Núi lửa Nâm Kar, Đắk Nông
Nằm trên tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, dãy núi lửa Nâm Kar thuộc thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, Đắk Nông) là một trong những núi lửa trẻ, hình thành bởi sự kết hợp giữa phun trào và phun nổ.
Dãy núi lửa Nâm Kar được hình thành từ 3 núi lửa gồm một điểm nón than chính và hai nón than phụ. Điểm nón than chính cao 60 m, có đường kính 220m, miệng nhỏ sâu khoảng 20m tính từ đỉnh núi, có hình dạng oval điển hình. Điểm có độ cao 660m so với mực nước biển, được cấu tạo chủ yếu từ xỉ, mỗi viên xỉ có đường kính vài centimet.
Miệng núi lửa Nâm Kar. Ảnh: Ban Quản lý CVĐC
Về hướng Bắc cách vài chục mét, là một nón xỉ nhỏ hơn (S1) cao 24,2m và có độ cao 605m so với mặt nước biển, được thành tạo do quá trình phun nổ, gồm xỉ và bom núi lửa có đường kính khoảng 10cm kết dính với nhau. Nón xỉ này không có miệng trên đỉnh, thay vào đó là các hiện tượng thoát khí, tạo cấu trúc ống trong quá trình di chuyển và được ví như hình dáng của thân cây.
Về hướng Nam vài chục mét là miệng dung nham núi lửa thấp nhất (S2) cao 22,4m và có độ cao 621m so với mực nước biển. Miệng núi lửa có hình móng ngựa do các pha phun trào dung nham ở các thời kỳ khác nhau, đồng thời hình thành nên cánh đồng dung nham có diện tích khoảng 4,75km2.
Nón than và nón xỉ được hình thành trong giai đoạn đầu của phun trào khi dung nham vẫn còn giàu khí và độ nhớt thấp, sớm hơn giai đoạn hình thành miệng dung nham núi lửa. Dung nham chứa khí gas phun trào vào không khí, vỡ từng mảnh và nguội lạnh nhanh chóng.
Video đang HOT
Hoạt động phun trào cũng tạo nên các bom núi lửa với nhiều hình dáng và kích cỡ khác nhau, đã tạo nên lớp màng thủy tinh do sự nguội lạnh quá nhanh chóng. Sau đó, khi dung nham bắt đầu ít khí gas và lỏng hơn, chúng dễ dàng chảy ra xa để tạo nên cánh đồng dung nham. Với hình dạng được bảo tồn khá nguyên vẹn, dãy núi lửa Nâm Kar được xem là núi lửa rất trẻ có niên đại dưới 10.000 năm tuổi.
Núi lửa Nâm Kar gắn liền với cuộc sống người M’nông và được thể hiện qua sử thi
Đồng bào M’nông trong khu vực hiện nay vẫn còn chuyền tai nhau về sự tích hình thành núi lửa Nâm Kar. Tương truyền, ngày xưa, trên đỉnh núi có một hồ nước rộng mênh mông và rất nhiều cá, cây cỏ xanh tốt. Biết được điều này, một chàng trai tìm đến bắt cá nướng ăn mà không hề biết đây là cá do thần nuôi. Vì thế, khi vừa ăn xong con cá nướng, chàng trai cảm thấy ngứa ngáy toàn thân và khuôn mặt dần biến dạng, có đôi tai rất to và cái mũi rất dài, cái bụng phình to, thân hình vạm vỡ như con voi.
Vì là người biến thành voi nên ăn rất khỏe, dân làng không đủ cơm để nuôi. Các già làng, thầy cúng liền nấu cơm nếp, bắp, đậu, củ sắn rải lên lá cây trúc để nhử voi đến ăn. Voi ăn đến đâu thì thầy cúng đọc thần chú đến đó để voi nhớ rằng đó chính là thức ăn của mình.
Ngày nay, trên miệng ngọn núi lửa này vẫn có nước và cá sinh sống rất nhiều và đồng bào trong vùng vẫn giữ nguyên tên gọi của ngọn núi này là Nâm Kar (có nghĩa là núi cá). Truyền thuyết về núi lửa Nâm Kar cũng chính là sự tích con voi mà người M’nông thường kể trong sử thi để nhắc nhở, giáo dục con cháu không tự ý xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên.
