“Nước Đại Nam đối diện với Mỹ và Trung Hoa”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”. Việt Nam đã thành công trong thời kỳ chiến tranh, nhưng, hiện nay, gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, do tồn tại xung đột lợi ích nhóm. – GS Yoshiharu Tsuboi.
LTS: Tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4, diễn ra vào nửa đầu tuần trước tại Hà Nội, Giáo sư Chính trị và Kinh tế học Yoshiharu Tsuboi của Đại học Waseda, người đồng thời là cố vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đã trình bày bài tham luận về quan hệ đối tác chiến lược Nhật – Việt.
(Giáo sư Yoshihary Tsuboi cũng là tác giả cuốn sách “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa”, được trích từ luận án tiến sĩ đệ tam cấp của chính ông, đã được các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đánh giá rất cao cả về nội dung, phương pháp nghiên cứu, và ảnh hưởng tới việc đánh giá lại Triều Nguyễn – một triều đại bi hùng và đầy tranh cãi.)
Phóng viên Tuanvietnam đã có cuộc phỏng vấn GS Tsuboi sau phần trình bày của ông, xung quanh mối quan hệ Nhật – Việt.
Như ông đã nói trong bản trình bày tại hội thảo, năm 1973, Nhật Bản nhìn nhận một Việt Nam thống nhất như là một quốc gia hết sức quan trọng với Nhật Bản. Nhật Bản đánh giá về kỳ vọng đó như thế nào, sau 4 thập kỷ?
Từ khi đổi mới đến giờ, GDP đầu người của Việt Nam tăng lên quá một ngàn USD, điều đó cũng phản ánh một năng lực nổi bật của người Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ phát triển đang chậm lại, và Việt Nam đang gặp khó khăn trong nhiều mặt.
Năm 2016, cộng đồng ASEAN, theo dự kiến sẽ hình thành, và lúc đó Việt Nam trở thành nước mạnh hay nước yếu, phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn mấy năm tới. Việt Nam có hai việc rất quan trọng cần làm.
Thứ nhất, phải xây dựng mối quan hệ đồng minh với Ấn Độ, Mỹ, Úc, và Nhật Bản. Thứ hai là phải xây dựng một thể chể để có thể phát huy được sức mạnh của hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài.
Giai đoạn này cũng cần có những thay đổi, giống như một cuộc đổi mới lần thứ hai của Việt Nam.
GS Tsuboi tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4 (Hà Nội). Ảnh: Huỳnh Phan
Ông có nói khi quyết định bí mật tiếp xúc với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa để bình thường hóa quan hệ (trong khi vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa), Nhật Bản nhìn nhận Việt Nam như cái đê chắn sóng để ngăn chặn sự bành trướng thế lực của Trung Quốc xuống khu vực Đông Nam Á. Qua 4 thập kỷ, ông nhìn nhận sự thể hiện vai trò này của Việt Nam so với kỳ vọng của Nhật Bản như thế nào?
Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng lại vừa là một nước độc lập. Chính vì vậy, Việt Nam phải tự hành động để khỏi bị nuốt bởi Trung Quốc, và, vô hình trung, Việt Nam trở thành cái đê chắn sóng là vậy.
Video đang HOT
Ông viết cuốn sách nổi tiếng “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa”, liệu ông có định viết cuốn sách nào về Việt Nam đương đại hay không?
Nếu có thời gian, chắc hẳn tôi sẽ viết cuốn sách “Nước Đại Nam đối diện với Mỹ và Trung Hoa”. Bối cảnh đã khác nhiều rồi.
Chẳng hạn, Việt Nam đặt mục tiêu tiến lên chủ nghĩa xã hội, và, về nguyên tắc, chủ trương đề cao vai trò làm chủ của người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ở Việt Nam có rất nhiều nhóm có lợi ích xung đột với nhau, và chính sự xung đột của các nhóm này phần nào cản trở sự phát triển của các bạn. Về khía cạnh này, cũng có điều gì đó tương tự với Đại Nam ở thế kỷ 19 dưới thời Tự Đức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”. Việt Nam đã thành công trong thời kỳ chiến tranh, nhưng, hiện nay, gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, do tồn tại xung đột lợi ích nhóm.
Trong cuốn “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” ông có nêu 4 nguyên nhân khiến Tự Đức thất bại trong việc tổ chức kháng chiến, cụ thể là “mất lòng dân, yếu kém về kinh tế, gánh nặng của di sản (món nợ quá khứ) và những khó khăn về chính trị”. Nếu cuốn viết sách “Nước Việt Nam đối diện với Mỹ và Trung Hoa”, ông sẽ nhìn nhận những khó khăn hiện nay của Việt Nam thế nào?
