Nước Anh sau bạo loạn: Vì đâu nên nỗi?
Nguyên nhân dẫn đến 4 đêm bạo loạn nghiêm trọng chưa từng thấy ở Anh, theo giới truyền thông, không chỉ đơn giản là vấn đề băng hoại đạo đức như Thủ tướng Cameron nói
Một phụ nữ trẻ bồng con đi hôi của. Hình ảnh này đã gây sốc ở London. Ảnh: CCTV
Tia lửa làm bùng cháy bạo loạn là cái chết của Mark Duggan, một thanh niên da đen 29 tuổi ở Tottenham, bị một cảnh sát bắn chết với lý do “nổ súng vào cảnh sát” nhưng thực tế không đúng như vậy. Viên cảnh sát sau đó chỉ bị thuyên chuyển đi nơi khác, một hình thức kỷ luật quá nhẹ. Trong khi đó, một sinh viên 23 tuổi ở Brixton, London, lãnh 6 tháng tù vì tội “hôi của một chai nước lọc”.
Một ngày sau khi Thủ tướng Cameron gọi những cuộc bạo loạn ở thủ đô London và một số thành phố lớn khác là sản phẩm của khoảng 120.000 gia đình rạn nứt, nhất là thiếu vắng người cha gương mẫu, báo chí Anh nhận định rằng ông Cameron muốn đơn giản hóa sự việc để kiếm phiếu, chứ không chịu thừa nhận gốc rễ của vấn đề vốn phức tạp hơn nhiều.
Hố sâu giàu nghèo
Theo ông Cameron, nguồn gốc bạo loạn không phải là vấn đề chủng tộc vì những kẻ hôi của, đốt nhà, đốt xe gồm đủ các sắc dân da trắng, da đen và châu Á. Nó cũng không phải tại chính sách khắc khổ của chính phủ vì họ nhắm vào siêu thị và cửa hàng bán đồ hiệu chứ không phải trụ sở quốc hội. Nghèo đói cũng không phải là căn nguyên. “Đó là những kẻ không biết phải quấy là gì, đạo đức suy đồi và không biết tự kiềm chế” – ông Cameron nhấn mạnh.
Theo nhật báo Anh The Guardian, phải xem cuộc bạo loạn diễn ra trong bối cảnh nào. Từ ngày liên minh Đảng Bảo thủ và Đảng Tự do – Dân chủ lên cầm quyền cách đây gần một năm, ngân sách nhà nước đã bị cắt giảm thô bạo, biện pháp “thắt lưng buộc bụng” được áp dụng một cách triệt để. Hậu quả là khoảng cách giàu nghèo lộ rõ hơn bao giờ hết trong một nước tự hào có nền dân chủ lâu đời nhất thế giới.
Video đang HOT
Bức tranh nước Anh mà tờ The Guardian vẽ ra thật nhức nhối: 10% dân số là triệu phú và hiện nay họ giàu gấp 100 lần so với người nghèo.
Trong bối cảnh đó, đáng chú ý là mối quan hệ giữa cảnh sát và người nghèo, nhất là cộng đồng những người thiểu số da màu. Người dân ở Tottenham, một trong những địa phương nghèo nhất ở London, biết rõ cảnh sát có bộ phận IPCC chuyên xử lý những khiếu nại liên quan đến cảnh sát nhưng họ không tin tưởng. Lý do khá dễ hiểu. Kể từ năm 1998, đã có 333 người tử vong trong thời gian bị cảnh sát tạm giam nhưng không có vị cảnh sát nào bị kỷ luật.
Do có ác cảm với cảnh sát cộng thêm nghèo đói, thất nghiệp tràn lan, bạo loạn xảy ra là điều gần như tất yếu. “Chúng ta không thể hiểu (bạo loạn) nếu không đặt chúng vào bối cảnh lịch sử và xã hội đẻ ra nó” – The Guardian kết luận.
Người mẫu Shonola Smith, 22 tuổi, lãnh 6 tháng tù vì tội hôi của. Ảnh: Daily Mail
Khó ba đời
Tại Đức, tờ Suddeutsche Zeitung nhận định rằng bất bình đẳng xã hội cũng là một nguyên nhân khiến giới trẻ làm loạn. Đối với họ, sinh ra trong một gia đình nghèo thì cả ba đời (cha, con và cháu) đều khó thoát khỏi cảnh nghèo trừ khi trúng số độc đắc.