Khám phá 'Hồ núi lửa'- Hồ bán nhân tạo đẹp trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông
Nằm trong tuyến du lịch 'Bản giao hưởng của làn gió mới', 'Hồ núi lửa' (tên thường gọi hồ Tây) - Điểm số 23 ở thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) là hồ bán nhân tạo đẹp, hấp dẫn du khách của vùng đất Tây Nguyên.
Nằm cách trung tâm TP. Gia Nghĩa 67 km về hướng Đông Bắc, "Hồ núi lửa" nằm tại khu vực trung tâm của thị trấn Đắk Mil có chu vi hơn 10km, diện tích mặt hồ thoáng khoảng 108 ha với điểm sâu nhất từ 15-17m.
Một góc "Hồ núi lửa" ở Đắk Mil (ảnh H.Hiệp)
Từ những năm 40 của thế kỷ trước, người Pháp đến vùng đất Đắk Mil trồng cà phê, họ tận dụng thế đất thấp tự nhiên do hiện tượng tạo rãnh từ khe nứt của Núi lửa Nâm Gle (Núi lửa Thuận An) để tạo thành hồ với mục đích trữ nước tưới cho các đồn điền cà phê rộng lớn.
Đến năm 1982, để cung ứng nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng trên địa bàn, huyện Đắk Mil đã đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt hồ và "Hồ núi lửa" được xây dựng mở rộng thêm thành hồ bán nhân tạo.
Mùa khô giữa lòng "Hồ núi lửa"
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống thủy sinh vật ở "Hồ núi lửa" phong phú với hơn 500 loài khác nhau. Trong lòng hồ nổi lên một bán đảo rộng khoảng 120 ha. Xung quanh hồ và bán đảo được người dân trồng cây cà phê, ca cao... Do không có nguồn nước các sông suối đổ vào mà chỉ từ các mạch nước ngầm và nước mưa lắng đọng nên nước trong hồ quanh năm trong xanh, sạch và chưa bao giờ cạn. Nhìn từ vệ tinh, "Hồ núi lửa" như một bàn tay đang xòe ra nâng đỡ những cánh rừng cà phê, ca cao, cao su xanh ngát, ngút ngàn. "Hồ núi lửa" được xem là một trong những hồ đẹp của vùng đất Tây Nguyên.
Xung quanh "Hồ núi lửa" được huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đầu tư xây dựng, tạo cảnh quan, trồng nhiều cây xanh (ảnh Trang tin Đức Lập).
Hiện nay, "Hồ núi lửa" được huyện Đắk Mil quan tâm đầu tư xây dựng công viên, đài phun nước. Quanh bờ hồ cũng được kè đá, xây dựng đường đi bộ, trồng cây xanh tạo bóng mát. Xung quanh hồ là những nhà hàng, quán cà phê thơ mộng, những homestay, biệt thự vườn theo nhiều phong cách, kiến trúc... Hoa viên quanh hồ được huyện Đắk Mil đầu tư một số máy tập thể dục công cộng đơn giản để người dân trên địa bàn thị trấn đến đây dạo chơi, tập thể dục rèn luyện sức khỏe.
Hồ núi lửa nhìn từ trên cao (ảnh Trang tin Đức Lập).
Hàng năm, đến rằm tháng Giêng và tháng Bảy âm lịch, tại đây thường diễn ra Lễ hội hoa đăng cầu quốc thái dân an, thu hút hàng ngàn tăng ni, phật tử, khách thập phương đến dự lễ và cùng nhau cầu nguyện cho đất nước, Nhân dân thái bình, thịnh vượng.
Đến với "Hồ núi lửa", du khách sẽ được nhìn ngắm cận cảnh mặt nước trong vắt một màu xanh, tạo cảm giác tựa một tấm gương soi khổng lồ phản chiếu cả vùng mây trời. Đồng thời, du khách có thể tản bộ, chụp hình lưu niệm. Đặc biệt hơn cả, con đường bên hông hồ sẽ dẫn bạn đến khám phá khu vực sinh hoạt đời thường của người dân quanh hồ, trong đó có đồng bào M'nông bản địa, với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
Đi xem dung nham núi lửa phun trào ngay trước mắt ở Iceland Nếu vẫn chưa quyết định được điểm đến tiếp theo trong kỳ nghỉ của mình, du khách có lẽ sẽ không muốn bỏ qua Iceland, vùng đất vừa có những ngọn núi lửa phun trào vừa có sông băng lớn nhất châu Âu. Nằm cách Sân bay Quốc tế Keflavík chưa đầy 20 phút và trung tâm thành phố Reykjavik 25 km là...