Nức mũi với dẻo thơm bánh dày Quán Gánh, Nhị Khê – Hà Nội
Xe đi dọc trên đường Quốc lộ 1 đến cửa ngõ Hà Nội, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy tại đây có hơn 100 quán nhà lá bày bán bánh dày. Đây cũng là địa điểm đông nhất và là nơi khai sinh ra chính là Quán Gánh.
Thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín – phố Quán Gánh là quê hương của anh hùng dân tộc – danh nhân thế giới Nguyễn Trãi.
Lịch sử nghề bánh dày Quán Gánh được tương truyền lại bằng một câu chuyện đầy màu sắc huyền thoại, rằng ngày xưa có một người ăn mày đi qua đây, được dân làng đối xử tử tế. Người ấy đã cảm kích và dạy cho dân làng cách làm bánh dày. Sau mới biết đó là một ông vua vi hành.
Gạo nếp là nguyên liệu gốc, là hồn của bánh dày. Ảnh: T. L.
Bánh dày Quán Gánh lúc ban đầu chỉ là những gánh bánh dày bán dạo trên Quốc lộ 1, dần dần qua thời gian, món bánh dày nơi đây được người dân và du khách xa gần biết đến.
Họ gọi món bánh dày này là bánh dày Quán Gánh. Hiện nay, xã Nhị Khê chỉ còn thôn Thượng Đình là vẫn làm bánh dày và bán trên Quốc lộ 1, vì vậy người Hà Nội gọi tên thân mật là làng bánh dày Quán Gánh.
Được làm thủ công bằng tay, những chiếc bánh dày lưu truyền từ rất lâu đời.
Gọi là một tấm bánh, nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài. Bánh dày Quán Gánh đã trở thành hình tượng giàu tính nhân văn.
Bên trong mỗi một tấm bánh dày là 6 cái bánh nhỏ xếp khéo léo để khi gói tạo thành hình vuông hoàn hảo như bánh chưng ngày Tết. Chỉ với giá 20 – 25 nghìn đồng nhưng bánh dày phải trải qua nhiều công đoạn vất vả để làm ra được chiếc bánh dày ngon.
Bánh dày dưới tay những nghệ nhân làm bánh.
Để có được chiếc bánh đậm đà thì gạo nếp là thứ gạo phải có độ dẻo cao và có mùi thơm.
Video đang HOT
Trước khi làm bánh, gạo được chọn rất kỹ, hạt gạo đều nhau, không lẫn tẻ, không bạc bụng, không lẫn sạn…
Gạo phải được giã kỹ, trắng buốt, sau khi giã phải giần sạch cám, sảy hết muội trấu. Khi vốc tay vào, hạt gạo óng mát và thoang thoảng mùi thơm mới là chuẩn chỉ.
Giã gạo là công đoạn quan trọng để quyết định độ quyện của bánh dày.
Gạo được đem vo, đãi sạch 2 – 4 lần nước và gạn hết tạp chất, rồi ngâm với nước lạnh khoảng 2 – 3 giờ. Sau đó đãi cho sạch hết nước ngâm, để ráo nước trước khi cho vào chõ đồ thành xôi.
Khi xôi gần chín, vảy thêm ít nước ẩm tay để xôi chín đều rồi đổ ra cối hoặc buồm cói trải trên nền gạch và giã nóng.
Giã đến khi xôi đạt độ nhuyễn, quyện vào nhau thành gối dẻo quánh, trong trắng thì dùng tay sạch để vắt thành những nắm nhỏ, đều nhau và dàn vỏ bánh cho dẹt đều rồi bỏ nhân vào.
Bánh dày nhân mặn, ngọt hay chay đều có những hương vị đặc thù riêng.
Nhân bánh dày Quán Gánh có ba loại gồm nhân ngọt, nhân mặn và bánh chay để đáp ứng nhu cầu sở thích của du khách. Bánh ngọt tức là nhân đỗ xanh đã nấu chín rồi xào đường có màu cánh kiến.
Nhân mặn được làm từ đỗ xanh, sợi cùi dừa, hành, thịt ba chỉ có hương cà cuống. Còn bánh chay tức là bánh không nhân, ăn với chả quế hoặc chè đường.
Bánh dày Quán Gánh được bán nhiều trên đường Quốc lộ 1.
Hơn 10 năm trở lại đây, bánh dày Quán Gánh đặc biệt được ưa chuộng để đặt trong tiệc của các đám “nên duyên”.
