‘Nữ hoàng băng giá’ và điều kỳ diệu tại phòng vé Nhật Bản
Tác phẩm hoạt hình “ Frozen” (2013) của Disney thu gần 250 triệu USD tại riêng xứ sở mặt trời mọc, và hiện đứng thứ ba trong danh sách các phim ăn khách nhất lịch sử Nhật Bản.
Sau 19 tuần trình chiếu tại Nhật Bản, Frozen thu gần 250 triệu USD. Không phải Trung Quốc, xứ sở mặt trời mọc mới là thị trường nước ngoài đem lại nhiều doanh thu nhất cho chủ nhân giải thưởng Oscar Phim hoạt hình xuất sắc năm 2014.
Bộ phim hoạt hình của Walt Disney cập bến các rạp chiếu Nhật Bản từ 14/3/2014, tức khá muộn so với nhiều thị trường khác. Tại đây, tác phẩm mang tên Anna to Yuki no Jou ( Anna và Nữ hoàng băng giá). Đây là tựa đề một câu chuyện cổ tích của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen, và là nguồn cảm hứng để Disney xây dựng nên kịch bản cho Frozen.
Cho tới đầu tháng 7/2014, Frozen liên tiếp đứng đầu phòng vé Nhật Bản suốt 16 tuần lễ, và tạo ra kỳ tích khiến chính “nhà chuột” cũng phải ngạc nhiên.
Frozen là bộ phim có doanh thu cao thứ 3 mọi thời đại tại Nhật Bản.
Trong khoảng thời gian đó, Frozen thu tổng cộng 248 triệu USD (tương đương gần 25,5 tỷ yen), và trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ ba trong lịch sử đất nước mặt trời mọc, chỉ sau bom tấn Titanic và Spirited Away của đạo diễn huyền thoại Hayao Miyazaki.
Sự ủng hộ từ lực lượng khán giả phái đẹp
Trên thực tế, Nhật Bản vốn được biết đến là thị trường ưa chuộng phim hoạt hình nói chung, cũng như thương hiệu Disney nói riêng. Bằng chứng là khu du lịch nghỉ dưỡng Tokyo Disney Resort được xây dựng tại đây đã thu hút hơn 550 triệu lượt khách kể từ khi mở cửa hồi 1983, tức nhiều gấp bốn lần dân số Nhật Bản.
Một yếu tố quan trọng giúp tạo nên thành công cho Frozen tại Nhật Bản là dàn diễn viên lồng tiếng bản địa xuất sắc. Anna và Elsa do lần lượt Sayaka Kanda và Takako Matsu – hai ca sĩ và diễn viên nổi tiếng – góp giọng.
Hai video ca khúc Let It Go bằng tiếng Nhật do Takako Matsu thể hiện thu hút hơn 95 triệu lượt xem trên YouTube. Còn album nhạc phim song ngữ cũng liên tục nằm trong top 10 bảng xếp hạng âm nhạc Nhật Bản từ tháng 3 đến 7/2014.
Frozen nhận sự ủng hộ to lớn từ đối tượng khán giả phái đẹp tại Nhật Bản.
“Ari no mama de” là cụm từ tiếng Nhật của “let it go”, có thể hiểu là “cứ để vậy đi”. Câu hát nay trở thành khẩu hiệu phổ biến tại Nhật. Tinh thần giải phóng phụ nữ của bộ phim càng trở nên nổi bật tại một đất nước nổi tiếng bảo thủ và phái đẹp phải hứng chịu nhiều sự bất bình đẳng như Nhật Bản.
Tận dụng điều đó, Disney đẩy mạnh chiến dịch quảng bá, hướng vào đối tượng là phụ nữ trẻ ở Nhật Bản. Lực lượng khán giả nòng cốt đã tạo ra một hiện tượng phòng vé bản địa, từ đó giúp Disney thu hút thêm khán giả đến từ các độ tuổi khác.
