“Nữ quái” lừa chạy việc, chạy trường chiếm đoạt tiền tỷ
Ngày 15-1, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Hằng (SN 1961, trú tại Thôn 1, xã Nam Dong, huyện Cư Jút) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Nguyễn Thị Hằng tại phiên tòa xét xử
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, mặc dù không có công ăn việc làm, không có mối quan hệ quen biết rộng nhưng lợi dụng sự thiếu hiếu biết và tâm lý muốn lo cho con em mình một nơi học tập, công tác tốt để sau này đỡ khổ của một bộ phận người dân chân lấm tay bùn, từ cuối năm 2009 đến tháng 12-2011, Nguyễn Thị Hằng luôn tung tin rằng mình có quen biết với các “sếp” trên tỉnh và “chạy” được các xuất vào học tại Trường Văn Hóa 3 – Bộ Công an và các trường Công an nhân dân, hoặc đi làm trong các cơ quan nhà nước với “chi phí” từ 30 triệu đồng đến 130 triệu đồng/trường hợp. Sau khi nhận tiền và hồ sơ của người dân, Hằng không lo được việc như đã hứa. Biết bị lừa những người dân này đến đòi lại tiền thì Hằng không trả tiền với lý do là đã đưa tiền và hồ sơ cho “đối tác” để lo việc nên không lấy lại được. Bằng thủ đoạn đó, Nguyễn Thị Hằng đã dễ dàng lừa gạt và chiếm đoạt của 25 người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk với tổng số tiền là 1.145.500.000 đồng.
Video đang HOT
Có mặt tại phiên tòa, bà Trần Thị Nhẫn, ở Suối Tre, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông kể lại trong nước mắt: Vào cuối năm 2009, Nguyễn Thị Hằng đến gặp gia đình nhà tôi và cho biết mình có quan hệ quen biết với các “sếp” trên tỉnh và có thể lo cho các con tôi đi học tại các trường công an với giá 40 triệu đồng vào Trường Văn hóa 3 -Bộ Công an và 90 triệu đồng vào Trường Trung cấp cảnh sát. Mặc dù gia đình hết sức khó khăn, song vì muốn cho con cái có một nơi học tập tốt, gia đình tôi đã vay mượn rồi đưa cho Hằng nhiều lần tổng cộng 129 triệu đồng. Biết bị lừa, gia đình tôi đòi lại số tiền nói trên, Hằng chỉ trả cho gia đình tôi 45 triệu đồng, số tiền còn lại Hằng chiếm đoạt không trả.
Tương tự như vậy, sau khi nghe thông tin Hằng quen biết rộng và có thể lo được các xuất vào học các trường Công an, cuối năm 2011, bà Vũ Thị Khăng, ở thôn 1, xã Ea Bil, huyện Ma D’rắc, tỉnh Đắk Lắk đã tìm gặp và nhờ Nguyễn Thị Hằng lo cho con bà Khăng đi học Trường trung cấp công an với chi phí 130 triệu đồng. Sau đó bà Khăng đã làm hồ sơ và đưa trước cho Hằng 20 triệu đồng để chi phí. Biết Hằng không lo được việc bà Khăng đòi lại số tiền trên nhưng Hằng không trả.
Qua phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa, căn cứ vào các tình tiết có trong hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo, bị hại và những người có liên quan tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hằng 14 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Buộc bị cáo Hằng phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm được cho các bị hại.
Bản án nghiêm khắc trên là bài học đắt giá cho những ai đã và đang dùng các thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Vụ án cũng là bài học cảnh tỉnh nhiều người, nhất là những người dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa dễ bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo.
Theo ANTD
Bắt "nữ quái" có "tài" xin việc, chạy trường...
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của đối tượng không có gì mới, nhưng đã đánh đúng vào tâm lý của người dân chân lấm tay bùn muốn cho con em mình có một chỗ công tác ổn định, một nơi học tập tốt. Đối tượng luôn là tự đánh bóng mình có quan hệ thân thiết với những người có chức vụ và có thể lo "chạy" việc, "chạy" trường cho nhiều người. Với tâm lý " việc gì cũng phải chạy mới được", hàng chục người dân nhẹ dạ cả tin đã đem hết tiền của giao cho đối tượng để rồi phải ngậm quả đắng khi biết mình bị lừa.
Vào một ngày cuối năm 2009, trong lúc anh Lương Văn Vánh, trú tại xã Đăk Win, Cư Jút , Đăk Nông đang ở nhà thì có một người phụ nữ ăn mặc lịch sự tên là Nguyễn Thị Hằng đến chơi. Qua vài câu chuyện, Hằng cho biết, mình có mối quan hệ rất rộng, có thể "lo" cho các cháu vào học tại Trường Văn hoá 3, Bộ Công an chỉ cần đưa tiền và hồ sơ cho Hằng là được.
Thấy Hằng có vẻ lịch sự, lại đang muốn cho con mình có một nơi học tập tốt để cho cháu bớt khổ. Mặc dù gia đình cũng rất khó khăn, song vì tương lai của con, anh Vánh vẫn cố gắng chạy vạy lo được 32,5 triệu đồng đưa cho Hằng nhờ " chạy" giúp vào Trường văn hoá 3. Đợi mãi mà không thấy Trường Văn hóa 3 gửi giấy báo nhập học, biết mình đã bị lừa, anh Vánh tìm Hằng để đòi lại số tiền trên thì Hằng nói đã đưa tiền và hồ sơ cho đối tác nên không lấy lại được.
