Nữ giúp việc uất ức kể chuyện chủ ’soi’ từng miếng ăn, đêm không cho bật quạt
Thương bà Xoan, mấy giúp việc cùng chung cư gọi bà ra ngoài, xuống sân chơi để cho thức ăn. Bà phải ăn xong mới dám quay trở lại nhà chủ.
Nhớ nhà không dám xin nghỉ
Chuẩn bị cơm chiều cho chủ nhà đâu ra đó, bà Nguyễn Ngọc Loan (55 tuổi, quê Hậu Giang) lại dẫn bé Kem (4 tuổi, con của chủ nhà) xuống sân chung cư chơi. Trong lúc bé Kem chơi cùng các bạn, bà Loan đến ngồi cạnh đồng nghiệp làm cùng chung cư.
Sân chơi ở chung cư là nơi nhiều người giúp việc tụ họp tâm sự. Ảnh minh họa: VietNamNet
Bà Loan có gần 10 năm làm nghề giúp việc. Trước đây, bà thường làm cho các nhà ở mặt phố. Hai năm qua, bà giúp việc cho vợ chồng trẻ đang sống ở căn hộ cao cấp thuộc một chung cư ở Quận 7, TP.HCM.
Công việc chính của bà Loan là chăm em bé và lo cơm nước cho chủ nhà. Mỗi chiều, bà cũng như nhiều phụ nữ làm nghề giúp việc ở khu chung cư lại tụ họp ở sân chơi chung để trò chuyện.
Câu chuyện được họ đề cập nhiều nhất trong những ngày qua là chuyện nữ giúp việc tự thiêu trong nhà của chủ ở TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Những lời bàn tán, nghi vấn được đặt ra. Riêng bà Loan có quan điểm rằng, khi đi giúp việc, nếu hợp tính chủ thì làm lâu, không hợp thì đi xin chỗ khác. Chẳng việc gì phải dồn mình và chủ nhà đến bước đường cùng.
Bà Loan nói, bà may mắn gặp được chủ nhà tốt tính, đối xử đàng hoàng nhưng nhiều đồng nghiệp không được như thế.
Chỉ về phía người phụ nữ đang lẽo đẽo theo sau bé trai, bà Loan kể: “Chị đó gần 60 tuổi, làm giúp việc được khoảng 5-6 năm.
Chị ấy thường than vãn chủ nhà khó tính, cảm thấy nghề giúp việc quá bạc bẽo, như làm dâu trăm họ”.
Mỗi ngày, người phụ nữ ấy đều phải thức dậy từ sáng sớm. Dù bụng đói meo nhưng bà vội vàng chuẩn bị bữa sáng cho chủ nhà và em bé. Đến lúc chủ đi làm, em bé no bụng, ngồi chơi, bà mới ăn vội bữa sáng.
Cả ngày vật lộn với vô số việc nhà, chăm sóc em bé, tối đến bà cũng chẳng được ngủ yên. Hễ em bé quấy khóc, vợ chồng chủ nhà lại nhiếc mắng, trách bà làm không tốt, gây ồn ào.
Công việc không dứt từ tháng này qua tháng nọ, thậm chí bà xin nghỉ vài ngày về thăm gia đình cũng bị chủ nói ra nói vào, bằng mặt không bằng lòng.
“Mỗi lần xin nghỉ phép, chủ nhà đều bảo sẽ đuổi việc hoặc trừ lương. Khổ lắm nhưng chị ấy không dám xin nghỉ. Họ trả lương hơn 13 triệu đồng/tháng thì vắt chày ra nước cũng không lạ”, bà Loan cảm thán.
Gặp chủ “trùm sò”, người giúp việc khóc ròng
Chị Huỳnh Mỹ (40 tuổi, quê Nghệ An) cũng đang giúp việc cho một gia đình ở cùng chung cư với bà Loan.
Video đang HOT
Nhà chủ không có trẻ con, chị Mỹ chỉ phục vụ một người già 75 tuổi. Tranh thủ lúc đưa chủ xuống sân chung cư dạo mát, chị tâm sự khá nhiều với các đồng nghiệp.
Chị Mỹ kể: “Chủ nhà yêu cầu tôi không được xem điện thoại trong giờ hành chính. Tuyệt đối không được cầm lấy điện thoại, chứ không chỉ cấm xem mạng xã hội, video… đâu.
Sau giờ hành chính, tôi mới được xem điện thoại, nhiều lúc bỏ lỡ cuộc gọi của người nhà. Buồn lắm nhưng phải cố gắng, mình không có trình độ, xin việc rất khó”.
