Nữ giám đốc lừa cả ngân hàng
Để nuôi công ty, Đồng Thị Bích Hồng đã “phù phép” hóa đơn “rút ruột” ngân hàng. Chưa hết, nữ giám đốc này còn chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của một số tổ chức, cá nhân khác.
Bằng nhiều thủ đoạn lừa đảo, Đồng Thị Bích Hồng đã chiếm đoạt
hơn 30 tỷ đồng của 4 tổ chức và cá nhân
Dù rất “bản lĩnh” trong hàng loạt hành vi táo tợn, nhưng khi đứng trước vành móng ngựa, Đồng Thị Bích Hồng (SN 1968, trú ở phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) – Giám đốc Công ty CP Sản xuất và thương mại Tây Sơn lại tỏ rõ sự yếu đuối. Ngay khi HĐXX còn chưa chính thức bước vào phòng xử án, Hồng đã nức nở. Nữ giám đốc Công ty này bị cáo buộc cùng lúc phạm hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với khung hình phạt lên đến tù chung thân.
Video đang HOT
Tài liệu truy tố Đồng Thị Bích Hồng thể hiện, năm 2002, đối tượng thành lập Công ty CP Sản xuất và thương mại Tây Sơn (gọi tắt là Công ty Tây Sơn) với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và buôn bán các sản phẩm về giấy. Sau gần 8 năm hoạt động, công ty của Hồng đứng trước bờ vực phá sản vì ngập ngụa trong nợ nần. Để xoay chuyển tình thế, năm 2010, Hồng ký hợp đồng cung cấp một số mặt hàng cho hệ thống Siêu thị BigC tại Hà Nội và Hải Phòng. Trên cơ sở đó, Hồng đến Ngân hàng TMCP Á Châu ( ACB) – chi nhánh Hà Nội đặt vấn đề và được chi nhánh ngân hàng này chấp thuận bao thanh toán với hạn mức tối đa 14 tỷ đồng, trong thời hạn 12 tháng. Theo thỏa thuận giữa Hồng và Ngân hàng ACB thì tài sản bảo đảm là nghĩa vụ trả tiền của hai Siêu thị BigC đối với hợp đồng mua hàng của Công ty Tây Sơn, trị giá hơn 15,5 tỷ đồng. Để được giải ngân thì ngoài hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác, công ty của Hồng còn phải cung cấp cho ngân hàng một số chứng từ khác cùng hóa đơn GTGT.
Sau khi nắm được quy trình, quy định “xuất tiền”, dù hợp đồng mua bán bánh kẹo giữa Công ty Tây Sơn và hai Siêu thị BigC đã bị vô hiệu hóa, nhưng Hồng vẫn chỉ đạo nhân viên lập khống 15 hóa đơn GTGT. Trên đó thể hiện, Công ty Tây Sơn đã bán nhiều lô hàng cho doanh nghiệp chuyên bán lẻ hàng hoá tới tay người tiêu dùng với tổng trị giá hơn 29 tỷ đồng. Trong số hóa đơn khống này thì 7 hóa đơn thể hiện Siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) đã “mắc nợ” Công ty Tây Sơn 23 tỷ đồng. Còn 8 hóa đơn tiếp theo cho thấy Siêu thị BigC tại Hải Phòng chưa thanh toán khoản tiền hàng trị giá gần 6,3 tỷ đồng. Có được “bảo bối” trong tay, Hồng đến Phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt của Ngân hàng ACB đề nghị giải ngân hơn 10 tỷ đồng. Và thực tế từ ngày 31-5 đến 2-8-2010, nữ giám đốc Công ty Tây Sơn đã “ẵm” gọn số tiền trên của Ngân hàng ACB. Hết thời hạn bao thanh toán cho Hồng, phía ngân hàng mới hay hai Siêu thị BigC không hề mua bán gì với Công ty Tây Sơn theo nội dung trên hóa đơn và người ký nhận trong các hóa đơn cũng không phải là nhân viên của BigC. Kết quả điều tra sau này xác định, toàn bộ 15 hóa đơn GTGT do Công ty Tây Sơn phát hành đều là chứng từ giả.
