Nửa chữ cũng là thầy!
Sau lần đến thăm và trao số tiền hỗ trợ em Nguyễn Thị Tuyết Nhi bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, tôi đã có dịp gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ của những thầy cô trong ngôi trường em đang theo học.
Và câu chuyện nhà trường tìm mọi cách giúp đỡ gia đình Tuyết Nhi đã một lần nữa chứng minh câu nói “nửa chữ cũng là thầy” vẫn luôn luôn đúng.
Thầy Dương Minh Sử nhận số tiền hỗ trợ của nhà hảo tâm dành cho em Tuyết Nhi thông qua Báo An Giang
Đến Trường Tiểu học “C” Phú Hội (An Phú, An Giang) vào một ngày cuối tuần để trao số tiền hỗ trợ cho Tuyết Nhi, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với thầy Dương Minh Sử, Hiệu trưởng nhà trường, về quá trình vận động nguồn kinh phí để giúp đỡ gia đình em. Thật tình, tôi hơi bất ngờ khi lần đầu tiên gặp một bức “thư ngỏ” xin hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn do một trường học thực hiện. Bởi lẽ, đó là nơi để dạy và để học theo cách nghĩ đơn thuần. Tuy nhiên, với ngôi trường nghèo khó ở một xã còn khó nghèo như Phú Hội, thì ngoài việc dạy và học còn là nơi thể hiện rất rõ tình cảm thầy trò.
“Sau khi Tuyết Nhi bị tai nạn giao thông thì bà ngoại em đến đây xin nhà trường giúp đỡ. Thật tình, với vai trò là đơn vị giáo dục, chúng tôi không biết phải giúp em bằng cách nào. Sau khi họp bàn, Ban Giám hiệu và đại diện Hội cha mẹ học sinh của trường đã thống nhất làm bức thư ngỏ để kêu gọi sự hỗ trợ của các điểm trường khác trong huyện An Phú. Trước đó, tập thể giáo viên, học sinh của trường đã đóng góp được 6 triệu đồng để hỗ trợ gia đình đưa em đi TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật. Vì số tiền đó chẳng thấm vào đâu nên chúng tôi tiếp tục vận động, một số anh em đã đưa bức thư ngỏ lên mạng xã hội để tìm kiếm thêm những tấm lòng vàng” – thầy Dương Minh Sử kể.
Thầy Sử chia sẻ, nhà trường quyết định ra bức thư ngỏ ấy nhưng không biết mình làm như vậy có đúng hay không. Nhưng tình thế cấp bách, tấm lòng người thầy khiến họ không do dự. Sau khi bức thư ngỏ được phát đi, đã có nhiều nhà hảo tâm đến hỗ trợ Tuyết Nhi để em có thêm động lực vượt qua cơn nguy kịch. Sau khi bức thư ngỏ được gửi đi, ban giám hiệu nhà trường mới báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú cùng Đảng ủy, UBND xã Phú Hội về việc này. Được UBND xã Phú Hội yêu cầu làm nơi tiếp nhận, quản lý số tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ Tuyết Nhi, nhà trường đã nhận được hơn 300 triệu đồng để chuyển đến gia đình em lo viện phí.
“Chúng tôi không nghĩ mình đang làm việc gì to tát mà đó là tấm lòng của người thầy đối với học sinh của mình. Người xưa nói, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” trong khi Tuyết Nhi học ở trường hơn 1 tháng đã “kha khá” chữ rồi!” – thầy Sử nói vui. Chia sẻ hóm hỉnh của người hiệu trưởng ấy làm tôi suy nghĩ về đạo thầy trò! Rõ ràng, câu nói với ấy mục đích là khẳng định truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt. Nhưng ở đây, người làm thầy đã lấy đó để nhận phần trách nhiệm phải giúp đỡ, đồng hành với học sinh của mình vượt qua cơn nguy kịch.
Video đang HOT
Từ thông tin của thầy Sử, tôi được biết Tuyết Nhi đã xuất viện về nhà và sức khỏe đang tiến triển tốt. Tuy nhiên, em sẽ còn trải qua cuộc phẫu thuật thay nắp hộp sọ với kinh phí dự kiến từ 70 – 100 triệu đồng. Hiện tại, nhà trường đang tiếp tục xin ý kiến của Đảng ủy, UBND xã Phú Hội để quản lý số tiền còn lại một cách hợp lý, nhằm giúp Tuyết Nhi có điều kiện chữa bệnh sau này. Ngoài ra, gia đình em cũng yêu cầu nhà trường có cách giữ gìn, quản lý số tiền để sử dụng lâu dài, hợp lý.
