Nửa đêm ra đồng… cấy lúa
Buổi tối là thời gian nghỉ ngơi nhưng nhiều nông dân ở Thanh Hóa lại phải lao động cật lực để cấy lúa cho kịp thời vụ. Thời tiết nắng nóng oi bức ban ngày khiến nhiều nông dân cực chẳng đã phải chọn cách ra đồng cấy lúa vào ban đêm.
Những ngày này, trên nhiều cánh đồng ở Thanh Hóa, bà con nông dân đang xuống đồng cấy vụ lúa hè thu. Do thời tiết những ngày qua nắng nóng kéo dài nên công việc đồng áng của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi nắng nóng khô hạn, không có nước sinh hoạt và nước sản xuất nông nghiệp. Nhiều nơi có nước nhưng thời tiết lúc nào cũng ở ngưỡng 39 – 40 độ C, người nông dân không thể phơi mình dưới cái nắng như rang. Nước nóng, cây lúa cấy xuống không bén rễ, bị chết, nên nông dân không thể cấy lúa vào ban ngày.
Để tránh nắng, nông dân ở Thanh Hóa ra đồng cấy lúa vào ban đêm
Để cho kịp thời gian vụ mùa, lúa được cấy đúng thời vụ, nông dân nhiều nơi ở Thanh Hóa đã chọn phương pháp ra đồng lúc nửa đêm để cấy lúa. Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, bà con nông dân ở một số huyện như: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Hà Trung, Đông Sơn… vào mỗi buổi tối lại nhộn nhịp sản xuất trên các cánh đồng.
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng lúa ở xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa vào lúc 21h đêm. Những ánh đèn pin lấp ló trên nhiều thửa ruộng, dưới ánh sáng đèn pin, những bàn tay thoăn thoắt cấy mạ xuống bùn sâu.
Công việc được bắt đầu từ cuối giờ chiều đến đêm khuya mới nghỉ
Chị Nguyễn Thị Hường cười nói: “Ban ngày trời nắng nóng quá, ở trong nhà còn không chịu nổi chứ nói gì ra đồng mà đi cấy lúa. Ban ngày không đi cấy được chỉ còn cách là phải đi cấy ban đêm cho kịp thời vụ”.
Những ngày này, lịch làm việc của gia đình chị Hường bị đảo lộn hoàn toàn. Ban ngày, gia đình làm các công việc nhà và nghỉ ngơi. Ban đêm cả nhà lại ra đồng đi cấy lúa, công việc làm đồng bắt đầu từ 17h chiều. Khi trời chưa tối, mọi người trong gia đình chị cùng nhổ mạ rồi chuyển xuống ruộng lúa, bón phân, xong hết các công việc trên mới cấy lúa.
Ánh sáng le lói của chiếc đèn pin trên đầu vừa đủ rọi một khoảng ruộng nhỏ
Về bữa cơm tối của gia đình, chị Hường cho hay: “Có hôm thì ăn cơm ở nhà rồi mới ra đồng, có bữa thì một người ở nhà nấu rồi mang ra cho những người ở ngoài đồng ăn luôn tại ruộng. Làm nông nghiệp thì ăn uống cũng thất thường lắm. Nhất là vào ngày mùa và những ngày nắng nóng như thế này, có ăn cũng cho qua bữa. Gia đình tôi gắng làm sao để cấy xong được hơn 5 sào lúa cho kịp được thời vụ là đỡ lo hơn, chứ cứ nắng thế này không cấy nhanh hết nước khô hạn lúa chưa bén rễ, chết thì mất mùa”.
Video đang HOT
Đang cấy lúa sát bên gia đình chị Hường là chị Trần Thị Nga và bà Ngô Thị Lan. Thửa ruộng nhà chị Nga hơn 2 sào đã cấy được hơn 2/3. Chị Nga cho hay, để cấy được diện tích lúa như vậy chị đã phải ra đồng hai đêm nhưng vẫn chưa xong. Buổi tối hôm nay, chị Nga mượn thêm bà Lan cấy để gắng cho xong được thửa ruộng này để chuyển qua nơi khác cấy không ruộng bị khô hết nước.
“Gắng cấy hết hôm nay mà không kịp, chắc ngày mai tôi phải thuê thêm người cấy giúp không có ruộng bị khô nước, cấy không kịp được thời vụ. Thuê người đi cấy thuê ban ngày cũng khó lắm, dù công cao nhưng nắng như thiêu đốt nên chẳng ai đi. Thuê cấy ban đêm thì lại không đủ thời gian làm việc, trời cứ nắng mãi thế này làm nông nghiệp vất vả trăm bề” – chị Nga than phiền.
Bà Ngô Thị Lan chia sẻ: “Cấy ban ngày đủ ánh sáng thì hàng lúa đẹp hơn, ban đêm cấy bằng đèn tối quá cũng không thấy rõ nên hàng lúa không được đẹp cho lắm. Trời tối cấy hàng lúa hơi thưa nên sau khi lúa bén rễ lại phải đi rậm lại, cũng mất công lắm. Làm nông nghiệp bây giờ chẳng ăn thua gì, một vụ lúa có khi còn lỗ, khổ nỗi giờ ở quê không làm ruộng thì biết làm gì được?”.
