Nữ sinh tình nguyện kể công đoạn tìm khách trên chuyến bay nCoV
Đinh Thu Trang – thành viên đội tình nguyện hỗ trợ chống Covid-19 cùng Bộ Y tế có gần 10 ngày miệt mài gọi điện để tìm hành khách trên chuyến bay có người nhiễm nCoV.
8 giờ sáng 14/3, khi đang ở phòng trọ, Đinh Thu Trang, 20 tuổi, sinh viên năm hai ĐH Y tế Cộng đồng, nhận tin Bộ Y tế cần sinh viên hỗ trợ trong công tác phòng chống Covid-19. Trang nhanh chóng điền vào tờ đơn điện tử rồi gửi đi dù chưa biết “nhiệm vụ” của mình sẽ là gì.
9h sáng hôm sau, Trang cùng 23 sinh viên khác của trường có mặt tại Bộ Y tế để nhận việc; sau đó trải qua hai tiếng đào tạo.
“Lúc đăng ký mình từng nghĩ có thể phải hỗ trợ trực tiếp ở tuyến đầu – tiếp xúc với những trường hợp nghi lây nhiễm. Mình cũng nghĩ có thể sẽ bị nhiễm bệnh trong quá trình này. Thế nhưng, mình không sợ gì cả. Mình chấp nhận những rủi ro có thể đến. Tuy nhiên, công việc của bọn mình không phải đi đến cộng đồng phơi nhiễm như suy nghĩ ban đầu”, Trang chia sẻ.
Nhóm của nữ sinh được giao nhiệm vụ tìm kiếm và liên hệ với hành khách trên chuyến bay có người nhiễm nCoV, dựa trên thông tin cơ bản do các hãng hàng không cung cấp từ 6 đến 17/3. Trang cho biết, nhóm sinh viên ĐH Y tế Cộng đồng được phân công làm việc tại “Tổ công tác phòng chống dịch” – một trong những tổ công tác đầu não thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia, có sự kết hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sau một ngày làm việc, 23 người giảm xuống còn 14 do những yêu cầu đặc biệt trong quá trình làm việc. Số lượng giảm, công việc lớn, năng suất làm việc của mỗi người phải tăng gấp đôi.
Nhóm sinh viên tình nguyện chụp ảnh cùng phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Khác với suy nghĩ chỉ cần gọi điện thoại liên hệ với hành khách, mọi việc khó hơn Trang tưởng tượng rất nhiều.
Video đang HOT
7h30 sáng, Trang đến nơi làm việc tại Trung tâm hội nghị quốc tế – một căn phòng lớn, được chia làm nhiều khu vực để giải quyết từng công đoạn riêng. Mở danh sách có ghi tên, số điện thoại hoặc nơi lưu trú của các hành khách trên máy bay, nữ sinh bắt đầu gọi điện thoại.
“Có người liên hệ được ngay, nhưng có những ‘ca khó’ như khách nước ngoài hay người không chịu hợp tác sẽ mất nhiều thời gian hơn. Có lần mình liên hệ với khách sạn để tìm hành khách, thì được báo lại ‘du khách trả phòng vài tiếng trước’. Vậy là phải lần mò lại từ đầu”, nữ sinh chia sẻ.
14 sinh viên liên hệ với hành khách trên chuyến bay, mỗi chuyến từ 200 – 300 người, tiếng điện thoại, tiếng nói chuyện không dứt, ai nấy đều cố gắng tập trung để hoàn thành nhiệm vụ. Nữ sinh ví phòng làm việc của mình chẳng khác nào “tổng đài trực điện thoại đường dây nóng”.
Nơi làm việc của Trang cùng các bạn.
Mỗi ca đơn giản, nữ sinh mất từ 5 – 7 phút để liên hệ, giải thích với hành khách, sau đó liên lạc với cơ sở y tế địa phương, nhằm thực hiện các biện pháp y tế ban đầu. Với ca khó, có khi phải kéo dài đến vài giờ hoặc vài ngày để tìm kiếm và liên hệ, hoặc phải nhờ ban chỉ đạo dùng các biện pháp nghiệp vụ để can thiệp.
Theo lời Trang, mục tiêu chính là phải tìm thật nhanh các hành khách, nhất là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, bởi “nếu hành khách đó chẳng may nhiễm bệnh, chỉ cần chậm một giây hậu quả sẽ khó lường”.
