Nửa tỉ đồng cho 9 tháng 10 ngày mang thai hộ
Dù có nhiều tranh cãi và chưa được pháp luật công nhận nhưng mang thai hộ đang là một dịch vụ được không ít người tìm đến. Mang thai hộ là món “hời” với người này nhưng lại là nỗi ân hận đeo đẳng suốt cuộc đời với người khác
Mong muốn có một đứa con để nối dõi tông đường nhưng vì sức khỏe không cho phép, hết tuổi sinh đẻ, ảnh hưởng đến công việc đang làm hay sợ mất dáng…, không ít vợ chồng phải tìm người mang thai hộ.
Nửa tỉ đồng cho 9 tháng 10 ngày
Rời Cà Mau năm 2010, vợ chồng Thắm lên TP HCM thuê nhà trọ ở quận 4. Mỗi sáng, vợ chồng chở nhau trên chiếc xe máy gắn thùng phía sau đến chợ đầu mối nông sản Thủ Đức mua rau rồi kéo về ngồi dưới dạ cầu Ông Lãnh (quận 1) bán. Công việc khá vất vả nhưng đổi lại, tháng nào trừ tiền ăn ở, vợ chồng Thắm cũng gửi về quê được hơn 1 triệu đồng để nhờ mẹ nuôi đứa con mới 2 tuổi. Để có thêm tiền phụ chồng, Thắm nhận giúp việc nhà cho 1 gia đình ở quận 7 từ 16 giờ đến tối muộn với giá 100.000 đồng/ngày. Nơi Thắm giúp việc là một biệt thự sang trọng nằm trong khu Phú Mỹ Hưng. Cô chủ tên H. làm nghề người mẫu, có chồng là một người lớn tuổi thường đi công tác xa, lâu lâu mới về.
Phóng viên Báo Người Lao Động (bìa phải) tiếp xúc với một người mang thai hộ đang ở trọ tại huyện Nhà Bè – TP HCM Ảnh: Quang Khải
Thấy Thắm mạnh khỏe, tính tình lại vui vẻ, một hôm, cô chủ gọi Thắm vào phòng tâm sự. Cô chủ cho biết đang sống kiểu “phòng nhì” với một đại gia, muốn có con để ràng buộc chồng nhưng lại không muốn đẻ vì sợ mất dáng nên đề nghị Thắm mang thai hộ. Quá bất ngờ nhưng Thắm hứa sẽ giúp nếu được chồng đồng ý.
Vừa nghe vợ trình bày ý định, chồng Thắm mắng như tát nước vào mặt rằng con mình không có tiền nuôi, hơi sức đâu đi mang thai hộ cho người khác. Tuy nhiên, 500 triệu đồng là số tiền quá lớn mà cả đời làm thuê chẳng thể nào có được. Nếu đồng ý thì 9 tháng sau, vợ chồng Thắm sẽ sở hữu số tiền trong mơ này. Thế là họ đồng ý mang thai hộ cho H.
Theo thỏa thuận, Thắm nhận trước 20 triệu đồng làm chi phí kiểm tra sức khỏe trước khi cấy phôi thai. Sau nhiều lần xét nghiệm, Thắm được cấy phôi thai từ tinh trùng và trứng của “vợ chồng” H. Sau đó, Thắm được cho về nhà nghỉ dưỡng sức nhưng phải tuân thủ các quy định của bác sĩ, thỏa thuận của người thuê như không được tiếp tục buôn bán. Một tháng sau, thai đậu, Thắm phải thăm khám theo định kỳ và chờ ngày sinh đẻ.
Nỗi buồn sau vượt cạn
Trong thời gian mang thai, Thắm được H. cung cấp mỗi tháng 10 triệu đồng để bồi dưỡng sức khỏe. Lúc này, mỗi lần qua điện thoại, H. đều căn dặn Thắm phải ăn uống đủ chất, không được tiết kiệm mà ảnh hưởng đến thai nhi. Đến tháng thứ ba, khi biết thai nhi khỏe mạnh, cả H. và Thắm đều mừng rỡ. Trước khi sinh 2 ngày, Thắm được đưa vào một bệnh viện quốc tế để sinh mổ; đồng thời Thắm phải mang tên, tuổi, ngày tháng năm sinh của H.
Video đang HOT
Sau khi tỉnh lại, toàn thân đau buốt, vừa mở mắt, Thắm thấy bên cạnh chỉ có chồng mình. Rảo mắt nhìn quanh, chiếc nôi trống không, Thắm biết người ta đã mang đứa trẻ đi. Quay mặt vào trong tường để giấu đi những giọt nước mắt, Thắm thều thào mong được nhìn mặt đứa trẻ. Người chồng ngồi thu lu, an ủi: “Thôi, không phải là con mình mà. Dù mượn “cửa” ra thôi, sao anh cũng vẫn muốn nhìn nó một lần nhưng họ đã mang đi từ khi đứa bé vừa chào đời.