Đối tượng Nguyễn Thị Hằng tại cơ quan điều tra
Mới đây, vào khoảng thời gian từ tháng 8/2010 đến tháng 12/2011, sau khi nghe tin Nguyễn Thị Hằng có tài "lo" việc học tập và công tác cho những ai có nhu cầu, anh Đỗ Xuân Thuỵ và chị Trần Thị Nhẫn, trú xã Ea Pô, huyện Cư Jút thông qua người quen đến tìm gặp Hằng. Trong nhiều lần tiếp xúc, Hằng đều cho biết, mình quen biết rất rộng và khẳng định chắc chắn là xin được cho con anh Thụy là cháu Đỗ Thành Trung đi học trường Văn hoá 3, "chạy" cho cháu Đỗ Xuân Thành đi học Đại học kế toán hoặc Trung cấp cảnh sát nhân dân.
Tin theo những lời nói như đinh đóng cột của Nguyễn Thị Hằng, anh Đỗ Xuân Thuỵ và chị Trần Thị Nhẫn đã làm hồ sơ và nhiều lần đưa tiền cho Hằng tổng cộng là 129 triệu đồng để chị Hằng "lo" cho các cháu như đã hứa. Đợi mãi cũng không thấy ai gọi con mình đi làm thủ tục nhập học, anh Thụy và chị Nhẫn tìm gặp Hằng để đòi lại số tiền trên, tuy nhiên chỉ mới trả lại cho anh Thuỵ và chị Nhẫn số tiền là 45 triệu đồng còn lại 85 triệu đồng không trả.
Sau khi nhận được đơn thư tố giác của nhiều hộ dân trên địa bàn, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Jút đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ. Quá trình điều tra, ngày 21- 3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Jút đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Hằng (SN 1961), trú tại Thôn 1, xã Nam Dong, huyện Cư Jút về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua đấu tranh, Nguyễn Thị Hằng khai nhận: Mặc dù không có công ăn việc làm lại càng không phải là cán bộ, công chức cũng không có mối quan hệ quen biết rộng như Hằng từng đánh bóng mình nhưng lợi dụng sự thiếu hiếu biết và tâm lý muốn lo cho con em mình một nơi học tập, công tác tốt để sau này đỡ khổ của những người dân chân lấm tay bùn, Nguyễn Thị Hằng luôn tung tin rằng mình có quen biết với các "sếp" và " chạy" vào học tại các trường Công an cũng như các trường trung cấp, đại học khác hoặc đi dạy, đi làm trong các cơ quan nhà nước với "chi phí" từ 30 triệu đồng đến 130 triệu đồng/ 1 trường hợp.
Sau khi nhận tiền và hồ sơ của người dân, Hằng không lo được việc như đã hứa. Biết bị lừa những người dân này đến đòi lại tiền thì Hằng không trả tiền với lý do là đã đưa tiền và hồ sơ cho " đối tác" để lo việc nên không lấy lại được. Bằng thủ đoạn đó, Nguyễn Thị Hằng đã dễ dàng lừa gạt và chiếm đoạt của 20 người dân với tổng số tiền là gần 1 tỷ đồng. Được biết, từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức "chạy việc", " chạy trường", gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương.
Từ các vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn lừa đảo của Nguyễn Thị Hằng và các đối tượng không có gì mới, lại hết sức đơn giản nhưng đã qua mặt được rất nhiều người bởi chúng nắm được tâm lý của một bộ phận người dân là mong muốn cho con em minh có một nơi làm việc, học tập tốt. Với suy nghĩ " việc gì cũng phải chạy mới xong", nhiều người đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi hoặc bán hết tài sản để đưa tiền cho chúng và rồi chờ đỏ mắt ngày này qua tháng nọ mà việc thì chẳng thấy đâu.
Một mùa tuyển sinh, tuyển dụng mới sắp đến, đây là thời điểm mà các đối tượng thường lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chiêu bài là người nhà, quen biết nhiều người làm lớn để "chạy trường", "chạy việc". Do đó mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo của đối tượng, khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời phát hiện, xử lý.
Bên cạnh đó, mỗi người dân, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa cần xóa bỏ tư tương " chạy chọt", muốn cho con em mình có một nơi học tập, công tác tốt không có con đường nào khác bằng việc vươn lên bằng chính sắc lực, trí tuệ của chính mình. Khi có nhu cầu tìm việc, học tập thì phải đến trực tiếp cơ quan tuyển dụng để tìm hiểu thông tin, đồng thời các cơ quan cũng cần phải công khai các thủ tục, tiêu chuẩn, chỉ tiêu tuyển dụng, có như vậy mới tránh được tình trạng "chạy" việc, "chạy" trường và các đối tượng lợi dụng lừa đảo như trên.
Theo ANTD
Một ngày khám phá 2 vụ mua bán người Ngày 29-12, Phòng CSHS CATP điều tra, khám phá 2 ổ nhóm mua bán người, bắt 3 đối tượng. Các đối tượng khai nhận: đã lừa 2 phụ nữ sang Trung Quốc sau đó bán cho chủ chứa người Trung Quốc, làm gái bán dâm. Đến nay 2 phụ nữ trên đã được giải cứu trở về Việt Nam. Cả 2 vụ án...