Nữ Tổng Giám đốc chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng
Ngày 6/8, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Hồng Anh (SN 1974, ở phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) và Nguyễn Thị Ngà (SN 1982, ở phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Dự kiến, phiên xét xử kéo dài trong 3 ngày (từ 8-10/8).
Các bị cáo tại phiên tòa
“Xù” nợ hàng chục tỷ đồng
Theo cáo trạng, Nguyễn Hồng Anh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Container Quốc tế CAS ( Công ty Cascon) còn Nguyễn Thị Ngà là Trưởng phòng Kinh doanh. Quá trình tổ chức, quản lý, chỉ đạo điều hành Công ty, Hồng Anh đã có những hành vi vi phạm pháp luật.
Tài liệu điều tra thể hiện, để có vốn sản xuất kinh doanh cho Công ty VTC (tên cũ của Công ty Cascon), Hồng Anh đã ký 2 hợp đồng tín dụng vay vốn của Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy (Công ty VFC). Tài sản thế chấp là kho thép cuộn, container được bảo quản tại Công ty VTC ở Hải Dương với tổng giá trị tài sản gần 154 tỷ đồng.
Theo các hợp đồng trên, đến ngày 10/11/2009, Công ty VFC đã giải ngân cho Công ty VTC hơn 199 tỷ đồng và gần 3,3 triệu USD. Số tiền này, Công ty VTC đã dùng để trả lương công nhân, mua nguyên vật liệu, sản xuất hàng.
Để có vốn sản xuất kinh doanh, ngày 4/3/2010, Hồng Anh làm tờ trình gửi HĐQT Công ty VTC đề nghị cho bán hàng tồn kho, trong đó có tài sản thế chấp với lý do nếu để lâu hàng hóa sẽ bị han gỉ, giảm chất lượng, giảm giá. Ngày 20/3/2010, HĐQT Công ty VTC ra nghị quyết có nội dung nhất trí phê duyệt về chủ trương, phương án bán hàng tồn theo tờ trình của Ban điều hành Công ty, giao Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Anh làm việc với Công ty VFC để được sử dụng khoản tài chính này và tổ chức triển khai thực hiện.
Ngày 9/4/2010, Hồng Anh ký biên bản làm việc với Công ty VFC thống nhất nội dung Công ty VFC đồng ý cho Công ty VTC bán một phần tài sản thế chấp với điều kiện thanh toán tiền trước khi giao hàng, tiền bán được phải trả cho Công ty VFC theo tài khoản do họ chỉ định. Tuy nhiên, sau khi bán hàng trăm container, 1.194.000kg thép là tài sản thế chấp, Hồng Anh không trả tiền cho Công ty VFC mà dùng cho việc sản xất và kinh doanh của Công ty Cascon.
Hành vi này của Hồng Anh đã gây thiệt hại cho Công ty VFC số tiền hơn 32 tỷ đồng, do đó bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Video đang HOT
Chiếm đoạt của ngân hàng hơn 16 triệu USD
Ngoài hành vi trên, theo cáo trạng, Hồng Anh còn có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn chục triệu USD của ngân hàng. Theo cáo buộc, ngày 21/1/2010, Hồng Anh và Hsu Wen Ta (người Đài Loan) thành lập Công ty Sunny Investment (Công ty SNI) tại quần đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh nhằm mục đích để Công ty Uniteb Arab Shipping Company (Công ty UASC) chuyển tiền mua container theo yêu cầu của Anh.
Ngày 27/4/2010, Công ty UASC có văn bản đề nghị Công ty VTC sản xuất, bán 10.000 container cho họ. Sau khi nhận được đơn hàng, Hồng Anh chỉ đạo Nguyễn Thị Ngà soạn văn bản gửi đến Công ty UASC đồng ý sản xuất, bán 10.000 container với giá 4.038 USD/container. Sau đó Hồng Anh đại diện cho Công ty VTC ký biên bản ghi nhớ bán 10.000 container cho Công ty UASC, chia thành 2 đơn hàng.