“Tôi đến xem vì mọi người đều đang bàn tán về tác phẩm. Trên báo, các nhà phê bình cũng rất ca ngợi bộ phim này”, khán giả 83 tuổi Tamiko Mizune từng chia sẻ với tờ Hollywood Reporter.
“Chủ đề phim đơn giản nhưng mạnh mẽ. Đồ hoạ đẹp ngỡ ngàng và nhạc phim cũng rất hay. Cụm từ ‘Ari no Mama de’ thực sự đánh trúng tâm lý người xem. Hầu hết người quen của tôi đều đã đến rạp xem phim”, bà Mizune bình luận.
“Hôm đi xem Frozen là lần đầu tiên trong ba năm trở lại đây tôi tới rạp xem phim. Tôi thậm chí còn không nhớ bộ phim gần nhất mình xem ngoài rạp là gì”, Yoshiho Muramatsu – nữ sinh 19 tuổi khoa sinh thái học ở Kanagawa, nam Tokyo – chia sẻ. “Tôi xem phim bởi được các bạn rủ rê. Mọi người trên trường đại học đều đi xem hết rồi”.
Lôi kéo khán giả đi xem lại nhờ các phiên bản phụ đề và lồng tiếng
Bên cạnh chiến dịch quảng bá thông minh, Disney còn có chiến lược tấn công thị trường rất chuẩn xác khi cho ra mắt thêm phiên bản 3D lồng tiếng Nhật vào dịp Tuần lễ Vàng diễn ra vào tháng 5 ở Nhật Bản. Ban đầu, phim chỉ có bản 3D phụ đề tiếng Anh và 2D lồng tiếng Nhật.
Điều đó giúp tăng số lượng người đến xem lại bộ phim. Trong đó có Keitaro Saito, giám đốc một công ty quảng cáo ở Tokyo. Anh đã dắt theo con trai 4 tuổi đến xem cả hai phiên bản 3D của bộ phim.
“Con trai tôi không đọc được phụ đề tiếng Anh, nên chúng tôi còn đi xem thêm cả bản 3D tiếng Nhật. Chúng tôi vừa mua đĩa phim về cho con. Giờ cậu bé đã hát được nhạc phim cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Nhật”, anh Saito chia sẻ.
Chiến lược dành cho Frozen của Disney tại thị trường Nhật Bản tỏ ra rất hiệu quả.
Yosuke, một sinh viên dược ở Tokyo, thì đi xem Frozen bản 2D tiếng Anh hai lần. Người này phát biểu: “Tôi thích Kristen Bell (người lồng tiếng cho nhân vật Anna). Vì đây là bộ phim ca vũ nhạc, nên tôi muốn được xem tại rạp. Có một cô bạn tôi đã xem phim đến lần thứ tư. Giờ cô ấy có thể hát được tất cả bài hát trong phim”.
Frozen là bộ phim Hollywood hiếm hoi gặt hái thành tích cao tại Nhật Bản. Kể từ 2007, tỷ lệ doanh thu của Hollywood tại Nhật chưa bao giờ vượt quá 50% tổng tiền bán vé toàn năm ở đất nước này.
Tác phẩm hiện đứng thứ hai trong danh sách những bộ phim do Mỹ sản xuất có doanh thu cao nhất tại Nhật Bản. Và Disney chắc chắn đang chờ đợi tin vui từ xứ sở hoa anh đào trong những tuần tới đây khi Frozen 2 chính thức ra rạp.
Trailer Frozen 2
Theo zing
Hé lộ nội dung Frozen 2: Fan dự đoán như thần, Elsa và Anna sắp được gặp lại người quan trọng này rồi!
Với những chi tiết độc đáo và xuất sắc, Frozen 2 hứa hẹn không uổng công fan chờ đợi bấy lâu nay.
