Núi lửa dưới đáy Ấn Độ Dương cản trở chiến dịch tìm kiếm MH370
Chiến dịch tìm kiếm xác chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines có thể bị cản trở bởi các hãng núi lửa ngầm dưới đáy Đại Tây Dương, một chuyên gia của Úc hôm nay cảnh báo.
Một thủy thủ Trung Quốc rà soát vùng biển tìm máy bay Malaysia mất tích ở Ấn Độ Dương.
Gió mạnh, mưa lớn và biển động đã cản trở các máy bay cất cánh từ thành phố Perth, miền tây nước Úc, hôm qua nhưng 12 máy bay hôm nay đã quay trở lại khu vực tìm kiếm MH370 ở nam Ấn Độ Dương. Các máy bay của Hàn Quốc hôm nay cũng lần đầu tiên tham gia chiến dịch tìm kiếm.
Tuy nhiên, ông Robin Beaman, một chuyên gia địa chất dưới biển tại Đại học James Cook ở Queensland (Úc), cảnh báo rằng sự tồn tại của các núi lửa ngầm khiến đáy biển nam Ấn Độ Dương rất gồ ghề và liên tục bị thay đổi bởi các dòng chảy macma, và điều này sẽ là thách thức đối với công tác tìm kiếm xác máy bay.
“Sẽ là không may nếu các mảnh vỡ rơi xuống khu vực rất nhấp nhô, điều đó sẽ khiến việc tìm kiếm gặp nhiều thách thức hơn”, ông Beaman nói.
“Khu vực rất ghồ ghề, có nhiều đường nứt gãy, nhiều rãnh và các rặng núi”, chuyên gia Úc cho biết thêm.
Theo ông Beaman, phần lớn đáy biển nam Ấn Độ Dương, trong đó có khu vực tìm kiếm, chưa được vẽ bản đồ chi tiết nên bất kỳ nỗ lực nhằm trục vớt xác máy bay cũng cần phải vẽ bản đồ 3D tỉ mỉ, có thể là do các tàu được trang bị các thiết bị hiện đại thực hiện.
Nhưng Úc hiện nay không có khả năng vẽ bản đồ ở độ sâu 3.000 m, độ sâu trung bình của khu vực tìm kiếm, vì con tàu duy nhất của chính phủ Úc có thể tiến hành vẽ bản đồ đáy biển là RV Southern Surveyor đã bị cho “về hưu” từ tháng 12 năm ngoái.
Con tàu nghiên cứu thay thế RV Southern Surveyor đang được chế tạo tại Singapore và sắp tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển, ông Beaman cho biết.
“Thật sự là không đúng lúc chút nào. Úc không có khả năng vẽ bản đồ ở độ sâu như vậy”, ông Beaman nói.
Ông Beaman cho hay mảnh vỡ khả nghi đầu tiên được các vệ tinh của công ty DigitalGlobe (Mỹ) phát hiện hôm 16/3 được xác định nằm cách một dãy núi lửa ngầm vốn kéo dài từ tây nam Úc tới New Zealand khoảng 60 km. Một vật thể khác được máy bay của Trung Quốc phát hiện nằm cách dãy núi lửa khoảng 180 km về phía tây nam.
Các mảnh vỡ khả nghi mà một máy bay của Úc trục vớt hôm 24/3 được phát hiện cách dãy núi lửa khoảng 200 km về phía đông bắc.
“Trên các sườn của dãy núi lửa ngầm, nơi nhiều khả năng vụ tai nạn xảy ra, không có bàn đồ nào ngoài các thông tin cũ rích”, ông Beaman nói
Video đang HOT
Địa hình phức tạp, với các đỉnh núi ngầm cao tới 10 m, khiến việc tìm kiếm bất kỳ mảnh vỡ nào trở nên khó khăn nếu không có các bản đồ chi tiết và các tàu ngầm điều khiển từ xa. “Phải vẽ lại bản đồ, không còn nghi ngờ gì nữa”, ông Beaman nói.
Các nhóm tìm kiếm quốc tế đã tiến hành nghiên cứu đáy biển trong khu vực, sử dụng các công nghệ để vẽ bản đồ 3D đáy biển, nhưng 2 cuộc khảo sát gần đây đã diễn ra gần 20 năm trước, sử dụng công nghệ lạc hậu.
Việc tìm kiếm các hộp đen sẽ là mấu chốt nhằm xác định nguyên nhân vì sao chiếc Boeing 77 cố tình đi trệch lộ trình và bay xa hàng nghìn km.
Malaysia tin rằng máy bay đã bị cố tình chuyển hướng bởi ai đó trên khoang.