Số tiền 500 triệu đồng quá lớn đối với vợ chồng Thắm, nó có thể thay đổi hẳn cuộc sống cơ cực mà họ đã gánh chịu suốt những năm tháng qua. Với số tiền này, vợ chồng Thắm dự định mua 1 căn nhà nhỏ ở ngoại ô, đón thằng con 3 tuổi dưới quê lên cho nó đi học, hằng ngày tiếp tục bán rau dưới chân cầu Ông Lãnh…
Hai tuần sau khi sinh, Thắm bảo chồng chở đến nhà H. để thăm đứa con mình đã dứt ruột đẻ ra. Căn biệt thự nằm im lìm trong nắng trưa, sau tiếng chuông cửa, một phụ nữ lớn tuổi bước ra. Người phụ nữ cho biết mình vừa thuê căn nhà này hơn 1 tháng và hoàn toàn không biết người thuê trước đó đã đi đâu.
Vợ chồng Thắm lầm lũi bước đi như kẻ mất hồn.
Nghề môi giới La cà ở các khu nhà trọ nằm khuất sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo dưới chân cầu Rạch Đỉa, huyện Nhà Bè, TP HCM, bà Tám Bía đang tìm 3 người có diện mạo dễ coi, sức khỏe tốt, trên 30 tuổi, đã có chồng và 1 lần sinh con để thuê mang thai hộ cho 3 cặp vợ chồng mắc bệnh vô sinh. Mỗi giao dịch thành công, bà Tám Bía được nhận hoa hồng 50 triệu đồng. Trong vai người phụ nữ lớn tuổi không còn khả năng sinh đẻ, tôi được bà Tám Bía ra giá tới 100 triệu đồng tiền công môi giới vì theo bà, nếu có trứng rồi thì bà chỉ nhận 50 triệu đồng thôi, trường hợp lớn tuổi hết trứng như tôi thì phải gấp đôi vì công đoạn lấy trứng đau lắm nên không mấy người mang thai hộ chịu cho. Sau nhiều vụ thành công, bà Tám Bía phân bua: “Tui làm nghề này để mang phước đức cho người khác. Người cần tiền thì có tiền, người cần con thì được con”. Theo bà Tám Bía, phần lớn những ca mang thai hộ, mọi động thái từ khám thai đến sinh mổ vào thời điểm nào, ở đâu đều do người thuê đẻ quyết định. Đã môi giới thành công 7 vụ nhưng bà chưa thấy trường hợp nào không giao con vì phần lớn người đẻ thuê nghèo nên rất cần tiền, không giao con thì lấy gì mà nuôi.
Theo Ngọc Mai
Phải là người thân mới được mang thai hộ
"Cơ chế thân thích là để đảm bảo tính hỗ trợ, chia sẻ, tránh việc bị thương mại hóa" - Tổ trưởng biên tập Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nói về chế định "mang thai hộ vì mục đích nhân đạo".
"Cơ chế thân thích là để đảm bảo tính hỗ trợ, chia sẻ, tránh việc bị thương mại hóa" - ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), Tổ trưởng biên tập Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nói về chế định "mang thai hộ vì mục đích nhân đạo".
Nhu cầu "mang thai hộ" là rất lớn
Thưa ông việc mang thai hộ lâu nay vẫn bị pháp luật nghiêm cấm. Tại sao trong Dự thảo luật lần này lại bổ sung chế định mang thai hộ?
- Đúng là Dự thảo luật lần này dự trù đưa vào một quy định rất mới là "mang thai hộ vì mục đích nhân đạo". Quy định này xuất phát từ nhu cầu thực tế trong đời sống xã hội ở nước ta, có rất nhiều gia đình chỉ có mỗi người con trai mà vợ anh ta lại không thể sinh nở trong khi truyền thống văn hóa ở ta coi trọng việc sinh con nối dõi.
Thực tế ở nhiều nơi, đặc biệt tại các bệnh viện phía Nam, có rất nhiều đơn gửi tới lãnh đạo bệnh viện với nguyện vọng nhờ người mang thai hộ, nhưng các bác sĩ từ chối vì luật chưa có. Nhiều bác sĩ nói với tôi khi đọc nhiều lá đơn đã phát khóc bởi những câu chuyện có tình cảnh éo le, thương cảm.
Chính vì thế họ đã kiến nghị nên sửa luật cho phép "mang thai hộ vì mục đích nhân đạo". Theo tôi cần phải cho phép việc này vì đây là giải pháp mang tính nhân đạo rất lớn, nó giúp cho những cặp vợ chồng hiếm muộn không thể đẻ con một cách bình thường có con để chăm nuôi, người phụ nữ được làm mẹ.
Nuôi cấy trứng non thụ tinh trong ống nghiệm bằng kỹ thuật IVM tại Bệnh viện An Sinh, TP.HCM.