(Bài viết có tiết lộ nội dung, xin độc giả cân nhắc)
Sau phần 1 đầy thành công, nhiều khán giả mong mỏi sẽ được thấy Frozen (Nữ Hoàng Băng Giá) phần 2 trên màn ảnh. Tuy đã công bố dự án cho phần tiếp theo từ sớm, nhưng mãi phải đến D23 Expo của Walt Disney Studios ngày 25/8, nhiều chi tiết trong Frozen 2 mới được hé lộ, hứa hẹn nhiều mới mẻ, hấp dẫn hơn phần trước.
Trong khi ở phần 1, Frozen xoay quanh cô gái dũng cảm Anna dấn thân vào trong rừng tìm gặp lại người chị nữ hoàng của mình để cứu vương quốc khỏi cảnh bị đóng băng.
Frozen 2 lại khai thác câu chuyện hoàn toàn mới, bắt đầu bằng việc Elsa, Anna, Olaf, Kristoff và Sven đang ngồi chơi quây quần thì bỗng nhiên Elsa nghe thấy một giọng hát kỳ lạ mà chỉ mình cô nghe thấy. Giọng hát ấy khiến cô bị xáo trộn, vừa tò mò vừa lo sợ. Sau nhiều lần nghe được, Elsa quyết định đi theo tiếng gọi của giọng hát bí ẩn kia, dấn thân vào khu rừng mê hoặc đầy bí ẩn. Và cũng từ đó, cô khám phá ra bí mật vương quốc và siêu năng lực của mình đồng thời tạo ra những sinh vật băng giá.
Điều đặc biệt hơn, nếu như ở phần trước Frozen chỉ tập trung vào hai chị em Elsa và những người bạn đồng hành thì ở phần tiếp theo này sẽ tập trung hơn vào gia đình của họ. Hình ảnh về bố mẹ của chị em Elsa, những ký ức thuở nhỏ và nỗi nhớ dành cho gia đình cũng được khai thác sử dụng nhiều hơn. Bên cạnh đó, họ gặp một trung úy quân đội đã đi lạc trong khu rừng mê hoặc trong nhiều năm. Phải chăng bố mẹ của hai chị em không chết, mà chỉ bị lạc như người lính này?
Anna và Elsa cùng mẹ hồi còn nhỏ
Anna gặp Destin Mattias - một người lính bị lạc trong rừng nhiều năm
Xuyên suốt bộ phim sẽ là những bài hát dân ca gắn liền với tuổi thơ của hai chị em, tạo ra một bức tranh đầy hoài niệm và có chiều sâu. Ngoài ra, bài hát chủ đề Some Things Never Change nói về tình bạn cũng rất gây được ấn tượng.
Ngay khi công bố những chi tiết đầu tiên, Frozen 2 không chỉ gây sốt bởi nội dung có chiều sâu mà còn bởi hình ảnh đồ họa quá xuất sắc, từng chi tiết nhỏ như sợi lông, sợi tóc, đường chỉ,... đều được vẽ một cách chỉn chu, tạo ra hình ảnh như thật, không thể chê vào đâu được. Các nhà sản xuất đang chứng minh những nỗ lực của mình trong việc dành ra 6 năm để xây dựng ý tưởng độc đáo và đem chúng lên màn ảnh một cách trọn vẹn nhất.
Trailer Frozen 2 (Nữ Hoàng Băng Giá 2)
Frozen 2 dự kiến ra mắt khán giả Việt vào 22/11/2019.
Theo trí thức trẻ
Hé lộ giả thuyết bất ngờ trong Frozen 2: Bố mẹ của Elsa và Anna vẫn còn sống? Sau xác nhận của đạo diễn về việc Tarzan là em trai của hai chị Elsa và Anna thì hiện tại các manh mối về sự sống của cha mẹ chị em nhà băng rất thuyết phục và đáng tin. Sau sáu năm chờ đợi, Disney đã sẵn sàng để Frozen 2 ra mắt công chúng vào ngày 22 tháng 11 năm nay....