Nữ điều tra viên được triệu tập đến phiên xử Phạm Công Danh
Để làm rõ việc chưa thu hồi 6.100 tỷ thiệt hại trong đại án Phạm Công Danh, điều tra viên vụ án được triệu tập đến tòa.
Sáng 12.1, trước khi tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và người liên quan để làm rõ khoản vay 4.700 tỷ đồng tại BIDV, do ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm thực hiện, VKSND TP.HCM mời điều tra viên vụ án hỏi về vấn đề thu hồi thiệt hại.
Đại diện VKS cho biết, trước đó VKSND Tối cao yêu cầu thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB để khắc phục hậu quả, song cơ quan điều tra chưa thực hiện. Do đó, VKS đề nghị cùng HĐXX tiếp tục điều tra làm rõ tại tòa nhằm xác định các khoản tiền phải thu hồi.
Trong đơn VKSND Tối cao gửi Cơ quan điều tra Bộ Công an yêu cầu làm rõ 5 vấn đề. Ở nội dung thứ 5 yêu cầu thu hồi số tiền hơn 6.100 tỷ đồng.
Trả lời VKS, điều tra viên Tăng Thị Nga – trực tiếp điều tra vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm – cho biết có nhận được công văn của VKSND Tối cao. Quá trình điều tra đã xác định số tiền thiệt hại thông qua các khoản vay của ông Danh tại các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.
Bà Tăng Thị Nga trả lời cơ quan công tố. Ảnh: Hải Duyên
“Viện KSND Tối cao xác định số tiền này là tang vật vụ án nên phải thu hồi nhưng không nêu rõ cơ chế thu hồi nên đến nay cơ quan điều tra chưa thực hiện được”, bà Nga nói.
Trong buổi làm việc chiều 11.1, đại diện VKS cho biết, cơ quan tố tụng đã chứng minh đường đi của khoản tiền 1.800 tỷ đồng (ông Danh mang đi thế chấp vay của Sacombank) đã được dùng để trả cho BIDV. Công tố viên cũng đặt vấn đề này với ông Đoàn Ánh Sáng (Phó tổng giám đốc BIDV) rằng, giả sử tiền này được xác định là “tiền do ông Danh phạm tội mà có” thì ý kiến của nhà băng thế nào.
Ông Sáng không trả lời câu hỏi này, chỉ khẳng định BIDV đã thu nợ của VNCB theo quy định. Đại diện VKS cho biết “sẽ kiến nghị HĐXX thu hồi số tiền này để khắc phục hậu quả vụ án”.
Trước đó, VKS cũng đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra làm rõ tại tòa về hành vi của một số người liên quan việc làm hồ sơ khống và thủ tục phê duyệt cho ông Danh vay tiền tại các ngân hàng để “không bỏ lọt tội phạm”.
Theo cáo trạng, quá trình điều tra một số lãnh đạo, cán bộ các ngân hàng có liên quan đến việc phê duyệt hồ sơ cho các công ty của ông Danh vay tiền. Tuy nhiên, các ngân hàng này đều thu hồi hết nợ, những người liên quan không biết các công ty vay là do ông Danh thành lập nhằm mục đích rút tiền trái phép của VNCB, nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Là người đầu tiên được mời lên thẩm vấn về việc làm hồ sơ khống dùng tiền của VNCB vay 4.700 tỷ đồng của BIDV gây thất thoát cho VNCB 2.550 tỷ đồng, Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cho biết, thời điểm 2013 HĐQT đang cần tiền để tăng vốn điều lệ tạo uy tín vị trí mới thuận lợi cho việc kinh doanh.
Ông Mai cho biết, sau khi vay của BIDV 4.700 tỷ đồng, VNCB đã đưa 4.200 tỷ đồng vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên việc tăng vốn này không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Dù Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận phương án này của VNCB, nhưng Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An vẫn thay đổi giấy phép kinh doanh cho VNCB tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng.
Về vấn đề này, đại diện Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Long An cho biết, việc cấp phép kinh doanh mới cho VNCB đã áp dụng các quy định của pháp luật về một doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của một ngân hàng nên Sở có sai sót. Ông này cung cấp cho tòa tài liệu thể hiện đã thu hồi việc thay đổi giấy phép kinh doanh cho VNCB.
Ông Phạm Công Danh. Ảnh: Quỳnh Trần
Ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc sử dụng 29 lượt pháp nhân các công ty do mình thành lập hoặc đi mượn lập hồ sơ khống vay tiền của nhiều ngân hàng. Do các công ty này không có hoạt động kinh doanh, ông phải dùng tiền của VNCB để thế chấp cho các khoản vay dẫn đến thiệt hại cho nhà băng hơn 6.100 tỷ đồng.
Trong đó, ông vay của Sacombank 1.800 tỷ đồng, TPBank 1.600 tỷ đồng và BIDV 4.700 tỷ đồng.
