Nữ sĩ Xuân Quỳnh có thiếu hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh?
Sau khi có thông tin cố nhà thơ Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách được Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2016, nhiều cơ quan báo chí đã nêu vấn đề này với cơ quan chức năng.
LTS: Trước những thông tin liên quan tới việc cố nhà thơ Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách được Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2016, chúng tôi xin gửi tới bài viết của tác giả Đoàn Dũng để độc giả thêm thông tin. Bài viết là quan điểm của tác giả, xin trân trọng gửi tới đọc nội dung như sau:
***
Ngay từ ngày 19/1/2017, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng, Bộ VHTTDL, thành viên Hội đồng cấp Nhà nước đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Ngày 16/2, trao đổi với Báo Văn Hóa, ông Phùng Huy Cẩn tiếp tục khẳng định những nội dung mình đã trả lời báo chí từ ngày 19/1/2017 và cung cấp thêm một số thông tin mới. Những nội dung mà Vụ trưởng Vụ TĐ-KT Phùng Huy Cẩn đã trao đổi được Báo Văn hóa giới thiệu trên trang web toquoc.vn (Báo điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) qua bài viết “Bộ VHTTDL tiếp tục đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai tác giả Xuân Quỳnh và Thu Bồn”.
Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ
Đọc xong bài báo, tôi cảm nhận được hai ý quan trọng như sau:
1. Hai cố tác giả Xuân Quỳnh và Thu Bồn được đánh giá rất cao vì vậy đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật ký Tờ trình số 31/T.Tr-HĐGT ngày 14/2/2017 báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật năm 2016, ngay cả khi hồ sơ xét thưởng được cho là thiếu Giải thưởng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo tờ Trình (trích từ nội dung bài báo) thì: “… Bộ VHTTDL kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật cho 2 cố tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn) có hồ sơ đủ điều kiện và tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước, tuy thiếu Giải thưởng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ; nhưng các tác phẩm này được Hội đồng đánh giá có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, tác dụng giáo dục và định hướng thẩm mỹ cao cho thanh, thiếu niên; góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các hồ sơ này đều được 3 cấp Hội đồng: cấp cơ sở, cấp chuyên ngành lĩnh vực Văn học và cấp Nhà nước tổ chức họp xét theo đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong quá trình làm việc, Hội đồng các cấp đều thảo luận về từng tác phẩm, cụm tác phẩm trên nguyên tắc công khai, khách quan, độc lập của từng thành viên; bỏ phiếu kín, kiểm phiếu và công bố kết quả ngay tại phiên họp Hội đồng.
Các tác phẩm, cụm tác phẩm này đều đảm bảo đạt tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng các cấp – là cơ sở để Hội đồng cấp Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật cho 2 tác giả nêu trên”.
2. Câu hỏi mà dư luận bấy lâu quan tâm “Vì sao Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách được Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2016″ giờ đã được Bộ VHTTDL trả lời: vì thiếu Giải thưởng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, điều này thực tế có đúng như vậy không và để giải đáp điều này hãy cùng xem thử Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ là gì:
Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tác phẩm được coi là đặc biệt xuất sắc khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
- Đã được tặng Giải Vàng, Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức hoặc
- Đã được tặng Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế.
Với tiêu chí này, việc xét tặng đối với hồ sơ của nhà thơ Xuân Quỳnh liên quan đến các vấn đề sau: các khía cạnh cần xem xét là :
- Nhà thơ Xuân Quỳnh có tác phẩm tham dự nào được tặng giải thưởng?
- Giải thưởng ấy có phải là Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành, cụ thể trong trường hợp này là của Hội Nhà văn Việt Nam không ?
- Hồ sơ xét thưởng có kèm Bản sao có chứng thực Quyết định tặng thưởng hoặc Giấy chứng nhận Giải thưởng của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành, cụ thể trong trường hợp này là của Hội Nhà văn Việt Nam không ?