Tôi nghĩ lịch sử đang lặp lại với Việt Nam. Chỉ có một điểm khác là tầng lớp trung lưu (tương tự như tầng lớp văn thân ngày xưa) có điều kiện tiếp cận nguồn thông tin rất tốt để có thể nắm rõ tình hình trong nước và quốc tế, thông qua Internet, và các ứng dụng trên nền Internet như facebook. Bất cứ có chuyện gì xảy ra, không thể giấu được mọi người.
Chính vì vậy, tôi rất trông chờ ở thế hệ trẻ, nói một cách tương đối, ở Việt Nam, tức là những người sinh ra vào những năm ‘60, ‘70, và 80′ . Những người tôi gặp ở trong độ tuổi này hầu như đều có kiến thức và khá cấp tiến.
Điều quan trọng là Việt Nam phải cải tiến thể chế thế nào để tăng quyền tự do ngôn luận của người dân, để họ có thể tham gia chủ động hơn vào công cuộc cải cách đất nước. Một vấn đề lớn ở Việt Nam là những người trẻ hầu như ít được nắm quyền lãnh đạo.
GS Tsuboi tại Hội thảo nhà Nguyễn 2008 (TP Thanh Hóa). Ảnh: Huỳnh Phan
Sang đầu thế kỷ 20, sau thất bại của Tự Đức, Việt Nam có phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, nhưng không thành công. Ông nghĩ sao về lựa chọn trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, đang đối diện với Mỹ và Trung Quốc?
Có nhiều ý kiến dự báo rằng giới lãnh đạo tương lai của Trung Quốc sẽ là những người có thể nói tiếng Anh tốt. Tôi nghĩ Việt Nam rất cần chuẩn bị tương tự cho đội ngũ lãnh tạo kế cận. Họ sẽ khơi nguồn cho sự thay đổi của Việt Nam. Hãy nhìn tấm gương thành công của Singapore, hay Hồng Công. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là dòng chảy chính trong vòng hai thập kỷ tới.
Thế Việt Nam có thế học gì từ Nhật?
Trong vòng 150 năm qua, Nhật Bản cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp thu các tri thức của Âu – Mỹ, để phát triển Nhật Bản. Tôi nghĩ du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản học sẽ có cái lợi là học được cách chuyển hóa văn minh Âu – Mỹ để có thể áp dụng trong một xã hội phương Đông như Việt Nam.
Tôi nghĩ giai đoạn học hành, nhất là học cái tinh thần tiếp thu văn minh phương Tây của Nhật Bản để phát triển kinh tế – xã hội của mình, đã qua rồi. Theo tôi, Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng một thể chế hữu hiệu để giám sát quyền lực. Chẳng hạn, Quốc hội Việt Nam vừa rồi đã thông qua cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm, và sẽ áp dụng từ sang năm.
Hay, trong mô hình tổ chức quốc hội Nhật Bản, chúng tôi có thư viện thông tin để giúp các nghị sĩ có đầy đủ thông tin, dữ liệu, cần thiết để thực thi quyền lập pháp của mình. Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam không có thư viện kiểu đó.
Chẳng hạn, muốn bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo, trong đó có cả lãnh đạo các tỉnh thành, rất cần có một thể chế xây dựng dữ liệu liên quan đến từng vị lãnh đạo, để từ đó việc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra chính xác về hiệu quả hoạt động của họ, chứ không làm chung chung theo tinh thần chỉ đạo như xưa nay.
(Còn nữa)
Theo Dantri
Hộ chiếu đường lưỡi bò sẽ khiến Trung Quốc bị cô lập'
"Hành động in đường lưỡi bò lên hộ chiếu là một sự khiêu khích, người Trung Quốc sẽ bị cô lập. Chính phủ Trung Quốc nên rút lại mẫu hộ chiếu mới", giáo sư Carl Thayer trao đổi với VnExpress,sáng 28/11.
Trao đổi bên lề hội thảo Việt Nam học, giáo sư Carl Thayer (chuyên gia Đông Nam Á, ĐH New South Wales - Australia) cho rằng, hành động phát hành hộ chiếu có in đường lưỡi bò của Trung Quốc đã tạo nên rạn nứt trong một vấn đề vốn đã có từ lâu với nhiều nước châu Á. Đây là một sự khiêu khích.
Theo ông, Trung Quốc muốn tuyên bố chủ quyền song phía Việt Nam đã có phản ứng phù hợp là không chấp nhận mẫu hộ chiếu mới. Nhiều quốc gia liên quan như Ấn Độ, Philippines cũng đã có những hành động, tuyên bố đáp trả. Đặc biệt, chính phủ Mỹ cũng đã lên án việc làm "không bình thường" này.
Giáo sư Carl Thayer: "Người Trung Quốc sẽ bị cô lập với mẫu hộ chiếu mới". Ảnh:Nguyễn Hưng.