Từ trước tới nay đã có nhiều trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại. Nếu tới đây luật cho phép thì liệu mục đích "nhân đạo" có bị lợi dụng?
- Cũng có nhiều ý kiến cho rằng khi luật cho phép, việc mang thai hộ sẽ bị lợi dụng. Bởi khi cấm người ta vẫn còn làm huống chi là cho phép, tuy nhiên tôi cho rằng sự lo lắng đó không có cơ sở.
Chính vì chúng ta cấm mới sinh ra chuyện mang thai hộ một cách lén lút, mà khi làm lén lút thì hậu quả nghiêm trọng hơn là chúng ta hợp pháp hóa nó. Trên thực tế có những người vì nhu cầu phải có con người ta dùng cách thuê người mang thai để đẻ. Làm như vậy, một là tốn kém, hai là vì lén lút người mang thai hộ không được khám định kỳ, thiếu sự chăm sóc, hỗ trợ về y tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Có nhiều trường hợp mang thai hộ bất hợp pháp dẫn đến việc chết cả mẹ, lẫn con. Khi đã hợp pháp hóa mới tạo điều kiện cho người có nhu cầu được thực hiện một cách công khai, tránh được những hậu quả đáng tiếc khi phải làm chui.
Người đã sinh con mới được phép mang thai hộ
Trong Dự thảo luật quy định điều kiện của người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ ra sao, thưa ông?
- Khi đã có chủ trương cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì luật pháp phải quy định đảm bảo chặt chẽ từ 2 phía để tránh sự lạm dụng vì mục đích thương mại. Ở đây có 2 chủ thể, người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Khi cả 2 đáp ứng đủ điều kiện mới được thực hiện hành vi của mình.
Không phải ai cũng nhờ người khác mang thai hộ được, chỉ được áp dụng đối với những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Còn nếu một cô ca sĩ hay người mẫu khỏe mạnh bình thường, nhưng không muốn mang thai vì sợ ảnh hưởng đến hình thức và muốn nhờ người khác mang thai hộ thì trường hợp này, luật không cho phép.
Về phía người nhận mang thai hộ, thứ nhất quy định độ tuổi bao nhiêu để đảm bảo sức khỏe khi mang thai hộ, chẳng hạn từ 21 - 40 tuổi; thứ hai là người này không mắc các bệnh nguy hiểm để khi mang thai không dẫn đến hậu quả xấu. Người có bệnh y học chứng minh khi mang thai nguy hiểm đến tính mạng thì không được phép; thứ ba là người đó phải đẻ một lần rồi, bởi như vậy mới có kinh nghiệm.
Bên cạnh đó 2 bên phải đảm bảo một điều kiện quan trọng là không phải vì tiền, không phải ký hợp đồng để rồi sau đó đòi tiền nhau. Đây là việc nhân đạo, trên tinh thần tương trợ lẫn nhau. Theo tôi trên thực tế để kiểm soát chặt cái này cũng khó nhưng khi đã có quy định như vậy rõ ràng sẽ hạn chế được.
Thạc sĩ - Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM: Hiện nay về mặt chuyên môn, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng sau đó đưa vào tử cung của người mang thai hộ là không khó. Hiện các bệnh viện sản tuyến trên hoặc các trung tâm hỗ trợ sinh sản đều có thể thực hiện được.
Dự thảo Luật quy định người mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ. Nhưng lại có thêm phương án trong trường hợp không có người thân thích để nhờ mang thai hộ thì có thể nhờ người phụ nữ khác mang thai hộ. Điều này có bất hợp lý?
- Đây là vấn đề chúng tôi đang bàn. Có quan điểm đưa ra là những người mang thai hộ phải có quan hệ thân thích với bên nhờ mang thai hộ. Quy định này là để làm hẹp lại đối tượng nhờ và được nhờ mang thai hộ.
Quan điểm thứ hai thì cho rằng quy định như vậy giống như mở cửa chỉ mở một cánh, đã mở là mở rộng, bất cứ người nào có khả năng mang thai đều có thể được người ta nhờ, không bị hạn chế bởi mối quan hệ.
Theo tôi trong điều kiện nước ta cần phải quy định theo hướng hẹp, bởi cơ chế thân thích là để đảm bảo tính hỗ trợ, chia sẻ, tránh việc bị thương mại hóa. Một người không quen biết mà họ nhận giúp thì rõ ràng không phải vì sự chia sẻ, giúp đỡ.
Xin cảm ơn ông
Theo Lương Kết (Dân Việt)
Mang thai hộ không phải là đẻ thuê Dự luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bên mang thai hộ không được quyền yêu cầu hỗ trợ vật chất cho việc mang thai. LTS: Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) sửa đổi, bổ sung vừa được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến người dân. Trong đó có những vấn đề mới như...