“Không có quốc gia nào ở châu Âu mà sự bất bình đẳng lại cắm rễ sâu trong xã hội như nước Anh. Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, tên họ và nơi sinh luôn mang tính quyết định khi chọn sự nghiệp. Cứ xem lý lịch chính khách, giám đốc công ty hoặc chủ báo, tất cả đều xuất thân từ danh gia vọng tộc hoặc chí ít là gia đình giàu có, học ở các trường danh tiếng, nói cùng một thứ tiếng Anh tinh tế” – tờ báo phân tích.
Economic Times, một tờ báo kinh tế Ấn Độ, cũng nhấn mạnh đến bất công xã hội và lòng tham của giới nhà giàu. Giới trẻ Anh thắc mắc tại sao chủ ngân hàng hay đại biểu quốc hội và những người siêu giàu gửi tiền bạc tỉ ở nước ngoài để trốn thuế mà không bị trừng phạt? Tại sao cảnh sát tham nhũng, chủ báo hoạt động phi pháp (vụ nghe lén điện thoại của chủ báo The News of The World) không bị tống cổ vào tù? Cụ thể, tại sao Thủ tướng Cameron cho Andy Coulson (cựu tổng biên tập tờ báo vừa kể) một cơ hội để thăng quan tiến chức mà con cái người nghèo thì không? Tại sao người giàu được quyền tham lam còn người nghèo thì không?
Cho nên, nhìn vào thành phần tham gia cuộc bạo loạn, không chỉ có thanh niên nghèo, thất học, thất nghiệp. Có cả sinh viên, nhân viên thiết kế mẫu mã, một người mẫu thời trang, con nhà giàu và một đại sứ thanh niên tại Đại hội Thế vận Olympic năm 2012.
Cơ hội nào cho giới trẻ nghèo?
Nhà báo Đức Thomas Huetlin, trên tuần báo Der Spiegel, lưu ý độc giả đến số phận của giới trẻ trong các gia đình có thu nhập thấp. Chính quyền Anh đã hủy bỏ chế độ miễn học phí cho con em đối tượng này. Nhiều trung tâm thanh niên và trung tâm hỗ trợ người thất nghiệp và thai phụ cũng bị đóng cửa. Trong vùng Lewisham có đến 5 thư viện đóng cửa. Ở vùng ven Haringey, 75% quỹ hỗ trợ thanh niên sẽ bị cắt giảm trong 3 năm tới.
Trong hoàn cảnh đó, phát biểu của Louis James, 19 tuổi, sống ở Bắc London, trên tờ The New York Times nói lên nhiều điều. James đã tham gia cuộc bạo loạn cướp được một cái áo thun trị giá 120 bảng: “Không ai cho tôi một cơ hội nào hết. Tôi rất bất bình với hệ thống xã hội này. Họ cho tôi một món tiền chỉ đủ để ăn và xem tivi mỗi ngày”.
Hai tuần, James được trợ cấp thất nghiệp một lần 77 bảng. Cậu bỏ học năm 15 tuổi. Cha cậu chết vì nghiện ma túy còn mẹ cậu làm chỉ nuôi nổi bản thân.
Theo Người Lao Động
"Siêu vòng 3" Kim lộ đôi chân vẩy nến kinh sợ
"Siêu vòng 3" Kim không hề tỏ ra bị xấu hổ với đôi chân bị vẩy nến của mình và mới đây cô đã cho giới truyền thông chứng kiến tận mắt đôi chân ghê sợ với các chám đỏ sần sùi khi mặc váy ngắn.
Theo Vietnamnet
CEO Zuckerberg quyền lực nhất giới truyền thông Anh Nhà sáng lập kiêm CEO của mạng xã hội Facebook - Mark Zuckerberg - đứng đầu danh sách 100 nhân vật quyền lực nhất trên các phương tiện truyền thông Anh , theo thống kê của tờ The Guardian. Mark Zuckerberg là người có tầm ảnh hưởng nhất trong giới truyền thông Anh. Theo The Guardian, Mark Zuckerberg từ vị trí thứ 7...