Nữ nghi phạm 21 tuổi khai quá trình bắt cóc 2 bé gái tại phố đi bộ Nguyễn Huệ
Nữ nghi phạm 21 tuổi dùng tiền, thức ăn dụ dỗ để bắt cóc 2 bé gái tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và đưa về chung cư cao cấp nơi mình đang ở.
Người này khai nhận, muốn bắt cóc 2 đứa trẻ để nuôi.
Thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho hay, bước đầu đã làm rõ hành vi, thủ đoạn của nghi phạm Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, ngụ phường 22, quận Bình Thạnh) trong vụ bắt cóc 2 bé gái N.K.T.M. (7 tuổi) và cháu L. H.T.L (3 tuổi).
Trung tá Trần Quốc Dũng – Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự – Công an TP.HCM cho biết, Nhật Vi không có quan hệ gì với 2 đứa trẻ. Nghi phạm thực hiện hành vi một mình, không có ai giúp sức và trong thời gian giữ 2 đứa bé tại 1 căn hộ ở chung cư Saigon Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh) không có hành vi bạo hành, ngược đãi.
Phạm Huỳnh Nhật Vi khai, muốn bắt cóc trẻ em để nuôi và cơ quan công an đang làm rõ thêm về các lời khai của nghi phạm này. Ảnh: CACC
Theo Trung tá Trần Quốc Dũng, thời điểm xảy ra vụ việc (tối 3/4), Nhật Vi tiếp cận 2 cháu bé tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, dùng đồ ăn, tiền bạc để dẫn dụ đi theo mình.
Thủ đoạn của Nhật Vi khá tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng và mắt thần camera an ninh khắp nơi. Cụ thể, Nhật Vi dẫn dụ 2 cháu bé đi theo mình đến quận 8. Sau đó, Nhật Vi đón xe taxi công nghệ, chở 2 cháu bé về căn hộ của mình ở chung cư Saigon Pearl.
Tại căn hộ, Nhật Vi tiếp tục sử dụng thức ăn dụ dỗ 2 cháu bé ở lại nhà mình mà không có phản ứng hay khóc lóc.
Như đã thông tin, tối 3/4 chị Nguyễn Thị Kim Chi (27 tuổi, ngụ tại quận 7), dẫn 4 con nhỏ đến khu vực số 1 phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1 để bán kẹo cho du khách.
Tại đây, khi chị Chi đi gặp một người quen cách đó hơn 100m thì hai bé gái N.K.T.M. và L.H.T.L trong lúc đi bán kẹo đã bị mất tích.
Video đang HOT
Sau một đêm tìm kiếm không thấy, chị Chi đã trình báo công an địa phương.
Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp cùng Công an quận 1, Bình Thạnh đã tổ chức truy tìm và 42 giờ đã giải cứu thành công 2 cháu bé, tiến hành bắt giữ nghi phạm Nhật Vi như nói trên.
Vật dụng của 2 bé gái được công an thu giữ tại căn hộ của nghi phạm Nhật Vi. Ảnh: CACC
Một nguồn tin cho hay, tại cơ quan công an, nghi phạm Nhật Vi khai nhận, có chồng ở nước ngoài nhưng vì chưa có con nên muốn bắt cóc 2 đứa trẻ nói trên về nuôi.
Hiện Công an TP.HCM vẫn đang làm rõ về lời khai của nghi phạm Nhật Vi và chưa chính thức cung cấp về động cơ, mục đích của cô gái 21 tuổi trong vụ bắt cóc này.
Quá trình theo dấu vết để giải cứu 2 bé gái
Trở lại thời điểm 2 bé gái bị bắt cóc vào tối 3/4, người mẹ trẻ là chị Nguyễn Thị Kim Chi đã đi khắp nơi để tìm kiếm trong nước mắt, nhưng không có kết quả. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trình báo, Công an quận 1 khẩn trương vào cuộc xác minh, tổ chức truy tìm.
Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, lãnh đạo Bộ Công an và Thường trực Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo Công an TP.HCM phải khẩn trương, cần huy động nhiều lực lượng vào cuộc để tìm thấy 2 cháu bé nhanh chóng nhất và quan trọng là đảm bảo an toàn. Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo nhiều lực lượng vào cuộc và giao cho Phòng Cảnh sát hình sự làm chủ công.
Công an lấy lời khai của nghi phạm Nhật Vi. Ảnh: CACC
Nhiều trang mạng xã hội lan truyền và một số báo chí đưa tin về vụ việc 2 bé gái mất tích tại phố đi bộ Nguyễn Huệ ngay trung tâm TP.HCM đã gây chú ý của dư luận và trở thành áp lực lớn đối với lực lượng Công an TP.HCM.
Công an nhanh chóng trích xuất hình ảnh ở các camera an ninh, xác định được hướng di chuyển của 2 bé gái và dần dần lộ diện người phụ nữ nghi vấn. Áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, công an khoanh vùng được khu vực có thể là nơi giữ 2 đứa bé.
Tại khu vực chung cư Saigon Pearl, lực lượng công an bí mật tiếp cận, khi xác định 2 bé gái có mặt tại đây đã nhanh chóng giải cứu thành công.
Đến nay, sau khi kiểm tra, xác định 2 cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh, Công an TP.HCM tiến hành giao trả về cho gia đình.
Hiện Công an TP.HCM đang mở rộng điều tra, làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ bắt cóc trẻ em này.
