Nữ sinh làm PG ở Sài Gòn
Ít ảnh hưởng thời gian học, thu nhập cao… là các yếu tố hấp dẫn những nữ sinh có ngoại hình ở TP HCM đến với nghề PG (Promotion Girl).
Đèn vàng khá sáng tại Beer Club ở trung tâm Sài Gòn, song vẫn tạo cảnh mờ ảo lúc nhập nhẹm tối một ngày giữa tháng 8. Trong tiếng nhạc xập xình, nhiều nam nữ thanh niên vừa nâng ly, vừa cười nói, nhún nhảy.
Tại góc xa sân khấu, đám trai tóc húi cao, áo thun body để lộ những cánh tay xăm kín hoa văn cười đùa, trêu ghẹo Trân – nhân viên tiếp thị bia xinh như hotgirl. Nhẹ nhàng lách người từ chối vòng tay một người, cô nheo mắt cười, khẽ lắc ngón tay tỏ ý khước từ vài tờ tiền “bo” của họ rồi tiếp tục công việc.
Ngoài mặt tiền quán, nhiều cô gái khác cùng trang phục đang đón những nhóm khách mới vào, đưa đến bàn và mời họ dùng những loại bia của công ty mình.
PG rượu trong quán bar ở Sài Gòn. Ảnh: Hà Giang.
Gặp Trân lúc 2h sáng tại quán cà phê xuyên đêm, khi cô vừa kết thúc ca làm. Cười rạng rỡ, cô gái 21 tuổi sải những bước dài trong bộ đầm PG gợi cảm, song vẻ mệt mỏi hiện rõ trong mắt cô. “Em vừa bị mấy ông hỏi giá đi khách. Cái nghề này nó thế, riết rồi em cũng chẳng thấy buồn”, cô nói bằng giọng đặc sệt Nam Bộ.
PG là công việc không xa lạ với giới trẻ thành phố. Họ là những người mẫu, nhân viên tiếp thị thực hiện các dịch vụ quảng cáo trực tiếp cho một sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu bằng cách tương tác với khách hàng tiêu dùng tiềm năng. Yêu cầu công việc đòi hỏi PG phải có ngoại hình bắt mắt nên trang phục của các cô thường ngắn, phô diễn tối đa vẻ đẹp hình thể. Điều này để khách hàng có ấn tượng tốt về sản phẩm của công ty nhưng đôi khi cũng khiến không ít người có suy nghĩ tiêu cực, phiến diện về nghề của các cô gái.
Video đang HOT
Có hai cách thức PG thường làm là cố định (đứng tại quầy bán hàng, giới thiệu sản phẩm cho khách) và lưu động (nhận sự kiện theo ca, làm việc tại các lễ khai trương, khánh thành hoặc diễu hành quảng bá sản phẩm).
Để trở thành một PG cao cấp, đòi hỏi những cô gái có lợi thế về chiều cao, đôi chân dài, gương mặt xinh đẹp cùng số đo cơ thể cân đối. Các cô cũng phải có sức khỏe tốt, đôi chân cứng cáp để có thể đứng liên tục nhiều giờ và luôn tươi cười, chào hỏi khách hàng, nhắc tên và tư vấn về sản phẩm.
Nhóm PG ở TP HCM. Ảnh: Hà Giang.
Trân bảo chưa từng hối hận khi chọn nghề này. Vốn là sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học, gia đình khó khăn nên cô muốn làm thêm để trang trải cuộc sống. Thời điểm làm nhân viên bưng bê tiệc cưới, phục vụ quán cà phê… công việc cố định, không thể xoay ca nên cô thường phải nghỉ học để làm, trong khi tiền lương lại quá thấp. Trân sau đó quyết định làm PG dù gặp phải sự phản đối của mấy đứa bạn thân.
Mỗi buổi làm show 2-3 giờ Trân có thể kiếm từ 500 nghìn đến một triệu đồng. Làm ở Beer Club thu nhập tuỳ vào doanh số đạt được, dao động 12-15 triệu đồng mỗi tháng. Còn PG tiệc có thù lao cao nhất, thường được 3-4 triệu đồng mỗi buổi.
“Bạn bè nhìn bằng ánh mắt kỳ thị khi thấy tôi mặc đồ ngắn đứng chào và chụp ảnh với khách trong sự kiện. Nhiều khi đi làm trang điểm đậm, các chị trong dãy trọ cũng xì xầm. Buồn thật đấy, song khi cầm đồng tiền mình làm ra tôi thấy xứng đáng và không có gì phải hổ thẹn”, Thi cười và cho biết thu nhập của mình thuộc tầm trung trong khi nhiều người bạn kiếm được 20-25 triệu đồng mỗi tháng nhờ chăm chỉ. Công việc không những giúp cô tự lo được cuộc sống mà còn dư giả biếu cha mẹ ở quê.
