” lao động. Nhiều công việc từ thợ điện, thợ hàn, thợ cơ khí thiết bị hạng nặng, thợ đường ống cho tới điều dưỡng, y tá… đều đang thiếu lao động trong khi lại thừa lao động không có tay nghề cũng như những người tốt nghiệp đại học về kinh tế.
Tương tự như Canada, Đức, Australia… cũng đang thiếu trầm trọng lao động có tay nghề. Trong khi Bộ trưởng Lao động Đức Ursula von der Leyen tuyên bố nước này đang cần những lao động có tay nghề như y tá, điều dưỡng viên, chuyên viên điều khiển robot, thợ điện và lái tàu… thì Australia cũng cho biết cần thêm 800.000 lao động lành nghề trong vòng 5 năm tới nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế cũng như đáp ứng xu hướng thay đổi cơ cấu của thị trường lao động.
Công ty Hays PLC nhận định, tình trạng thiếu lao động lành nghề sẽ càng trầm trọng hơn khi kinh tế toàn cầu phục hồi. Ông Alistair Cox, Giám đốc điều hành của Hays PLC, cho rằng có nhiều mâu thuẫn trong hệ thống khi mà thị trường việc làm khởi sắc do kinh tế phục hồi nhưng các nước phát triển giàu có lại không đủ lao động lành nghề trong các ngành thích hợp và vào đúng thời điểm.
Để giải bài toán thiếu lao động tay nghề cao thì bên cạnh việc đào tạo trong nước, các nước phát triển đều tính tới giải pháp nhanh và rẻ là mở rộng cánh cửa cho người nhập cư là lao động lành nghề. Chính phủ Canada vừa thông qua cơ chế mới đưa người lao động tay nghề cao vào danh sách ưu tiên xét duyệt cấp giấy thường trú tại Canada. Những cách làm tương tự cũng đang được Đức, Australia triển khai.
HOÀNG TUẤN
Theo ANTD
"Bẫy" rủi ro kinh tế
Nền kinh tế thế giới lại có dấu hiệu hồi phục từ tín hiệu khả quan của nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế các quốc gia phát triển trên toàn cầu, song vẫn cần cảnh giác với "bẫy" rủi ro kinh tế.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại St Peterburg trong tháng 9 này sẽ thảo luận vấn đề rủi ro nền kinh tế toàn cầu
Báo cáo mới nhất công bố ngày 4-9 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng các nền kinh tế phát triển nhất thế giới sẽ có sự phục hồi và là động lực chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, định chế tài chính hàng đầu thế giới này cũng cảnh báo về việc kinh tế các nước mới nổi vốn giữ vai trò động lực quan trọng với kinh tế toàn cầu thời gian vừa qua lại có nguy cơ bị chậm lại do chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ
Vì vậy, trong báo cáo nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) họp tại St Petersburg (Nga) trong tháng 9 này, IMF đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu tăng cường hành động để khôi phục sự phát triển và quản lý rủi ro, đồng thời cảnh báo rằng nguy cơ sụt giá đang ngày một rõ nét hơn. Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi đã xuất hiện dấu hiệu "đặc biệt dễ bị tổn thương" do việc thắt chặt chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ.
Những cảnh báo của IMF diễn ra trong bối cảnh có không ít quan ngại về sự chững lại của "đầu tàu" các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Không chỉ liên tiếp bị IMF và Ngân hàng thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay mà bản thân Trung Quốc cũng nhìn nhận kinh tế nước này đang đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro do nợ ngân hàng tăng cao và mối quan ngại đặc biệt nằm ở các khoản vay dành cho chính quyền địa phương và khu vực bất động sản.
Các số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, trong khi các ngân hàng đã phải gia hạn các khoản nợ tính tới cuối năm 2012 lên tới trên 7.750 tỷ Nhân dân tệ (1.200 tỷ USD) và chỉ riêng các khoản vay mới cho bất động sản đã lên tới 981 tỷ Nhân dân tệ thì các chính quyền địa phương nợ tới 10.700 tỷ Nhân dân tệ, tương tương 27% GDP của Trung Quốc. Đây là những nhân tố tiềm ẩn rủi ro mà nếu mất kiểm soát sẽ đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vào khủng hoảng như từng xảy ra ở Mỹ và các nước châu Âu.
Bên cạnh những tác động tiêu cực từ việc các nền kinh tế vốn là thị trường xuất khẩu và đầu tư lớn của thế giới là Mỹ và châu Âu thắt chặt chính sách tài chính để đối phó với khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng tại phần lớn các quốc gia nhóm G-20, trong đó Eurozone lên tới trên 12%, Mỹ gần 8%... khiến cả thế giới phải lo ngại. Tỷ lệ thất nghiệp quá cao ở các nước G-20 được coi là một nguy cơ với sự phục hồi vốn còn mong manh của kinh tế toàn cầu.
Hối thúc lãnh đạo các nước đẩy mạnh nỗ lực khôi phục kinh tế và quản lý rủi ro trong giai đoạn hậu "bão" tài chính 2007-2009, giới quan sát tin rằng các nhà lãnh đạo G-20 sẽ ưu tiên tìm kiếm mọi khả năng nhằm giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Được biết, hiện tất cả các nước thành viên G-20 đã thống nhất tiếp tục nâng cao cảnh giác và giữ vững cam kết của mình nhằm tránh mọi rủi ro cản trở quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, đồng thời nhất trí tìm kiếm mọi đồng thuận cũng như tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế giữa các khu vực trên toàn thế giới.
HOÀNG HÀ
Theo ANTD
Động lực mong manh Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi mong manh, G-20 cho rằng thúc đẩy tăng trưởng cũng như tạo ra thêm nhiều việc làm sẽ là động lực chính giúp thoát khỏi khó khăn. Các Bộ trưởng Tài chính G-20 quan ngại về triển vọng kinh tế của các thành viên Thông cáo chung đưa ra sau phiên họp trong...