Người thuê cũng không cho phép chị Mỹ nghỉ, trừ khi có việc ma chay hiếu hỷ. Đòi hỏi khắt khe nhưng chị chỉ nhận được 6,5 triệu đồng/tháng.
“Tôi không biết lý do tại sao chủ lại yêu cầu như thế, chắc họ muốn bóc lột sức lao động”, chị Mỹ ấm ức.
Tuy nhiên, trường hợp của chị Mỹ còn dễ thở hơn hoàn cảnh bà Trần Thị Xoan (58 tuổi, quê Quảng Ngãi). Bà mới làm việc được 4 tháng mà hội giúp việc của cả chung cư đều xót xa.
Nhiều người giúp việc bị chủ nhà mắng mỏ, dò xét. Ảnh minh hoạ: Pexels
Bà Xoan thường bị chủ nhà mắng mỏ khi cố giải thích tại sao làm sai lời dặn.
“Chị giúp việc thì suốt đời cũng là giúp việc, đừng dạy đời người khác”, câu nói của chủ nhà khiến bà Xoan ám ảnh.
Chưa kể, chuyện ăn uống của bà Xoan cũng bị chủ “dòm ngó”. Họ cho gì ăn nấy, đong đếm từng chút. Chủ “trùm sò”, keo kiệt, bắt người giúp việc phải sống đúng ý.
“Ban ngày không nói, đến đêm đi ngủ, tôi mở cây quạt cũng không cho, kêu ra ngoài phòng khách nằm”, bà Xoan ứa nước mắt.
Thương bà Xoan, mấy đồng nghiệp khác gọi bà ra ngoài, xuống sân chung cư để cho thức ăn. Bà phải ăn xong mới dám quay trở lên nhà chủ.
Nỗi sợ lớn nhất của hội giúp việc tại chung cư này là chủ nhà thích chửi. Chủ thường lấy người giúp việc ra để trút giận.
“Chuyện ở đâu, họ đem về nhà, rồi trút lên đầu người giúp việc. Có lúc, tôi nhìn thôi mà họ cũng chướng mắt, chửi xối xả”, bà Xoan uất ức.
Những câu chuyện phiếm, vài lời động viên, phần nào giúp người làm nghề giúp việc giải tỏa ẩn ức. Họ thương nhau đến nỗi người được chủ đối xử tốt cũng không dám khoe, sợ đồng nghiệp tủi thân.
Tên nhân vật đã được thay đổi.
Xem nhật ký của người giúp việc, cô chủ hiểu tại sao con trai của bà giàu có
Được người giúp việc cho xem nhật ký, tôi hiểu tại sao con trai của bà lại trở thành giám đốc giàu có.
Năm tôi 16 tuổi, bố mẹ dẫn cô Hoa, một người phụ nữ có vẻ ngoài khắc khổ về nhà. Bố mẹ thuê cô ấy giúp việc nhà và chăm sóc ông nội tôi.
Ông tôi là một trí thức giàu có về kiến thức lẫn tài sản. Bà tôi mất sớm, ông một mình nuôi nấng con trai.
Sau cơn tai biến nhẹ, việc đi lại của ông có phần bất tiện. Con cái bận bịu kinh doanh, cháu nội là tôi thì vùi đầu vào việc học, không thể chăm ông chu đáo.
Những ngày đầu về nhà tôi, cô Hoa làm việc rất chăm chỉ. Ảnh minh họa: Pexels
Qua vài lần đổi người giúp việc, bố mẹ tôi được người quen giới thiệu cô Hoa.
Lúc đầu, bố mẹ tôi cũng không mấy tin tưởng, thường bảo tôi vừa học vừa theo sát hoạt động của cô Hoa. Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng làm việc, cô Hoa khiến bố mẹ tôi hài lòng, được ông nội hết lời khen ngợi.
Làm hết việc nhà, chăm ông chu đáo, cô lại sang phòng trò chuyện và hỏi han việc học của tôi. Thấy tôi có sách hay hoặc cách học hiệu quả, cô cẩn thận ghi chép tên sách, phương pháp vào một quyển sổ nhỏ.
Mỗi lần nghỉ tết về quê, cô quay lại nhà tôi kèm theo cuốn sổ mới. Tôi đoán cô ghi chép để mua, đưa về cho các con.
Ông tôi không tiện đi lại nhưng luôn là kho kiến thức đối nhân xử thế và kinh nghiệm thương trường. Bởi vậy, nhiều học trò, người quen... thường đến nhà nhờ ông tư vấn.
Tôi để ý mỗi lần ông tiếp khách, cô Hoa loay hoay lo trà nước, bánh mứt nhưng không quên cầm theo quyển sổ, ghi chép gì đó rất vội.