So với trước đây, bánh dày Quán Gánh luôn được khách vãng lai dừng chân thưởng thức và mua về làm quà biếu ông bà, cha mẹ hay thắp hương tổ tiên ngày tuần rằm thì giờ đây, trải qua những năm tháng trong quá khứ và hiện tại, bánh dày đã được khách thập phương mua thưởng thức.
Làng Thượng Đình – Nhị Khê, nơi duy nhất còn làm bánh dày Quán Gánh.
Khách mới ăn lần đầu, khi thưởng thức miếng bánh chay, càng nhai càng thấy dẻo và đượm ngọt vị của gạo nếp đồng quê.
Bánh nhân mặn, vừa có vị béo của nhân mỡ hòa với vị bùi ngậy của cùi dừa, đỗ xanh và đượm hương cay của cà cuống nơi đầu lưỡi.
Còn với bánh dày nhân ngọt là sự hòa quyện của vị ngọt đường với vị ngọt đượm bùi của đỗ xanh.
Bánh dày Quán Gánh có thể không phải là một món ăn cao sang, cầu kỳ nhưng rất thanh tao, dân dã.
Là thứ bánh của nhà nông như bánh đa, bánh đúc nhưng lại mang ý nghĩa lịch sử lâu đời, sâu sắc được liệt kê vào trong văn hóa ẩm thực của vùng miền Bắc xưa.
T. Đ
Bánh dày làng Gàu
Nếu như Hải Dương được biết đến với đặc sản bánh đậu xanh thì khi nhắc đến vùng đất Hưng Yên người ta thường nhớ ngay đến món bánh dày làng Gàu.
Làng Gàu thuộc xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên vốn nổi tiếng với thứ bánh dày dẻo, dai, trắng nõn. Bánh dày làng Gàu cùng với tương Bần và rượu Trương Xá đã làm nên nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người Hưng Yên.
Đặc sản bánh dày làng Gàu, Hưng Yên.
Khi nhắc đến bánh dày, hẳn ai cũng sẽ nhớ đến sự tích "Bánh chưng bánh dày" đã quá nổi tiếng trong dân gian Việt Nam. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương thì những chiếc bánh chưng, bánh dày lại được làm như một cách tưởng nhớ công ơn dựng nước của các vua Hùng. Tại vùng đất văn hiến Hưng Yên, món bánh dày ở làng Gàu đã trở thành một món ăn đặc sản gắn liền với địa danh này .
Bánh dày là một món ăn truyền thống ở nước ta, có mặt trên rất nhiều vùng miền Tổ quốc. Ngoài làng Gàu, miền Bắc còn nổi danh với bánh dày Quán Gánh (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây, nay sáp nhập thành Hà Nội). Nhưng ở mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi vùng miền lại tạo ra một hương vị bánh khác nhau cũng giống như tấm lòng của người dân mỗi nơi dâng lên Vua Tổ. Có lẽ điều đơn giản ấy đã tạo thành nét đặc trưng, hấp dẫn riêng cho miếng bánh làng Gàu.
Không biết nghề truyền thống làm bánh dày của bà con làng Gàu có từ khi nào, chỉ biết rằng đã từ rất lâu cứ đến dịp giỗ Tổ người làng lại tưng bừng, rộn rã trong việc giã xôi, nặn bánh dày.
Đến với quê hương Văn Giang du khách không chỉ bị thu hút bởi cảnh đẹp của vườn hoa, cây cảnh nơi đây mà còn được thưởng thức, được trải nghiệm các công đoạn làm bánh dày cùng với người dân. Nguyên liệu chính là gạo nếp cái hoa vàng. Cả một năm hai vụ, thóc lúa có bội thu thì năm đó bánh được sản xuất nhiều. Người làng Gàu kĩ lưỡng tỉ mẩn trong việc chọn gạo làm bánh. Sau khi thóc được xay xát, người già và trẻ nhỏ được phân cho công việc "chọn gạo". Gạo hạt phải mẩy, chắc. Những hạt sâu lép được bỏ loại ra ngoài. Phải như vậy, khi thành phẩm cả miếng bánh mới đạt độ trắng trong như gái son trẻ. Gạo được ngâm với nước sạch sau đó giã đều tay rồi nặn thành những chiếc bánh giầy trắng tinh, tròn trịa. Bánh giã phải đúng số nhịp số chày buông xuống. Lực giã phải vừa, không được quá mạnh, chẳng được quá yếu mềm. Vì thế nam nữ phải giã cùng nhau, mới vừa mềm vừa rắn, bánh mới chuẩn dẻo.