Đang chờ lấy bằng tốt nghiệp ở trường cao đẳng nhưng Trân đã có ba năm làm nghề PG. “Tôi đã chinh chiến ở nhiều mặt trận, đối mặt nhiều loại người và đi qua không ít cám dỗ. Có lần tôi được đề nghị gặp gỡ lâu dài và bí mật với một khách trung niên, được trả 2.000 USD một tháng nhưng nhất quyết từ chối. Ranh giới giữa nghề PG và gái gọi rất mong manh, chỉ bất cẩn chút xíu, bạn đã đánh mất bản thân”, Trân chia sẻ.
Hiện, buổi tối Trân làm PG cho một nhãn hiệu bia vừa được giới thiệu và quảng bá tại Việt Nam. Còn ban ngày cô thường ngủ để lấy sức và dành thời gian để chạy những show khác. Cô bảo chỉ ráng làm đến khi tốt nghiệp, sau đó sẽ đi xin việc đúng chuyên môn bởi nghề PG cho cô nhiều nhưng cũng lấy đi của cô không ít sức lực.
PG trong triển lãm xe hơi Việt Nam. Ảnh: Đức Quang.
Tương tự, Loan (23 tuổi) sau hai năm làm PG cũng vừa xin nghỉ bởi công việc khá khắc nghiệt. Sức khoẻ cô yếu đi rõ rệt vì hàng ngày phải thức khuya dậy sớm, vừa đi làm vừa đi học lại thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, shisha…
“Lý do chính đấy, chứ không phải vì đó là nghề nhạy cảm. Làm ở đâu cũng có phức tạp và khó khăn, sa ngã hay không do mình chứ môi trường không quyết định tất cả. Khi đã quyết định làm điều gì tôi luôn cân nhắc và lường trước những việc sẽ xảy ra”, Loan nói.
Khách hàng thường được ví như thượng đế, còn với PG họ chính là đối tác giúp các cô đạt doanh số, yêu cầu mà công ty đưa ra. Theo Loan, khi PG bỏ qua quy định của công ty và quản lý về cách ứng xử với khách, đưa tay cầm đồng tiền một cách dễ dàng thì họ đã không còn là PG nữa. Một lần trót dại, cuộc sống sẽ rẽ sang một trang khác.
“Hồi đó được leader, quản lý truyền đạt tốt nên tôi hầu như không để khách có hành động thái quá với mình. Với lại mấy chỗ tôi làm đều có thể gọi là sang chảnh, khách không đến nỗi thiếu văn hóa. Dĩ nhiên nơi đó cũng có đội ngũ quản lý và bảo vệ sẽ kịp thời xử lý nếu có chuyện xảy ra”, cô cho biết thêm.
Anh Minh Trí – quản lý PG tại công ty chuyên về quảng cáo trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) – cho biết, vai trò của người quản lý rất quan trọng trong nghề PG. Anh phải hướng dẫn và theo dõi sát công việc của từng nhân viên để có những đánh giá khách quan và hỗ trợ họ khi cần.
PG bia, thuốc lá thường làm ở những môi trường khá phức tạp nên chuyện các cô bị xin số điện thoại, trêu đùa như cơm bữa. Khách nhậu ép uống bia, khi các cô từ chối thì họ chửi mắng rất nặng lời. Hay ngược lại, khách có thể cho PG nhiều tiền và ngỏ ý đi chơi khuya.
“Những lúc đó tôi đứng ra giải thích và đỡ lời cho PG. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng túc trực ở một địa điểm mà nay ở quán này, mai Beer Club khác. Sau giờ làm, bạn nào đi tăng hai tăng ba là lựa chọn của họ, tôi không thể can thiệp sâu hơn”, anh Trí chia sẻ.
PG là ngành dịch vụ được đánh giá là có sức cầu rất lớn và nguồn cung cấp vô cùng dồi dào. Hàng trăm công ty lớn nhỏ hoạt động trong lĩnh vực này đã tạo ra một thị trường sôi động tại TP HCM. Lực lượng chủ yếu làm nghề là sinh viên đang đi học hoặc vừa tốt nghiệp ra trường nhưng chưa có việc làm, một bộ phận nhỏ khác là các bạn đã nghỉ học từ các tỉnh về Sài Gòn.
Theo anh Đỗ Long – Trưởng phòng Marketing Công ty MC Advertising – các công ty quảng cáo, tổ chức sự kiện đều kiêm luôn phần tuyển dụng PG cho các sự kiện lớn nhỏ mà họ tổ chức. Thường thì các cô phải cao trên 1, 65 m; người mẫu TOP A B C… Ngoài ra, nghề này còn tồn tại dưới hình thức từng nhóm nhỏ, có người đứng đầu uy tín và có nhiều mối quan hệ xã hội, dẫn dắt và tìm công việc về cho cả nhóm cùng làm.
Hiện, chưa có trung tâm nào đào tạo chuyên biệt nên chất lượng PG tại Việt Nam chưa tốt. Ngoài kỹ năng mềm kém, cách làm việc chưa chuyên nghiệp, thì trình độ ngoại ngữ của các PG đa phần chưa đáp ứng được điều kiện ở các sự kiện mang tầm quốc tế.
Ngoài TP HCM và Hà Nội, nghề PG chưa phổ biến ở các tỉnh thành.
Theo Hà Giang (VNE)