Tâm sự của bà Lan cũng là nỗi niềm chung của nhiều bà con nông dân. Biết là mỗi vụ múa chẳng cho thu nhập được bao nhiêu nhưng bà con nông dân không bám lấy ruộng thì biết làm gì để sống?
Thời gian càng về đêm, trên nhiều cánh đồng công việc cấy lúa của bà con nông dân càng khẩn trương, nhộn nhịp. Nhiều người dân ở huyện Đông Sơn ví von, cái thời “ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” qua đã lâu nay trở lại.
Những ánh đèn pin của của người đi cấy lúa đêm tràn ngập khắp cánh đồng
“Nghe ông bà kể cái thời xưa “ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” chúng tôi ai cũng thấy đậm chất khổ của người xưa. Giờ thời hiện đại người dân cũng phải đi cấy ban đêm nhưng không phải bằng ánh trăng mà hiện đại hơn là có cái đèn pin, đỡ tối và chủ động hơn nhiều. Bà con nông dân chúng tôi vừa cấy ban đêm vừa hát bài dân ca “đi cấy” cho quên mệt nhọc” – ông Trịnh Minh Thành ở huyện Đông Sơn chia sẻ.
Thái Bá
Theo Dantri
Nông dân sung sướng đón "mưa vàng" sau nhiều tháng hạn nặng
Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, từ tối qua (21/6), trên địa bàn các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị... đã xuất hiện nhiều đợt mưa. Dù lượng mưa không lớn nhưng đủ khiến những người nông dân mãn nguyện, kịp thời giải cứu hàng ngàn ha lúa, màu đang trong cơn hạn nặng.
Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, từ tối qua (21/6), trên nhiều huyện thị tại địa phương này đã xuất hiện nhiều đợt mưa nhỏ, mưa vừa. Đánh giá về những đợt mưa này, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) nói rằng, đây là đợt mưa vàng bởi đã nhiều tháng qua Hà Tĩnh chưa có
Hạn hán kéo dài đã khiến một diện tích lớn đất trồng lúa tại Hà Tĩnh phải chuyển đổi sang trồng màu
Theo ông Thanh, dù lượng mưa không lớn, tuy nhiên do diễn ra trên diện rộng khiến thời tiết dịu hẳn, nên đợt mưa đã tác động hết sức tích cực đối với ngành trồng trọt tại địa phương này. Các hộ gia đình trồng đậu Hè Thu là những người vui nhất.
"Theo kế hoạch vụ Hè Thu năm nay Hà Tĩnh sẽ trồng hơn 9.000 ha đậu. Thời điểm để kết thúc việc xuống giống đậu là ngày 7/5. Do hạn hán nặng, một lượng lớn diện tích chủ yếu là ở các huyện miền núi hầu như phải bỏ hoang hoặc chuyển đổi. Trong bối cảnh đó cơn mưa tối qua và sáng nay xuất hiện khiến chính quyền và người dân nhiều địa phương rất phấn khởi. Bây giờ mới là 22/6, khi đất đai mềm hơn, thời tiết đã thuận lợi hơn, việc hoàn thành mục tiêu trồng hơn 9.000 ha đậu vẫn còn rất khả dĩ"- ông Thanh nói.
Ngoài đậu và một số cây màu khác, theo ông Thanh, lúa hạn cũng đã được đợt mưa này "giải cứu" kịp thời. "Hiện Hà Tĩnh đã gieo trồng được 90% trong tổng số 41.760 ha lúa Hè Thu. Không chỉ vùng hạn hán, mà ngay tại những vùng chủ động được nước tưới thì đợt mưa này đã làm thay đổi môi trường, độ ẩm, giúp lúa sinh trưởng tốt hơn"- ông Thanh nói.
Dù lượng mưa chưa đáng kể, nhưng đợt mưa từ tối ngày 21/6 đã giúp hàng ngàn ha lúa Hè Thu tại Hà Tĩnh được tưới mát
Tại huyện Lộc Hà, một trong những địa phương chịu hạn nặng nề nhất tại Hà Tĩnh do thiếu mưa trong khi nguồn nước tưới từ sông La nhiễm mặn nặng, người dân thở phào khi mưa xuất hiện trên diện rộng.
"Đợt mưa từ tối qua dù chưa lớn nhưng thực sự là rất quý, người dân đã phải chờ đợi quá lâu. Chưa cập nhật được số liệu cụ thể, nhưng chúng tôi tin chắc một lượng lớn diện tích lúa vừa gieo trồng đang bị ảnh hưởng của hạn hán tại địa phương đã được tưới mát. Nếu một hai ngày tới do ảnh hưởng của bão số 1 mưa vẫn tiếp tục diễn ra thì hạn hạn sẽ giảm đi đáng kể"- PCT UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn phấn chấn.