Sau đây là thông tin tôi tìm được, chia sẻ để bạn đọc cùng xem xét:
a) Nhà thơ Xuân Quỳnh có 2 tác phẩm tham dự xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật năm 2016 là tập thơ “Lời ru trên mặt đất” và tập thơ thiếu nhi: “Bầu trời trong quả trứng”. Tập thơ “Bầu trời trong quả trứng” của Xuân Quỳnh được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983 (cùng năm này còn có 5 tác phẩm nữa được Giải thưởng Văn học, trong đó có tác phẩm “Gặp gỡ cuối năm” tiểu thuyết của Nguyễn Khải, “Đứng trước biển” của Nguyễn Mạnh Tuấn).
Năm 1990 tập thơ “Hoa cỏ may” của Xuân Quỳnh cũng được Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam (cùng năm này có 5 tác phẩm nữa được Giải thưởng Văn học, trong đó có tác phẩm “Ông cố vấn” tiểu thuyết của Hữu Mai).
b) Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam có những năm không phân loại A,B (1979-1984, 1990-1995); có năm lại phân loại A, B (1985-1987, 1996-1997, 1999-2001); có năm chỉ có loại B (1996-1997,1999-2001); có năm nhiều Giải thưởng, có năm ít (năm 1992 chỉ có 01 Giải thưởng Văn học duy nhất “Một chấm xanh thơ” của Phùng Khắc Bắc, năm 1994 chỉ có 01Giải thưởng Văn học duy nhất “Di cảo” thơ của Chế Lan Viên). Như vậy trong những năm không phân loại A, B, các tác giả đoạt giải thưởng đều là những Giải thưởng Văn học cao nhất. Còn những năm có phân loại A, B thì chỉ có Giải A mới là giải cao nhất.
Để có các thông tin ở mục a) và b) nêu trên, bạn đọc đơn giản chỉ cần vào google gõ: bachkhoatrithuc Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam. Bạn sẽ tìm thấy trang web Bách khoa tri thức với nội dung về Giải thưởng Văn học hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam và truy cập thông tin dễ dàng.
Ngoài ra, để hiểu thêm Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam có ý nghĩa như thế nào, mời bạn đọc tham khảo đoạn giới thiệu dưới đây về nhà văn Xuân Thiều, tác giả vừa được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT:
Đại tá, nhà văn Xuân Thiều tên thật là Nguyễn Xuân Thiều (1930-2007) quê ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ-Hà Tĩnh. Ông gia nhập QĐND Việt Nam từ những năm đầu Toàn quốc kháng chiến, từng làm chính trị viên đại đội, chiến đấu trên mặt trận Trị Thiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ông là nhà văn trưởng thành trong quân đội, tác giả của 15 tập văn xuôi bao gồm các thể loại, từng 3 lần đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Hầu hết các tác phẩm của ông đều gắn với đề tài LLVT, chiến tranh cách mạng và những vấn đề sau chiến tranh. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 1 năm 2001 và vừa qua đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT…
Như vậy rõ ràng không thể nói rằng Xuân Quỳnh thiếu Giải thưởng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Vì tập thơ “Bầu trời trong quả trứng” của Xuân Quỳnh đã được Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983.
c) Khoản 1 Mục c Điều 14 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật phải có bản sao có chứng thực Quyết định tặng thưởng hoặc Giấy chứng nhận Giải thưởng quy định tại Khoản 3 Điều 9 của Nghị định này. Điều này có nghĩa hồ sơ xét thưởng của Xuân Quỳnh phải có bản sao Quyết định tặng thưởng hoặc Giấy chứng nhận Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam.
Theo gia đình tác giả cho biết, hồ sơ xét thưởng của Xuân Quỳnh có bao gồm Giấy xác nhận Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam đối với tập thơ “Bầu trời trong quả trứng” của Xuân Quỳnh. Như vậy hồ sơ đã đáp ứng đúng quy định tại Khoản 1 Mục c Điều 14 Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Đến đây chắc bạn đọc đã tự có câu trả lời việc Xuân Quỳnh không có tên trong danh sách đã được Chủ tịch nước ký xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2016 có đúng là bị oan không.
