Nước biển ở Quảng Ngãi chuyển đen, nổi bọt bất thường
Nước biển bị nhuộm đen, nổi bọt trắng khiến người dân ở bãi biển Khe Hai ( Quảng Ngãi) lo lắng.
Một tuần qua, nước biển ở bãi tắm Khe Hai, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) chuyển sang màu đen. Từng mảng bọt màu trắng cũng theo sóng xô bờ dọc theo bờ biển dài 3 km.
Bãi biển Khe Hai bị nhuộm đen bất thường suốt 1 tuần qua. Ảnh: Minh Hoàng.
Ban đầu người dân tưởng nước biển đổi màu do sự cố tràn dầu từ tàu hàng mắc cạn trong bão số 5. Tuy nhiên sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng không thấy khu vực tàu mắc cạn có dầu loang.
Theo phản ánh, nước biển bị nhuộm đen nhưng không có mùi bất thường. Tuy nhiên, người dân ven biển lo ngại nước đổi màu, có nhiều bọt trắng có thể ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe.
Bọt trắng tấp vào dày đặc bãi biển Khe Hai. Ảnh: Minh Hoàng.
Trao đổi với Zing.vn, ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch HĐND huyện Bình Sơn, cho hay đây là lần đầu tiên nước ở bãi biển Khe Hai bị nhuộm đen kèm theo dải bọt trắng.
“Chúng tôi đã cử cán bộ đến hiện trường thu thập thông tin, lấy mẫu gửi đi phân tích để xác định nguyên nhân nước biển bị nhuộm đen bất thường để có giải pháp xử lý”, ông Đồng nói.
Video đang HOT
Một số cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Sơn nhận định hiện tượng trên có thể do doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu xả thải xuống biển.
Bãi tắm Khe Hai, nơi nước biển bị nhuộm đen bất thường. Ảnh: Google Maps.
Theo Zing.vn
Xót xa bữa cơm với muối của học sinh vùng cao
Một ít cơm ăn với muối là bữa trưa của nhiều học sinh người dân tộc Cor ở vùng cao Quảng Ngãi, những đứa trẻ chia sẻ cho nhau ăn ngon lành.
Giờ cơm trưa, những chiếc cặp lồng mang theo từ sáng sớm được mang ra bàn ăn. Lớp mầm non thôn Cả (xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) có 28 học sinh nhưng hôm nay chỉ có 23 cặp lồng cơm. Có 5 em không mang cơm cho bữa trưa.
"Hôm nào cũng có vài em không có cơm mang theo. Được cái bọn trẻ ở đây biết chia sẻ cùng nhau. Mỗi em sẽ nhường cho bạn một ít cơm, một ít thức ăn", cô giáo Hồ Thị Cam cho biết.
Học sinh vùng cao Trà Bồng mang theo cơm trưa đến lớp.
Nhìn bữa trưa của những đứa trẻ thôn Cả mới thấy xót xa. Trong cặp lồng chỉ có một ít cơm với rau rừng hoặc muối. Bữa cơm "sang" nhất là miếng cá chỉ to hơn ngón tay cái. Cứ thế, những đứa trẻ vui vẻ chia nhau ăn ngon lành.
Hai học sinh này chia nhau phần cơm ít ỏi ăn cùng với muối.
Cô Cam thở dài, bữa ăn hôm nay thế đã là "sang" bởi vài em có cá để ăn. Có hôm cả lớp toàn ăn rau rừng, vài con ốc với muối. Cơm thì ít còn chia nhau nên không đủ no. Thương học sinh, giáo viên phải mua thêm ít mì ăn liền nấu canh cho các em.
"Người dân nghèo quá nên các em rất thiếu thốn. Bữa ăn như thế làm sao các em có đủ chất để phát triển. Thương các em lắm nhưng giáo viên cũng khổ, đâu giúp được gì nhiều", cô Cam nói đầy xót xa
Phần ăn "sang" nhất có một khúc cá muối to bằng ngón tay cái.
Giáo viên thường xuyên phải san sẻ một ít cơm cho những học sinh không mang theo cơm đến lớp.
Ngoài bậc mầm non, điểm trường thôn Cả còn có 40 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Thức ăn cho bữa trưa của các em vẫn chỉ là những gì kiếm được trong rừng.
Phụ trách lớp 1 với 18 học sinh, cô Trần Thị Thủy quá quen với cảnh phải xin cơm hoặc chia sẻ bữa trưa của mình cho học sinh. Có điều, bữa trưa của những giáo viên vùng cao như cô Thủy có hôm cũng chỉ là gói mì ăn liền.
Vận động những đứa trẻ đến lớp đã khó, giữ cho các em không bỏ học còn khó hơn. Không có cơm, hoặc bữa ăn quá thiếu thốn khiến những đứa trẻ không muốn đến lớp.
"Nhiều em phải băng rừng đến lớp, rồi học cả ngày mà bữa trưa thiếu thốn quá nên các em không đủ sức. Nhiều em quanh năm không biết đến miếng thịt, miếng cá. Ăn uống vậy thì sức đâu mà học", cô Thủy nói.
Bữa ăn trưa trong lớp cô Thủy kết thúc chóng vánh, những cặp lồng cơm hết sạch. Nhiều em cố vét những hạt cơm còn lại, có vẻ những đứa trẻ vẫn chưa no.
Dấu hiệu nhận biết của những học sinh "ăn ké" là cơm lẫn lộn nhiều loại gạo được đựng trong nắp cặp lồng đi mượn.
Thầy Bùi Công Bàng - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp cho biết, trường có 1 điểm chính và 4 điểm lẻ với 235 học sinh. Hầu hết học sinh của trường đều có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là học sinh ở 4 điểm lẻ.
Điều kiện sinh hoạt, ăn uống thiếu thốn ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học của học sinh. Do đó, nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học.
"Nhà trường chỉ có thể xin đầu tư xây dựng phòng học. Riêng việc ăn uống thì vượt quá khả năng, cái này phụ huynh phải tự lo cho các em. Điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn nên các em ăn uống vô cùng thiếu thốn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học", thầy Bàng cho biết./.
Theo VOV
Hàng loạt cán bộ bệnh viện huyện dính kỷ luật vì sai phạm gì? Tuyển dụng lao động không hợp pháp, mua sắm trang thiết bị không đúng quy định, tiền tiếp khách có năm lên đến gần 240 triệu đồng... là những sai phạm dẫn đến hàng loạt cán bộ lãnh đạo Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi nhận án kỷ luật và đề nghị xử lý kỷ luật. Theo tài...