Cùng với ngành trồng trọt, những đợt mưa từ tối qua cũng đã giúp người dân buôn, trồng cây cảnh thở phào. Nhiều gốc cây trị giá tiền triệu đã được mưa, khí hậu mát mẻ giải cứu kịp thời trước những đợt nắng nóng liên tiếp.
"Đợt nắng vừa qua chúng tôi thiệt hại hàng chục, thậm chí có người còn thiệt hại vài ba trăm triệu đồng. Dù đã liên tục tưới nhưng nắng nóng đã khiến nhiều gốc cây trị giá bị chết, chúng tôi buộc phải hoàn trả tiền cho khách hàng. Hi vọng trận mưa, thời tiết mát mẻ này sẽ giúp người buôn cây cảnh như chúng tôi dễ thở hơn- ông Hoa, một người hành nghề buôn cây cảnh tại thị trấn Nghèn huyện Can Lộc cho hay.
Quảng Trị: Cơn "mưa vàng" giải nhiệt cho vùng khô hạn
Các trận mưa kéo dài trong ngày hôm qua và hôm nay đã giúp Quảng Trị xua tan cái nóng khủng khiếp kéo dài mấy tháng qua. Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Quảng Trị, lượng mưa đo được phổ biến từ 10-20 mm, nơi cao nhất là 38,8mm, riêng tại Hướng Hóa là 22 mm.
Cơn mưa kéo dài xuất hiện vào trưa nay tại địa bàn TP Đông Hà
Tại địa bàn huyện Hướng Hóa, địa phương chịu ảnh hưởng khốc liệt nhất của hạn hán khiến hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đời sống của người dân nhiều địa bàn bị đảo lộn. Nhiều hồ, đập thủy lợi bị cạn trơ đáy, hàng ngàn héc ta hoa màu, cây công nghiệp... không đủ nước tưới và bị chết khô.
Nhiều diện tích hoa màu nhờ có mưa nên đã tích đủ nước
Ở các xã vùng Lìa (huyện Hướng Hóa), cơn mưa này giúp người dân bớt lo âu trước tình trạng cây trồng héo úa, chờ chết vì hạn.
Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho hay: dù cơn mưa nhỏ nhưng kéo dài từ tối qua đến sáng nay thực sự là cơn "mưa vàng". "Mưa giúp tạo ẩm độ trong đất, nhiệt độ không khí hạ xuống, giúp cây trồng phát triển trở lại, đồng thời mực nước ngầm tăng đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân" - ông Khả nói.
Trong khi đó, tại các xã đồng bằng, cơn mưa kéo dài gần 3h sáng và trưa nay đã góp phần "giải nhiệt" cho vùng đất này. Đợt khô hạn vừa qua đã khiến cho mực nước các hồ, đập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị cạn kiệt, trên 10.000 ha lúa và nhiều diện tích hoa màu trong vụ Hè Thu bị khô hạn. Trong đó, hơn 3.700 ha đất lúa không sản xuất được do thiếu nước tưới.
Lượng nước mưa đáng kể nói trên đã giúp cho nhiều diện tích cây trồng của bà con nông dân ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh, TP Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng...có đủ nước tưới.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại một số cánh đồng thuộc TP Đông Hà, Cam Lộ, Triệu Phong,...tình trạng chân ruộng bị nứt nẻ, lúa cháy khô như đợt nắng nóng vừa qua đã không còn. Hàng ngàn héc ta lúa đã lên xanh sau khi tích đủ nước ở chân ruộng. Bên cạnh đó, nhờ trận "mưa vàng" mà gia súc cũng có được nguồn thức ăn, nước uống.
Nhờ có mưa nên gia súc cũng có được nguồn thức ăn và nước uống
Ông Ngô Quang Thắng, nông dân huyện Gio Linh, cho biết, gia đình tôi làm 5 sào ruộng lúa nhưng vụ Hè thu năm nay, do không có đủ nguồn nước nên một nửa diện tích bị bỏ hoang và không thể canh tác được. Số diện tích lúa đã gieo sạ xong cũng bị ảnh hưởng do thiếu nước, chân ruộng nứt nẻ, nhưng trận mưa ngày hôm nay đã tích được nước cho cây trồng. Nhờ có mưa nên đất đai có đủ độ ẩm và có thể trồng được các loại cây hoa màu như rau, đậu...
Tiến Hiệp - Anh Tấn - Đăng Đức
Theo Dantri
Khi người lính giúp bà con "chiến đấu" với... vải thiều Tại Phố Kim (điểm thu mua vải thiều lớn của Bắc Giang) trong cơn mưa tầm tã, những người lính chia nhau chiếc túi nilon thay áo mưa, dầm nước đẩy xe vải, giúp bà con nhanh chóng cân hàng, giải tỏa giao thông. Khi đợt thu mua vải đang ở thời điểm rộ nhất, Lữ đoàn Công binh 219 đóng tại thôn...