Đơn hàng 1.000 container, Công ty VTC bán trực tiếp cho UASC, đơn hàng 9.000 container, Công ty VTC bán gián tiếp qua Công ty TNHH container VTC Hồng Kông. Với đơn hàng 9.000 container, Anh chỉ đạo Ngà soạn thảo 2 hợp đồng và giả đại diện Công ty SNI – Công ty của Hồng Anh ký với 2 tên khác nhau là Maria Tsai và Jennifer Nguyễn. Sau đó, Anh đã sử dụng các tài liệu là hợp đồng mua bán hàng hóa, biên bản ghi nhớ giả để vay của một ngân hàng ở Việt Nam hơn 31 triệu USD. Công ty Cascon sau đó cũng đã sản xuất, chuyển giao hàng hóa và được giải ngân hơn 39 triệu USD.
Tuy nhiên, đến hạn thanh toán, doanh nghiệp này và đối tác liên quan chỉ trả cho ngân hàng 11 triệu USD. Cơ quan chức năng xác định, Nguyễn Hồng Anh và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền lên đến 16,7 triệu USD (tương đương 353 tỷ đồng). Để chiếm đoạt được số tiền đặc biệt lớn nêu trên, nữ Tổng Giám đốc và đối tác thỏa thuận, tiền thanh toán cho bên thi công (Công ty Cascon) sẽ được chuyển đến tài khoản của Công ty SNI mở tại một ngân hàng ở Hồng Kông, bên mua là Công ty UASC sẽ được chiết khấu 1,35% trên tổng giá trị hợp đồng.
Cuối năm 2011, do không thấy Công ty SNI chuyển trả đủ tiền vào tài khoản nên ngân hàng cho vay ở Việt Nam yêu cầu Nguyễn Hồng Anh cung cấp hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp này để đòi nợ. Thấy vậy, nữ Tổng Giám đốc chỉ đạo Nguyễn Thị Ngà sử dụng email với danh nghĩa là đại diện Công ty SNI xin khất nợ.
Cơ quan chức năng xác định trong vụ án này, Nguyễn Hồng Anh là người tổ chức và trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 352 tỷ đồng của ngân hàng này. Nguyễn Thị Ngà là người giúp sức. Đối với một số cán bộ ngân hàng liên quan, CQĐT xác định, những người này đã tin tưởng vào Công ty Cascon vì là khách hàng truyền thống, có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả và việc giải ngân được chuyển đến tài khoản do ngân hàng quản lý. Do đó, những cán bộ này không phát hiện ra việc làm gian dối.
Hồng Mây
Theo baophapluat
Nữ tổng giám đốc dùng "mánh" chiếm đoạt 353 tỷ đồng của ngân hàng
Tạo ra phi vụ làm ăn hàng chục triệu USD, Hồng Anh chỉ đạo cấp dưới mạo danh doanh nghiệp đối tác để chiếm đoạt số tiền lên đến 16,7triệu USD của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Sau thời gian được điều trị bệnh tâm thần, Nguyễn Hồng Anh (tức Lisa Nguyen, SN 1974, trú ở phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) - nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cascon vừa bị đưa ra xét xử về các tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Giúp sức cho "sếp", Nguyễn Thị Ngà (tức Jennifer Nguyễn, SN 1982, trú ở phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) - cựu Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cascon cũng bị đưa ra xem xét về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, năm 2010, Công ty United Arab Shipping Company (UASC) thuộc Các tiểu Vương quốc Ả-rập liên hệ với Công ty Cascon và thỏa thuận mua 10.000 container do Công ty Cascon (tên cũ là Công ty VTC) sản xuất với giá 4.038 USD/container.
Cựu nữ tổng giám đốc Nguyễn Hồng Anh (bên trái) và đồng phạm tại phiên tòa.
Bán hàng hóa cho đối tác, Hồng Anh đề nghị UASC chỉ ký hợp đồng mua bán trực tiếp với Công ty Cascon số lượng 1.000 containner. Phần lớn số hàng hóa còn lại (9.000 container), nữ tổng giám đốc đề nghị Công ty Cascon sẽ bán cho UASC thông qua đơn vị trung gian là Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Sunny Investment (Công ty SNI).
Vậy nhưng trên thực tế, Công ty SNI cũng do chính Nguyễn Hồng Anh và đối tượng tên Hsu Wen-Ta (người Đài Loan- Trung Quốc ) thành lập ra, trụ sở tại quần đảo Virgin, thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh.