Tại phiên tòa hôm qua (22-10), Đồng Thị Bích Hồng hoàn toàn thừa nhận hành vi gian dối đối với Ngân hàng ACB như nêu trên. Về số tiền này, bị cáo khai nhận chiếm hưởng một mình, không ăn chia với ai và đã dùng để trả nợ hoặc chi tiêu cá nhân hết. Bên cạnh thủ đoạn “rút ruột” Ngân hàng ACB, trước tòa, bị cáo còn khai từ năm 2008 đến 2009, Hồng cùng người chồng (đã ly hôn) nhiều lần vay của ông Triệu Tiến Hùng (trú ở quận Đống Đa) 923.000 USD và 147 triệu đồng, tương đương hơn 15,6 tỷ đồng. Tháng 9-2009, ông Nguyễn Thành Trung (ở quận Thanh Xuân, nhân viên một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội) cũng cho Hồng mượn 2 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng. Chưa hết, tháng 9-2010, Hồng tiếp tục “ăn không” của Công ty Thương mại và đầu tư Hà Nội hơn 3,2 tỷ đồng, trong một vụ hợp tác làm ăn… Tương tự phi vụ lừa đảo ngân hàng, toàn bộ số tiền chiếm đoạt ở hành vi lạm dụng tín nhiệm, nữ giám đốc Công ty Tây Sơn dùng để giải quyết nợ nần trước đó và tiêu xài một mình. Tổng cộng, Đồng Thị Bích Hồng đã chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng của 4 tổ chức và cá nhân. Sau khi tẩu tán khối tiền khổng lồ, bị cáo vào TP Hồ Chí Minh nhờ người đứng ra thuê một căn hộ để lẩn trốn. Tuy nhiên, tháng 5-2012, Hồng đã bị cơ quan CSĐT – Bộ Công an bắt giữ theo lệnh truy nã.
Quá trình bị tòa thẩm vấn, nữ giám đốc Công ty Tây Sơn đều nhận hết tội lỗi về mình và khẳng định không có ai đồng phạm hay giúp sức. Tuy nhiên, xét thấy cần thiết phải làm rõ một số tình tiết xoay quanh việc lập khống hóa đơn GTGT và việc giao nhận tiền giữa Đồng Thị Bích Hồng với những người liên quan nên TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo ANTD
Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ như thế nào
Nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc đã sử dụng 8 con dấu giả để lập chứng từ, hợp đồng chiếm đoạt số tiền cực lớn của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân.
Ngày 18/10, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố bị can Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP HCM về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank TP HCM, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan vụ án, 21 bị can khác bị truy tố theo các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cho vay lãi nặng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại TP HCM và TP Hà Nội. Trong số này có hơn 13 nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng cùng thuộc Vietinbank và phòng Giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, TP HCM.
Như (đánh dấu X) và các đồng phạm trong vụ án.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã thuê làm giả 8 con dấu để tạo lập các giấy tờ chứng từ, hợp đồng và trả lãi suất cao huy động tiền của các tổ chức, cá nhân, chiếm đoạt tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Võ Anh Tuấn bị cáo buộc giúp sức tích cực cho Như trong việc huy động tiền của các ngân hàng gửi thông qua một số công ty trách nhiệm hữu hạn. Biết Như giả mạo danh nghĩa Vietinbank huy động tiền, Tuấn đã tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt gần 1.600 tỷ đồng của 4 công ty. Trong quá trình huy động tiền của các đơn vị, cá nhân; Tuấn được Như chuyển cho 10 tỷ đồng qua Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Khải để Tuấn đầu tư xây dựng nhà máy lau bóng gạo tại An Giang. Số tiền này theo Như khai là số tiền thu lợi từ việc Tuấn đưa cho Như 500 triệu đồng để kinh doanh chứng khoán, bất động sản từ năm 2007. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng thực chất đây là tiền Như lừa đảo chiếm đoạt được và chia cho Tuấn.
Ngoài ra, theo cơ quan chức năng, bị can Huỳnh Hữu Danh, nguyên nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế (VIB) Chi nhánh TP HCM đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Như giới thiệu đến Ngân hàng VIB vay hơn 480 tỷ đồng. Danh bị cáo buộc không làm đúng trách nhiệm kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo; tin tưởng các xác nhận phong toả tài sản đảm bảo do Như chuyển cho dẫn đến việc Như lừa đảo, chiếm đoạt 180 tỷ đồng.
Liên quan vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố 6 bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, được tách ra trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên).
Về vật chứng và tài sản thu giữ trong vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu 8 con dấu giả; kê biên, thu giữ tài sản các loại trị giá hơn 624 tỷ đồng; gần 157.000 euro, trên 217 tỷ đồng; 7 sổ tiết kiệm trị giá 30 tỷ; 4 ôtô trị giá 5 tỷ đồng; kê biên 20 bất động sản trị giá 361 tỷ đồng...
Theo Công an nhân dân
Ngày mai 2-10: Xét xử vụ án trốn thuế tại Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam Theo thông báo của TAND TP Hà Nội, ngày mai 2-10, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án trốn thuế xảy ra tại Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, có trụ sở tại nhà A9-D5, phố Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo hồ sơ của Toà án, năm 2012,...