Chuyên gia hàng không Peter Gibbens từ Đại học Sydney cho hay các nhà nghiên cứu đang chạy đua với thời gian, vì các tín hiệu từ hộp đen sẽ ngừng hoạt động trong 2 tuần nữa khi hết pin.
Hôm qua, giới chức Malaysia đã quyết định công bố một cuộc phân tích vệ tinh giúp đưa tới kết luận rằng MH370 rơi ở Ấn Độ Dương.
Theo đó, Malaysia cho biết liên lạc đầy đủ cuối cùng giữa máy bay và vệ tinh là lúc 8h11 sáng ngày 8/3 giờ Malaysia, và một tín hiệu không đầy đủ khác 8 phút sau đó.
Các phát hiện trên, do công ty vệ tinh Inmarsats của Anh cung cấp, cho thấy máy bay vẫn hoạt động gần 2 tiếng sau khi nó dự định hạ cánh ở Bắc Kinh lúc 6h30 cùng ngày và vào khoảng thời điểm máy bay hết nhiên liệu.
Cuộc phân tích cho thấy máy bay đã biến mất ở giữa nam Ấn Độ Dương, mặc dù giới chức Malaysia nói rằng địa điểm chính xác của nó chưa được xác định.
Theo Dantri
Chiến dịch "hao tiền tốn của" tìm MH370 trên Ấn Độ Dương
Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Malaysia đang diễn ra tại một trong những khu vực biệt lập và khắc nghiệt của trái đất - một vùng biển ở nam Ấn Độ Dương, gần Nam Cực. Chiến dịch này có thể tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD.
Các tàu và máy bay đang rà soát vùng biển nam Ấn Độ Dương để tìm kiếm các mảnh vỡ khả nghi của MH370.
Vùng tìm kiếm nguy hiểm ra sao?
Tim Huxley, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực vận tải biển tại Hồng Kông, gọi khu vực tìm kiếm là "một nơi vô cùng hẻo lánh".
Vùng tìm kiếm nằm cách thành phố Perth khoảng 2.500 km về phía tây nam, bên trên một địa hình núi lửa trong vùng biển sâu từ 2.500-4.000 m. Vì gần Nam Cực nên khu vực thường có gió mạnh và sóng lớn, có thể cao trên 6 m.
Nhà hải dương học Erik van Sebille, từ Đại học New South Wales tại Sydney (Úc), người từng có mặt trên một tàu nghiên cứu tại khu vực hồi tháng 12 năm ngoái, cho hay thậm chí trong điều kiện thời tiết thời thuận lợi thì khu vực tìm kiếm cũng đầy thách thức.
Môi trường khắc nghiệt khiến việc tìm kiếm các mảnh vỡ khả nghi trở nên đặc biệt khó khăn. Nhưng có một điều an ủi là đáy biển tại khu vực tìm kiếm dường như khá bằng phẳng dù là ở những chỗ sâu tới trên 4.000 m. Khi chuyến bay 447 của Air France gặp nạn ở Đại Tây Dương hồi năm 2009, xác máy bay đã nằm dưới đáy biển nơi có các ngọn núi và khe núi ngầm, khiến công tác trục vớt trở nên khó khăn.
Những ai thường đi qua đó?
Đối với các thủy thủ, khu vực tìm kiếm thuộc Ấn Độ Dương rất nguy hiểm do sóng lớn và gió rất mạnh. Không có một khu đất đai rộng lớn nào trong khu vực và cũng có rất ít giao thông hàng hải qua đây.
Các thủy thủ trước đây từng sử dụng vùng biển rộng lớn để tận dụng sức gió, nhưng nhiều tàu giờ đây thường tránh khu vực. Các lộ trình đường biển toàn cầu giờ đây đưa các tàu hàng trực tiếp từ Úc hướng về phía bắc tới châu Á và châu Âu, thay vì đi về hướng nam hoặc phía tây qua khu vực này.
Khi các cảnh báo được đưa ra hồi tuần này đối với các tàu buôn trong khu vực nhằm trợ giúp việc tìm kiếm các vật nổi khả nghi xuất hiện trong ảnh vệ tinh được Úc công bố, tàu ở gần nhất cách đó tới 2 ngày đi biển.
Giáo sư Nathan Bindoff, một chuyên gia về hải dương học tại Đại học Tasmania (Úc), cho hay các tàu thường chỉ gặp một tàu khác trong cuộc hành trình 50 ngày trong khu vực, và thường là gần Nam Cực và các trạm nghiên cứu hơn là khu vực nơi các vật thể trôi nổi khả nghi được phát hiện.