Yếu tố tình thân trong các vụ bắt cóc trẻ em rúng động
Những vụ bắt cóc trẻ em mang yếu tố tình thân là có mối quan hệ, hiểu điều kiện gia đình nạn nhân, khi thực hiện thường rơi vào hoàn cảnh nợ nần, tính quẩn và biết nếu bắt cóc sẽ đòi được tiền chuộc cao.
Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết: "Tình trạng bắt cóc trẻ em không phải xảy ra ở thời điểm này, mà đã xảy ra từ lâu rồi. Mục đích của bắt cóc trẻ em là chiếm đoạt tài sản và giải quyết mâu thuẫn hoặc bị dụ dỗ lôi kéo gì đó..."
Tuy nhiên, việc bắt cóc trẻ em chủ yếu là chiếm đoạt tài sản và giải quyết mâu thuẫn. Để đạt được mục đích và hành vi, đối tượng thường hành động có tính chất nguy hiểm, manh động và rất nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người, nên bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc... Chính vì vậy, các đối tượng bắt cóc trẻ em thường chuẩn bị rất kỹ về kế hoạch, phương thức, công cụ, phương tiện.
Theo PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, các đối tượng còn lên dự kiến về đường đi, nước bước, cách gây áp lực với gia đình nạn nhân, để đòi tiền chuộc... đưa các cháu (con tin - PV) đến chỗ nào để đảm bảo an toàn cho đối tượng bắt cóc, không bị phát hiện, không bị xử lý. Và cuối cùng là để đạt được mục đích lấy tiền chuộc hoặc trả thù với gia đình nạn nhân.
Nghi phạm Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi), bắt cóc cháu bé 3 tuổi, là con của bạn. Ảnh: CACC
Các hình thức bắt cóc trẻ em cũng rất nhiều như: Mua bán người, đòi tiền chuộc, mâu thuẫn cá nhân, làm con nuôi, bán ra nước ngoài.
Còn nói về yếu tố tình thân, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, phân tích: "Phần lớn các vụ bắt cóc trẻ em là giữa gia đình nạn nhân và đối tượng có mối quan hệ biết rõ về nhau như: Thông tin, quy luật sinh hoạt, điều kiện kinh tế và cách thức bảo vệ người thân trong quan hệ xã hội (bảo vệ con - PV).
Nắm được những thông tin nêu trên, đối tượng mới tiếp cận các cháu (con của nạn nhân - PV) một cách thuận lợi nhất, an toàn nhất. Đồng thời, đối tượng cũng biết kinh tế của gia đình các cháu, để mà đòi tiền chuộc. Nếu gia đình nhà anh A. rất nghèo, đối tượng bắt cóc để làm gì?.
Ngoài ra, đối tượng còn tìm hiểu rất kỹ các điều kiện đáp ứng của gia đình các cháu, để đặt ra yêu cầu đòi hỏi. Những vụ như vậy, đa phần có biết nhau, có thông tin về kinh tế, đời sống sinh hoạt giữa nạn nhân và đối tượng.
PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn cũng nêu, ở đây, không có chuyện những người thân lại bắt cóc con, cháu, chắt của họ. Tình thân trong những vụ bắt cóc là khi đối tượng đã rơi vào hoàn cảnh nợ nần như Giáp Thị Huyền Trang, bắt cóc bé 2 tuổi, nên tính quẩn và biết được kinh tế của gia đình bé 2 tuổi, nếu bắt cóc sẽ đòi được tiền chuộc cao.
"Khi đối tượng liều lĩnh, họ nghĩ ngay đến việc bắt cóc trẻ em để giải quyết vướng mắc về nợ nần... nên tiếp cận nạn nhân và ra tay hành động", PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn nói.
Hình ảnh về Giáp Thị Huyền Trang khi bắt cóc bé 2 tuổi. Ảnh CACC.
Theo PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, trong tội phạm học ở trong nước và thế giới, chưa có nghiên cứu nào về đối tượng bắt cóc trẻ em lại là người thân mà vấn đề chính là phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Yếu tố tình thân ở đây là có quan hệ gần gũi, thân thiết với gia đình của các cháu. Đó chính là cách thức để đối tượng tiếp cận, nắm bắt, che giấu phương tiện thủ đoạn tốt hơn.
Không chỉ có vậy, đối tượng bắt cóc đưa ra yêu cầu, yêu sách, sử dụng các cháu tốt hơn, nên rất thuận lợi khi gây án. Thường đối tượng gây án có nhu cầu rất cao về kinh tế và có mâu thuẫn với gia đình nạn nhân, nên nảy sinh vấn đề bắt cóc.
Tình thân là nắm được gia đình các cháu có kinh tế, tiếp cận các cháu, điều hướng các cháu đi đến các địa bàn khác dễ hơn. Thầy cô giáo dễ bị đánh lừa hơn. Tất cả những nội dung nói trên là hành vi che giấu tội phạm và thực hiện hành vi tội phạm tốt hơn. Đồng thời gây áp lực gia đình các cháu, để đạt được mục tiêu của mình đề ra tốt hơn.
"Loại tội phạm bắt cóc trẻ em chỉ có mẫu số chung nó là như vậy, không có gì khác so với trước đây và hiện tại cũng như sau này", PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn nhìn nhận.
Trao trả 975 triệu đồng cho gia đình bé gái 3 tuổi bị bắt cóc ở Long An Sau khi thu hồi 975 triệu đồng từ nghi phạm, Công an tỉnh Long An đã bàn giao lại cho gia đình bé gái 3 tuổi bị bắt cóc đòi tiền chuộc xảy ra trên địa bàn TP Tân An. Ngày 5/10, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Long An đã làm thủ tục bàn giao toàn bộ số tiền 975...