Công đoạn làm nhân bánh khá cầu kỳ, cần sự khéo léo của người làm, nhân bánh làm từ đỗ xanh, đỗ xanh phải mẩy hạt, xanh đều.
Công đoạn làm nhân bánh khá cầu kỳ, cần sự khéo léo của người làm, nhân bánh làm từ đỗ xanh, Đỗ xanh phải mẩy hạt, xanh đều. Sau khi "tuyển chọn" kĩ càng, đỗ phải được ngâm nước ấm khoảng chừng bốn mươi độ qua đêm. Đỗ xanh ngâm mềm, đãi sạch vỏ, không được để vương vấn chút vỏ nào trong rổ, hấp chín nhừ tơi, giã đỗ bắt buộc phải nhuyễn sánh, không được lợn cợn hạt đỗ và vo tròn cùng dừa sợi bào sẵn thành từng nắm nhỏ. Mỗi một mẻ xôi, mẻ đỗ đưa ra bốc bừng hơi nóng. Không được giã ngay, không được quá nguội. Giã ngay dễ bết, giã nguội khó dính.
Nếu muốn có bánh nhân mặn thì người làm cho thêm thịt nạc băm hoặc xay nhỏ rồi xào với đỗ xanh để làm nhân. Nếu người dùng thích bánh ngọt thì thêm đường vào nhân đỗ xanh là được. Mỗi nắm đỗ được trộn đều với đường cát. Một cân đỗ được trộn khoảng nửa cân đường. Không được quá tay, cái ngọt gắt át mất phần ngọt của vỏ bánh.
Khi bột và nhân đã làm xong người làm sẽ tra nhân vào giữa rồi nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, thơm ngon. Sau khi đồ xong, bánh sẽ có màu trắng tinh, tròn trịa, dẻo dai và mùi thơm ngon đến khó cưỡng. Để tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn, người làm bánh sẽ đặt bánh vào những chiếc lá chuối màu xanh đã được cắt theo hình tròn vừa với chiếc bánh.
Sau khi vỏ bánh, nhân bánh đạt chuẩn, các cô nàng lại thoăn thoắt tay cán đều, lấy miếng cật tre sắc như dao lam cắt đều một phần vỏ để gói lấy nhân bánh. Cái tay các cô khéo đến mức, cắt bánh bằng chặn như nhau, cả trăm cái xếp chồng không hơn kém nhau một li một lai nào cả.
Nồi nào đồ ra là luôn chân luôn cối giã cho nhuyễn mịn. Xôi đồ lên đánh mịn màng dẻo quánh. Lớp vỏ bánh ngoài không được quá dày, cũng không quá mỏng. Chỉ tầm một lượt nửa phân vỏ bánh là bao bọc hết ý tình của người làm.
Bánh dày làng Gàu không thể thiếu trên mâm cỗ của người dân Hưng Yên, như một minh chứng cho chỗ đứng vững chãi của làng nghề. Cưới xin mà thiếu tấm bánh trên mâm là mâm cỗ "không được sang, không chuẩn vị". Vậy mới thấy, nâng niu tấm bánh đã khó, nâng niu cái công cái nghề, cái ý vị trong miếng bánh còn khó hơn đến bội phần. Ăn miếng bánh dày làng Gàu mà chưa hiểu để làm ra được tấm bánh là cả nửa năm chuẩn bị thì thật có lỗi với tấm lòng người dân quê.
Bánh dày làng Gàu được khách xa gần đến đặt mua với số lượng hàng tạ phục vụ cho các cửa hàng ăn uống ở Thủ đô, hội nghị, tiệc cưới, đã tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động. Màu xanh mát của tàu lá, điểm trên màu trắng ngọc ngà của bánh quê, ắt hẳn không ai không có chút động lòng. Cái vị bánh dẻo quẹo, đỗ xanh mềm mịn thơm nồng, cùng với những ân tình gửi gắm trong từng miếng bánh mới thấy rưng rưng trọn vẹn cái tình làm sao. Tết đến xuân về, bánh dày được đặt trang trọng trên ban thờ nghi ngút khói hương cũng là một nét đẹp văn hoá của quê ta...
THÚY ANH
Bánh dày nhân đậu xanh thơm ngon dễ làm Với công thức chế biến này, bạn không cần phải mua bánh dày ngoài tiệm nữa, chúng ta có thể tự làm bánh dày tại nhà để dành tặng người thân yêu rồi. Hãy cùng vào bếp với góc ẳm thực nhà hàng tiệc cưới Hương Sen ngay để khám phá thực đơn truyền thống này nhé! 1. Nguyên liệu làm bánh dày...