Núi Phú Sĩ huyền thoại vào mùa hè
5h sáng một ngày mùa hè, núi Phú Sĩ không có tuyết phủ trắng mà hiện lên sừng sững dưới ánh bình minh.
Nguyễn Thạch Long, một du học sinh Việt Nam sống tại thành phố Fukuoka ( Nhật Bản) thực hiện chuyến lái xe khởi đầu từ Fukuoka vượt chặng đường 1.100 km để đến với núi Phú Sĩ vào một ngày mùa hè xanh biếc.
Mùa hè là thời điểm thuận lợi để leo núi Phú Sĩ, nhưng Long lại chọn cách ngắm nhìn ngọn núi biểu tượng này từ hồ Kawaguchi – một trong “Phú Sĩ ngũ hồ”. Bức ảnh này được chụp vào 5h sáng, thời điểm bình minh bắt đầu ló rạng.
Ngọn núi cao nhất Nhật Bản được bao phủ bởi bầu trời tím hồng của ánh bình minh khi nhìn từ bến tàu du lịch hồ Kawaguchi. Hầu như lúc nào trong ngày hồ Kawaguchi cũng đông khách du lịch ngược xuôi trên những chiếc thuyền đạp vịt. Chỉ có duy nhất sớm tinh mơ chúng ta mới có dịp chứng kiến mặt hồ phẳng lặng như tấm gương khổng lồ thế này.
Kawaguchi là một trong 5 hồ nước nằm dưới chân núi Phú Sĩ. Không phải hồ nước lớn nhất, nhưng Kawaguchi lại là hồ có đường bao quanh rộng và đẹp nhất. Bạn nên thuê một chiếc xe đạp để thong dong hít thở không khí trong lành ở nơi đây.
Bao quanh hồ Kawaguchi có rất nhiều điểm dừng chân để chụp ảnh hoặc đơn giản là ngồi thảnh thơi ngắm cảnh, nhâm nhi một ly cà phê.
Cách hồ Kawaguchi chừng 8 km là một thành phố nhỏ có tên Fuji Yoshida. Đây là nơi Long quyết định dừng chân và thuê một phòng nghỉ qua đêm. Fuji Yoshida là nơi mà bất kỳ nhà nào cũng có ban công hướng ra núi Phú Sĩ. Với chi phí khoảng 300.000 – 500.000 đồng/đêm, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác ở nhà cổ Nhật Bản, ngắm núi Phú Sĩ về đêm và đặc biệt là tận hưởng cảnh sắc này.
Video đang HOT
Chọn ở một căn nhà tuổi đời gần 90 năm, thức dậy vào buổi sáng hôm sau, Long thật sự bất ngờ khi mở cửa chính ra đã thấy núi Phú Sĩ trước mắt. Theo lời “quảng cáo” của chủ nhà thì nhà của họ là một trong những căn nhà hiếm hoi có cửa chính nhìn thẳng ra ngọn núi biểu tượng.
Khuôn viên gian bếp trong một ngôi nhà tại thành phố Fuji Yoshida. Mùa hè, khách du lịch sẽ được trải nghiệm ngủ nệm futon đúng truyền thống Nhật Bản, tắm nước khoáng và nếu may mắn, còn được xem pháo hoa vào ban đêm.
Dạo quanh thành phố Fuji Yoshida cũng có thể chụp ảnh view núi Phú Sĩ ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, bạn hãy đi vào sáng sớm, bởi sau 9h các cửa hàng mở cửa và người dân đi làm, phố phường sẽ xuất hiện nhiều ôtô, rất bất tiện khi chụp ảnh. Có nhiều khách du lịch đứng giữa đường với hy vọng lấy được trọn cảnh núi Phú Sĩ đã khiến dân địa phương phải cắm biển báo “Hạn chế cản trở giao thông”.
Chùa Chureito nằm cách thành phố Fuji Yoshida chừng 10 phút lái xe. Ngôi chùa được xây dựng như một đài tưởng niệm hòa bình vào năm 1963 và từ đó đến nay vẫn luôn là điểm dừng chân ưa thích của các du khách mỗi khi tới ngắm núi Phú Sĩ. Từ đường vào chùa chúng ta đã có thể nhìn thấy ngọn núi sừng sững.
Mất chừng 10 phút leo bộ từ bãi đỗ xe lên tới đỉnh núi, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm bao quát toàn cảnh núi Phú Sĩ và thành phố Fuji Yoshida nằm lọt thỏm dưới chân núi.
Đây có thể coi là góc ngắm cảnh nổi tiếng nhất Nhật Bản. Sau khi vượt qua 298 bậc thang sẽ nhìn thấy Trung Linh Tháp nằm thẳng hàng với góc nhìn ra núi Phú Sĩ. Vào mùa xuân, khi hoa anh đào nở rộ, khu vực này thường xuyên đông khách ngắm cảnh, chụp hình. Bạn nên tới Trung Linh Tháp vào buổi sáng để chụp được bức ảnh đẹp nhất, bởi đến giữa trưa và chiều ảnh sẽ ngược nắng.
10 sự thật về núi Phú Sĩ khiến bạn thực sự kinh ngạc
Núi Phú Sĩ là ngọn núi mang tính biểu tượng và nổi tiếng nhất ở xứ sở Mặt trời mọc.
1. Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản
Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản, với độ cao 3.776m. Đây cũng là ngọn núi lửa nằm trên một hòn đảo được xếp hạng cao thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau núi Kerinci trên đảo Sumatra ở Indonesia.
2. Núi Phú Sĩ nằm rất gần Tokyo
Núi Phú Sĩ nằm trên ranh giới của tỉnh Shizuoka và Yamanashi, cách Tokyo khoảng 100 km về phía tây nam, gần bờ biển Thái Bình Dương. Vào những ngày trời quang mây tạnh, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy ngọn núi này từ Tokyo.
3. Lần phun trào gần nhất của núi Phú Sĩ là... 300 năm trước
"Vụ phun trào Hoei" là vụ phun trào cuối cùng tính tới thời điểm hiện tại của núi Phú Sĩ. Vụ phun trào nào bắt đầu vào ngày 16/12/1707 và kết thúc vào ngày 1/1/1708. Rất nhiều người thắc mắc về lần phun trào tiếp theo của ngọn núi này. Trận động đất lớn với cường độ 9.0 đã xảy ra vào năm 2011 khiến áp suất trong khoang chứa magma của núi Phú Sĩ tăng cao khiến nhiều người lo ngại nó có thể sẽ phun trào bất cứ lúc nào.
4. Núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết trong gần nửa năm
Khí hậu lãnh nguyên là khí hậu tồn tại trên đỉnh núi Phú Sĩ. Có nghĩa là nó sẽ rất lạnh vào mùa đông và tương đối lạnh vào mùa hè. Sự khắc nghiệt của loại khí hậu này khiến cây cối trên núi không thể phát triển. Nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận trên đỉnh núi là -38 độ C, được ghi nhận vào tháng 2 năm 1981. Vào một ngày mùa hè đẹp trời, nhiệt độ cao nhất lên tới 17,8 độ C, được ghi nhận vào tháng 8 năm 1942. Với nhiệt lượng này, chỉ mất nửa năm là tuyết có thể bao phủ toàn bộ đỉnh núi.
5. Núi Phú Sĩ là một trong ba ngọn núi thiêng của Nhật Bản
Từ thời cổ đại, núi Phú Sĩ đã được coi là một ngọn núi linh thiêng. Cùng với núi Tate và núi Haku, ba ngọn núi này đã tạo thành "Ba ngọn núi Thánh" của Nhật Bản. Chân núi được tận dụng làm nơi tập luyện của các Samurai cổ đại và phải đến cuối những năm 1960, vào thời Minh Trị, nửa đầu của đế chế Nhật Bản, phụ nữ mới được phép đặt chân đến ngọn núi này.
6. Ở Nhật Bản, người dân không gọi ngọn núi này là Phú Sĩ
Nếu cái tên "núi Phú Sĩ" đã trở nên quen thuộc trên toàn thế giới, thì người Nhật gọi nó là "Fuji-San". Các tên gọi khác được người bản địa dùng là "Fujiyama" hoặc "Núi Fujiyama".
7. Núi Phú Sĩ được bao quanh bởi 5 hồ nước
Bên cạnh việc được bao quanh bởi 4 thị trấn: Gotemba ở phía Đông, Fujiyoshida ở phía Bắc, Fujinomiya ở phía Tây và Fuji ở phía Nam thì ngọn núi này còn được bao quanh bởi 5 hồ nước: Hồ Kawaguchi, Hồ Yamanaka, Hồ Sai, Hồ Motosu và Hồ Sh̳ji.
8. Có một "khu rừng ma ám" ở chân núi phía Tây Bắc
Ở chân núi phía Tây Bắc có một khu rừng tên là Aokigahara. Truyền thuyết kể rằng, khu rừng này bị ám bởi ma quỷ, Yͣrei và Y̳kai. Cùng với Cầu Cổng Vàng ở San Francisco (Mỹ) và Cầu sông Dương Tử ở Nam Kinh (Trung Quốc) thì đây là nơi tự tử phổ biến thứ 3 trên thế giới. Ước tính có hơn 500 người đã tự kết liễu mình trong rừng. Sự kiện này càng làm tăng thêm tính huyền bí của khu rừng.
9. Miệng chính của núi lửa Phú Sĩ rất lớn
Miệng chính của ngọn núi này có đường kính 780m và sâu khoảng 240m. Đáy của miệng núi có đường kính từ 100 đến 130m.
10. Ngọn núi được sử dụng trong nhiều tác phẩm nghệ thuật
Núi Phú Sĩ là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Nó đã được đưa vào nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau như tranh vẽ, bản in khắc gỗ, thơ ca, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu... Khung cảnh đường chân trời Tokyo với điểm nhấn là núi Phú Sĩ đã trở thành hình ảnh ấn tượng hiện lên trong đầu bất cứ ai khi nhắc về Nhật Bản.
Kinh nghiệm bay đi Nhật mùa thu, khám phá 4 địa điểm ngắm lá đỏ đẹp 'chẳng nỡ về' Xứ sở Phù Tang đã bước vào mùa thu với những rừng cây lá đỏ. Cùng cập nhật kinh nghiệm bay đi Nhật được giới thiệu trong bài viết sau đây. Kinh nghiệm bay đi Nhật vào mùa thu Tổng quan về sân bay, hãng bay đến Nhật Bản Là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á nên Nhật...