“Hiện tại, chúng tôi đã thông báo xin dừng tiếp nhận hỗ trợ bởi Tuyết Nhi đã qua cơn nguy kịch. Chúng tôi xin gửi lời tri ân đến các nhà hảo tâm đã giúp đỡ Tuyết Nhi thời gian qua. Mong rằng, những nghĩa cử cao đẹp ấy sẽ tiếp tục được phổ biến rộng rãi hơn trong xã hội” – thầy Dương Minh Sử mong mỏi.
Qua câu chuyện những giáo viên của Trường Tiểu học “C” Phú Hội tìm mọi cách giúp đỡ học sinh của mình vượt qua nguy kịch chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện đẹp về người thầy trong thời hiện đại. Có lẽ đạo lý “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” vẫn sẽ mãi tồn tại trong xã hội để hướng chúng ta về chân lý tốt đẹp. Và trong những ngày của tháng 11 này, mỗi chúng ta hãy nhớ đến những người thầy đã đi qua cuộc đời mình và nhất là chân lý đã trở thành nét đẹp truyền thống của người Việt: “nửa chữ cũng là thầy!”.
Không có mùa nước nổi, hạn hán sẽ đến sớm và khốc liệt hơn ở ĐBSCL
Dự báo khô hạn có thể đến sớm và khốc liệt hơn những năm trước, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, hiện nay, mực nước đầu nguồn của tỉnh An Giang trên sông Tiền là 2,7m và sông Hậu 2,56m; dưới báo động I, trên sông Tiền là 0,8m và sông Hậu là 0,45m. Đây được xem là đỉnh lũ năm nay, mực nước này thấp hơn so với trung bình nhiều năm, thậm chí còn thấp hơn đỉnh lũ năm 2019. Với đỉnh lũ như hiện nay, dự báo khô hạn có thể đến sớm và khốc liệt hơn những năm trước, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân tại khu vực này.
Mặc dù mong manh, nhưng người dân vẫn chuẩn bị các ngư cụ hy vọng đón mùa lũ muộn.
Hiện nay, đã gần hết tháng 10, nhưng mực nước ở sông, rạch tại các địa phương đầu nguồn khu vực ĐBSCL vẫn ở mức rất thấp, nhiều cánh đồng nước mới chỉ xăm xắp mặt ruộng, có khu vực đã ngập từ 60- 80cm, nhưng chủ yếu nước mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 8 vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Sấm, năm nay đã 80 tuổi ở xã Vĩnh Hội, huyện An Phú, một huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang cho biết, gia đình ông không có ruộng, quanh năm sống bằng nghề chài, lưới. Hàng năm, nguồn lợi thủy sản từ mùa nước nổi mang lại là nguồn thu nhập chính của gia đình ông cũng như người dân nơi đây. Năm nay, nước thượng nguồn về thấp nên bà con gặp nhiều khó khăn trong việc mưu sinh.
"Tôi đã 80 tuổi rồi mà mới thấy nước nhỏ và muộn như năm nay. Không có nước là người dân ở đây khổ rồi. Các năm về trước, mùa nước nuôi mùa khô. Mỗi mùa nước kiếm được 50 - 60 triệu. Bây giờ không có mùa nước thì chịu thua", ông Sấm buồn bã nói.
Ông Nguyễn Văn Gàng ở xã Phú Hội, huyện An Phú, chuyên sống bằng nghề thu mua sản vật của ngư dân trong vùng cho biết, những năm trước đây, vào thời điểm này, mỗi ngày ông thu mua hàng tấn cá, tôm. Tuy nhiên năm nay chỉ đạt được 20%.
"Ở đây đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp, sống nhờ vào mùa nước nổi. Có những bà con sắm bộ dớn từ 20 - 30 triệu, sắm rồi mà để khô trên bờ không đi được. Nước không có nên cuộc sống người dân bấp bênh. Nhất là đang mùa dịch bệnh, địa phương cấm biên giới, nên mua bán không được, đi làm cá mắm cũng không được, vì thế bà con gặp khó lắm", ông Gàng cho hay.
Những cánh đồng cỏ và gốc lúa từ vụ trước đã mọc trở lại
Theo ông Đoàn Phú Trí, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội, huyện An Phú, là một xã biên giới, người dân chủ yếu là làm nông nghiệp và giao thương buôn bán nhỏ giữa 2 bên biên giới. Mùa nước năm nay quá thấp, lại ngay thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân không được qua lại giao thương giữa hai biên giới, nên người dân càng gặp khó hơn.