Chuyên gia nổi tiếng về khu vực Đông Nam Á khẳng định, Trung Quốc luôn tiến từng bước, từng bước trong việc hiện thực hóa tham vọng đối với "đường lưỡi bò" song, với bước đi lần này, chính người Trung Quốc sẽ phải gánh hậu quả. Công dân Trung Quốc chắc chắn gặp rắc rối khi tới các nước có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mâu thuẫn với bản đồ trong mẫu hộ chiếu mới. Như vậy, người Trung Quốc sẽ bị cô lập.
"Chính phủ Trung Quốc nên rút lại mẫu hộ chiếu mới, bởi hộ chiếu là một vật trung lập, dùng để khích lệ các mối quan hệ kinh tế và con người song họ (Trung Quốc) lại dùng nó để đưa ra một tuyên bố chính trị", giáo sư Carl Thayer nói.
Dù đã biết về mẫu hộ chiếu mới cũng như tác động của nó trong mối quan hệ với Ấn Độ, ASEAN song giáo sư Cốc Nguyên Dương (Viện KHXH Trung Quốc) rất bất ngờ khi biết đã có tới 6 triệu chiếc được ấn hành. Theo ông, đây là vấn đề ngoại giao và "có người ủng hộ, có người không tán thành".
Với tư cách là một học giả Trung Quốc tham dự hội thảo Việt Nam học, giáo sư Cốc Nguyên Dương không thể bày tỏ quan điểm về việc có sửa mẫu hộ chiếu hay không. Song, ông thừa nhận, điều này ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân và "chắc chính phủ của chúng tôi (Trung Quốc) cũng đã biết".
Giáo sư Cốc Nguyên Dương (trái) và tiến sĩ Vũ Cao Phan trao đổi bên lề hội thảo Việt Nam học. Ảnh: Nguyễn Hưng.
"Hai bên nên thẳng thắn trao đổi, bàn cụ thể thêm về vấn đề này. Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng, còn tồn tại một số vấn đề nhạy cảm. Chúng ta nên đưa ra những kiến nghị mang tính xây dựng, đoàn kết để thỏa thuận, giải quyết những vấn đề nhạy cảm đó", học giả này nói.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Vũ Cao Phan cho rằng, để giải quyết những khúc mắc liên quan tới tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, trước hết, giới học giả Việt Nam, Trung Quốc cần ngồi lại với nhau. "Kể cả những người có ý kiến khác nhau trong cùng một nước cũng cần ngồi lại để trao đổi, phá vỡ các bế tắc", ông Phan nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason, Mỹ), in vùng lãnh thổ tranh chấp lên hộ chiếu là một hành động mang tính biểu tượng nhưng từ đó sẽ đặt thành nguyên tắc. Nếu Việt Nam hay các quốc gia khác không phản đối, Trung Quốc hoàn toàn có thể nói bản đồ này đã được chấp nhận.
Chuyên gia này cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc là sẽ bằng mọi phương cách để buộc các bên liên quan liên tục trong tình trạng phải đối phó. Dù hộ chiếu in "đường lưỡi bò" là vô giá trị, cách thức của Trung Quốc hay áp dụng là đặt nguyên tắc trước, giải quyết sau.
"Như chuyện họ chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác", các bên liên quan nếu không tỉnh táo sẽ buộc phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc", tiến sĩ Hùng nêu ví dụ.
Sau các phiên thảo luận tại tiểu ban "Các vấn đề khu vực" của hội thảo Việt Nam học, các học giả đều khẳng định đường 9 đoạn chữ U - hay "đường lưỡi bò" - do Trung Quốc vẽ ra là không có cơ sở pháp lý. Cực nam của Trung Quốc trong các chứng cứ lịch sử, bản đồ đều khẳng định là đảo Hải Nam. Đối với việc in "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu, nhiều học giả khẳng định, đây là hành động "sai lầm và thiếu hiểu biết".
Trung Quốc mới đây ban hành mẫu hộ chiếu mới có in bản đồ Trung Quốc và vẽ thêm "đường lưỡi bò", đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, cùng đảo Đài Loan và hai vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ, gây nên sự phản đối của các bên liên quan.
Ấn Độ phản đối việc Trung Quốc đưa hai vùng đất mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền là Aksai Chin và Arunachal Pradesh vào bản đồ trong quyển hộ chiếu bằng cách dán visa in hình bản đồ của nước mình, trong đó có hai địa điểm trên, để cấp cho công dân Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam và Philippines phản đối mạnh mẽ bằng đường ngoại giao việc Trung Quốc đưa "đường lưỡi bò" vào hộ chiếu mới.
Theo VNE
Làm sao để ASEAN đoàn kết xử lý tranh chấp ở Biển Đông? Việc thiếu thống nhất giữa các thành viên ASEAN khi xử lý các tranh chấp ở Biển Đông qua những hội nghị gần đây cho thấy nguyên tắc đồng thuận của khối đang "có vấn đề". Nếu còn tiếp tục như vậy, nhiều học giả cho rằng thật khó có được một ASEAN đoàn kết trước những ảnh hưởng đến từ bên ngoài....