Tiến hành vụ mua bán container số lượng lớn, Nguyễn Hồng Anh sau đó đã sử dụng các tài liệu là hợp đồng mua bán hàng hóa, phụ lục hợp đồng, biên bản ghi nhớ và phương án kinh doanh để vay của Vietcombank hơn 31 triệu USD.
Thực hiện hợp đồng, Công ty Cascon đã sản xuất, chuyển giao hàng hóa và nhận của ngân hàng hơn 39 triệu USD. Tuy nhiên, doanh nghiệp này sau đó chỉ trả cho Vietcombank 11 triệu USD... CQĐT xác định, Nguyễn Hồng Anh và đồng phạm đã chiếm đoạt của ngân hàng số tiền lên đến 16,7 triệu USD, tương đương 353 tỷ đồng.
Cũng theo thỏa thuận giữa nữ tổng giám đốc và các đối tác, thực hiện hợp đồng mua bán container, tiền thanh toán cho bên thi công (Công ty Cascon) sẽ được chuyển đến tài khoản của Công ty SNI mở tại Ngân hàng HSBC Hồng Kong. Và bên mua là UASC sẽ được chiết khấu 1,35% trên tổng giá trị hợp đồng.
Cuối năm 2011, do không thấy Công ty SNI chuyển trả đủ tiền vào tài khoản nên Vietcombank yêu cầu Nguyễn Hồng Anh cung cấp hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp này để tiến hành đòi nợ. Nhằm che đậy mánh khóe của mình, Hồng Anh lập tức chỉ đạo Nguyễn Thị Ngà sử dụng email với danh nghĩa là đại diện Công ty SNI xin khất nợ ngân hàng.
Quá trình điều tra, cơ quan công an làm rõ, ngay sau khi tham gia vào phi vụ mua bán container số lượng lớn thì Công ty SNI đã được bán cho người khác và hiện không hề có bất cứ hoạt động sản xuất, kinh doanh gì.
Đối với một số cán bộ ngân hàng liên quan, CQĐT xác định, những người này đã tin tưởng vào Công ty Cascon vì là khách hàng truyền thống, có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả và việc giải ngân được chuyển đến tài khoản do ngân hàng quản lý. Do đó, những cán bộ ngân hàng liên quan đã không phát hiện ra việc làm gian dối của nữ tổng giám đốc.
Ngoài ra, cơ quan tố tụng còn làm rõ, từ năm 2010 đến 2011, Nguyễn Hồng Anh (khi ấy giữ cương vị Tổng giám đốc VTC) đã lần lượt ký 2 hợp đồng tín dụng với Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC) để vay 30 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo đã tự ý bán các tài sản thế chấp là 258 container 20DC, 150 container 40 HC và 1,1 triệu kilogram thép, thu về 38 tỷ đồng.
Vậy nhưng Nguyễn Hồng Anh chỉ trả cho Công ty VFC 10 tỷ đồng, số tiền còn lại là 28 tỷ đồng (gồm cả lãi phát sinh), nữ tổng giám đốc đưa hết vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mất khả năng thanh toán.
Về hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước nêu trên, năm 2015, Nguyễn Hồng Anh đã bị cấp tòa sơ thẩm xử phạt 17 năm tù. Tuy nhiên sau đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, đồng thời nhập hành vi cố ý làm trái của nữ tổng giám đốc vào vụ án lừa đảo Vietcombank để giải quyết.
Dù vậy, sau nửa ngày đưa Nguyễn Hồng Anh và đồng phạm ra xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội nhận thấy vụ án còn nhiều tình tiết chưa thật rõ, do đó đã quyết định hoàn trả hồ sơ cho VKSND Tối cao để điều tra bổ sung.
Theo Trịnh Tuyến
An ninh thủ đô
Cụ bà 73 tuổi cắt tay chân hàng xóm đến tử vong Ngày 9/4, trao đổi với phóng viên, ông Lại Văn Đông - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, vừa tạm giữ đối tượng Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1945, trú tại xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi giết người. Đối tượng Nguyễn Thị Nga tại cơ...