10 năm sau, tôi kết hôn và theo chồng sang Mỹ định cư, còn cô Hoa vẫn làm giúp việc cho bố mẹ tôi.
Sau khi ông qua đời, bố mẹ tôi quý mến, muốn cô ở lại bầu bạn, chăm lo chuyện cơm nước.
Đầu năm nay, tôi quyết định đưa các con về Việt Nam sinh sống. Hôn nhân của tôi tan vỡ do chồng không chung thủy.
Về nhà bố mẹ, tôi như trở về thuở còn bé bỏng, cho phép bản thân yếu đuối. Thấy tôi suốt ngày ủ rũ, cô Hoa kéo tôi về phòng của cô tâm sự.
Lần đầu bước vào căn phòng gia đình dành cho người giúp việc, tôi bất ngờ, tròn mắt khi thấy một tủ sách nho nhỏ.
Biết tôi lấy làm lạ, cô giải thích: "Những lúc rảnh rỗi, tôi thường đọc sách và có thói quen viết nhật ký".
Tiếp đó, cô vỗ nhẹ, ra hiệu bảo tôi ngồi xuống chiếc giường nhỏ. Cô bắt đầu kể thật chậm rãi về quá khứ của mình.
Học hết lớp 12, cô nghỉ học do gia cảnh khó khăn. Dù rất tiếc nuối nhưng cô chấp nhận số phận, lao vào đời mưu sinh.
Cô vay nợ đi xuất khẩu lao động, đều đặn hàng tháng gửi tiền phụ bố mẹ lo cho các em. 5 năm xa xứ, cô trở về quê với số tiền tiết kiệm cho riêng mình thật ít ỏi.
Cô lấy chồng, hôn nhân không hạnh phúc. Bị chồng bạo hành, một đêm cô ẵm con về nhà mẹ.
Không đầu hàng số phận, cô lam lũ làm thuê, nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ. Con trai học lớp 12, cô nhẩm tính tiền công làm việc không đủ cho con vào đại học.
Lúc này, cô được người quen của bố mẹ tôi gợi ý lên Hà Nội làm giúp việc. Tính tới tính lui, cô biết trước sau gì con trai cũng lên Hà Nội học nên quyết định nhận việc.
Cô nhìn tôi, nói tiếp: "Những năm sau đó, cô chủ cũng biết rồi, duy chỉ 10 năm cô ở nước ngoài thì có những việc của tôi cô không rõ".
Cô tự hào kể, sau hơn 10 năm làm thuê, con trai cô tự mở công ty, kinh doanh rất thuận lợi. Hiện tại, anh ấy xây cho cô một ngôi nhà khang trang để an dưỡng tuổi già. Thế nhưng, cô không chịu về quê, muốn được lao động cho vui.
Dù con cái thành đạt, người giúp việc của gia đình tôi vẫn không nghỉ làm hưởng phước. Ảnh minh họa: Pexels
Tôi chợt nhớ và hỏi chuyện lúc xưa cô thường ghi chép gì đó vào sổ. Cô cười, đưa cho tôi quyển nhật ký.
Tôi ngẫu nhiên lật trang giữa cuốn sổ thì đọc được những dòng tâm sự.
"Hôm nay, mình đưa cho con trai quyển số ghi chép các kiến thức về kinh doanh và kinh nghiệm sống mà ông chủ chia sẻ.
Con không chê chữ mẹ xấu, cầm lấy đọc ngấu nghiến. Không mong con giàu có, chỉ mong con trở thành người tốt, có ích cho xã hội".
Tôi gấp quyển nhật ký của cô giúp việc, nước mắt trào ra. Tôi biết mình phải cố gắng thật nhiều mới nuôi con giỏi như cô.
Độc giả Mỹ Lan
Khi nhu cầu thuê người giúp việc của các gia đình ngày càng tăng thì chuyện xoay quanh người giúp việc và chủ nhà càng phong phú, trong đó có nhiều tình huống cảm động. Nhưng cũng có những cuộc sống chung khiến đôi bên nhận về bi kịch và những tình huống dở khóc dở cười.
VietNamNet giới thiệu tuyến bài Chuyện người giúp việc để người đọc có thêm góc nhìn về mối quan hệ này.
Rơi vào nợ nần, chồng nói điều này với bố mẹ vợ khiến tôi khó chấp nhận Chồng tôi đầu tư kinh doanh thất bại nhưng anh lại không dám hỏi vay tiền của bố mẹ đẻ. Từ ngày mới về làm dâu, ông bà nội đã thẳng thừng tuyên bố: Sau này có con, hai vợ chồng tự thuê giúp việc hoặc nhờ nhà ngoại. Bố mẹ già chỉ thỉnh thoảng lên chơi, không nhận nhiệm vụ trông cháu....