Ông Phạm Thành Tâm, Phó phòng NN&PTNT huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, hiện nay nước thượng nguồn đã về, nhưng ở mức rất thấp, nên sản xuất nông nghiệp càng khó khăn hơn, nhất là các hộ dân sống nhờ vào mùa nước nổi, các làng nghề chuẩn bị ngư cụ để khai thác mùa lũ không còn nhộn nhịp như trước.
Chợ Ma, là chợ đầu mối bán các sản vật mùa lũ, năm nay rất đìu hiu.
Khoảng 70% người dân chuyên khai thác thủy sản mùa nước nổi đã chuyển đổi sang nghề khác hoặc đi làm ăn xa. Đối với việc sản xuất nông nghiệp, theo kế hoạch, năm nay địa phương sẽ xả lũ lấy nước vào đồng ruộng với diện tích khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, năm nay nước về trễ và thấp hơn mọi năm, nên kế hoạch xả lũ khó thực hiện, đồng ruộng không được thau chua, rửa phèn, cỏ mọc... sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất vụ sau.
"Người dân tuân thủ không xuống giống những vùng không có đê bao chắc chắn, vì không biết được nước lên lúc nào. Nếu nước không lên, bà con sẽ rất vất vả, mùa vụ tới cỏ rác mọc lên nhiều, mà không có phù sa... Bà con tốn chi phí nhiều trong việc dọn dẹp đồng ruộng, phân bón tốn nhiều hơn để đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng. Nước không về, khai thác thác nguồn lợi thủy sản cũng không được", ông Tâm cho biết thêm.
Một số cánh đồng thuộc thị trấn Xuân Tô, huyện tịnh Biên (giáp Campuchia) nước đã ngập từ 60- 80cm, nhưng chủ yếu là do mưa ảnh hưởng cơn bão số 8 vừa qua
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa mưa năm nay, trên lưu vực sông Mekong xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa trên toàn lưu vực ở mức thấp so với trung bình nhiều năm. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa lũ đến nay ở mức rất thấp và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 và 2019 - đây là những năm, khu vực ĐBSCL có mực nước thấp nhất.
Tổng lượng mưa khu vực thượng nguồn thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 25%. Lượng dòng chảy qua trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc, tỉnh An Giang, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 31- 49%. Dự báo, mực nước đỉnh lũ năm nay cũng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 đến 1,6m và thấp hơn mức lũ cấp 1 tới 1,7m.
Ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường Cần Thơ, chuyên gia độc lập nghiên cứu về môi trường sinh thái ở miền Tây cho rằng, hiện mực nước ở thượng nguồn sông Mekong không cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn nhiều so với mực nước thấp nhất trong lịch sử.
Năm nay các cánh đồng nước ngập không sâu nên rất ít cá, tôm...
Nếu như từ nay đến hết mùa mưa, các nước trên thượng nguồn ĐBSCL không có mưa lớn kéo dài; Đầu năm 2021 nếu không có mưa trái mùa nhiều, mà là một mùa khô bình thường thậm chí là mùa khô kéo dài, đây sẽ là thách thức đối với sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Trước tình hình này, cần phải thay đổi lại lịch thời vụ sản xuất và tích cực trữ nước càng nhiều càng tốt...
"Hàng năm, cứ khoảng đầu tháng 7 là nước sẽ về ĐBSCL. Tuy nhiên, năm nay cho tới bây giờ nước vẫn còn rất là thấp. Năm nay có thể không có mùa nước nổi ở ĐBSCL. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, lượng mưa ở trên thượng nguồn ít. Năm 2021, đầu năm có thể bị hạn hán rất là nặng nề, vì thế cần quan tâm ngay từ bây giờ để có những biện pháp phù hợp", ông Vinh cho hay
Sau mùa khô hạn năm ngoái, người dân ở các tỉnh đầu nguồn khu vực ĐBSCL mong đợi đón một mùa "lũ đẹp" để thau chua, rửa phèn, bồi đắp phù sa đồng ruộng và cung cấp nguồn lợi thủy sản dồi dào... Tuy nhiên, đến thời điểm này mực nước trên sông, rạch tại khu vực đầu nguồn sông Cửu Long vẫn ở mức thấp. Dự báo, nguy cơ hạn hán có thể đến sớm và khốc liệt hơn năm ngoái, người dân các tỉnh ĐBSCL cần chủ động các giải pháp để ứng phó./.
An Phú khơi dậy sức dân chăm lo xây dựng địa phương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) do Thủ tướng Chính phủ phát động đến nay đã 10 năm. Đây là một chủ trương lớn, có tầm chiến lược của Đảng và nhà nước. Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc tổ chức, thực hiện chương trình xây...