"Nói cách khác, có nhiều người ở gần Nam Cực hơn là tại khu vực này của thế giới", ông Bindoff nhấn mạnh.
Tìm các vật thể trên ảnh vệ tinh khó thế nào?
Một vấn đề đặt ra là các bức ảnh vệ tinh do Úc công bố được chụp ngày 16/3, vì vậy các vật thể có thể đã di chuyển rất xa do các dòng chảy mạnh.
Trong vùng biển động ở nam Ấn Độ Dương, một vật thể có thể bị đẩy đi xa với tốc độ 1 hải lý/giờ. Điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, vật thể có thể trôi xa 500 km trong 13 ngày qua tính từ thời điểm chiếc máy bay của Malaysia mất tích.
Các nhà khoa học đã phát triển các mô hình máy tính để "tua lại" gió và sóng biển, cho phép các nhân viên cứu hộ tìm hiểu sự chuyển động của các mảnh vỡ để tìm ra hiện trường một vụ tai nạn. Nhưng không phải tất cả các chuyên gia đều đồng tình rằng các mô hình máy tính có thể dễ dàng thay thế việc tìm kiếm hao tiền tốn của bằng đường không và biển.
Có hi vọng nào để tìm thấy máy bay mất tích?
Khu vực tìm kiếm nằm cách thành phố Perth khoảng 2.500 km.
Hi vọng lớn nhất để có thể xác định hiện trường vụ tai nạn là tập trung vào các nỗ lực nhằm bắt các tín hiệu được phát ra hộp đen máy bay. Tuy nhiên, các tín hiệu này không hoạt động mãi mãi và thường chỉ "sống được" trong 30 ngày, vì vậy thời gian đang cạn kiệt dần.
Sau khi các tín hiệu từ hộp đen ngừng hoạt động, việc tìm kiếm một máy bay mất tích trên biển càng trở nên khó khăn, giống như cuộc tìm kiếm máy bay của Air France hồi năm 2009. Các nhân viên điều tra sẽ phải sử dụng các tàu được trang bị hệ thống định vị dưới nước đã vẽ bản đồ đáy biển và tìm kiếm xác máy bay.
Ông David Gallo, từ Viện hải dương học Woods Hole tại Mỹ, người từng tham gia cuộc tìm kiếm máy bay Air Frane cho biết: "Không giống chuyến bay này, chúng tôi đã biết rõ về địa điểm cuối cùng vốn cho phép giới chức chỉ đạo trực tiếp đội tìm kiếm. Nhưng phải mất 5 ngày mới xác định được những mảnh vỡ đầu tiên của máy bay, còn hộp đen thì "bặt vô âm tín".
Xác chiếc máy bay Air France cuối cùng đã được phát hiện và trục vớt vào năm 2011, sử dụng cả các robot dưới nước hoạt động độc lập điều khiển từ xa, sau khi các nhóm tìm kiếm tập trung vào một khu vực có bán kính 75 km và rà soát nó bằng hệ thống định vị dưới nước.
Chiến dịch tìm kiếm tốn kém bao nhiêu?
Các chuyên gia cho hay rất khó và rất tốt kém, nhưng không có nghĩa là không thể tìm thấy chiếc máy bay mất tích.
Chi phí chính thức cho cuộc tìm kiếm dưới nước do Pháp dẫn đầu đối với máy bay Air France là 32 triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cứu hộ nói rằng tổng chi phí thực sự có thể cao gấp 3-4 lần, trong đó có những đóng góp của Brazil và các chi phí do quân đội chi trả.
Các nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines, với sự tham gia của 26 quốc gia từ Ấn Độ Dương tới biển Caspi, có thể còn cao hơn. Giới chức Malaysia chưa cho biết ai sẽ chi trả toàn bộ chiến dịch tìm kiếm.
Ông David Mearns, giám đốc công ty cứu hộ Blue Water Recoveries, nói với hãng tin BBC: "Trong nghề chúng tôi thường có câu: mọi thứ đều có thể tìm được nếu có đủ tiền".
"Air France tiêu tốn 33-41 triệu USD. Với chiến dịch này, có thể phải thêm một con số 0 vào", ông Mearns nói.
An Bình
Tổng hợp
Theo Dantri
Phát hiện thi thể một phụ nữ trong căn nhà hoang Một thi thể phụ nữ đang trong quá trình phân hủy vừa được phát hiện tại một căn nhà hoang thuộc thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình. Ngày 18/3, một người dân địa phương khi đi chăn bò đã bất ngờ phát hiện thi thể của một phụ nữ nằm trong ngôi nhà hoang gần bãi biển. Ngôi...