Những con số trong đại án Trầm Bê – Phạm Công Danh. Nguồn: Zing
Theo Hải Duyên (VNE)
Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm bất ngờ nộp đủ 13 tỷ cáo buộc tham ô
Mặc dù chưa có phán quyết cuối cùng của toà trong vụ Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm tham ô 13 tỷ đồng, trong đó có khoản 4 tỷ mà Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo thuộc cấp đưa cho tiêu Tết, nhưng Thanh cùng đồng phạm đã nộp lại đủ số tiền này cho Cục Thi hành án.
Trịnh Xuân Thanh - "thuyền trưởng" PVC ngày nào - bị cáo buộc cùng đồng phạm tham ô số tiền 13 tỷ đồng và đã khắc phục hậu quả.
Theo thông tin của phóng viên Dân Trí, vào chiều 11.1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, đã nộp thêm 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Tổng cộng 2 lần Thanh đã nộp đủ 4 tỷ đồng - số tiền mà cơ quan tố tụng cáo buộc Thanh tội tham ô tài sản.
Trước đó, sáng 11.1, trả lời phần thẩm vấn của các luật sư xoay quanh cáo buộc của cơ quan tố tụng về Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm đã tham ô số tiền 13 tỷ đồng, tại phiên toà, Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc mình đã ngồi tại phòng làm việc bàn bạc với các thuộc cấp để rút số tiền 13 tỷ đồng đi đối ngoại và tiêu Tết.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp - luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh - cho hay: "Mặc dù chưa có phán quyết cuối cùng của toà án rằng thân chủ tôi - Trịnh Xuân Thanh là người có tội, nhưng ông ấy đã ý thức được trách nhiệm của mình là người đứng đầu PVC nên thông qua gia đình, ông ấy đã nộp đủ nốt 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả".
Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp - người bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Luật sư Lê Văn Thiệp cho biết thêm, ngoài Trịnh Xuân Thanh thì nhóm bị cáo bị buộc tội tham ô tài sản cũng đã tiến hành nộp đủ tổng số tiền 13 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó tổng giám đốc PVC thông qua gia đình nộp đủ số tiền 3,6 tỷ đồng; bị cáo Lương Văn Hòa - nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch đã nộp số tiền hơn 2 tỷ đồng; bị cáo Lê Thị Anh Hoa - Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa đã khắc phục vượt quá số tiền chiếm hưởng gần 200 triệu đồng trên tổng số tiền chiếm hưởng là 770 triệu đồng (Hoa đã bán nhà khắc phục được 980 triệu đồng).
Luật sư Thiệp cho biết, theo đánh giá của VKSND thành phố Hà Nội thừa ủy quyền VKSND Tối cao thì hậu quả của vụ án tham ô tài sản về cơ bản đã được khắc phục...
Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, việc đại diện VKSND thành phố Hà Nội đề nghị mức án tù chung thân với Trịnh Xuân Thanh là quá nghiêm khắc so với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...
Từ trái qua phải: Bùi Mạnh Hiển, Nguyễn Đức Hưng, Nguyễn Anh Minh.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm lập khống hồ sơ, chứng từ thi công 4 hạng mục phục vụ thi công các hạng mục chính của Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng, trong đó Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng.Vũ Đức Thuận chiếm hưởng 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh chiếm hưởng hơn 3,6 tỷ đồng, Bùi Mạnh Hiển chiếm hưởng 400 triệu đồng, Lương Văn Hòa chiếm hưởng gần 760 triệu đồng, Lê Thị Anh Hoa và Nguyễn Thành Quỳnh chiếm hưởng hơn 1,9 tỷ đồng (trong đó sử dụng gần 1,2 tỷ đồng để nộp thuế GTGT). Số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển chiếm hưởng sử dụng chung.Về tội tham ô tài sản, chiều 11.1, vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà đã đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Trịnh Xuân Thanh: tù chung thân; Vũ Đức Thuận: 18 - 19 năm tù; Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC): 18-19 năm tù; Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC): 13-14 năm tù; Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC): 13-14 năm tù; Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, TCT CP Miền Trung): 8-9 năm tù; Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Cty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 30-36 tháng tù treo, thử thách 5 năm; Nguyễn Đức Hưng (nguyên Kế toán trưởng Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 30-36 tháng tù treo; Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch của Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC): 30-36 tháng tù treo; Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật Ban ĐHDA Vũng Áng - Quảng Trạch): 30-36 tháng tù treo.
Con số đáng chú ý trong phiên xử ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Nguồn: Zing
Theo Tuấn Hợp (Dân Trí)
Luật sư cho rằng ông Đinh La Thăng không phạm tội cố ý làm trái... Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, thân chủ của mình không thỏa mãn các dấu hiệu chủ quan, khách quan cấu thành tội "Cố ý làm trái...". Trong khi đó, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị VKS chỉ ra mức độ giới hạn giữa Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) với Ban giám đốc để xem xét trách nhiệm ông...