Theo lịch, đội của Trang làm ca ngày sẽ kết thúc công việc vào 7 giờ tối, sau đó nhóm sinh viên ĐH Y Hà Nội tiếp tục nhận ca đêm. Thế nhưng, lần nào cô cũng làm việc đến 9 – 10 giờ đêm vì lượng công việc lớn.
“Trung bình một ngày mình ngủ nhiều nhất được 5 tiếng. Thực ra về sớm cũng được, nhưng nếu không làm thì người khác phải làm. Mọi người đang chiến đấu, ai cũng mệt mỏi vì vậy mình cứ tự nhủ rằng cần cố gắng hơn”, Trang tâm sự.
Trung bình một ngày, nữ sinh liên hệ được 100 hành khách, thông báo tình hình dịch bệnh, mối lo ngại lây nhiễm và liên hệ với các cơ sở y tế địa phương để hỗ trợ.
Đến sáng ngày 21/3, Trang khoe đội của mình đã kiểm soát thành công 11/25 chuyến bay có hành khách nhiễm nCoV. 14 chuyến bay còn lại, các thành viên trong đội đã kiểm soát được 85 – 90%. Những trường hợp khác vẫn tiếp tục tìm kiếm và nhờ sự hỗ trợ của các bên.
Thuý Quỳnh
Khu dân cư ở Sài Gòn bị phong tỏa
Công an và lực lượng dân phòng hạn chế người đến hẻm 157 Dương Bá Trạc, quận 8; xe cứu thương và nhân viên y tế vào khử khuẩn, nghi có người nhiễm nCoV.
Dân phòng và cán bộ phường 1, quận 8, hạn chế người vào hẻm 157 Dương Bá Trạc. Ảnh: Trúc Quyên.
Trưa 19/3, con hẻm rộng khoảng 3 m, gần trụ sở UBND phường 1, xung quanh có nhiều tiệm tạp hoá, nhà hàng, quán cà phê và khu chợ dân sinh, bị phong tỏa. Nhiều người dân tỏ ra bất ngờ, song hợp tác với chính quyền địa phương. Một số nhà đóng cửa.
Chủ tịch UBND quận 8 Trần Quang Thảo cho biết, đây là khu vực nghi có người nhiễm nCoV, lực lượng chức năng đang đến khử khuẩn, điều tra dịch tễ.
Còn cán bộ phường 1 nói: "Thông tin liên quan trường hợp này phải chờ Bộ Y tế công bố".
Người dân sống cách con hẻm 200 m cho biết, sáng nay cán bộ y tế và nhiều xe cứu thương vào trong hẻm, sau đó đưa một số người đi, rồi trở lại.
Lực lượng chức năng làm việc trong hẻm 157 Dương Bá Trạc, trưa 19/3. Ảnh: Trúc Quyên.
Tính đến sáng 19/3, TP HCM ghi nhận 9 ca nhiễm nCoV gồm các bệnh nhân: 32, 45, 48, 53, 54, 64, 65, 66, 75.
2.440 người đang được giám sát tại 6 khu cách ly tập trung của thành phố: Củ Chi, Nhà Bè, quận 7, Trường Quân sự Quân khu 7 (quận 12), Sư đoàn 317 ở Hóc Môn, KTX Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức); 497 trường hợp ở các khu cách ly tập trung quận huyện; 615 người đang tự cách ly tại nhà.
Thành phố đã chuẩn bị các khu cách ly tập trung với quy mô gần 23.000 giường. Tại đây gắn camera để Trung tâm điều hành của Sở Y tế có thể giám sát, theo dõi từ xa.
Ngoài ra, Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Cần Giờ và Hòn Ngọc Phương Nam (huyện Cần Giờ); 7 khách sạn và resort khác cũng đăng ký sử dụng làm nơi cách ly có thu phí. Riêng khu nghỉ dưỡng Hòn Ngọc Phương Nam (huyện Cần Giờ) miễn phía.
UBND quận 1 cũng triển khai cách ly có thu phí tại 20 khách sạn.
Sở Công Thương phối hợp 20 đơn vị cung cấp khoảng 17 triệu khẩu trang trong tháng 3. Từ đầu tháng 4 sẽ đưa ra thị trường khoảng 8 triệu cái.
Trúc Quyên - Hữu Công (vnexpress.net)
Các trường hợp sốt, ho, khó thở tại trường học cần xử lý như thế nào? Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương có học sinh đã và đang học tập tại trường, Bộ Y tế vừa có hướng dẫn xử lý các trường hợp bị sốt, ho, khó thở tại trường học. Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch đang có diễn biến phức tạp trên toàn thế giới,...