Theo Đoàn Dũng (dantri)
Tác giả cụm công trình ưng phó biến đổi khí hậu nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh
Thông tin từ đại diện truyền thông Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong danh sách 9 cá nhân, tổ chức nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ 5, năm 2016 thì có 3 cá nhân được vinh danh với giải thưởng cao quý này. Trong số đó, nhà khoa học, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo (TGĐ Cty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) là cá nhân trẻ nhất trong đợt này được vinh danh trong hệ thống giải thưởng cao quý nhất.
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo (TGĐ Cty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Trước đó, anh từng nhận nhiều giải thưởng khoa học khác
Cá nhân trẻ nhất được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh
Theo đó, có 9 giải thưởng Hồ Chí Minh được trao thì chỉ có 3 cá nhân được nhận Giải thưởng cao quý này, trong đó Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên va 2 cá nhân khác thuộc về lĩnh vực Khoa học xã hội (bao gồm một nhà ngôn ngữ học đã từ trần và một nhà lịch sử học đã trên 80 tuổi). Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình "Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu".
Đây là cụm công trình được đánh giá là hội đủ các yếu tố đạt giải thưởng Hồ Chí Minh bao gồm: công trình KH&CN đặc biệt xuất sắc; có giá trị khoa học đặc biệt, thể hiện diện mạo khoa học của đất nước trong một thời kỳ; Và cuối cùng là có đóng góp đặc biệt với đất nước, với sự nghiệp cách mạng - có ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Đình Hậu (đồng thời là Tổ trưởng Tổ xét duyệt hồ sơ) đánh giá, hồ sơ xét tặng giải thưởng của Busadco là một hồ sơ đặc biệt ấn tượng, bởi cụm công trình mang tính ứng dụng cực cao và đã được triển khai rộng rãi ở nhiều địa bàn trên cả nước, được chính quyền các địa phương đánh giá cao về những cống hiến đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững.
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo (TGĐ Cty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)
Theo nhiều chuyên gia, cụm công trình này có nhiều điểm đặc biệt như đã hình thành và thiết lập hướng nghiên cứu mới làm thay đổi nhận thức truyền thống trong nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ (tiêu biểu như công nghệ bê tông thành mỏng cốt phi kim để xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng và chống xói lở); Đã thiết lập được quy trình công nghệ tối ưu từ ý tưởng đến sáng chế, chế tạo, sản xuất và ứng vào thực tiễn rất thành công. Được biết, cụm công trình này cũng được chọn là 1 trong những công trình sáng tạo, góp mặt trong cuốn Sách vàng Sáng tạo VN do UBMTTQ VN, Bộ KH và CN, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tuyển chọn.
Lễ trao giải sẽ tổ chức vào ngày 17/9/2016
Chia sẻ niềm vui khi nhận được Giải thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo vui mừng cho biết: "Đây là một công trình "made in Việt Nam" với công nghệ Việt, trí tuệ Việt. Tôi hân hoan vui mừng vì những sản phẩm do chúng tôi nghiên cứu được mọi người đón nhận hào hứng và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, điều đặc biệt là kể cả những người nghèo cũng được hưởng lợi ích từ các sản phẩm của chúng tôi".
Anh Hoàng Đức Thảo nhận giải "Sách vàng Sáng tạo Việt"
Cụm công trình "Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu" cũng được Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc đánh giá cao bởi đây là lần đầu tiên nhà khoa học thuộc khối Doanh nghiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Ngoài cá nhân Hoàng Đức Thảo, đợt trao tặng này còn có 8 cá nhân, tổ chức được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và 7 cá nhân tổ chức nhận Giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Dự kiến lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 17/9/2016.Phước Cơ
Theo_Hà Nội Mới
Cấp giấy xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn Bộ NN&PTNT vừa có văn bản hướng dẫn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế về việc cấp giấy xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn. Thương lái thu mua cá tại cảng Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN) Theo đó, các địa phương khẩn trương xác nhận hải sản từ các tàu khai...